Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trì Thế

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM SÁU

PHẨM BỐN NIỆM XỨ
 

Phật bảo Bồ Tát Trì Thế: Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ bốn niệm xứ?

Đại Bồ Tát quán sát bốn niệm xứ: Thuận thân quán thân, thuận thọ quán thọ, thuận tâm quán tâm, thuận pháp quán pháp.

Thế nào là thuận thân quán thân. Thuận thọ, tâm, pháp, quán thọ, tâm, pháp?

Này Bồ Tát Trì Thế! Khi Đại Bồ Tát thuận thân quán thân là quán tướng như thật của thân, nghĩa là quán thân này là vô thường, khổ, như bệnh, như ung nhọt, tướng của nó biến đổi, hư hoại, khổ não, buồn lo. Thân này bất tịnh, đáng ghét, trong đó tràn đầy những thứ nhơ nhớp, chín lỗ bài tiết thường tuôn ra những thứ dơ bẩn.

Thân này nhơ nhớp giống như hầm xí. Khi quán thân như vậy, thân này chẳng có được một mảy may sạch sẽ, không có một chỗ nào là không đáng gớm. Thân này do các dây gân ràng rịt, xương cốt và da thịt bao bọc. Từ nhân duyên quả báo của đời trước phát sinh nghiệp, bị trói buộc trong tập và thủ.

Thế nào là tập?

Thế nào là thủ?

Nghĩa là từ nhân duyên đời trước mà có ra thân này, đó gọi là thủ. Nay nhờ vào các việc ăn uống, tắm rửa, y phục, giường nằm, mền nệm, thuốc thang, đó gọi là tập. Nhân duyên trong hiện tại như vậy đều bị trói buộc do tập và thủ. Lại do sức nơi quả báo của nghiệp đời trước nên có hoạt dụng. Lại nữa, thân này do bốn đại tạo thành không có thật tướng nhất định, thuộc về sắc ấm, thường gọi là thân.

Sao gọi là thân?

Vì hay có sự tạo tác nên gọi là thân, là chỗ nương tựa của tham chấp nên gọi là thân, vì tùy ý hoạt dụng nên gọi là thân, từ nhớ tưởng phân biệt sinh ra nên gọi là thân, hợp cùng với nghiệp nên gọi là thân. Thân này không lâu sẽ trở về chỗ hư hoại, tướng của nó thay đổi, không thường, không nhất định. Thân này không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở trung gian. Thân không biết thân, cũng không thấy thân.

Thân này không tạo tác, không hành động, không cầu, cũng không có tâm, không khác gì với cỏ cây, ngói đá… không có tướng nhất định của thân trong thân. Đó là chánh quán về thân. Biết nó không có tác giả, cũng không có người sai khiến.

Thân này không có đời trước, đời giữa, đời sau. Thân này không có một tướng bền chắc, thường hằng nhất định nào, như đám bọt nước không thể nắm bắt. Thân này là chỗ ở của tám vạn loài trùng. Thân này bị trăm loại các thứ bệnh làm tổn hại. Do ba thứ khổ nên thân này là khổ, không có cứu được, đó là khổ khổ, hành khổ, hoại khổ. Thân này là dụng cụ chứa các thứ khổ.

Khi chánh quán thân như vậy, ai tư duy thân này không phải của ta, không phải của người, không được tự tại, không được tùy ý, dầu là làm thiện hay không làm thiện cũng như vậy. Thân này không có nguồn gốc, không thể có được pháp nhất định. Tánh của thân là không, không một tướng nhất định nào.

Thân này được phát sinh do hư vọng, lệ thuộc vào pháp mà hành động, theo nhân duyên của nghiệp quả đời trước mà sinh khởi. Đối với thân không nên sinh tưởng có ngã và ngã sở. Chúng ta không nên tham tiếc mạng sống của thân này.

Bồ Tát khi quán như vậy, không thủ đắc sự hợp hay tan của thân. Cũng không thấy thân từ chỗ nào đến, đi về đâu và trụ ở chỗ nào, không phân biệt quá khứ, vị lai, hiện tại của thân này, thì liền không nương tựa thân mạng, không tham tiếc thân, cho là ngã, ngã sở, nên thường xa lìa cảm thọ về thân.

Bồ Tát này quán thân là không, không có ngã, ngã sở. Trong thân này, ngã và ngã sở là không thể thủ đắc nên tướng của thân cũng là không thể thủ đắc. Bồ Tát này nếu không thủ đắc tướng thân thì không mong cầu nhập thân, vì thân không khởi tác đạo.

Thế nào là nhập?

Thân này không người tạo tác, không người sinh khởi, thân này không có tướng tạo tác, sinh khởi mà từ các nhân duyên sinh ra. Các nhân duyên này hòa hợp thành thân, nhưng các nhân duyên này cũng hư dối không có thật, tương ưng với điên đảo, không bền chắc. Cũng do nhân duyên nên thân này được sinh ra, nhân duyên này cũng không sinh, không tướng.

Quán thân như vậy tức là đi vào trong thân không tướng sinh. Vào xong, quán thân không có tướng. Do chánh quán thân không có tướng, biết thân này không tướng, vì tướng không thể thủ đắc nên vô sinh, tướng quá khứ, vị lai, hiện tại của thân này là không thể thủ đắc.

Vì sao?

Vì thân này không nguồn gốc, không thể có được pháp nhất định, cũng không tìm được thân hoặc đây hoặc kia. Khi quán như vậy, biết thân không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, liền đi vào cảnh giới bất sinh, bất diệt.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát quán thân, nhập thân tướng như thật thì đối với thân dục nhiễm liền làm cho chánh niệm an trụ trong thân, gọi đó là thuận thân quán thân.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát thuận thọ quán thọ?

Đại Bồ Tát quán khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ, thấy ba thọ này không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Chỉ là sự tập hợp của nhân duyên hư vọng, quả báo nghiệp đời trước duy trì, tương ưng với điên đảo.

Biết các thọ hư vọng, từ nhớ tưởng phân biệt sinh ra. Bồ Tát quán các thọ như vậy, chẳng được thọ quá khư, vị lai, hiện tại. Bồ Tát thấy thọ quá khứ, vị lai, hiện tại là không, không có ngã, ngã sở, vô thường, không bền chắc, tướng của nó luôn thay đổi.

Quán các thọ như vậy ở quá khứ là không tướng, là tướng tịch diệt, là tướng vô tướng. Quán tướng các thọ vị lai là không, không có ngã và ngã sở, vô thường, không bền chắc, tướng luôn thay đổi. Quán tướng các thọ trong vị lai là không tướng, là tướng tịch diệt, là tướng vô tướng.

Khi Bồ Tát quán như vậy, suy nghĩ: Các thọ không có tướng nhất định, không nguồn gốc, không phải là pháp nhất định, vì không phải là pháp tương tợ nên luôn luôn sinh diệt, không có lúc nào dừng.

Bồ Tát nghĩ: Các thọ này không tạo tác, cũng không có người tạo tác, chỉ do tâm của phàm phu tương ưng với điên đảo nên sinhh khởi. Ba loại thọ thuộc nghiệp nhân đời trước, hợp cùng với duyên đời nay nên có ra các thọ này.

Các thọ này là không, không bền chắc, là pháp hư vọng, giống như nắm đấm giữa hư không. Quán thọ như vậy, tâm được trụ một chỗ. Bấy giờ Bồ Tát thông đạt tướng diệt mất của tập hợp các thọ, thấy các thọ không hợp, không tan, lại cũng không thấy thọ trong thọ.

Bồ Tát suy nghĩ: Các thọ là không tánh nên liền thông đạt tướng vô sinh của các thọ. Các thọ này không sinh, không diệt, không tướng thành. Các thọ này đều không tướng, không có tướng thành. Tư duy như vậy thì khi thọ nhận các thọ hoàn toàn không đắm chấp. Thấy biết như thật tướng các thọ, xa lìa các sự cảm thọ, đối với các sự cảm thọ này cũng không đắm vướng. Đối với các thọ mà tâm phóng xả thì mau chóng được Tam Muội xả.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát thuận thọ quán thọ như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Sao gọi là Đại Bồ Tát thuận tâm quán tâm?

Đại Bồ Tát quán tướng của tâm sinh, trụ, dị, diệt.

Khi quán như vậy, suy nghĩ: Tâm ấy không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, chỉ do thức duyên với tướng nên sinh ra, không nguồn gốc, không có pháp nhất định nào có thể thủ đắc. Tâm này không đến, không đi, không trụ, không dị, không có thể đắc.

Tâm này không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Tâm này do thức duyên theo nhớ nghĩ mà sinh khởi. Tâm này không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian. Tâm này không có một tướng sinh, tâm này không tánh, không định, không người sinh, không người khiến sinh, vì khởi tạp nghiệp nên gọi là tâm, vì có thể biết duyên nên gọi là tâm, do niệm niệm sinh diệt tiếp nối không dứt nên gọi là tâm.

Vì chỉ muốn khiến cho chúng sinh thông đạt tướng của tâm duyên nên không có tướng của tâm trong tâm. Tâm này từ xưa đến nay tánh thường thanh tịnh, không sinh không khởi. Vì nhiễm phiền não của khách trần nên có phân biệt. Tâm không biết tâm, cũng không thấy tâm.

Vì sao?

Vì tâm này là không, tự tánh của nó là không, không có nguồn gốc nên tâm này không có pháp nhất định. Vì pháp định đắc nên tâm này không có pháp hợp hay tan. Tâm này không có đời trước, đời giữa, đời sau. Tâm này vô hình, không thể thấy, tâm không tự thấy, không biết tự tánh, chỉ do phàm phu tương ưng với điên đảo, do hư vọng duyên với thức tướng nên sinh ra.

Tâm này là không, không có ngã, ngã sở, không thường hằng, không bền chắc, tướng của nó luôn thay đổi. Tư duy như vậy là được thuận tâm niệm xứ. Bấy giờ người này không phân biệt là tâm, là phi tâm, chỉ biết tướng vô sinh của tâm, thông đạt tâm này là tánh vô sinh.

Vì sao?

Vì tâm không có tánh nhất định, cũng không có tướng nhất định. Người trí thông đạt tâm này không sinh, không tướng. Khi ấy quán sát như thật về tướng sinh diệt của tâm, khi quán sát như vậy không tìm được tướng sinh hay diệt của tâm, không còn phân biệt tâm diệt hay bất diệt, mà có thể đạt được tướng tâm chân thật, thanh tịnh. Bồ Tát nhờ tâm thanh tịnh này, nên phiền não của khách trần không thể nào làm hại.

Vì sao?

Vì Bồ Tát thấy biết tướng của tâm thanh tịnh, cũng thấy biết tướng tâm của chúng sinh thanh tịnh, nên nghĩ: Tâm cấu bẩn nên chúng sinh cấu bẩn, tâm thanh tịnh nên chúng sinh thanh tịnh. Khi tư duy như vậy không tìm thấy tướng cấu bẩn của tâm hay tướng thanh tịnh của tâm. Chỉ biết tướng của tâm thường thanh tịnh.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát thuận tâm quán tâm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát thuận pháp quán pháp?

Đại Bồ Tát quán tất ca pháp không thấy ở trong, ở ngoài hay trung gian, cũng chẳng thấy các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại. Chỉ biết các pháp từ các nhân duyên sinh ra mà sinh khởi điên đảo, các pháp không có tướng nhất định, nghĩa là các phap này thuộc người. Bản thể các pháp là ở trong các pháp không có các pháp. Các pháp không ở trong, ở ngoài hay trung gian. Các pháp không hợp cũng không lìa với các pháp.

Tất cả pháp không nguồn gốc, không có tướng nhất định. Các pháp không thật có nên không hành động, không tạo tác. Tất cả pháp như hư không, vì không có thật. Tất cả pháp hư dối như huyễn vì tướng như huyễn không thật có.

Tất cả pháp là tướng thường tịnh, vì hoàn toàn không nhơ. Tất cả pháp là tướng không thọ, vì các thọ không thật có. Tất cả pháp như mộng, vì tánh mộng không thật có. Tất cả pháp không có hình, vì hình không thật có.

Tất cả pháp như bóng, vì tánh thường không co. Tất cả pháp không danh, không tướng, vì danh tướng không thật có. Tất cả pháp như tiếng vang, vì hư vọng tạo ra, không có thật. Tất cả pháp không tánh, vì tánh không thể thủ đắc. Tất cả pháp như dợn nắng, vì biết không có thật.

Khi Bồ Tát quán tất cả pháp như vậy, không thấy các pháp có một tướng hay nhiều tướng, cũng không thấy pháp hợp hay tan với pháp, cũng không thấy pháp nương trú nơi pháp. Khi quán như vậy thấy tất cả pháp không từ đâu đến, cũng không thấy chỗ dừng của tất cả pháp.

Vì sao?

Vì tất cả pháp không trụ, không nương tựa, không sinh khởi. Tất cả pháp không có chỗ dừng, vì chỗ dừng không thật có, vì chỗ dừng không nắm bắt được.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các pháp không sai khác, tất cả pháp không có tướng phân biệt. Từ các duyên điên đảo sinh ra nên có hoạt dụng, các pháp này không có nơi chốn, phương hướng. Người trí biết rõ các pháp không phải mot tướng, không phải hai tướng, không phải nhiều tướng.

Vì sao?

Này Bồ Tát Trì Thế! Vì tất cả pháp không sinh, không khởi, không tạo tác, không có tác giả. Tất cả pháp lìa nguồn gốc, tất cả pháp không có tự tánh. Vượt các tánh nên tất cả pháp không có chỗ quay về, vì các chỗ quay về không thật có. Quán các pháp như vậy, biết rõ các pháp không ngã, không nhân, quán sát các pháp không tánh, các pháp đều là không vì tánh nó tự không, các pháp vô tướng, vì không thấy tướng.

Ở trong các pháp không phát nguyện, liền quán sát tất cả pháp không sinh, nghĩ thế này: Ở trong đó thật sự chẳng có pháp sinh hay diệt. Khi quán như vậy, tâm trụ một chỗ, bấy giờ lại thông đạt được sự vô sinh của tất cả các pháp, cũng thấy biết được sự diệt tận và tập khởi của tất cả pháp, cũng có thể thể nhập nơi tất cả các pháp lìa tướng, lìa tánh.

Vì sao?

Này Bồ Tát Trì Thế! Vì tất cả pháp không có tánh nhất định. Người trí thông đạt các pháp là vô tướng, lìa tướng.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát thuận pháp quán pháp. Người quán như vậy đối với pháp không thủ đắc, không thọ nhận, đối với pháp không bị sinh, không bị trụ, không bị diệt, cho nên hành dụng mà thấy được tướng tận diệt, tướng tịch diệt của tất cả các pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó gọi là Đại Bồ Tát khéo quán sát về bốn niệm xứ.

Thế nào là bốn niệm xứ?

Niệm xứ tức là tất cả pháp không xứ, không nơi sinh khởi, không chỗ thật có. Người thể nhập vào tất cả pháp như vậy thì chánh niệm không loạn, nên gọi là niệm xứ. Lại niệm xứ là tất cả pháp không tru, không sinh, không thủ, là chỗ thấy biết như thật, gọi là niệm xứ.

***