Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trì Thế

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM TÁM

PHẨM TÁM THÁNH ĐẠO
 

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ đạo?

Đại Bồ Tát an trụ trong đạo?

Những gì là đạo?

Đó là tám phần Thánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát thực hành tám Thánh đạo?

Thế nào gọi là chứng đắc phương tiện của tám phần Thánh đạo?

Đại Bồ Tát đắc chánh kiến, an trụ nơi chánh kiến, vì muốn đoạn trừ tất cả kiến nên hành đạo. Vì đoạn trừ tất cả các kiến nên an trụ nơi đạo, cho đến đoạn trừ kiến chấp về Niết Bàn, kiến chấp về Phật.

Vì sao?

Này Bồ Tát Trì Thế! Vì tất cả kiến đều là tà kiến, cho đến kiến chấp về Niết Bàn, về Phật cũng như vậy. Vì phá tan tất cả sự tham chấp về các kiến nên gọi là chánh kiến. Lại không có các kiến, không giữ lấy các kiến, không niệm, không tham chấp, không duyên, không hành, không phân biệt tất cả các kiến, đó gọi là chánh kiến.

Dùng chánh kiến này để thấy những gì?

Nghĩa là thấy tất cả thế gian đều bị các kiến trói buộc, hư vọng, điên đảo. Khi thấy như vậy gọi là an trụ nơi việc đoạn trừ tất cả kiến. Chánh kiến cũng không niệm, không kiến, không tham chấp, phân biệt cho đến kiến chấp về Niết Bàn, kiến chấp về Phật cũng như vậy. Vì không khởi tất cả kiến nên hành đạo.

Thế nào gọi là chánh kiến?

Tất cả pháp đều vắng lặng nên tướng không sinh, không diệt, đồng với Niết Bàn. Như vậy, tất cả pháp này cũng không niệm, không phân biệt. Không niệm, không phân biệt, không hiện tiền, không chánh, không tà, không lấy, không bỏ, gọi đó là chánh kiến xuất thế gian.

Thế nào là chánh kiến xuất thế gian?

Người này không thủ đắc thế gian, không thủ đắc xuất thế gian, đã vượt khỏi thế gian, không còn phân biệt, đó gọi là chánh kiến xuất thế gian. Người chánh kiến là người thấy biết như thật về thế gian, xuất thế gian cũng như vậy.

Người này không còn phân biệt đây là thế gian, đây là xuất thế gian, đoạn trừ các vọng tưởng phân biệt, gọi là chánh kiến xuất thế gian. Người này không thấy tà, thấy chánh, đoạn tất cả ý niệm của tâm, đó gọi là chánh kiến.

Lại nữa, người chánh kiến là ở trong các pháp hoàn toàn không sai biệt nên gọi là chánh kiến. Lại nữa, người chánh kiến là thấy biet như thật về nghĩa các tà kiến. Chánh kiến là quán các tà kiến tức là bình đẳng. Đó gọi là Đại Bồ Tát an trụ nơi chánh kiến.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát trụ trong chánh kiến, biết như thật về chánh tư duy và nghĩ thế này: Tất cả tư duy đều là tà, cho đến tư duy về Niết Bàn, tư duy về Phật cũng đều là tư duy tà.

Vì sao?

Vì đoạn trừ các phân biệt, đó gọi là chánh tư duy, không còn phân biệt gọi là chánh phân biệt, đoạn trừ phân biệt là chánh phân biệt.

Vì sao?

Vì người này thấy biết tất cả tướng tư duy rồi thì không thấy có tà. Người này liền không còn phân biệt là đây, là kia, an trụ trong chánh phân biệt như vậy. Lại không còn phân biệt la chánh hay tà. Người này lìa các sự phân biệt, vượt qua các phân biệt, nên gọi là chánh tư duy.

Người chánh tư duy tức là người thấy biết, phân biệt về tất cả phân biệt đều là hư dối, không thật, từ điên đảo sinh khởi. Trong các phân biệt không có phân biệt thì người này an trụ nơi chánh tư duy, lại không phân biệt là chánh hay tà.

Lìa các phân biệt, vượt qua các phân biệt, đoạn trừ các phân biệt nên gọi là chánh phân biệt. Lúc ấy, người này ở trong tất cả phân biệt không còn bị ràng buộc, thấy biết các tánh phân biệt đều bình đẳng nên gọi là an trụ nơi chánh tư duy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát siêng năng tu tập chánh ngữ tức người ấy thấy tất cả lời nói đều hư vọng không thật, đều từ điên đảo sinh ra, chỉ từ các nhân duyên, phân biệt, tưởng nghĩ mà có.

Người ấy nghĩ thế này: Tướng ngôn ngữ trong ngôn ngữ là không thể thủ đắc, dứt bặt tất cả ngôn ngữ, biết như thật tất cả khẩu nghiệp, gọi đó là chánh ngữ.

Người có thể thấy lời nói không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, đó gọi là chánh ngữ. Khi người này an trụ trong thật tướng, những lời họ nói ra đều là chánh ngữ, nên nói an trụ trong chánh ngữ. Người này được an trụ nơi khẩu nghiệp thanh tịnh bậc nhất, cũng thấy biết các tướng của khẩu nghiệp, cũng thông đạt tất cả ngôn ngữ. Lời người này nói ra hoàn toàn không tà vạy, nên gọi là an trụ nơi chánh ngữ.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát biết rõ tất cả nghiệp đều là tà nghiệp, biết tất cả nghiệp đều hư vọng, không có thật, không tạo tác, không sinh khởi.

Vì sao?

Vì trong các nghiệp không có một tướng nhất định, diệt tất cả các nghiệp gọi là chánh nghiệp. Người chánh nghiệp là đối với nghiệp không phân biệt là tà hay chánh, vì bình đẳng đi vào các nghiệp nên không phân biệt là tà nghiệp hay chánh nghiệp, nên nói là chánh nghiệp.

Lại chánh nghiệp là nghĩa không bị ràng buộc trong ba cõi, thấy biết nghĩa như thật. Trong bình đẳng như thật lại không có phân biệt là tà, là chánh. Bồ Tát hành chánh nghiệp như vậy, là thấy biết như thật nơi tất cả nghiệp. Đối với các pháp không lấy không bỏ, nên gọi là hành chánh nghiệp, trong chánh nghiệp không có tà nghiệp. Người này vì thấy biết như thật nên nói an trụ nơi chánh nghiệp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ tất cả các mạng đều là tà mạng?

Vì sao?

Vì nếu có tướng mạng, tướng pháp, tướng thủ, cho đến tướng Niết Bàn, tướng Phật, tướng pháp Phật thanh tịnh, an trụ trong đó mà cho là mạng thanh tịnh đều gọi là tà mạng.

Người chánh mạng là xả bỏ sự tham chấp về của cải của đời sống riêng tư, chấm dứt các sự mua bán, đổi chác, không phân biệt, không hý luận, vượt qua tất cả hý luận, đó gọi là chánh mạng. Trong chánh mạng không còn phân biệt đây là chánh mạng, đây là tà mạng, liền được tất cả mạng thanh tịnh nên gọi là được chánh mạng thanh tịnh.

Lại nữa, tất cả các mạng đều không sinh, không có chánh tà. Người đó được gọi là đắc mạng thanh tịnh, an trụ nơi chánh đạo, không còn hý luận. Trụ trong chánh mạng như vậy, không lấy chánh mạng, không bỏ tà mạng, cho nên nói là trụ trong chánh mạng.

Bấy giờ không còn gọi người này la trụ nơi chánh, trụ nơi tà, được mạng thanh tịnh bình đẳng, lìa tướng mạng, không động, không tác, không nghĩ mạng, không nghĩ phi mạng. Chỉ gọi là người biết như thật, người thấy như thật, nên nói là trụ nơi chánh mạng.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ chánh tinh tấn?

Đại Bồ Tát trụ nơi chánh tinh tấn là đoạn trừ tất cả đạo tinh tấn, nên gọi là trụ nơi chánh tinh tấn.

Vì sao?

Vì tất cả tinh tấn đều là tà, có các sự phát sinh, có tạo tác, có hành động, đều gọi là tà.

Vì sao?

Vì tất cả pháp đều là tạo tác, tà có sự phát sinh, tạo tác là hư vọng. Nếu là hư vọng cũng là tà.

Chánh tinh tấn là không phát, không tác, không hành, không nguyện, ở trong tất cả pháp dứt hẳn sự tạo tác. Bồ Tát ở trong tất cả pháp dứt hết sự tạo tác, cho đến trong tướng Phật, tướng Niết Bàn, không còn sinh tướng tạo tác.

Người này biết rõ tất cả sự tạo tác đều la hư vọng, vì không tạo tác nên hành đạo. Nếu là người chân chánh thì không tạo tác, tất cả pháp đều bình đẳng, không sai khác, vượt qua tướng tạo tác, không còn tạo tác. Bồ Tát này biết rõ tinh tấn không phải là đạo tinh tấn, không lấy, không bỏ nên nói là trụ nơi chánh tinh tấn.

Người chánh tinh tấn tức là ở nơi các nghĩa tinh tấn không thể thủ đắc, tức là thấy biết như thật nghĩa tất cả các pháp. Người thấy như vậy là chánh tinh tấn, không còn phân biệt là tà tinh tấn, hay là chánh tinh tấn, nên nói là chánh tinh tấn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ về chánh niệm?

Đại Bồ Tát thấy biết tất cả niệm đều là tà niệm, hễ có chỗ của đối tượng niệm đều là tà niệm.

Vì sao?

Vì tất cả niệm là tà niệm. Nếu ở chỗ đối tượng niệm mà sinh khởi đều là tà niệm, không tưởng, không niệm, gọi là chánh niệm.

Vì sao?

Vì tất cả niệm đều từ nhân duyên hư vọng sinh khởi, cho nên chỗ nào có sinh ra niệm là tà niệm, nếu chỗ nào không sinh không diệt, gọi là chánh niệm. Không có chỗ nào để nghiệp của niệm phát sinh, nên gọi là an trụ trong niệm thanh tịnh, không chỗ sinh tà niệm. Người này thấy biết tất cả pháp đều là tà, ở trong chánh pháp này không có niệm nên nói an trụ trong chánh niệm.

Lại nữa, người chánh niệm là đối với pháp không phân biệt là chánh niệm hay là tà niệm. Người này thông đạt tất cả niệm đều là tướng vô niệm, thường hành sáu tâm xả nên nói là trụ nơi chánh niệm. Người này không còn tham ưa, cũng không phân biệt vô niệm ấy, vì các pháp bình đẳng.

Người này thông đạt tat cả niệm, vì thấy biết như thật nơi tất cả niệm, không lấy, không bỏ niệm hay phi niệm, nên nói an trụ trong chánh niệm. Đối tượng niệm của người này không phân biệt là bình đẳng hay không bình đẳng.

Đối với niệm, phi niệm, không tùy thuộc, không duyên dựa. Do không duyên dựa nên biết tất cả niệm là phi niệm, tâm không còn ở trong niệm hay phi niệm. Người này an trụ nơi chánh niệm, không thể diễn nói, không thể chỉ bày, đoạn dứt tất cả ngôn ngữ, xa lìa tất cả ngôn ngữ, thấy biết như thật về tất cả ngôn ngữ, không còn phân biệt đây, kia nên gọi là an trụ nơi chánh niệm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát an trụ nơi chánh định?

Đại Bồ Tát quán tất cả định đều là tà định.

Vì sao?

Vì ở trong các pháp chấp thủ nơi tướng duyên định, chấp thủ nơi tướng biết định, chấp thủ nơi tướng tam muội hý luận về định thì đều gọi là tà. Tà tức là nghĩa tham chấp, định này không như vậy.

Như đối tượng duyên chấp thủ nơi tướng hay không thủ nơi tướng cũng không cầu, không hý luận, không nhớ nghĩ, gọi đó là chánh định. Nếu không tham chấp, không phân biệt cái này, cái kia, chấm dứt sự ưa thích, tham vướng, không thọ vị định, phá trừ tướng chấp thủ nơi định, tâm không trụ nơi nào, đó gọi là chánh định.

Lại nữa, người chánh định là không nương tựa trong tất cả định, không hý luận. Thông đạt như thật về bản thể của pháp, biết rõ tướng định, tâm không tham chấp, muốn phá ý niệm chỗ này, chỗ kia.

Lời nói như vậy cũng không phân biệt, dứt trừ tất cả phân biệt nên gọi là chánh định. Lại nữa, trong chánh định hoàn toàn không sinh tưởng tà chánh, phá bỏ tất cả tưởng, dứt tất cả tưởng, diệt tất cả tưởng, gọi là chánh định.

Chánh định không sinh tà, chánh, không phân biệt tà, chánh, gọi đó là chánh định.

Vì sao?

Vì Bồ Tát này thông đạt định phương tiện nên trụ trong chánh định ấy, không còn bị định hay tướng định trói buộc, vượt qua các tướng định nên gọi là chánh định. Gọi chánh định là đối với các pháp không còn hý luận, bình đẳng trong các pháp, dứt bặt hý luận, nghĩa là không còn gọi đây là chánh, đây là tà.

Chánh định tức là nghĩa bình đẳng nơi các pháp. Chánh định thoát ra khỏi các thiền định thuộc tất cả pháp hữu vi trong ba cõi, có thể thấy biết như thật về sinh tử trong nam đường.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó gọi là Đại Bồ Tát trụ ở trong chánh định, còn gọi là đắc chánh định phương tiện, gọi là biết rõ đạo, biết rõ về đạo phương tiện, nghĩa là thấy biết như thật, có thể đạt đến đạo Niết Bàn.

***