Kinh Đại thừa

Bộ Pháp Hoa

PHẬT THUYẾT KINH TRỊ Ý

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Già Đà Da Xá
 

Ðức Phật dạy: An Bang Thủ ý đã thực hành đầy đủ như pháp rồi, muốn học theo thứ lớp như Đức Phật dạy là ở trong thiên hạ được sáng suốt, như lúc không có mây thì trăng hiện.

Phải lập thân, lập ý, an lập lúc nằm, lúc ngồi cũng lại như vậy. Tỳ Kheo đã an lập trên ý rồi, như vậy trước sau hợp nhau sẽ được lợi ích.

Trước sau đã có ích lợi rồi, khiến cho hành giả không còn bị ý làm chướng ngại nữa. Dù đã đình chỉ rồi phải canh giữ sáu con giặc lục suy, phải luôn luôn phòng thủ, chớ bỏ nữa chừng, mới biết được thân vô vi.

Nếu luôn luôn có ý phòng thủ, thân được đình chỉ, không mong cầu, cũng không nguyện được có, cũng chớ nghi sự có, cũng chớ nghi sự không có. Thứ lớp hành động trong sở nghi sẽ sớm được độ thoát sanh tử.

Nếu hiểu ý, biết định, ưa thích sự thanh tịnh, luôn luôn quán pháp thì có thể độ thoát được già, bệnh. Như vậy đối với bệnh phải kinh sợ mà nên tinh tấn.

Trong ý của đạo nhân đối với sự sanh già trói buộc thì có thể đoạn trừ, đời nay có thể được chấm dứt khổ đau. Ðã đánh thức được vấn đề ngủ nghỉ, đã chiến thắng được sự ưa nằm, nhờ cảnh tỉnh mà không còn sợ sệt.

Lấy tinh tấn để chiến thắng ngủ nghỉ, ngày đêm luôn tỉnh giác, mong cầu cam lồ để được diệt khổ. Con người nhờ đó mà có lợi ích.

Ðã quy y theo Phật, vào lúc nửa đêm phải thường nhớ đến Phật, ai đã giác ngộ thì được giác ngộ. Ðệ tử của Phật phải thường làm như vậy.

Nếu vào lúc nửa đêm niệm Pháp, niệm Tăng cũng lại như vậy, hành giới cũng như vậy, bố thí cũng như vậy, phòng hộ thân cũng như vậy, hành thiền cũng như vậy, không xâm phạm người cũng như vậy, định ý cũng như vậy, với cái không cũng như vậy, đã giác ngộ rồi cũng như vậy, thường giác ngộ cho đệ tử của Phật. Làm như vậy lúc nửa đêm sẽ không rơi vào vọng niệm.

Hỏi: Những gì là biết thân vô vi?

Sư đáp: Nê Hoàn là thân vô vi.

Tu hành theo thứ lớp là những gì?

Ðã đến đó rồi liền trừ bỏ thứ lớp. Ðó là tu hành thứ lớp.

Pháp quán mọi thời là những gì?

Khi lục nhập đến thì liền kiểm soát. Ðó là quán pháp trong mọi lúc.

Những gì làm đạo nhân được tự ý?

Dạy cho người tinh tấn, trước hết phải tự ý hành, thân tự thủ, ý tự thủ, tự làm phước, vì phước ở Cõi Trời chưa đầy đủ thì tự giữ làm cho phước được đầy đủ, liền đắc thiền vậy.

***