Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM CHÍN
PHẨM NHÂN
KINH TƯỞNG
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:
Nếu có Sa Môn, Phạm Chí đối với đất có tư tưởng về đất, cho rằng: Đất tức là thần ngã, đất là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của đất. Vị ấy đã cho đất tức là ngã, do đó không biết rõ đất.
Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, Trời, Sanh chủ, Phạm Thiên, vô phiền thiên, vô nhiệt thiên, vị ấy đối với Tịnh Thiên có tư tưởng về Tịnh Thiên, Tịnh Thiên tức là thần ngã, Tịnh Thiên là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của Tịnh Thiên.
Vị ấy đã cho Tịnh Thiên tức là thần ngã, do đó không biết rõ Tịnh Thiên. Đối với vô lượng không xứ, vô lượng thức xứ, vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát.
Cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Vị ấy đối với cái tất cả có tư tưởng về cái tất cả, tất cả là thần ngã, tất cả là sở hữu của thần ngã, thần ngã là sở hữu của tất cả. Vị ấy đã cho tất cả tức là ngã, do đó không biết rõ cái tất cả.
Nếu có Sa Môn, Phạm Chí đối với đất thì biết đất, Đất không phải là thần ngã, đất không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của đất.
Vị ấy đã không cho đất tức là thần ngã, vậy vị ấy biết rõ đất. Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, Trời, Sanh chủ, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt Thiên.
Vị ấy đối với Tịnh Thiên thì biết Tịnh Thiên, Tịnh Thiên không phải là thần ngã, Tịnh Thiên không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của Tịnh Thiên.
Vị ấy đã không cho Tịnh Thiên tức là thần ngã, vậy vị ấy biết rõ Tịnh Thiên. Đối với vô lượng không xứ, vô lượng thức xứ, vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát. Cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả.
Vị ấy đối với cái tất cả thì biết là tất cả, cái tất cả không phải là ngã, cái tất cả không phải là sở hữu của ngã, ngã không phải là sở hữu của cái tất cả. Vị ấy đã không cho cái tất cả là thần ngã, vậy vị ấy đã biết rõ cái tất cả. Ta đối với đất thì biết đất, đất không phải là thần ngã, đất không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của đất. Ta đã không cho đất tức là thần ngã, vậy ta đã biết rõ đất.
Cũng như vậy, đối với nước, lửa, gió, thần, Trời, Sanh chủ, Phạm Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên. Ta đối với Tịnh Thiên thì biết Tịnh Thiên, Tịnh Thiên không phải là thần ngã, Tịnh Thiên không phải là sở hữu của thần ngã, thần ngã không phải là sở hữu của Tịnh Thiên.
Ta đã không cho Tịnh Thiên tức là thần ngã, vậy ta biết rõ Tịnh Thiên. Đối với vô lượng không xứ, vô lượng thức xứ, vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, với nhất thể, dị biệt, đa thù, cái được thấy, cái được nghe, cái được nhận thức, cái được liễu tri, cái được làm, cái được quán sát.
Cái được tác ý, cái được ý tư duy, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, cho đến, cái tất cả. Ta đối với cái tất cả thì biết là tất cả, cái tất cả không phải là ngã, cái tất cả không phải là sở hữu của ngã, ngã không phải là sở hữu của cái tất cả.
Ta đã không cho cái tất cả là ngã, vậy là ta đã biết rõ cái tất cả.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
***