Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM CHÍN
PHẨM NHÂN
KINH ƯU ĐÀM BÀ LA
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca Lan Đa. Bấy giờ có một cư sĩ tên là Thật Ý, vào buổi sáng sớm, ông rời thành Vương Xá, muốn đến chỗ Đức Phật để cúng dường lễ sự.
Lúc bấy giờ cư sĩ Thật Ý nghĩ rằng: Hãy gác qua chuyện đi đến chỗ Phật. Thế Tôn và các Tỳ Kheo có thể vẫn còn đang thiền định. Ta hãy vào rừng Ưu Đàm Bà La, đến Dị Học viên.
Bấy giờ cư sĩ Thật Ý liền đi vào rừng Ưu Đàm Bà La, đến Dị Học Viên. Tại đây có một Dị Học tên là Vô Nhuế, được tôn làm tông chủ của Dị Học, được mọi người kính trọng, quy phục, được năm trăm Dị Học tôn sùng.
Giữa một đám đông ồn ào, ông đang cao giọng luận bàn đủ mọi vấn đề chào xáo, như bàn chuyện Vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện y phục.
Bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đồng nữ, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế tục, bàn chuyện phi đạo, bàn chuyện sông biển, bàn chuyện Quốc Gia, tất cả những vấn đề cũng lại chào xáo như thế đều tập họp tại chỗ ngồi của ông.
Lúc bấy giờ, Dị Học Vô Nhuế thấy cư sĩ Thật Ý từ xa tiến đến, liền ra lệnh bảo hội chúng của mình hãy im lặng: Này Chư Hiền, các ông chớ nói nữa, hãy vui vẻ im lặng!
Mỗi người hãy tự mình thu liễm!
Vì sao vậy?
Vì có cư sĩ Thật Ý sắp đến đây. Ông ấy là đệ tử của Sa Môn Cù Đàm. Trong số cư sĩ tại gia ở trong thành Vương Xá này, nếu có đệ tử của Sa Môn Cù Đàm mà danh đức vang dội, được mọi người kính trọng thì ông ấy là người thứ nhất. Ông ấy không ưa sự huyên náo, thích im lặng, tự mình thu liễm.
Nếu ông ấy biết hội chúng đây im lặng có thể sẽ hay đến. Bấy giờ Dị Học Vô Nhuế bảo hội chúng im lặng, rồi tự mình cũng im lặng. Lúc bấy giờ cư sĩ Thật Ý đi đến chỗ Dị Học Vô Nhuế, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên.
Cư sĩ Thật Ý nói: Này Vô Nhuế, Đức Phật Thế Tôn của tôi, hoặc ở tại rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay sống trên sườn núi cao, những nơi vắng vẻ không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời và tùy thuận mà thiền tọa. Đó là so sánh chỗ Đức Thế Tôn với ở đây.
Ngài sống ở tại rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây, hay sống trên sườn núi cao, những nơi vắng lặng không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, tùy thuận mà thiền tọa. Ngài ở nơi xa vắng, thường thích thiền tọa, an ổn, khoái lạc.
Đức Phật Thế Tôn chưa hề một ngày một đêm tụ tập, hội họp cùng mọi người như ông và quyến thuộc của ông hôm nay.
Bấy giờ Dị Học Vô Nhuế liền nói: Thôi, thôi! Cư sĩ, ông do đâu mà biết được?
Cái tuệ giải thoát trống rỗng của Sa Môn Cù Đàm, cái đó không đủ để nói, hoặc tương ưng hay không tương ưng, hoặc tùy thuận hay không tùy thuận.
Sa Môn Cù Đàm đi từ biên này đến biên kia, ưa thích từ biên này đến biên kia, sống từ biên này đến biên kia. Như con trâu đui ăn cỏ nơi biên địa, nó đi từ biên này đến biên kia, ưa thích từ biên này đến biên kia, sống từ biên này đến biên kia. Sa Môn Cù Đàm cũng giống như vậy.
Này cư sĩ, nếu Sa Môn Cù Đàm đến nơi hội chúng này, chỉ bằng một vấn đề, tôi cũng đủ hủy diệt ông ấy như lăn cái bình không, và cũng sẽ nói cái ví dụ con trâu đui cho ông ấy nghe.
Rồi Dị Học Vô Nhuế bảo với đồ chúng của mình: Này Chư Hiền, giả sử Sa Môn Cù Đàm đến nơi hội chúng này, nếu như có đến thật, thì các ông chớ có đứng dậy chắp tay nghinh đón, cũng chớ có mời ngồi. Hãy để riêng một chỗ cho ông ấy ngồi thôi.
Khi ông ấy đến đây rồi thì hãy nói như vậy, Này Cù Đàm!
Có chỗ ngồi đây, muốn ngồi tùy ý. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thiền tọa, bằng Thiên Nhĩ thanh tịnh, nghe xa hơn người, nghe rõ cuộc thảo luận như vậy giữa cư sĩ Thật Ý và Dị Học Vô Nhuế, vào lúc xế, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào rừng Ưu Đàm Bà La, đến Dị Học viên.
Thấy Đức Thế Tôn đang từ xa đi đến, Dị Học Vô Nhuế liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng Phật mà tán thán rằng: Kính chào Cù Đàm, đã lâu ngày không đến đây. Xin mời ngồi chỗ này.
Khi ấy Đức Thế Tôn thầm nghĩ: Người ngu si này tự phản lại điều mình đặt ra. Biết như vậy, Đức Thế Tôn liền ngồi trên giường đó. Dị Học Vô Nhuế sau khi chào hỏi Đức Thế Tôn, liền ngồi xuống một bên.
Đức Thế Tôn hỏi: Này Vô Nhuế!
Ông và cư sĩ Thật Ý vừa bàn luận việc gì thế?
Vì lý do gì mà nhóm họp nơi đây?
Dị Học Vô Nhuế trả lời: Thưa Cù Đàm, chúng tôi nghĩ như vậy, Sa Môn Cù Đàm có những pháp gì dạy bảo cho đệ tử, các đệ tử sau khi vâng lãnh sự dạy bảo rồi liền được an ổn, trọn đời tịnh tu phạm hạnh và đem dạy cho người khác nữa?
Thưa Cù Đàm, tôi và cư sĩ Thật Ý vừa bàn luận việc như vậy. Vì lý do đó mà chúng tôi nhóm họp nơi đây.
Cư sĩ Thật Ý nghe ông ta nói vậy liền nghĩ: Lạ thay, Dị Học Vô Nhuế lại nói láo.
Vì sao vậy?
Vì ở trước Đức Thế Tôn mà dám lừa dối Ngài.
Đức Thế Tôn biết vậy, Ngài liền nói: Này Vô Nhuế, pháp của ta rất sâu sắc, rất kỳ diệu, rất hy hữu, khó hiểu, khó biết, khó thấy, khó chứng đắc, mà ta dạy bảo cho đệ tử và đệ tử sau khi vâng lãnh sự dạy bảo rồi liền được an ổn, trọn đời tịnh tu phạm hạnh và đem dạy lại cho người khác nữa.
Này Vô Nhuế, hãy hỏi ta về hạnh bất liễu tắng ố mà Sư tông của ông chấp nhận, ta cũng sẽ giải đáp cho ông thỏa mãn.
Lúc đó các chúng Dị Học ồn ào đó cùng nhau lớn tiếng nói rằng: Sa Môn Cù Đàm thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu!
Có như ý túc, có uy đức lớn, có phước hựu lớn, có oai thần lớn.
Vì sao vậy?
Ngài bỏ qua tông chỉ của mình mà lại đề nghị thảo luận về tông chỉ của người.
Lúc bấy giờ Dị Học Vô Nhuế ra lệnh bảo hội chúng của mình im lặng rồi hỏi: Thưa Cù Đàm!
Hạnh bất liễu khả tắng, thế nào là được hoàn toàn?
Thế nào là không được hoàn toàn?
Bấy giờ Đức Thế Tôn trả lời: Này Vô Nhuế! Hoặc có Sa Môn, Phạm Chí lõa hình, không y phục, hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục. Hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo.
Không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không sai người đi, không làm khách được mời, không làm khách được chào đón, không làm khách được lưu, không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai, không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến.
Không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm, hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống.
Hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ, hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được, và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ.
Hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nửa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ.
Hoặc ăn cỏ, hoặc ăn lúa cỏ, hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn cám, hoặc ăn gạo đầu đầu la, hoặc ăn đồ ăn thô.
Hoặc đến chỗ vô sự, y nơi vô sự.
Hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng.
Hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải, hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu xá, hoặc mặc áo vải đầu xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ.
Hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bện, hoặc để tóc vừa xõa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hổm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường.
Hoặc nằm cỏ, lấy cỏ làm giường.
Hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc.
Hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên.
Hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ Đấng Tôn Hựu Đại Đức, chắp tay hướng về kia. Những sự như vậy thọ khổ vô lượng, học hạnh nóng bức.
Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, hạnh bất liễu khả tắng như vậy là hoàn toàn hay không hoàn toàn?
Dị Học Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm, như vậy hạnh bất liễu khả tắng là hoàn toàn, không phải là không hoàn toàn.
Đức Thế Tôn lại nói: Này Vô Nhuế, ta sẽ chỉ cho ông thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm.
Dị Học Vô Nhuế hỏi: Thưa Cù Đàm, câu nói, ta sẽ chỉ cho ông thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm, nghĩa là thế nào?
Đức Thế Tôn đáp: Này Vô Nhuế, hoặc có người chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ. Nhân bởi hành khổ hạnh một cách tân khổ mà có ác dục, niệm tưởng dục.
Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi nhân hành khổ hạnh ấy mà có ác dục, niệm tưởng dục. Vô nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ này mà chỉ ngước nhìn ánh mặt trời, hấp thụ khí Trời.
Này Vô Nhuế, nếu ai hành khổ hạnh, rồi do chuyên hành khổ hạnh ấy nên chỉ ngước nhìn ánh mặt trời, hấp thụ khí Trời. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh mà tự cống cao cho rằng ta đã tu khổ hạnh, nên tâm liền bị trói buộc.
Này Vô Nhuế, nếu có người chuyên hành khổ hạnh rồi do chuyên hành khổ hạnh mà tự cống cao cho rằng đã tự tu khổ hạnh, nên tâm liền bị trói buộc. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ. Do nhân hành khổ hạnh mà quý mình khinh người.
Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh, rồi do chuyên hành khổ hạnh mà quý mình khinh người. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên đến nhà người mà tự khen rằng: Tôi hành tân khổ. Hành của tôi rất khó.
Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do duyên hành khổ hạnh nên đến nhà người mà tự khen rằng: Tôi hành tân khổ. Hành của tôi rất khó. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự liền sanh lòng tật đố, nói rằng Sao lại kính trọng, cúng dường, lễ sự Sa Môn, Phạm Chí ấy?
Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự tôi đây.
Vì sao vậy?
Vì tôi hành khổ hạnh.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự liền sanh lòng tật đố, nói rằng sao lại kính trọng, lễ sự, cúng dường Sa Môn, Phạm Chí ấy?
Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự tôi đây.
Vì sao vậy?
Vì tôi hành khổ hạnh. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự liền đến mắng ngay mặt Sa Môn, Phạm Chí đó, nói rằng: Sao ông lại được kính trọng, lễ sự, cúng dường?
Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt, hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt.
Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa Môn, Phạm Chí kia mà hay đến nhà người, cũng giống như vậy.
Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự liền đến mắng ngay mặt Sa Môn, Phạm Chí đó, nói rằng sao ông lại được kính trọng, lễ sự, cúng dường?
Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt.
Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa Môn, Phạm Chí mà hay đến nhà người, cũng giống như vậy. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên có sầu, có si, khủng bố, khủng cụ, sống lén lút, nghi ngờ, sợ mất tiếng, tham lam, phóng dật.
Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ nên có sầu, có si, khủng bố, khủng cụ, sống lén lút, nghi ngờ, sợ mất tiếng, tham lam, phóng dật. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc ai chuyên tu khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên tu khổ hạnh nên sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh, không biết tiết hạn, những pháp mà Sa Môn, Phạm Chí phải thông suốt lại không thông suốt.
Này Vô Nhuế, nếu có người tu khổ hạnh, rồi do tu khổ hạnh nên sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh, không biết tiết hạn, những pháp mà Sa Môn, Phạm Chí phải thông suốt lại không thông suốt. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như thế là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua siểm, dối trá, vô tàm, vô quý.
Này Vô Nhuế, nếu ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua siểm, dối trá, vô tàm, vô quý. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên sanh ra nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói thêu dệt, đủ cả ác giới.
Này Vô Nhuế, nếu có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên sanh ra nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói thêu dệt, đủ cả ác giới. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên không có tín tâm, giải đãi, không chánh niệm, chánh trí, có đủ ác tuệ.
Này Vô Nhuế, nếu có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh nên không có tín tâm, giải đãi, không chánh niệm, chánh trí, có đủ ác tuệ. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là cấu uế.
Này Vô Nhuế, ta đã chỉ cho ông thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm, có phải vậy chăng?
Dị Học Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm, đúng vậy, Ngài đã chỉ cho tôi thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn đó bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm.
Này Vô Nhuế, ta cũng chỉ cho ông thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn đó không bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm.
Dị Học Vô Nhuế lại hỏi: Thưa Cù Đàm, Ngài có thể chỉ cho tôi thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn đó không bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm như thế nào không?
Đức Thế Tôn đáp: Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không có ác dục, không niệm tưởng dục.
Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không có ác dục, không niệm tưởng dục. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không nhìn ánh mặt trời, không hấp thụ khí Trời.
Này Vô Nhuế, nếu có người chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ nên không nhìn ánh mặt trời, không hấp thụ khí Trời. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ mà không tự cống cao cho rằng đã tu khổ hạnh nên tâm không bị trói buộc.
Này Vô Nhuế, nếu có người chuyên hành khổ hạnh, rồi do chuyên hành khổ hạnh mà không tự cống cao cho rằng đã tu khổ hạnh nên tâm không bị trói buộc. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh một cách tân khổ mà không quý mình khinh người.
Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh rồi do hành khổ hạnh mà không quý mình khinh người. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không đến nhà người mà tự khen rằng tôi hành tân khổ, hành của tôi rất khó khăn.
Này Vô Nhuế, nếu có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không đến nhà người mà tự khen rằng tôi hành tân khổ. Hành của tôi rất khó khăn. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự thì không sanh lòng tật đố, nói rằng: Sao lại kính trọng, cúng dường, lễ sự Sa Môn, Phạm Chí ấy?
Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự ta đây.
Vì sao vậy?
Vì ta là người tu khổ hạnh.
Này Vô Nhuế, nếu có ai hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do hành khổ hạnh tân khổ mà nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự thì không sanh lòng tật đố, nói rằng: Sao lại kính trọng, cúng dường, lễ sự Sa Môn, Phạm Chí ấy?
Hãy nên kính trọng, cúng dường, lễ sự ta đây.
Vì sao vậy?
Vì ta là người tu khổ hạnh. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự thì không đến mắng ngay mặt Sa Môn, Phạm Chí đó, nói rằng: Sao ông lại được kính trọng, cúng dường, lễ sự?
Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt, hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt.
Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa Môn, Phạm Chí mà hay đến nhà người cũng giống như vậy!
Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do chuyên hành khổ hạnh tân khổ nên nếu thấy Sa Môn, Phạm Chí được người kính trọng, cúng dường, lễ sự mà không đến mắng ngay mặt Sa Môn, Phạm Chí đó, nói rằng: Sao ông lại được kính trọng, cúng dường, lễ sự?
Ông là người nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, thường ăn năm thứ hạt, hạt sanh từ gốc cây, hạt sanh từ thân cây, hạt sanh từ trái cây, hạt sanh từ mắt cây và hạt sanh từ hạt.
Ví như một trận mưa lớn làm tổn hại năm thứ hạt giống, nhiễu loạn súc sanh và nhân dân, Sa Môn, Phạm Chí mà hay đến nhà người cũng giống như vậy. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không sầu, không si, không khủng bố, không khủng cụ, không sống lén lút, không nghi ngờ, không mất tiếng, không tham lam, không phóng dật.
Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, rồi do hành khổ hạnh tân khổ mà không sầu, không si, không khủng bố, không khủng cụ, không sống lén lút, không nghi ngờ, sợ mất tiếng, không tham lam, không phóng dật. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh, không biết tiết hạn, những pháp mà Sa Môn, Phạm Chí phải thông suốt thì thông suốt.
Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà không sanh thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, khó tánh, không biết tiết hạn, những pháp mà Sa Môn, Phạm Chí phải thông suốt thì thông suốt. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do hành khổ hạnh tân khổ mà không có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua siểm, dối trá, vô tàm, vô quý.
Này Vô Nhuế! Nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà không có sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, dua nịnh, dối trá, vô tàm, vô quý.
Này Vô Nhuế! Hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói thêu dệt, không có ác giới.
Này Vô Nhuế, nếu ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ nên không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói thêu dệt, không có ác giới.
Này Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, hoặc có người hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà có tín tâm, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, không có ác tuệ.
Này Vô Nhuế, nếu có ai chuyên hành khổ hạnh một cách tân khổ, do chuyên hành khổ hạnh tân khổ mà có tín tâm, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, không có ác tuệ. Vô Nhuế, hành khổ hạnh như vậy là không cấu uế.
Này Vô Nhuế, ta đã chỉ cho ông thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn không bị vô lượng cấu uế làm ô nhiễm.
Có phải vậy không?
Dị Học Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm, đúng vậy, Ngài đã chỉ cho tôi thấy cái hạnh bất liễu khả tắng hoàn toàn không bị cấu uế làm ô nhiễm.
Dị Học Vô Nhuế lại hỏi: Thưa Cù Đàm, hạnh bất liễu tắng ố này đã đạt đến bậc nhất, đã đạt đến chân thật chưa?
Đức Thế Tôn đáp: Này Vô Nhuế, hạnh bất liễu tắng ố này chưa đạt đến bậc nhất, chưa đạt đến chân thật, nhưng có hai hạnh đạt đến vỏ và đạt đến đốt.
Dị Học Vô Nhuế lại hỏi: Thưa Cù Đàm! Thế nào là hạnh bất liễu khả tắng này chỉ đạt đến vỏ ngoài?
Đức Thế Tôn đáp: Này Vô Nhuế, ở đây hoặc có Sa Môn, Phạm Chí tu tập bốn hạnh, không sát sanh, không bảo người sát sanh, không đồng tình với người sát sanh.
Không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng tình với người trộm cắp.
Không phạm con gái của người, không bảo người khác phạm con gái của người, không đồng tình với người phạm con gái của người.
Không nói dối, không bảo người khác nói dối, không đồng tình với người nói dối.
Vị đó tu tập bốn hạnh này, ưa thích mà không tiến tới, tâm đi đôi với từ, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ.
Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương phụ, phương Trên, phương Dưới, phổ biến tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ.
Cũng như vậy, đối với bi, hỷ, tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn bao la, vô lượng, tu tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ.
Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, phải chăng hạnh bất liễu khả tắng như vậy đạt đến vỏ ngoài?
Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm! Bất liễu khả tắng như vậy đạt đến vỏ ngoài.
Thưa Cù Đàm, còn thế nào là hạnh bất liễu khả tắng này đạt đến đốt?
Đức Thế Tôn dạy: Này Vô Nhuế, hoặc có Sa Môn, Phạm Chí tu tập bốn hạnh.
Không sát sanh, không bảo người sát sanh, không đồng tình với người sát sanh.
Không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng tình với người trộm cắp.
Không phạm con gái của người, không bảo người khác phạm con gái của người, không đồng tình với người phạm con gái của người.
Không nói dối, không bảo người khác nói dối, không đồng tình với người nói dối.
Vị đó tu tập bốn hạnh này, ưa thích mà không tiến tới.
Sự tu tập ấy có hành, có tướng mạo, vị ấy nhớ lại vô lượng kiếp đã trải qua, hoặc một đời, hai đời, trăm ngàn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô lượng thành hoại kiếp, tại chỗ đó ta là chúng sanh tên đó.
Ta đã trải qua ở đó, đã từng sanh ở đó, có họ như vậy, tên như vậy, sinh hoạt như vậy, uống ăn như vậy, chịu khổ vui như vậy, tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, dứt thọ mạng như vậy, rồi chết đây sanh kia, chết kia sanh đây.
Ta sanh tại chỗ này như vậy, có họ như vậy, có tên như vậy, sinh hoạt như vậy, uống ăn như vậy, chịu khổ vui như vậy, tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, dứt thọ mạng như vậy.
Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, hạnh bất liễu khả tắng như vậy có đạt đến đốt cây hay không?
Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm, hạnh bất liễu khả tắng như vậy là đã đạt đến đốt cây.
Thưa Cù Đàm, thế nào là hạnh bất liễu khả tắng đạt đến bậc nhất, đạt đến chân thật?
Đức Thế Tôn đáp: Này Vô Nhuế, hoặc có Sa Môn, Phạm Chí tu tập bốn hạnh.
Không sát sanh, không bảo người sát sanh, không đồng tình với người sát sanh.
Không trộm cắp, không bảo người trộm cắp, không đồng tình với người trộm cắp.
Không phạm con gái của người, không bảo người khác phạm con gái của người, không đồng tình với người phạm con gái của người.
Không nói dối, không bảo người khác nói dối, không đồng tình với người nói dối. Vị đó tu tập bốn hạnh này, ưa thích mà không tiến tới.
Vị đó bằng Thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, diệu hoặc bất diệu, qua lại chỗ lành hoặc chỗ không lành, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo.
Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật, nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh về thân, ác hạnh về khẩu, ác hạnh về ý, phỉ báng Thánh Nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến.
Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu diệu hạnh về thân, diệu hạnh về khẩu, diệu hạnh về ý, không phỉ báng Thánh Nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến.
Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi lên chỗ lành, sanh vào Cõi Trời.
Này Vô Nhuế, ý ông nghĩ sao, hạnh bất liễu khả tắng như vậy có đạt đến bậc nhất, đạt đến chân thật hay không?
Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm, hạnh bất liễu khả tắng như vậy là đã đạt đến bậc nhất, đạt đến chân thật.
Thưa Cù Đàm, phải chăng vì để thủ chứng hạnh bất liễu khả tắng này mà các đệ tử của Sa Môn Cù Đàm nương tựa nơi Sa Môn Cù Đàm để tu hành phạm hạnh?
Đức Thế Tôn đáp: Này Vô Nhuế, không phải vì để thủ chứng hạnh bất liễu khả tắng này mà đệ tử của ta nương tựa nơi ta để tu hành phạm hạnh.
Này Vô Nhuế, lại còn có pháp khác tối thượng, tối diệu, tối thắng, chính vì để chứng đắc pháp ấy nên đệ tử của ta nương tựa nơi ta mà tu hành phạm hạnh.
Lúc đó, những Dị Học trong hội chúng ồn ào đó liền lớn tiếng la ó: Đúng vậy! Đúng vậy!
Vì để chứng đắc pháp ấy nên đệ tử của Sa Môn Cù Đàm nương tựa nơi Sa Môn Cù Đàm để mà tu hành phạm hạnh.
Bấy giờ, Dị Học Vô Nhuế ra lệnh bảo hội chúng của mình im lặng, rồi hỏi: Thưa Cù Đàm, pháp nào được gọi là còn có pháp khác tối thượng tối diệu, tối thắng.
Chính vì để chứng đắc pháp ấy nên đệ tử của Sa Môn Cù Đàm nương tựa nơi Sa Môn Cù Đàm mà tu hành phạm hạnh?
Bấy giờ Đức Thế Tôn đáp: Này Vô Nhuế, nếu Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian.
Vị đó xả bỏ năm triền cái làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng các đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ.
Vị ấy với định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không phiền não, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động mà thú hướng sự diệt tận các lậu, tự thân chứng ngộ trí thông, biết như thật rằng đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, biết như thật đây là khổ diệt đạo.
Cũng biết như thật đây là lậu, biết đây là lậu tận, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo. Vị đó biết như vậy, thấy như vậy rồi thì tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu.
Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng một cách như thật rằng sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.
Này Vô Nhuế, như vậy gọi là còn có pháp khác tối thượng, tối diệu, tối thắng. Chính vì để chứng đắc pháp ấy nên đệ tử của ta nương nơi ta mà tu hành phạm hạnh.
Bấy giờ cư sĩ Thật Ý nói rằng: Này Vô Nhuế, Đức Thế Tôn đang ở đấy.
Ông hãy chỉ bằng một vấn đề đủ để hủy diệt Ngài như lăn cái bình không đi!
Ông hãy nói cái ví dụ con trâu đui ăn cỏ nơi biên địa như khi nãy đi!
Đức Thế Tôn nghe xong, hỏi Dị Học Vô Nhuế: Quả thật ông có nói như vậy không?
Dị Học Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm, quả thật tôi có nói như vậy.
Đức Thế Tôn hỏi tiếp: Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở quá khứ, nếu gặp khu rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa.
Các Đức Phật Thế Tôn ở nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn cao, vắng lặng không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa.
Các Ngài ở nơi xa vắng, thường thích thiền tọa, an ổn và khoái lạc. Các Ngài chưa hề một ngày một đêm tụ tập hội họp cùng mọi người như ông và quyến thuộc của ông hôm nay.
Này Vô Nhuế, ông có bao giờ nghe các vị Trưởng Lão cựu học nói như vậy không?
Dị Học Vô Nhuế đáp: Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở quá khứ, nếu gặp khu rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng, không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa.
Các Đức Phật Thế Tôn ở nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa.
Các Ngài ở nơi xa vắng, thường thích thiền tọa, an ổn khoái lạc. Các Ngài chưa hề một ngày một đêm tụ tập, hội họp cùng mọi người như tôi và quyến thuộc của tôi hôm nay. Thưa Đức Cù Đàm, tôi có nghe các vị Trưởng Lão cựu học nói như vậy.
Này Vô Nhuế, ông há không nghĩ rằng như các Đức Thế Tôn đó ở nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hay trên sườn núi cao, vắng lặng, không có tiếng động, xa vắng, không có sự dữ, không có người đời, liền tùy thuận mà thiền tọa.
Các Ngài ở nơi xa vắng thường thích thiền tọa, an ổn khoái lạc. Vị Sa Môn Cù Đàm này cũng học đạo chánh giác như vậy.
Có phải vậy không?
Dị Học Vô Nhuế đáp: Thưa Cù Đàm, nếu tôi biết như vậy, tôi đã chẳng nói rằng chỉ bằng một vấn đề cũng đủ hủy diệt Ngài như lăn cái bình không, và cũng đã chẳng nói đến cái ví dụ con trâu đui ăn cỏ nơi biên địa.
Đức Thế Tôn nói: Này Vô Nhuế, ta có pháp thiện tương ưng với thiện, giải thoát tương ưng với giải thoát, có thể tự thân chứng ngộ. Do đây mà Như Lai tự xưng là bậc vô úy.
Các Tỳ Kheo đệ tử của ta, ai đến với tâm không dua nịnh, không lừa dối, chất trực không hư vọng, ta giáo huấn cho và theo giáo huấn ấy, chắc chắn sẽ đạt đến cứu cánh trí.
Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng Sa Môn Cù Đàm vì muốn làm thầy cho nên thuyết pháp. Ông chớ nghĩ như vậy. Thầy ông ta trả lại cho ông. Ta chỉ thuyết pháp cho nghe thôi.
Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng Sa Môn Cù Đàm vì tham đệ tử cho nên thuyết pháp. Ông chớ nghĩ như vậy. Đệ tử của ông trả lại cho ông, ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi.
Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng Sa Môn Cù Đàm vì tham sự cúng dường cho nên thuyết pháp ông chớ nghĩ như vậy. Đồ cúng dường trả lại cho ông, ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi.
Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng Sa Môn Cù Đàm vì tham được khen ngợi cho nên thuyết pháp.
Ông chớ nghĩ như vậy. Điều khen ngợi trả lại cho ông, ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi.
Này Vô Nhuế, nếu ông nghĩ rằng: Nếu ta có thiện pháp tương ưng thiện, giải thoát đưa đến giải thoát, vì Sa Môn Cù Đàm này đoạt của ta, hủy diệt ta.
Ông chớ nghĩ như vậy. Pháp của ông trả lại cho ông, ta chỉ thuyết pháp cho ông nghe thôi.
Lúc bấy giờ tất cả hội chúng đều im lặng.
Vì sao vậy?
Vì họ bị Ma Vương chế phục.
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo cư sĩ Thật Ý: Ông hãy nhìn tất cả hội chúng đang im lặng này.
Vì sao vậy?
Vì họ đang bị Ma Vương chế phục. Nó khiến cả hội chúng Dị Học không có một Dị Học nào có ý niệm ta hãy thử theo Sa Môn Cù Đàm tu hành phạm hạnh.
Đức Thế Tôn biết vậy, Ngài thuyết pháp cho cư sĩ thật ý nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ.
Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông ấy nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nắm tay cư sĩ Thật Ý, vận dụng thần túc, nương hư không mà đi.
Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Thật Ý sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
***