Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Bô đa Lợi
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI BẢY
PHẨM BÔ ĐA LỢI
KINH NGŨ HẠ PHẦN KẾT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo rằng: Ta đã từng nói năm hạ phần kết, các ngươi có thọ trì chăng?
Các Tỳ Kheo im lặng không trả lời.
Thế Tôn lại hỏi đến lần thứ ba: Ta đã từng nói năm hạ phần kết, các ngươi có thọ trì chăng?
Các Tỳ Kheo im lặng không trả lời đến lần thứ ba.
Lúc bấy giờ Tôn Giả Man Đồng Tử, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Phật bạch rằng: Thế Tôn đã từng nói năm hạ phần kết. Con có thọ trì.
Thế Tôn hỏi: Này Man Đồng Tử, ta đã từng nói năm hạ phần kết, ngươi có thọ trì chăng?
Tôn Giả Man Đồng Tử đáp: Thế Tôn nói dục là hạ phần kết thứ nhất, con thọ trì như vậy. Nhuế, thân kiến, giới thủ và nghi, Thế Tôn nói nghi là hạ phần kết thứ năm, con thọ trì như vậy.
Thế Tôn quở rằng:
Man Đồng Tử, ngươi sao lại thọ trì rằng ta nói năm hạ phần kết như vậy?
Man Đồng Tử, ngươi nghe từ miệng ai mà thọ trì rằng ta nói năm hạ phần kết như vậy?
Này Man Đồng Tử, há không phải số đông các người dị học cật vấn chỉ trích ngươi với thí dụ về trẻ nít sơ sanh này chăng?
Này Man Đồng Tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngủ, trong ý còn không có ý tưởng về dục tưởng, há lại có quấn chặt nơi dục chăng?
Nhưng kết sử nằm trong bản tính của chúng nên nói là dục sử.
Này Man Đồng Tử, con nít mới sanh, mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về chúng sanh còn không có, há lại có tâm về quấn chặt nơi sân nhuế chăng?
Nhưng do kết sử nằm trong bản tính của nó, nên nói là nhuế sử.
Này Man Đồng Tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về tự thân còn không có, há lại có quấn chặt nơi thân chăng?
Nhưng do kết sử ở nơi bản tính của nó nói là thân kiến sử.
Này Man Đồng Tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về giới còn không có há lại có tâm quấn chặt nơi giới chăng?
Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là giới thủ sử.
Này Man Đồng Tử, con nít mới sanh mềm yếu, ý tưởng về pháp còn không có, há lại có tâm quấn chặt nơi pháp chăng?
Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là nghi sử.
Há không phải số đông các dị học đem thí dụ con nít mới sanh này mà chỉ trích cật vấn ngươi chăng?
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Man Đồng Tử bị Thế Tôn quở trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ biện bạch, suy nghĩ mông lung.
Thế Tôn sau khi mắng Tôn Giả Man Đồng Tử ngay mặt rồi, ngồi im lặng.
Lúc ấy Tôn Giả A Nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật.
Rồi Tôn Giả A Nan chắp tay hướng về Đức Phật, bạch: Bạch Thế Tôn, hôm nay thật đúng lúc, bạch Thiện Thệ nay thật đúng lúc, nếu nói cho các Tỳ Kheo nghe năm hạ phần kết. Các Tỳ Kheo sau khi nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.
Thế Tôn nói: Này A Nan, hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Xin vâng lời lắng nghe.
Phật nói:
A Nan, ở đây có một hạng người bị dục quấn chặt. Dục tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật về sự xả ly, nên tham dục càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.
A Nan, ở đây có một hạng người bị nhuế quấn chặt. Nhuế tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly sân nhuế càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.
A Nan, ở đây có một hạng người bị thân kiến quấn chặt. Thân kiến tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, thân kiến càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.
A Nan, ở đây có một hạng người bị giới thủ quấn chặt. Giới thủ tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, giới thủ càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.
A Nan, ở đây có một hạng người bị nghi quấn chặt. Nghi tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly, nghi càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.
Này A Nan, y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên đạo tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có. A Nan, cũng như có người muốn tìm một cái gì chắc thật.
Vì để tìm cái gì chắc thật nên xách búa vào rừng, và người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, lá và lõi. Nhưng nếu người ấy không chặt nơi rễ nơi thân mà tìm được cái gì chắc thật mang về, thì trường hợp này không thể có.
Cũng vậy, này A Nan, phải y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có.
Này A Nan, y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này, y trên tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết, trường hợp này tất có.
A Nan, cũng như một người muốn tìm cái gì chắc thật. Vì để tìm cái gì chắc thật, nên xách búa vào rừng, và người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, và lá với lõi.
Nếu người ấy chặt nơi rễ, nơi thân và được cái chắc thật để mang về, trường hợp này chắc có. Cũng vậy này A Nan, y trên đạo và y trên tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này và y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết trường hợp này tất có.
Này A Nan, y trên đạo nào, y trên tích nào để đoạn trừ năm hạ phần kết?
A Nan, hoặc có một hạng người bị dục quấn chặt. Nếu dục triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi dục triền nơi người ấy liền diệt.
A Nan, ở đây một người bị nhuế quấn chặt. Nếu nhuế triền phát sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Nếu biết như thật về sự xả ly rồi, nhuế triền nơi người ấy liền diệt.
A Nan ở đây có một người bị thân kiến quấn chặt. Nếu thân kiến đã quấn chặt, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, thân kiến triền nơi người ấy liền diệt.
A Nan, ở đây có một người bị giới thủ quấn chặt. Nếu giới thủ triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, giới thủ triền nơi người ấy liền diệt.
A Nan, ở đây một người bị nghi quấn chặt, nếu nghi triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, nghi triền nơi người ấy liền diệt.
Này A Nan, y trên đạo này, y trên đạo tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết.
Này A Nan, cũng như Sông Hằng già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy suy nghĩ rằng, Sông Hằng già này nước chảy tràn lên bờ. ta có công việc bờ bên kia nên muốn qua sông. Nhưng tự thân ta không đủ sức để bình an lội sang bờ bên kia.
A Nan, nên biết rằng người ấy không đủ sức. Cũng vậy, này A Nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết Bàn mà tâm không thú hướng, không thanh tịnh, không trụ nơi giải thoát.
A Nan, nên biết người ấy cũng giống như người gầy yếu không sức lực kia.
A Nan, cũng như Sông Hằng già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy nghĩ rằng, Sông Hằng già này với nước chảy tràn lên bờ. ta có công việc ở bờ bên kia. Tự thân ta đủ sức để bình an lội qua bờ bên kia.
A Nan, nên biết rằng người ấy đủ sức. Cũng vậy, này A Nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết Bàn, mà có tâm thú hướng, thanh tịnh mà trụ nơi giải thoát. A Nan, nên biết, người này cũng như người có sức lực kia.
Này A Nan, cũng giống như giòng nước lũ rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi nhiều thứ, mà ở quãng giữa không thuyền, không cầu, giả sử có một người đến, có công việc ở bờ bên kia, nên tìm cách để qua.
Khi tìm cách để qua, người ấy nghĩ rằng, nay giòng nước lũ này rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi mọi thứ, ở khoảng giữa lại không có thuyền, không cầu để có thể qua. Với phương tiện để ta có thể bình an sang bờ bên kia. Ta có công việc ở bờ bên kia cần đi qua.
Với phương tiện nào để ta có thể bình an qua bờ bên kia?
Rồi người ấy lại nghĩ rằng, bây giờ ở bờ bên này ta hãy thu lượm cỏ, cây buộc lại mà làm chiếc bè để bơi sang. Người ấy bèn ở bên này thu lượm cỏ cây buộc lại làm thành chiếc bè, rồi bình an bơi sang bờ bên kia.
Cũng vậy, này A Nan, nếu có Tỳ Kheo phan duyên vào sự yểm ly, y trên sự yểm ly, an trụ nơi yểm ly, do làm an tịnh thân ác, do tâm nhập ly định, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ Thiền thành tựu an trụ.
Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó, tất chứng đắc lậu tận. Giả sử trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.
Rồi vị ấy giác quán tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị Thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ.
Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.
Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ?
Vị ấy ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm chánh trí, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói là được Thánh xả, với niệm an trú lạc, chứng đắc Tam Thiền, thành tựu an trụ.
Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.
Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ?
Vị ấy diệt lạc, diệt khổ, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ Thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ.
Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.
Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ?
Vị ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu ngại tưởng, không suy niệm đến bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng vô lượng không xứ, thành tựu an trụ.
Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.
Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ?
Vị ấy vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ.
Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ.
Thế nào là thăng tiến và đạt đến tịch tịnh xứ?
Vị ấy vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Nơi vị ấy nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, khổ, hoặc không lạc, không khổ, vị ấy quán sát cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả.
Vị ấy sau khi như vậy quán thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi.
Do không sợ hãi mà nhập Niết Bàn. Biết như thật Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.
Cũng như cách thôn không xa có một bụi chuối to lớn, nếu có một người xách búa đến đốn ngã cây chuối, xẻ thành mảnh, xả làm mười phần, hoặc làm trăm phần.
Sau khi xả làm mười phần hoặc trăm phần rồi, bèn vạch từng sợi, nhưng mắt chuối không tìm thấy, há lại tìm thấy lõi được sao?
A Nan, cũng vậy, Tỳ Kheo nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không khổ không lạc, vị ấy quán cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả.
Vị ấy sau khi như vậy, quán sát thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này. Sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi.
Do không sợ hãi mà nhập Niết Bàn. Biết như thật rằng sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.
Lúc bấy giờ Tôn Giả A Nan chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch: Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay! Hy hữu thay! Thế Tôn vì các Tỳ Kheo y trên y, thiết lập y, giảng thuyết về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ Kheo không nhanh chóng chứng đắc Vô Thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận.
Thế Tôn nói: Thật vậy, A Nan! Thật vậy, A Nan! Thật là kỳ lạ! Thật là hy hữu, ta vì các Tỳ Kheo, y trên y, thiết lập y, nói về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ Kheo không nhanh chóng vượt chứng đắc vô thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận.
Vì sao vậy?
Vì sự thắng liệt nơi mỗi người cho nên sự tu học có tinh, có thô. Do sự tu học đạo có tinh có thô, cho nên mỗi người có sự thắng liệt khác nhau. A Nan, vì vậy ta nói mỗi người có sự thắng liệt khác nhau.
Phật thuyết như vậy. Tôn Giả A Nan và các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
***