Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Bô đa Lợi

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM BÔ ĐA LỢI
 

KINH TỲ KHEO NI PHÁP LẠC
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có bà Ưu Bà Di Tì Xá Khư, đến chỗ Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc, cúi đầu lễ dưới chân, rồi lui ngồi một bên, thưa rằng: Bạch Ni Sư, tôi có điều muốn hỏi, mong Ni Sư nghe cho chăng?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Tì Xá Khư, có điều gì xin cứ hỏi, sau khi nghe xong tôi sẽ suy nghĩ.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư liền hỏi: Thưa Ni Sư, tự thân, nói là tự thân.

Vậy thế nào là tự thân?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Thế Tôn nói năm thạnh ấm tự thân là năm thạnh ấm. Đó là sắc thạnh ấm, là thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm. Đó là năm thạnh ấm được Thế Tôn nói.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Bạch Ni Sư, sao gọi là tự thân kiến?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri thức, không biết Thánh pháp, không chế ngự theo Thánh pháp, kẻ ấy thấy sắc là thần ngã, thấy thần ngã có sắc, thấy trong thần ngã có sắc, thấy trong sắc có thần ngã.

Thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, thấy ngã có thức, thấy trong ngã có thức, thấy trong thức có ngã. Đó gọi là thân kiến.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay!

Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Bạch Ni Sư, sao gọi là không thân kiến?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Đa văn Thánh đệ tử, gặp thiện tri thức, biết Thánh pháp, khéo léo chế ngự trong Thánh pháp, kẻ ấy không thấy sắc là thần ngã, không thấy thần ngã có sắc, không thấy trong sắc có thần ngã, không thấy trong thần ngã có sắc.

Không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, không thấy trong ngã có thức, không thấy trong thức có ngã. Đó gọi là không thân kiến.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong, hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Bạch Ni Sư, sao gọi là diệt tự thân?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Sắc thạnh ấm bị đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Đó là tự thân diệt.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Bạch Ni Sư, ấm nói là thạnh ấm, thạnh ấm nói là ấm.

Ấm tức là thạnh ấm, hay thạnh ấm tức là ấm?

Ấm khác với thạnh ấm chăng?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Hoặc ấm tức là thạnh ấm. Hoặc ấm chẳng phải là thạnh ấm.

Sao gọi là ấm tức là thạnh ấm?

Nếu sắc hữu lậu, được chấp thủ. Thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, được chấp thủ, thì nói ấm tức là thạnh ấm.

Thế nào nói ấm tức chẳng phải là thạnh ấm?

Sắc vô lậu, không bị chấp thủ, thì nói ấm chẳng phải là thạnh ấm.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Bạch Ni Sư, thế nào là Thánh đạo tám chi?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Thánh đạo tám chi là từ chánh kiến đến chánh định là tám. Đó gọi là Thánh đạo tám chi.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, Thánh đạo tám chi là hữu vi chăng?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Đúng vậy, Thánh đạo tám chi là hữu vi.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Bạch Ni Sư, có bao nhiêu tụ?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Có ba tụ là giới tụ, định tụ và tuệ tụ.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong, khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Bạch Ni Sư, Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ hay ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Không phải Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ, nhưng ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi.

Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, ba chi Thánh đạo này được nhiếp về Thánh giới tụ.

Chánh niệm, chánh định, hai chi này được thâu nhiếp vào Thánh định tụ.

Chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, ba chi này thân nhiếp vào Thánh tuệ tụ.

Đó là nói rằng không phải Thánh đạo tám chi ba tụ, nhưng ba tụ nhiếp Thánh đạo tám chi.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong, hoan hỷ phụng hành.

Lại thưa: Bạch Ni Sư, diệt là hữu đối chăng?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: Diệt là vô đối.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư!

Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành, lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, Sơ Thiền có bao nhiêu chi?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp: 

Sơ Thiền có năm chi là giác, quán, hỷ, lạc và nhất tâm. Đó là năm chi của Sơ Thiền.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại thưa: Bạch Ni Sư, sao gọi là đoạn, sao gọi là tưởng, sao gọi là định lực, sao gọi là định công, sao gọi là tu định?

Pháp Lạc Tỳ Kheo Ni đáp rằng: Nếu có thiện tâm thuần nhất được gọi là định. Bốn niệm xứ được gọi là định tưởng. Bốn chánh đoạn được gọi là định lực. Bốn Như Ý Túc được gọi là định công. Nếu tu tập các thiện pháp này rồi lại thường chuyên tu tập tinh cần, đó gọi là tu định.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, có bao nhiêu sự kiện mà sanh thân sau khi chết rồi, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Có ba sự kiện khiến sanh thân sau khi chết, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình.

Những gì là ba?

Một là tuổi thọ, hai là hơi ấm, ba là thức. Đó là ba pháp khiến sanh thân sau khi chết thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong, khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, một người chết và nhập diệt tận định khác nhau như thế nào?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Chết là mạng đã dứt, hơi ấm lìa thân, các căn bại hoại. Còn Tỳ Kheo nhập diệt tận định thì tuổi thọ chưa dứt, hơi ấm cũng không lìa thân, các căn không bại hoại. Đó là sự khác biệt giữa một người chết và nhập diệt tận định.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, một người diệt tận định và một người nhập vô tưởng định khác nhau thế nào?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Một người nhập diệt tận định thì tưởng và tri đều diệt còn một người nhập vô tưởng định thì tưởng và tri không diệt.  Đó là sự khác biệt giữa một người nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra khác nhau như thế nào?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Tỳ Kheo từ diệt tận định ra không khởi suy nghĩ này, ta từ diệt tận định ra.

Tỳ Kheo khi từ vô tưởng định ra, khởi ý nghĩ này, ta là hữu tưởng?

Hay ta là vô tưởng?

Đó là sự khác nhau giữa một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong, hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi: Tỳ Kheo khi nhập diệt tận định có khởi ý nghĩ rằng, ta nhập diệt tận định không?

Pháp lạc Tỳ Kheo đáp: Tỳ Kheo khi nhập diệt tận định không khởi ý nghĩ rằng, ta nhập diệt tận định, nhưng do theo tâm thức đã tu tập từ trước, y như vậy mà tiến tới.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, Tỳ Kheo từ diệt tận định ra có khởi ý nghĩ rằng, ta từ diệt tận định ra hay không?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Tỳ Kheo khi từ diệt tận định ra không khởi ý nghĩ, ta từ diệt tận định ra, nhưng bởi thân này và sáu xứ duyên mạng căn, cho nên từ định mà ra.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, Tỳ Kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc những gì?

Thú hướng những gì?

Và thuận những gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Tỳ Kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc đối với viễn ly, thú hướng viễn ly và tùy thuận viễn ly.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư có bao nhiêu thọ?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Có ba thọ, là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ.

Chúng duyên vào đâu mà có?

Duyên vào xúc.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư!

Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, thế nào là cảm thọ lạc?

Thế nào là cảm thọ khổ, và thế nào là cảm thọ không khổ không lạc?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Nếu lạc được cảm xúc bởi lạc xúc mà sanh, thân và tâm cảm giác rất khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ lạc.

Nếu khổ được cảm xúc bởi khổ xúc mà sanh, thân và tâm cảm thọ khổ, không khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ khổ.

Nếu không khổ không lạc được cảm xúc bởi xúc không khổ không lạc mà sanh, thân và tâm cảm thọ không khổ không lạc, không phải khoái cảm hay không khoái cảm, thì cảm thọ này gọi là cảm giác không lạc không khổ.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, đối với cảm thọ lạc, thế nào là lạc?

Thế nào là khổ?

Thế nào là vô thường?

Thế nào là tai hoạn?

Thế nào là sử?

Đối với cảm thọ khổ, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử?

Đối với cảm thọ không khổ không lạc, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Đối với cảm thọ lạc, sanh là lạc, trụ là lạc. Biến dịch là khổ. Vô thường tức là tai hoạn, và dục là sử. Đối với cảm thọ khổ, sanh là khổ, trụ là khổ, biến dịch là lạc, vô thường tức là tai hoạn, sân nhuế là sử.

Đối với cảm thọ không khổ không lạc, khổ hay lạc không được biết đến, vô thường tức là biến dịch và vô minh là sử vậy.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, phải chăng tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử?

Tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử?

Tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Không phải tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử, không phải tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử. Không phải tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử.

Vì sao cảm thọ lạc không phải là dục sử?

Nếu Tỳ Kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ Thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ lạc không phải là dục sử.

Vì sao vậy?

Vì đã đoạn dục.

Vì sao cảm thọ khổ không phải là nhuế sử?

Như mong cầu vô thượng giải thoát lạc, do sự nguyện cầu canh cánh mà sanh ra ưu khổ. Đó là cảm thọ khổ không không phải là nhuế sử.

Vì sao?

Vì nó đoạn sân nhuế.

Vì sao cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử?

Khi lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ đã có trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc đệ Tứ Thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử.

Vì sao?

Vì nó đoạn vô minh.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, cảm thọ lạc đối đãi với cái gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Cảm thọ lạc lấy cảm thọ khổ làm đối đãi.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, cảm thọ khổ đối đãi với cái gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Cảm thọ khổ lấy cảm thọ lạc làm đối đãi.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, cảm thọ vừa lạc vừa khổ đối đãi với cái gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Cảm thọ lạc khổ lấy không khổ không lạc làm đối đãi.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, cảm thọ không khổ không lạc đối đãi với cái gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Cảm thọ không khổ không lấy vô minh làm đối đãi.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, vô minh đối đãi với gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Vô minh lấy minh làm đối.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, minh đối đãi với gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Minh lấy Niết Bàn làm đối.

Ưu Bà Di Tì Xá Khư nghe xong khen rằng: Hay thay! Hay thay! Bạch Ni Sư! Ưu Bà Di Tì Xá Khư khen xong hoan hỷ phụng hành.

Lại hỏi rằng: Bạch Ni Sư, Niết Bàn đối đãi với cái gì?

Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc đáp rằng: Ông muốn hỏi những việc vô cùng, nhưng việc ông hỏi không thể cùng tận giới hạn của tôi được. Niết Bàn không có đối đãi. Niết Bàn không có quái ngại, vượt qua quái ngại, diệt trừ quái ngại, do nghĩa này nên tôi theo Thế Tôn hành phạm hạnh.

Bấy giờ Ưu Bà Di Tì Xá Khư, khi nghe Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc nói, khéo léo thọ trì, tụng tập, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc, đi nhiễu ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc sau khi tiễn Ưu Bà Di Tì Xá Khư đi cách đó không lâu, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng một bên, đem hết những điều thảo luận cùng Ưu Bà Di Tì Xá Khư bạch lại với Phật, chấp tay thưa rằng: 

Bạch Thế Tôn, con nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng Thế Tôn chăng?

Nói chân thật, nói như pháp, không có trái nhau, không có tranh cãi, nhầm lẫn chăng?

Thế Tôn đáp rằng: Này Tỳ Kheo Ni, ngươi nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng ta, ngươi nói chân thật, ngươi nói như pháp, nói theo thứ lớp của pháp. Đối với như pháp, không có chống trái nhau, không tranh, không lỗi vậy.

Này Tỳ Kheo Ni, nếu Ưu Bà Di Tì Xá Khư đến hỏi ta, ta cũng bằng những văn cú như vậy, ta cũng trả lời Ưu Bà Di Tì Xá Khư bằng nghĩa này, bằng văn cú này.

Này Tỳ Kheo Ni, nghĩa này đúng như ngươi đã nói, ngươi cứ như vậy mà thọ trì. Vì sao, những lời này tức là giáo nghĩa vậy.

Phật thuyết như vậy, Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc và Chư Tỳ Kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***