Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Một - Phẩm đại

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẦN MƯỜI MỘT

PHẨM ĐẠI
 

KINH DỤ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:

Nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

Cũng như làm ruộng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới làm được ruộng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

Cũng như hạt giống, các loại hạt giống, các loại thảo mộc, trăm giống lúa, cây thuốc được phát sanh, trưởng dưỡng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới được sanh trưởng.

Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

Cũng như trong các căn hương, trầm hương  là tối đệ nhất. Cũng như trong các thọ hương, xích Chiên đàn là tối đệ nhất. Cũng như trong các hoa dưới nước, hoa sen xanh là tối đệ nhất.

Cũng như trong các hoa trên đất, hoa Tu Ma Na là tối đệ nhất. Cũng như trong các dấu chân của loài thú, thì tất cả đều nhập vào trong dấu chân voi. Dấu chân voi gồm chứa hết là bậc nhất.

Dấu chân voi ấy là tối đệ nhất, vì rất rộng, rất lớn. Cũng như thế, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu.

Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất. Cũng như trong các loài thú, Sư Tử Vương là tối đệ nhất. Ví như khi các trận cùng đấu chiến nhau thì yếu thệ  là thứ nhất.

Cũng như các đòn tay của lầu gác, tất cả đều y cứ trên đòn dông, thiết lập trên dông, được duy trì bởi đòn dông, đòn dông là bậc nhất vì duy trì tất cả.

Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

Cũng như trong các ngọn núi, Tu Di Sơn Vương là bậc nhất. Cũng như trong các dòng suối, biển lớn thu nhập nước, biển lớn là bậc nhất. Cũng như trong các loại đại thân, A Tu La Vương là thứ nhất.

Cũng như trong các loại chiêm thị, Ma Vương là thứ nhất. Cũng như trong các loại hành dục, đảnh sanh vương là thứ nhất. Cũng như trong các Tiểu Vương, Chuyển Luân Vương là bậc nhất.

Cũng như giữa các vì tinh tú trong Hư Không, mặt trăng là bậc nhất. Cũng như trong các loại vải lụa, lụa trắng tinh là thứ nhất.

Cũng như trong các loại ánh sáng, ánh sáng của trí tuệ là thứ nhất. Cũng như trong các chúng hội, chúng đệ tử của Như Lai là bậc nhất.

Cũng như trong các pháp hữu vi và vô vi, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết Bàn là bậc nhất. Cũng như trong các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân.

Sắc, vô sắc, có tưởng, không tưởng, cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng, trong đó Như Lai là bậc nhất, là tối đại, là tối thượng, là tối cao, là tối tôn, là tối diệu.

Cũng như do bò mà có sữa. Nhân sữa có tô. Nhân tô có sanh tô. Nhân sanh tô có thục tô. Nhân thục tô có tô tinh. Tô tinh là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối, là thắng, là tôn, là diệu.

Cũng như thế, trong các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng, trong đó Như Lai là bậc nhất, là tối đại, là tối thượng, là tối cao, là tối thắng, là tối tôn, là tối diệu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:

Những ai mong tài vật,

Tốt đẹp, tăng tiến nhiều,

Khen ngợi không phóng dật

Sự, vô sự, đều tỏ

Những ai không phóng dật,

Lợi nghĩa cả hai đời

Đời này khéo thu hoạch

Và Đời sau thu hoạch

Và thu hoạch đời này

Dũng mãnh quán các nghĩa

Kẻ trí tất giải thoát.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***