Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Một - Phẩm đại

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẦN MƯỜI MỘT

PHẨM ĐẠI
 

KINH HÀNG MA
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại Bạt Kì Sấu, trong núi Ngạc, rừng Bố, vườn Lộc Dã.

Lúc bấy giờ Đại Mục Kiền Liên đang coi việc dựng thiền thất cho Phật. Trong lúc Tôn Giả đang kinh hành trên khoảng đất trống, bấy giờ Ma Vương hóa hình nhỏ xíu, chui vào trong bụng của Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên.

Lúc đó, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nghĩ như vậy, bụng ta cảm thấy nặng, giống như đang ăn phải hạt đậu. Ta hãy nhập như kỳ tượng định, bằng như kỳ tượng định ta nhìn vào bụng xem.

Rồi Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên đi đến cuối đường kinh hành, trải Ni Sư Đàn, ngồi xếp kiết già, nhập như kỳ tượng định, bằng như kỳ tượng định mà nhìn vào bụng mình, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên thấy Ma Vương đang ở trong đó.

Tôn Giả bèn ra khỏi định, nói với Ma Vương: Này Ba Tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba Tuần, ngươi hãy đi ra!

Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ.

Khi ấy, Ma Vương liền nghĩ:

Sa Môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: Này Ba Tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba Tuần, ngươi hãy đi ra!

Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ.

Tôn Sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên lại nói với Ma Vương rằng:

Ta lại biết trong ý của ngươi, ngươi nghĩ như vậy, Sa Môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: Này Ba Tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba Tuần, ngươi hãy đi ra!

Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ.

Tôn Sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao.

Ma Ba Tuần kia nghĩ rằng: Sa Môn này đã thấy và biết ta nên mới nói như vậy. Rồi Ma Ba Tuần hóa hình nhỏ xíu, từ trong miệng vọt ra, đứng ngay trước mặt Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên bảo rằng: Này Ma Ba Tuần, thuở xưa, có Như Lai tên là Giác Lịch Câu Tuân Đại, Đấng Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Lúc đó ta làm ma có tên là Ác.

Ta có người em gái tên là Hắc. Ngươi chính là con trai của nó. Này Ma Ba Tuần, vì lẽ đó cho nên ngươi là cháu gọi ta bằng cậu.

Này Ma Ba Tuần, Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác có hai đệ tử, một tên là Âm, hai tên là Tưởng.

Này Ba Tuần, do ý nghĩa nào được gọi là Âm?

Ba Tuần, Tôn Giả đó lúc sống trên Cõi Trời Phạm Thiên, tiếng nói bình thường của Ngài vang cả ngàn Thế Giới lại không có một đệ tử nào có âm thanh ngang bằng, hoặc tương tợ, hoặc trội hơn được.

Này Ba Tuần, vì lẽ ấy cho nên Tôn Giả đó được gọi là Âm vậy.

Ba Tuần, lại do ý nghĩa nào mà Tôn Giả Tưởng có tên là Tưởng?

Này Ba Tuần, Tôn Giả Tưởng nương nơi thôn ấp mà du hành. Khi đêm đã qua, lúc Trời hừng sáng, Tôn Giả ấy đắp y, mang bình bát, đi vào thôn ấp khất thực, cẩn thận thủ hộ thân, thu nhiếp các căn, giữ vững chánh niệm.

Ngài sau khi khất thực xong và sau khi ăn vào lúc giữa trưa, thâu vén y bát, rửa tay chân, vắt Ni Sư Đàn trên vai, đi vào rừng vắng vẻ, hoặc đến dưới gốc cây trong rừng sâu, hoặc đến chỗ không tĩnh, trải Ni Sư Đàn ngồi kết già, liền nhập tưởng tri diệt định một cách mau chóng.

Lúc ấy có những người đang lùa trâu, dê, người đi mót cỏ, hoặc người đi đường, họ vào trong núi, thấy Ngài nhập Tưởng tri diệt định, bèn nghĩ rằng: Nay Sa Môn này ngồi mà chết trong khu rừng vắng này. Chúng ta hãy nhặt cỏ khô chất đống phủ lên trên, ràng rịt cẩn thận, lượm củi chất chồng lên trên thân để hỏa thiêu. Họ bèn nhặt cỏ chất đống phủ lên thân Ngài, nổi lửa đốt rồi bỏ mà đi.

Tôn Giả kia, sau khi đêm đã qua, Trời vừa hừng sáng, ra khỏi định, đập phủi y phục, du hành trở về thôn ấp, đắp y, mang bình bát vào thôn ấp khất thực như thường lệ, khéo giữ gìn thân căn, giữ vững chánh niệm.

Những người lùa trâu, dê, những người mót cỏ khô, hoặc người đi đường vào trong núi đã gặp Tôn Giả trước kia.

Họ bèn nghĩ: Đây là Sa Môn ngồi mà chết trong khu rừng vắng vẻ này. Chúng ta đã nhặt cỏ khô chất đống phủ trên thân, nổi lửa đốt rồi bỏ đó mà đi. Song Hiền Giả này vẫn còn biết tưởng. Này Ba Tuần, vì lẽ đó cho nên Tôn Giả Tưởng được gọi là Tưởng vậy.

Này Ba Tuần, lúc ấy ác ma nghĩ rằng Sa Môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, bị tuyệt chủng, không con cái, học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

Giống như con lừa trọn ngày mang nặng, bị cột lại trong tàu, không được ăn lúa mạch, nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

Sa Môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng, không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

Giống như con mèo ngồi rình bên hang chuột, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

Cũng vậy, Sa Môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

Cũng giống như con cú mèo ở giữa đống củi khô, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét. Cũng vậy, Sa Môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

Giống như con chim hạc ở bên bờ nước, vì muốn bắt cá nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét. Cũng vậy, Sa Môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, bị tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

Chúng dò xét cái gì?

Dò xét với mục đích gì?

Dò xét để mong cái gì?

Chúng nó loạn trí, phát cuồng, bại hoại.

Ta chẳng biết chúng nó ở đâu đến, cũng chẳng biết chúng nó đi về đâu, chẳng biết chúng nó sống ở đâu, chẳng biết chúng nó chết như thế nào, sanh như thế nào?

Ta hãy dạy bảo các Phạm Chí, cư sĩ rằng: Ngươi hãy đi đến mà chửi, mà đập, mà phá, mà rủa xả Sa Môn tinh tấn kia.

Vì sao vậy?

Khi bị chửi, bị đập, bị phá, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ lợi dụng. Bấy giờ ác ma bèn xúi dục các cư sĩ, Phạm Chí. Các cư sĩ, Phạm Chí ấy chửi, đập phá, rủa xả Sa Môn tinh tấn. Các cư sĩ, Phạm Chí ấy hoặc dùng cây đánh, hoặc lấy đá ném, hoặc vác gậy đập, có khi gây thương tích Sa Môn tinh tấn, có khi làm rách toạc áo, có khi làm bể bình bát.

Bấy giờ trong số cư sĩ Phạm Chí ấy do nhân duyên này thân hoại mạng chung phải đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Chúng sanh vào đó rồi, suy nghĩ như vậy, ta phải thọ khổ này, lại phải thọ cực khổ hơn nữa.

Vì cớ sao?

Vì chúng ta đã đối xử tàn ác với Sa Môn tinh tấn vậy.

Này Ba Tuần, đệ tử của Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác mang đầu thương tích, mang y rách toạc, mang bình bát bể, đi đến chỗ Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh.

Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa một đệ tử mang đầu bị thương tích, y rách toạc, bình bát bể đi đến.

Ngài thấy vậy, bảo các Tỳ Kheo rằng:

Các ngươi có thấy chăng, ác ma đã xúi dục các cư sĩ, Phạm Chí rằng: Các ngươi hãy đến mà chửi, mà đập, mà rủa xả Sa Môn tinh tấn.

Vì cớ sao?

Khi bị chửi, bị đập, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng. Này các Tỳ Kheo, hãy với tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ.

Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy thượng hạ bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, Bồ tát kết, không oán, không nhuế, không não hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bi và hỷ cũng vậy.

Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy khiến ác ma không thể lợi dụng.

Này Ma Ba Tuần, Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác bằng giáo pháp như vậy mà dạy đệ tử.

Họ bèn thọ lãnh giáo Pháp ấy, tâm tương ưng với từ, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy, ác ma kia không thể lợi dụng được.

Này Ma Ba Tuần, lúc đó ác ma lại nghĩ: Bằng sự việc ấy ta muốn lợi dụng Sa Môn tinh tấn mà không thể được.

Bây giờ ta hãy xúi dục các cư sĩ, Phạm Chí rằng: Các người hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa Môn tinh tấn. Biết đâu do sự phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa Môn tinh tấn, chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng.

Này Ma Ba Tuần, các cư sĩ, Phạm Chí kia sau khi bị ác ma xúi dục, họ đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa Môn tinh tấn. Họ lấy áo trải lên mặt đất mà nói rằng Sa Môn tinh tấn, xin đạp lên mà đi.

Sa Môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc. Hoặc có Phạm Chí trải tóc lên mặt đất, nói rằng Sa Môn tinh tấn, xin đạp lên tóc mà đi.

Sa Môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc. Hoặc có cư sĩ, Phạm Chí hai tay bưng đủ các loại ẩm thực, đứng bên dưới đợi và nói rằng Sa Môn tinh tấn, xin nhận vật thực này, xin cứ mang đi tùy ý mà thọ dụng, để cho tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc.

Các cư sĩ, Phạm Chí thành tín thấy Sa Môn tinh tấn, cung kính bồng bế vào nhà, đem đủ thứ tài vật ra cho Sa Môn tinh tấn và nói rằng: Xin thọ nhận cái này, xin thọ dụng cái này, xin mang cái này đi, tùy ý mà thọ dụng. Lúc bấy giờ trong số các cư sĩ, Phạm Chí đó có người chết, do nhân duyên này thân hoại mạng chung được đi đến thiện xứ, sanh lên Cõi Trời.

Sau khi sanh vào đó, họ bèn nghĩ Ta đáng thọ hưởng sự an lạc này, lại sẽ thọ hưởng Cực Lạc hơn nữa.

Vì sao thế?

Vì chúng ta đã làm các việc lành với Sa Môn tinh tấn vậy.

Này Ma Ba Tuần, đệ tử của Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, sau khi được phụng kính, cúng dường, lễ sự, họ đi đến Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Lúc đó Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đệ tử vây quanh.

Khi Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa các đệ tử được phụng kính, cúng dường, lễ sự đang đi đến, thấy vậy.

Ngài bảo các Tỳ Kheo rằng: Các ngươi có thấy chăng?

Ác ma xúi dục các cư sĩ, Phạm Chí rằng: Các ngươi hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa Môn tinh tấn. Biết đâu do phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa Môn tinh tấn, chúng sẽ nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng.

Này các Tỳ Kheo, các ngươi hãy quán các hành vô thường, quán các pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn để cho bọn ác ma không thể lợi dụng.

Này Ma Ba Tuần, Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác bằng giáo pháp như vậy mà dạy các đệ tử, họ bèn thọ lãnh giáo pháp ấy, quán các hành vô thường, quán pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn, khiến cho ác ma không thể lợi dụng.

Này Ma Ba Tuần, lúc đó ác ma bèn nghĩ: Bằng việc ấy ta muốn lợi dụng Sa Môn tinh tấn mà không được. Ta hóa hình làm một đứa nhỏ tay cầm cây gậy lớn, đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn Giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt.

Này Ma Ba Tuần, Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác sau đó đang du hành trong thôn ấp. Khi đêm đã qua, lúc Trời hừng sáng, mang y bát vào trong thôn xóm khất thực, Tôn Giả Âm đi hầu theo phía sau.

Ma Ba Tuần, lúc ấy ác ma hóa hình làm một đứa bé, tay cầm một cây gậy lớn đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn Giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt. Ma Ba Tuần, Tôn Giả Âm sau khi bị vỡ đầu chảy máu, vẫn đi theo sau Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác như bóng không rời hình.

Này Ma Ba Tuần, Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác sau khi đến thôn ấp, bằng sức mạnh cực kỳ của bản thân, Ngài xoay nhìn theo phía hữu, như cái nhìn của một voi chúa, không sợ không hãi, không kinh không khiếp, quán sát khắp mọi phía.

Này Ma Ba Tuần, Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nhìn thấy Tôn Giả Âm đầu bị chảy máu ướt cả mặt, đang đi theo sau Phật như bóng không rời hình, bèn nói rằng: Ác ma thật là hung bạo này có đại oai lực, ác ma này không biết vừa đủ. Này Ma Ba Tuần, Đức Giác Lịch Câu Tuân Đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nói chưa xong thì ngay tại chỗ đó ác ma liền bị đọa vào Đại địa ngục Vô khuyết.

Ma Ba Tuần, Đại địa ngục này có bốn tên gọi, một là Vô Khuyết, hai là Bách đinh, ba là Nghịch thích, bốn là Lục cánh.

Trong Đại địa ngục đó có ngục tốt đi đến chỗ ác ma ở mà nói rằng: Ngươi nay nên biết, nếu đinh hiệp với các đinh, phải biết mãn một trăm năm.

Ma Ba Tuần nghe nói như vậy xong, trong lòng hết sức rung động, kinh sợ, khủng khiếp vô cùng, tóc lông dựng ngược, bèn hướng đến Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên mà nói bài kệ:

Địa ngục kia thế nào,

Xưa ác ma ở đó?

Nhiễu hại bậc phạm hạnh

Xúc phạm cả Tỳ Kheo.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên đáp lại Ma Ba Tuần bài kệ rằng:

Địa ngục tên Vô Khuyết,

Ác ma từng ở trong

Nhiễu hại bậc phạm hạnh,

Xúc phạm Tỳ Kheo Tăng

Đinh sắt cả trăm cái,

Thảy đều đâm ngược lên

Địa ngục tên Vô Khuyết,

Ác ma từng ở trong

Nếu như ai không biết,

Đệ tử Phật, Tỳ Kheo,

Tất nhiên khổ như vậy,

Mà thọ báo nghiệp đen

Trong nhiều loại viên quán,

Loài người trên đất này,

Ăn loại lúa tự mọc,

Đời Bắc châu, tự nhiên

Đại Tu Di triền núi

Xông ướp bởi nhân lành

Tu tập nơi giải thoát,

Thọ trì tối hậu thân,

Đứng sững trên suối lớn,

Cung điện kiếp lâu bền

Sắc vàng thật ái lạc,

Như lửa rực huy hoàng

Nhạc Trời trỗi các thứ

Đến Đế Thích Thiên Cung

Kiếp xưa với nhà cửa,

Thiện Giác đã cúng dường

Nếu Đế Thích đi trước,

Lên điện Tỳ Xà Diên

Hân hoan chào đón Thích,

Thiên nữ vũ chúc mừng

Nếu thấy Tỳ Kheo đến,

Nhìn lui, vẻ thẹn thùng

Nếu Tỳ Lan Diên hiện,

Luận nghĩa cùng Sa Môn,

Ái tận, đắc giải thoát

Đại tiên có biết chăng?

Tỳ Kheo liền đáp lại,

Người hỏi đúng như nghĩa

Câu Dực, ta biết đây,

Ái tận, đắc giải thoát

Nghe lời giải đáp này,

Đế Thích hoan hỷ lạc

Tỳ Kheo ban lợi ích,

Nói năng đúng nghĩa chân

Trên Tỳ Xà Diên điện,

Hỡi Đế Thích Thiên Vương,

Cung điện tên gì vậy,

Mà người nhiếp trì thành?

Thích đáp: Đại Tiên Nhân

Tên Tỳ Xà Diên Đá

Gọi là Thế Giới ngàn,

Ở trong ngàn Thế Giới

Không cung điện nào hơn

Như Tỳ La Diên Đá

Thiên Vương Thiên Đế Thích,

Tự tại mà du hành

Ái lạc na du đá,

Hóa một thành trăm hàng

Trong Tỳ Lan Diên điện,

Đế Thích tự tại chơi

Tỳ Lan Diên đại điện,

Ngón chân đủ lung lay

Thiên Vương mắt xem thấy,

Đế Thích tự tại chơi

Giảng đường Lộc Tử Mẫu,

Nền sâu, đắp kiên cố,

Khó động, khó lung lay,

Lay bởi định như ý

Kia có đất lưu ly,

Thánh Nhân bước lên đi

Trơn nhuần, cảm thọ lạc,

Trải gấm êm diệu kỳ

Ái ngữ thường hòa hiệp,

Thiên Vương thường hân hoan

Nhạc Trời hay khéo trỗi,

Âm tiết họa nhịp nhàng

Thiên chúng đều hội tụ,

Nhưng thuyết Tu Đà Hoàn

Biết mấy vô lượng ngàn,

Và hằng trăm na thuật

Đến Tam Thập Tam Thiên,

Bậc Tuệ Nhãn thuyết pháp

Nghe Ngài thuyết pháp xong,

Hoan hỷ và phụng hành

Ta cũng có pháp ấy,

Như lời của Tiên Nhân

Tức lên cõi Đại Phạm,

Hỏi Phạm Thiên sự tình

Phạm vẫn có thấy ấy

Tức thấy có từ xưa,

Ta vĩnh tồn, thường tại,

Hằng hữu, không biến đổi

Đại Phạm trả lời kia,

Đại Tiên tôi không thấy,

Tức thấy có từ xưa,

Ta thường hằng không đổi

Tôi thấy cảnh giới này,

Các Phạm Thiên quá khứ

Ta nay do đâu nói,

Thường hằng không biến đổi

Ta thấy thế gian này,

Bậc Chánh Giác đã dạy

Tùy nhân duyên sanh ra,

Luân chuyển rồi trở lại

Lửa không nghĩ thế này:

Ta đốt kẻ ngu dại

Lửa đốt, ngu sờ tay,

Tất nhiên phải bị cháy

Cũng vậy, Ma Ba Tuần,

Đến Như Lai pháp khuất,

Mãi làm điều bất thiện,

Tất thọ báo miên viễn

Ngươi đừng trách Phật Đà,

Chớ hại Tỳ Kheo tịnh

Một Tỳ Kheo hàng ma,

Tại Bố Lâm rừng già

Con quỷ sầu áo não,

Bị Kiền Liên quở la

Hãi hùng mất trí tuệ,

Biến mất bèn đi xa.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên thuyết như vậy.

Ma Ba Tuần sau khi nghe Tôn Giả thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***