Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Song

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI NĂM

PHẨM SONG
 

KINH A DI NA
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trú tại Đông Viên, giảng đường Lộc Tử Mẫu. Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ tĩnh tọa đứng dậy, bước xuống giảng đường, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của giảng đường và thuyết giảng rộng rãi về pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ Kheo nghe.

Lúc ấy, dị học A Di Na, đệ tử của Sa Môn Man Đầu, từ xa thấy Đức Thế Tôn từ tĩnh tọa dậy, bước xuống giảng đường, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của giảng đường và thuyết giảng rộng rãi về pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ Kheo nghe.

Dị học A Di Na, đệ tử của Sa Môn Man Đầu đến chỗ Phật, chào hỏi và kinh hành theo Phật.

Đức Thế Tôn quay lại hỏi rằng: Dị học A Di Na, Sa Môn Man Đầu có thật sự tư duy với năm trăm tư duy. Nếu có dị học, Sa Môn, Phạm Chí nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là ta biết không sót cái gì, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn.

Dị học A Di Na, đệ tử của Sa Môn Man Đầu đáp rằng: Thưa Cù Đàm, Sa Môn Man Đầu thật sự tư duy với năm trăm tư duy. Nếu có dị học, Sa Môn, Phạm Chí nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là ta biết không sót thứ gì, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn.

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng: A Di Na, thế nào là Sa Môn Man Đầu thật sự tư duy với năm trăm tư duy.

Nếu có Dị Học, Sa Môn, Phạm Chí nào là vị Nhất thiết tri, Nhất thiết kiến, tự cho là ta biết không sót cái gì, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn?

Dị học A Di Na, đệ tử của Sa Môn Man Đầu, đáp rằng: Thưa Cù Đàm! Sa Môn Man Đầu nói như vậy, nếu khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, lúc tối hay ban ngày vẫn thường không chướng ngại tri kiến.

Nhưng cũng có khi gặp voi chạy càn, ngựa phóng đại, xe ruỗi nhanh, lính bại trận, con trai chạy trốn, con gái chạy trốn, hoặc đi trên con đường nào đó mà gặp voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, hoặc gặp ổ rắn, hoặc bị ném đất, hoặc bị gậy đánh, hoặc lọt xuống rãnh, hoặc rơi vào hầm xí.

Hoặc đạp lên bò đang nằm, hoặc sa xuống hầm sâu, hoặc đâm vào bụi gai, hoặc thấy thôn ấp mà phải hỏi tên đường, hoặc gặp kẻ trai người gái phải hỏi họ hỏi tên, hoặc nhìn lầm nhà trống, hoặc vào dòng họ nào đó và khi vào rồi được hỏi rằng: Ông ở đâu đến?

Ta đáp rằng, này Chư Hiền, tôi đi lộn đường.

Thưa Cù Đàm! Sa Môn Man Đầu đại loại như vậy, tư duy với năm trăm tư duy, và nếu có dị học Sa Môn, Phạm Chí nào là bậc nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho rằng: Ta biết không sót cái gì, nhưng vị ấy cũng có những lầm lẫn như vậy.

Rồi Đức Thế Tôn đi kinh hành đến mút đường, dừng lại, trải tọa cụ, ngồi kiết già, hỏi các Tỳ Kheo: Những sự kiện trí tuệ được ta nói đến, các người thọ trì chăng?

Các Tỳ Kheo im lặng không đáp.

Đức Thế Tôn hỏi như vậy đến ba lần: Những sự kiện trí tuệ được ta nói đến, các ngươi thọ trì chăng?

Các Tỳ Kheo cũng ba lần im lặng không đáp.

Lúc ấy có một Tỳ Kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng đến Phật bạch rằng: Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc!

Nếu Thế Tôn nói những sự kiện trí tuệ cho các Tỳ Kheo nghe thì các Tỳ Kheo sau khi nghe Thế Tôn nói sẽ khéo léo thọ trì.

Thế Tôn nói: Này Tỳ Kheo, hãy nghe rõ và suy nghĩ kỹ, ta sẽ phân tích đầy đủ cho các ngươi.

Bấy giờ các Tỳ Kheo bạch rằng: Chúng con kính vâng lời, lắng nghe.

Đức Phật lại bảo rằng: Có hai chúng, một là chúng pháp, hai là chúng phi pháp.

Sao gọi là chúng phi pháp?

Hoặc có người làm việc phi pháp, nói lời phi pháp và chúng ấy cũng làm việc phi pháp, nói lời phi pháp. Người phi pháp ấy đứng đầu trong chúng phi pháp, theo những điều chính mình đã biết, nhưng lại bằng những lời hư vọng, không chân thật mà hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, bị cật vấn thì không thể trả lời được.

Đối với trong chánh pháp luật không thể xứng lập những điều chính mình đã biết. Nhưng người phi pháp đứng đầu trong chúng phi pháp, tự cho là ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả. Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng phi pháp.

Sao gọi là chúng pháp?

Hoặc có người làm đúng pháp, nói như pháp và chúng ấy cũng làm đúng pháp, nói như pháp.

Người đúng pháp ấy đứng đầu trong chúng pháp, theo những điều chính mình đã biết, không bằng những lời hư vọng mà bằng sự chắc thật, hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác.

Khi bị cật vấn thì có thể trả lời được, đối với chánh pháp luật có thể xứng lập những điều chính mình đã biết, và người ấy đứng đầu trong chúng pháp, tự cho là ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả. Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng pháp.

Cho nên, các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã chứng biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật. Phật Thuyết như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh Thất tĩnh tọa.

Bấy giờ các Tỳ Kheo liền suy nghĩ: Chư Hiền nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa. Nói rằng, Cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.

Họ lại nghĩ rằng: Này Chư Hiền, ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt?

Họ lại nghĩ rằng: Tôn Giả A Nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các vị phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn Giả A Nan có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt.

Này Chư Hiền, chúng ta cùng nhau đi đến chỗ Tôn Giả A Nan để yêu cầu nói ý nghĩa bày. Nếu được Tôn Giả A Nan phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo léo thọ trì.

Rồi các Tỳ Kheo đi đến chỗ Tôn Giả A Nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng: Bạch Tôn Giả A Nan, xin biết cho. Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa, rằng cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.

Chúng tôi lại nghĩ, này Chư Hiền.

Ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt?

Chúng tôi lại nghĩ rằng: Tôn Giả A Nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các vị phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn Giả A Nan có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt. Cúi mong Tôn Giả A Nan vì lòng từ mẫn mà phân biệt rộng rãi cho.

Tôn Giả A Nan bảo rằng: Này Chư Hiền, hãy lắng nghe tôi nói ví dụ.

Người có trí sau khi nghe ví dụ thì sẽ hiểu rõ ý nghĩa: Này Chư Hiền, ví như có người muốn tìm lõi cây, vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy một gốc cây to, đã đầy đủ rễ, thân, đốt, cành, lá, hoa và lõi.

Người ấy không đụng đến rễ, thân, đốt, lõi, mà chỉ đụng đến cành, lá. Những điều mà Chư Hiền nói cũng giống như vậy.

Đức Thế Tôn đang còn đó, sao Chư Hiền lại bỏ đi mà tìm đến tôi để hỏi ý nghĩa này?

Vì sao vậy?

Chư Hiền nên biết, Thế Tôn là con mắt, là trí, là nghĩa, là pháp, là pháp chủ, là pháp tướng, là bậc nói nghĩa Chân Đế. Mọi cứu cánh được chỉ bày do bởi Thế Tôn ấy. Chư Hiền nên đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi ý nghĩa này.

Bạch Thế Tôn, điều này là thế nào?

Điều này có ý nghĩa gì?

Đúng như những lời Thế Tôn nói, Chư Hiền hãy khéo léo thọ trì.

Lúc ấy các Tỳ Kheo bạch rằng: Bạch Tôn Giả A Nan, vâng, Đức Thế Tôn là con mắt, là trí, là nghĩa, là pháp, là pháp chủ, là pháp tướng, là bậc nói nghĩa Chân Đế. Mọi cứu cánh được chỉ bày do bởi Thế Tôn ấy. Nhưng Tôn Giả A Nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các vị phạm hạnh có trí khen ngợi.

Bạch Tôn Giả A Nan, Tôn Giả có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết một cách vắn tắt. Cúi mong Tôn Giả A Nan vì lòng từ mẫn mà phân biệt rộng rãi cho.

Tôn Giả A Nan nói với các Tỳ Kheo rằng: Này Chư Hiền, vậy hãy cùng nghe tôi nói.

Này Chư Hiền, tà kiến là phi pháp, chánh kiến là pháp. Nếu điều nào nhân bởi tà kiến mà sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, đó gọi là phi nghĩa. Nếu nhân bởi chánh kiến mà sanh ra vô lượng pháp thiện, đó gọi là nghĩa.

Này Chư Hiền, cho đến tà trí là phi pháp, chánh trí là pháp. Nếu nhân bởi tà trí mà sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, đó gọi là phi nghĩa. Nếu nhân bởi chánh trí mà sanh ra vô lượng pháp thiện, đó gọi là nghĩa.

Này Chư Hiền! Sự kiện Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa, rằng cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa.

Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.

Ý nghĩa mà Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt chứ không phân biệt rộng rãi này, tôi bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra như vậy. Chư Hiền có thể đến trình bày đầy đủ lên Đức Phật. Nếu đúng như ý nghĩa mà Đức Thế Tôn nói thí Chư Hiền hãy thọ trì.

Bấy giờ các Tỳ Kheo sau khi nghe những gì Tôn Giả A Nan nói, khéo léo thọ trì, đọc thuộc, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Tôn Giả A Nan ba vòng rồi đi.

Khi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch rằng: Bạch Thế Tôn, vừa rồi Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa. Tôn Giả A Nan đã bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra.

Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng: Lành thay! Lành thay! Trong hàng đệ tử của ta có những vị có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa.

Vì sao vậy?

Vì Tôn Sư nói ý nghĩa này cho đệ tử một cách vắn tắt mà không phân biệt rộng rãi, đệ tử ấy bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra. Đúng như những gì A Nan nói, các ngươi hãy như vậy mà thọ trì.

Vì sao vậy?

Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ Kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***