Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Song

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI NĂM

PHẨM SONG
 

KINH ĐẠI KHÔNG
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa giữa những người họ Thích, ở trong thành Ca Duy La Vệ, tại vườn Ni Câu Loại. Bấy giờ Đức Thế Tôn sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đắp y cầm bát đi vào thành Ca Duy La Vệ khất thực.

Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Ngài đi đến tinh xá Gia La Sai Ma Thích. Lúc bấy giờ tại Tinh Xá Gia La Sai Ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ Kheo trú nghỉ ở trong đó.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn từ trong Tinh Xá Gia La Sai Ma Thích đi ra, đến Già La Thích Tinh Xá. Bấy giờ, Tôn Giả A Nan và rất nhiều Tỳ Kheo ở trong tinh xá Già La Thích đang làm y. Tôn Giả A Nan từ xa trông thấy Phật sắp đến, bèn ra nghinh tiếp, rước y bát của Phật, trở vào trải giường ngồi, múc nước rửa chân.

Phật rửa chân rồi, ngồi trên chỗ ngồi của Tôn Giả A Nan đã trải sẵn trong tinh xá Già La Thích và nói rằng: Này A Nan, trong Tinh Xá Gia La Sai Ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ Kheo trú nghỉ ở trong đó chăng?

Tôn Giả A Nan bạch: Quả như vậy, bạch Thế Tôn, trong Tinh Xá Gia La Sai Ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ Kheo đang trú nghỉ trong đó.

Vì sao?

Vì chúng con hôm nay đang làm y.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A Nan rằng: Tỳ Kheo không nên ham muốn nói chuyện ồn ào, vui thích trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, vui thích với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

Tỳ Kheo nào ham muốn nói chuyện ồn ào, vui thích trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, vui thích với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

Vị ấy nếu có hoan lạc nơi sự hoan lạc của bậc Thánh, hoan lạc vô dục, hoan lạc viễn ly, hoan lạc tịch tịnh, hoan lạc Chánh Giác, hoan lạc không tài sản, hoan lạc phi sanh tử, đối với những hoan lạc ấy mà được dễ dàng không khó, trường hợp này không thể xảy ra.

Này A Nan, Tỳ Kheo nào không ham muốn nói chuyện ồn ào, không hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, không tụ tập để nói chuyện ồn ào, không ham muốn đông người, không hoan lạc với sự đông người, không tụ tập đông người, muốn rời xa chỗ đông người, thường hoan lạc trong sự sống cô độc nơi xa vắng.

Vị ấy nếu có sự hoan lạc của bậc Thánh, hoan lạc vô dục, hoan lạc viễn ly, hoan lạc tịch tịnh, hoan lạc Chánh Giác, hoan lạc không tài sản, hoan lạc phi sanh tử, đối với những hoan lạc này mà được dễ dàng không khó, trường hợp này tất có thể xảy ra.

Này A Nan, Tỳ Kheo không nên ham muốn nói chuyện ồn ào, hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, hoan lạc với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

Tỳ Kheo nào ham muốn nói chuyện ồn ào, hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, hoan lạc với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

Nếu vị ấy chứng đắc thời ái tâm giải thoát và bất thời bất di động tâm giải thoát, trường hợp này hoàn toàn không xảy ra.

Này A Nan, Tỳ Kheo nào không ham nói chuyện ồn ào, không hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, không tụ tập để nói chuyện ồn ào, không ham muốn đông người, không hoan lạc với sự đông người, không tụ tập đông người, muốn rời xa chỗ đông người, thường hoan lạc trong sự sống cô độc nơi xa vắng.

Vị ấy chứng đắc thời ái tâm giải thoát và bất thời bất di động tâm giải thoát, trường hợp này tất có xảy ra.

Vì sao vậy?

Này A Nan, ta không thấy có một sắc nào khiến ta ham muốn hoan lạc. Sắc ấy bại hoại, biến dịch, và khi nó đổi khác thì sanh ra sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não.

Vì vậy, ta an trụ nơi một trú xứ khác mà thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó là vượt qua tất cả sắc tưởng, an trụ nơi ngoại không.

Này A Nan, ta an trụ nơi trụ xứ này rồi, phát sanh sự hoan duyệt. Sự hoan duyệt này ta cảm thọ trong toàn thân với chánh niệm chánh trí, rồi phát sanh hỷ, phát sanh khinh an, phát sanh lạc, phát sanh định. Định này ta cảm thọ toàn thân với chánh niệm chánh trí.

Này A Nan, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc hay Ưu Bà Di nào tìm đến Ta, ta bèn vì họ mà an trụ trong tâm như vậy như vậy, viễn ly, an lạc, vô dục. ta cũng vì họ mà thuyết pháp, khuyến khích, hỗ trợ họ.

Này A Nan, Tỳ Kheo nào muốn hằng an trụ trong không tánh, Tỳ Kheo ấy sẽ giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định vị ấy sau khi giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định rồi, hãy suy niệm về nội không.

Này A Nan, nếu Tỳ Kheo nói như vậy: Tôi không giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, không khiến cho chuyên nhất và định, thì này A Nan, nên biết vị ấy tự làm cho mình rất phiền nhọc.

Này A Nan, Thế nào là Tỳ Kheo giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định?

Tỳ Kheo đối với thân này có hỷ lạc do ly dục phát sanh, thấm ướt khắp tất cả, thấm ướt nhuần một cách phổ biến sung mãn. Hỷ lạc do ly dục sanh không chỗ nào không biến mãn.

Này A Nan, cũng như một người tắm gội, đựng đầy bột tắm trong nhà rồi đổ nước vào khuấy rất đều cho nổi bọt lên, thấm ướt thấm nhuần khắp tất cả, phổ biến sung mãn, trong ngoài kín đáo không có chỗ nào rỉ ra.

Cũng vậy, này A Nan, Tỳ Kheo nơi thân này có hỷ lạc do ly dục phát sanh, thấm ướt khắp tất cả, thấm ướt nhuần một cách phổ biến sung mãn. Hỷ lạc do ly dục sanh không chỗ nào không biến mãn.

Này A Nan, như vậy, Tỳ Kheo giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định rồi, hãy tác ý về nội không. Vị ấy sau khi tác ý về nội không rồi, mà tâm bèn di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với nội không, Tỳ Kheo ấy hãy tác ý về ngoại không.

Vị ấy sau khi tác ý về ngoại không rồi, tâm bèn di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với ngoại không.

Này A Nan, nếu Tỳ Kheo trong lúc quán, biết rằng mình đang tác ý về ngoại không mà tâm di động, không hướng đến gần, không an trụ, không giải thoát đối với ngoại không, Tỳ Kheo ấy hãy tác ý về nội ngoại không. Vị ấy sau khi suy niệm về nội ngoại không rồi mà tâm bèn di động, không hướng đến gần, không trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với nội ngoại không.

Này A Nan, nếu Tỳ Kheo trong lúc lúc quán mà biết rằng mình đang suy niệm về nội ngoại không mà tâm di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với nội ngoại không, Tỳ Kheo ấy hãy tác ý về sự không di động.

Vị ấy sau khi suy niệm về sự không di động mà tâm di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với sự bất di động.

Này A Nan, nếu Tỳ Kheo nào trong lúc quán sát biết được rằng mình đang suy niệm về sự không di động mà tâm di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với sự bất di động.

Tỳ Kheo ấy có tâm như thế này hay thế khác, bằng định như thế này hay thế khác mà điều phục, liên tục điều phục, tu tập, liên tục tu tập, làm nhu nhuyến rồi lại nhu nhuyến, rất hân hoan trong sự nhu hòa, rất tịnh lạc trong sự viễn ly.

Nếu vị ấy có tâm như thế này hay thế khác bằng định như thế này hay thế khác mà điều phục rồi lại điều phục, tu tập rồi lại tu tập, nhu nhuyến rồi lại nhu nhuyến, rất hân hoan trong sự nhu hòa, rất tịnh lạc trong sự viễn ly rồi, hãy bằng nội không mà thành tựu an trụ.

Vị ấy sau khi nội không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội không.

Này A Nan, Tỳ Kheo trong lúc quán thì biết nội không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội không, đó là chánh tri.

Này A Nan, Tỳ Kheo hãy bằng ngoại không thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với ngoại không.

Này A Nan, như vậy Tỳ Kheo trong lúc quán thì biết ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với ngoại không. Đó gọi là chánh tri.

Này A Nan, Tỳ Kheo hãy bằng nội ngoại không thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi nội ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội ngoại không.

Này A Nan, như vậy Tỳ Kheo trong lúc quán thì biết nội ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội ngoại không. Đó gọi là chánh tri.

Này A Nan, hãy bằng bất di động thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi bất di động thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với bất di động.

Này A Nan, như vậy Tỳ Kheo trong lúc quán thì biết bất di động thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với bất di động. Đó gọi là chánh tri.

Này A Nan, vị Tỳ Kheo ấy với tâm an trụ trên trụ xứ này, nếu muốn kinh hành, Tỳ Kheo ấy từ thiền thất đi ra, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của thiền thất, các căn hướng vào trong tâm, không hướng ra ngoài, lấy phía sau tác ý làm phía trước.

Kinh hành như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

Này A Nan, Tỳ Kheo với tâm an trụ trên trụ xứ này, nếu muốn tọa định, Tỳ Kheo ấy rời khỏi chỗ kinh hành, đến cuối con đường kinh hành, trải Ni Sư Đàn, ngồi kiết già. Sau khi ngồi như vậy vững vàng rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

Này A Nan, Tỳ Kheo với tâm an trụ trong trụ xứ này, nếu muốn có suy niệm, thì Tỳ Kheo ấy đối với ba sự suy niệm về ác bất thiện này là niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, đừng suy niệm đến ba suy niệm ác bất thiện ấy.

Đối với ba suy niệm thiện là: Niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, hãy suy niệm trên ba suy niệm thiện ấy. Sau khi suy niệm như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, đó gọi là chánh tri.

Này A Nan, Tỳ Kheo ấy đối với những luận bàn không phải là Thánh luận, không tương ưng nghĩa, tức là luận bàn về những vấn đề Vua chúa, vấn đề đạo tặc, vấn đề đấu tranh, vấn đề ẩm thực, vấn đề đàn bà, vấn đề đồng nữ, vấn đề dâm nữ, vấn đề thế gian, vấn đề tà đạo, vấn đề trong biển.

Vị ấy không bàn luận các loại súc sanh luận như vậy. Nếu có những vấn đề thuộc Thánh luận, tương ưng nghĩa, khiến tâm nhu hòa, không có những sự che đậy, tức là vấn đề thí, vấn đề giới, vấn đề định, vấn đề giải thoát, vấn đề giải thoát tri kiến, vấn đề tiệm giảm, vấn đề không tụ hội, vấn đề thiểu dục, vấn đề tri túc, vấn đề vô dục, vấn đề đoạn, vấn đề diệt, vấn đề tĩnh tọa, vấn đề duyên khởi.

Sau khi luận bàn những vấn đề mà Sa Môn luận bàn như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

Lại nữa, này A Nan, có năm công đức của dục, khả lạc, khả ý, khả niệm, sắc ái lạc tương ưng với dục. Đó là, sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Tỳ Kheo với tâm chuyên chù mà quán năm diệu dục này, tùy theo diệu dục ấy mà có hành ấy trong tâm.

Vì sao vậy?

Không trước, không sau, năm dục công đức này tùy theo dục công đức nào mà có hành ấy trong tâm. Này A Nan, Tỳ Kheo trong lúc quán thì biết năm công đức của dục này, tùy theo công đức dục nào mà có hành ấy trong tâm.

Tỳ Kheo ấy với công đức dục này hay công đức dục kia quán là vô thường, quán suy hao, quán vô dục, quán đoạn, quán diệt, quán đoạn xả ly. Nếu năm công đức dục này có dục, bị nhiễm dục, chúng tức thì bị tiêu diệt.

Này A Nan, nếu Tỳ Kheo khi quán như vậy thì biết năm công đức dục này có dục và bị nhiễm dục, chúng đã bị đoạn trừ rồi. Đó gọi là chánh tri.

Lại nữa, này A Nan, có năm thủ uẩn, sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Tỳ Kheo như vậy mà quán sự hưng suy, quán sát rằng, đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc.

Đây là thọ, tưởng, hành và thức. Đây là sự tập khởi của thức, đây là sự diệt tận của thức. Nếu năm thủ uẩn này có ngã mạn, nó liền bị tiêu diệt.

Này A Nan, nếu Tỳ Kheo khi quán như vậy thì biết trong năm thủ uẩn, ngã mạn đã bị diệt rồi. Đó gọi là chánh tri.

Này A Nan! Pháp này tuyệt đối khả ý, tuyệt đối khả lạc, tuyệt đối ý niệm, vô lậu, không chấp thủ, ma không đến gần được, ác không thể đến gần được. Các pháp ác bất thiện ô uế làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai là phiền nhiệt, khổ báo, là nhân của sanh, già, bệnh, chết cũng không thể đến gần được. Tức là thành tựu sự không phóng dật này.

Vì sao vậy?

Nhân không phóng dật mà Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác chứng đắc giác ngộ, nhân gốc rễ không phóng dật mà phát sanh vô lượng thiện pháp, cho đến các trợ đạo phẩm. Cho nên, này A Nan, ngươi phải học như vậy, ta cũng thành tựu nơi sự không phóng dật. Hãy học như vậy.

Này A Nan, do nghĩa lợi nào mà một tín đồ đệ tử đi theo Thế Tôn mà hành phụng sự cho đến trọn đời?

Tôn Giả A Nan bạch Thế Tôn rằng: Thế Tôn là pháp bổn, Thế Tôn là pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn thuyết giảng điều đó. Con nay sau khi nghe xong sẽ được biết rộng ý nghĩa ấy.

Đức Phật bèn nói: Này A Nan, hãy lắng nghe. Hãy khéo tư niệm. ta sẽ phân biệt đầy đủ cho thầy nghe. Tôn Giả A Nan vâng lời, lắng nghe.

Đức Phật nói: Này A Nan, không phải chỉ vì chánh Kinh, ca vịnh, ký thuyết mà một tín đệ tử đi theo Thế Tôn để hành phụng sự cho đến trọn đời.

Này A Nan, hoặc từ lâu vị ấy đã từng nghe pháp này, tụng tập đến cả ngàn, chuyên ý tư duy quán sát, thấy rõ, thấu triệt sâu xa.

Nếu vấn đề này là Thánh luận tương ưng với cứu cánh, khiến tâm nhu hòa, không có những che lấp, tức các vấn đề bố thí, vấn đề giới, vấn đề định, vấn đề tuệ, vấn đề giải thoát, vấn đề giải thoát tri kiến, vấn đề tiệm giảm, vấn đề không tụ hội, vấn đề thiểu dục, vấn đề tri túc, vấn đề vô dục, vấn đề đoạn, vấn đề diệt, vấn đề tĩnh tọa, vấn đề duyên khởi.

Những vấn đề mà Sa Môn luận bàn như vậy, được dễ dàng chứ không khó. Do ý nghĩa này mà một tín đệ tử đi theo Thế Tôn để hành phụng sự cho đến trọn đời.

Này A Nan, như vậy là phiền lụy cho Tôn Sư, phiền lụy cho đệ tử, phiền lụy cho các vị đồng phạm hạnh.

Này A Nan, thế nào là phiền lụy cho Tôn Sư?

Ở đây, một vị Tôn Sư xuất thế, có sách lự tư duy, bằng tâm trạng sách lự mà quán sát các loại phàm nhân.

Có biện tài, vị ấy đi đến nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại.

Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc, rồi theo các đệ tử trở về với các Phạm Chí, Cư Sĩ, phong ấp, quốc nhân.

Vị ấy sau khi theo đệ tử trở về, với các Phạm Chí, Cư Sĩ, phong ấp, quốc nhân, bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy là phiền lụy cho Tôn Sư và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác bất thiện, ô uế, là gốc rễ cho sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh già bệnh chết. Đó là phiền lụy cho Tôn Sư.

Này A Nan, thế nào là sự phiền lụy cho đệ tử?

Đệ tử của vị Tôn Sư ấy học sự viễn ly của vị ấy, vị ấy sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, trên sườn non, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này.

Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi, bèn theo đệ tử trở về với các Phạm Chí, Cư Sĩ, phong ấp, quốc nhân.

Vị ấy sau khi theo đệ tử về với các Phạm Chí, Cư Sĩ, phong ấp, quốc nhân rồi, bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy là làm phiền lụy cho đệ tử, và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác, bất thiện, gốc rễ của sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh già bệnh chết. Đó là phiền lụy cho đệ tử.

Này A Nan, thế nào là phiền lụy cho các vị phạm hạnh?

Ở đây Đức Như Lai xuất thế, Ngài  là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Ngài  sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, trên sườn cao, vắng bặt không chút động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa.

Này A Nan, Đức Như Lai vì nghĩa lợi nào mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa?

Tôn Giả A Nan bạch Đức Thế Tôn rằng: Thế Tôn là pháp bổn, Thế Tôn là pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn thuyết giảng điều ấy, con nay sau khi nghe xong được biết rộng nghĩa ấy.

Đức Phật bèn nói: Này A Nan, hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm. ta sẽ phân biệt đầy đủ cho thầy nghe. Tôn Giả A Nan vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói: Này A Nan, Như Lai không phải vì để được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa.

Này A Nan, vì hai ý nghĩa mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Một là sống an lạc ngay trong hiện tại cho chính mình. Hai là từ mẫn đối với những người đời sau.

Hoặc giả, đời sau người người noi bóng Như Lai mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa.

Này A Nan, chính vì nghĩa lợi này mà Như Lai sống trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có giận dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa.

Hoặc sống ở nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại.

Như Lai sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi, theo các vị phạm hạnh mà trở về với các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.

Như Lai sau khi theo các vị phạm hạnh trở về với các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di rồi, không tự cao mà trở về nhà.

Này A Nan, nếu vị ấy chứng ngộ bất động tâm giải thoát, thì ta không nói vị ấy có sự chướng ngại. Nhưng nếu vị ấy chứng đắc bốn tăng thượng tâm, sống an lạc trong đời hiện tại, vốn do trước kia sống tinh cần, không phóng dật, thì ở đây, hoặc giả có thể bị thối thất vì sự tụ hội đông đảo nhiều đệ tử.

Lại nữa, này A Nan, đệ tử của Tôn Sư ấy noi theo Tôn Sư mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa.

Hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi theo các vị phạm hạnh mà trở về với các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Vị ấy sau khi theo các vị phạm hạnh trở về với các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di rồi bèn tự cao mà trở về nhà.

Như vậy là phiền lụy cho các vị phạm hạnh và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác bất thiện, gốc rễ của sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh già bệnh chết. Đó gọi là phiền lụy cho các phạm hạnh.

Này A Nan, trong sự phiền lụy Tôn Sư và đệ tử, sự phiền lụy cho các phạm hạnh rất là bất khả, không khả lạc, không khả ái, rất là không khả ý, khả niệm. Cho nên, này A Nan, các ngươi hãy hành sự từ hòa đối với ta, đừng gây sự oán hận.

Này A Nan, thế nào là đệ tử đối với Tôn Sư mà gây sự oán hận, không hành sự từ hòa?

Nếu Tôn Sư thuyết pháp cho đệ tử, là vì thương yêu, lo lắng, mong cầu thiện lợi và phước lành, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho đệ tử mà phát khởi từ bi tâm, nói rằng, đây là điều hữu ích. Đây là sự an lạc. Đây là sự hữu ích an lạc.

Nếu đệ tử ấy mà không cung kính, cũng không tùy thuận theo, không an trụ nơi chánh trí, tâm không hướng đến pháp tùy, pháp hành, không thọ lãnh chánh pháp, trái phạm những điều Tôn Sư dạy, không được định, đệ tử như vậy là đối với Tôn Sư mà gây sự oán hận, không hành sự từ hòa.

Nếu Tôn Sư thuyết pháp cho đệ tử, thương yêu, lo lắng, mong cầu thiện lợi và an lành, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho đệ tử phát khởi từ bi tâm mà nói rằng, đây là điều hữu ích. Đây là sự an lạc. Đây là sự hữu ích an lạc.

Nếu đệ tử thuận hành theo, an lập nơi chánh trí, tâm quy hướng đến pháp tùy, pháp hành, thọ lãnh chánh pháp, không trái phạm lời giáo huấn của Tôn Sư, có thể được định. Vị đệ tử như thế là đối với Tôn Sư mà hành sự từ hòa, không gây sự oán hận.

Cho nên này A Nan, các ngươi đối với ta hãy hành sự từ hòa, không gây sự oán hận.

Vì sao vậy?

Này A Nan, ta không nói như vậy như người thợ gốm làm ngói.

Nhưng, này A Nan, ta nói: Nghiêm khắc, khắc khổ. Nghiêm cấp chí khổ. Cái gì chắc thật, cái ấy đứng vững.

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn Giả A Nan và các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***