Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Song
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI NĂM
PHẨM SONG
KINH THÁNH ĐẠO
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu Lâu Lấu, ở Kiếm Ma Sắt Đàm, đô ấp Câu Lâu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng: Có một con đường khiến chúng sanh được thanh tịnh, xả bỏ ưu sầu, than khóc, dứt hết buồn khổ ảo não, chứng được như pháp. Đó là Thánh chánh định, có tập, có trợ và cũng có cụ, bao gồm bảy chi.
Thế nào là Thánh chánh định nói tập, nói trợ và nói cụ gồm bảy chi?
Đó là, chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm. Nếu do bảy chi này mà có tập, có trợ và có cụ, khéo hướng đến tâm chuyên nhất, đó gọi là Thánh chánh định có tập, có trợ và có cụ.
Vì sao vậy?
Chánh kiến sanh chánh chí, chánh chí sanh chánh ngữ, chánh ngữ sanh chánh nghiệp, chánh nghiệp sanh chánh mạng, chánh mạng sanh chánh phương tiện, chánh phương tiện sanh chánh niệm, chánh niệm sanh chánh định. Hiền Thánh đệ tử tâm được chánh định như vậy lập tức dứt sạch dâm, nộ, si.
Hiền Thánh đệ tử chánh tâm giải thoát như thế, lập tức biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Trong các chi ấy, chánh kiến đứng ngay hàng đầu. Nếu thấy rõ tà kiến là tà kiến thì đó gọi là chánh kiến. Nếu thấy rõ chánh kiến là chánh kiến thì đó cũng gọi là chánh kiến.
Thế nào là tà kiến?
Đó là cho rằng không có bố thí, không có trai tự, không có Chú thuyết, không có thiện, ác nghiệp, không có quản báo của thiện, ác nghiệp, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ.
Không có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, trong đời này hay đời sau mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là tà kiến.
Thế nào gọi là chánh kiến?
Đó là thấy rằng có bố thí, có trai tự, có chú thuyết, có thiện, ác nghiệp, có quả báo của thiện, ác nghiệp, có đời này đời sau, có cha có mẹ, có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, trong đời này hay đời sau tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là chánh kiến.
Đó gọi rằng thấy tà kiến là tà kiến thì đó là chánh kiến. Thấy chánh kiến là chánh kiến.
Đó cũng gọi là chánh kiến. Khi biết rõ như thế, liền phải cầu học, muốn đoạn trừ tà kiến, thành tựu chánh kiến.
Đó gọi là chánh phương tiện. Tỳ Kheo suy niệm về sự đoạn trừ nơi tà kiến, thành tựu chánh kiến.
Đó gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo kiến phương tiện, do phương tiện của kiến.
Vì thế cho nên bảo chánh kiến là đứng ngay ở hàng đầu. Nếu thấy tà chí là tà chí, thì đó là chánh chí. Nếu thấy chánh chí là chánh chí thì đó cũng là chánh chí.
Thế nào gọi là tà chí?
Đó là niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, được gọi là tà chí.
Thế nào gọi là chánh chí?
Đó là niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, được gọi là chánh chí. Thấy rõ tà chí là tà chí, thì đó là chánh chí. Thấy rõ chánh chí là chánh chí, thì đó cũng là chánh chí. Biết như thế rồi, liền phát tâm cầu học, muốn đoạn trừ tà chí, thành tựu chánh chí.
Đó gọi là chánh phương tiện. Tỳ Kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà chí, thành tựu chánh chí. Đó gọi là chánh niệm. Tất cả ba chi này đi theo chánh chí, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.
Nếu thấy rõ tà ngữ là tà ngữ, thì đó là chánh ngữ. Nếu thấy chánh ngữ là chánh ngữ, thì đó cũng chính là chánh ngữ.
Sao gọi là tà ngữ?
Nói dối, nói hai lưỡi, lời nói thô ác, lời nói thêu dệt, đó gọi là tà ngữ.
Thế nào là chánh ngữ?
Xa lìa sự nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, thêu dệt, đó gọi là chánh ngữ. Đó cũng gọi là thấy tà ngữ là tà ngữ, thì gọi là chánh ngữ. Thấy chánh ngữ là chánh ngữ, cũng gọi là chánh ngữ.
Biết như vậy rồi liền phát tâm cầu học, muốn đoạn trừ tà ngữ, thành tựu chánh ngữ. Đó là chánh phương tiện.
Tỳ Kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà ngữ, thành tựu chánh ngữ, gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo chánh ngữ, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.
Nếu thấy tà nghiệp là tà nghiệp, thì đó là chánh nghiệp. Nếu thấy chánh nghiệp là chánh nghiệp, thì đó cũng chính là chánh nghiệp.
Thế nào gọi là tà nghiệp?
Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, gọi là tà nghiệp.
Thế nào gọi là chánh nghiệp?
Lìa sát sanh, trộm cướp, tà dâm, gọi là chánh nghiệp. Đó gọi rằng thấy tà nghiệp là tà nghiệp thì gọi là chánh nghiệp. Thấy chánh nghiệp là chánh nghiệp, cũng gọi là chánh nghiệp.
Biết như thế rồi liền phát tâm cầu học, muốn đoạn trừ tà nghiệp, thành tựu chánh nghiệp, gọi là chánh phương tiện.
Tỳ Kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà nghiệp, thành tựu chánh nghiệp, gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo chánh nghiệp, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.
Nếu thấy tà mạng là tà mạng, thì đó gọi là chánh mạng. Nếu thấy chánh mạng là chánh mạng, thì cũng gọi là chánh mạng.
Thế nào là tà mạng?
Nếu có sự mong cầu mà không mãn ý. Bằng nhiều loại chú thuật súc sanh, bằng tà mạng mà nuôi sống. Nó không như pháp mà tìm kiếm áo chăn, mà lại bằng phi pháp. Không như pháp mưu cầu ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, các tư cụ sanh hoạt, mà bằng phi pháp. Đó là tà mạng.
Thế nào là chánh mạng?
Nếu không có sự mong cầu không mãn ý. Không dùng các thứ chú thuật, tà mạng để nuôi sống. Người ấy như pháp mà tìm kiếm áo chăn, thì đó là pháp vậy. Như pháp mà mưu cầu ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, các tư cụ sanh hoạt, thì đó là pháp vậy.
Đó gọi là chánh mạng. Đó là nói rằng, thấy tà mạng là tà mạng thì gọi là chánh mạng. Thấy chánh mạng là chánh mạng, cũng gọi là chánh mạng. Kia biết như vậy rồi, bèn cầu học để đoạn trừ tà mạng, thành tựu chánh mạng. Đó là chánh phương tiện.
Tỳ Kheo suy niệm nơi sự đoạn trừ tà mạng, thành tựu chánh mạng, đó gọi là chánh niệm. Ba chi này đi theo chánh mạng, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.
Thế nào là chánh phương tiện?
Tỳ Kheo để đoạn trừ ác pháp đã sanh mà phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm trừ diệt. Vì để ác pháp chưa sanh thì không sanh, nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm mà trừ diệt. Để pháp thiện chưa sanh thì sanh nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm trừ diệt.
Để thiện pháp đã sanh tồn tại, không bị quên, không thối thất, càng lúc càng phát triển rộng rãi, tu tập biến mãn đầy đủ, nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm mà trừ diệt. Đó gọi là chánh phương tiện.
Thế nào là chánh niệm?
Tỳ Kheo quán nội thân như thân. Quán, cho đến, thọ, tâm, pháp như pháp. Đó gọi là chánh niệm.
Thế nào là chánh định?
Tỳ Kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến, chứng đắc đệ Tứ Thiền, thành tựu và an trụ. Đó gọi là chánh định.
Thế nào là chánh giải thoát?
Tỳ Kheo, tâm giải thoát khỏi dục, tâm giải thoát khỏi nhuế, si. Đó gọi là chánh giải thoát.
Thế nào là chánh trí?
Tỳ Kheo biết tâm giải thoát dục, tâm giải thoát nhuế, si. Gọi là chánh trí. Đó là bậc hữu học thành tựu tám chi. Lậu tận A La Hán thành tựu mười chi.
Thế nào là hữu học thành tựu tám chi?
Là học từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là hữu học thành tựu tám chi.
Thế nào là lậu tận A La Hán thành tựu mười chi?
Đó là vô học chánh kiến cho đến vô học chánh trí. Đó là lậu tận A La Hán thành tựu mười chi.
Vì sao vậy?
Vì chánh kiến là đoạn trừ tà kiến. Nếu nhân tà kiến sanh vô lượng ác pháp bất thiện, vị ấy phải đoạn trừ nó. Nếu nhân chánh kiến sanh ra vô lượng thiện pháp, vị ấy tu tập được sung mãn. Cho đến chánh trí đoạn trừ tà trí.
Nếu nhân tà trí sanh vô lượng pháp ác bất thiện, vị ấy đoạn trừ nó. Nếu nhân chánh trí sanh vô lượng pháp thiện, vị ấy tu tập để được sung mãn.
Đó là hai mươi phẩm thiện và hai mươi phẩm bất thiện. Tức là tuyên thuyết bốn mươi đại pháp phẩm được chuyển vận nơi Phạm luân mà không một ai có thể chế ngự mà bài xích, dù là Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên, Ma, Phạm, và các loại thế gian khác.
Đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân ấy, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên và Ma, Phạm, và các loại thế gian khác. Mà nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào phi bác, người ấy đối với như pháp có mười trường hợp đáng bị chỉ trích.
Những gì là mười?
Hoặc chê bai chánh kiến, khen ngợi tà kiến. Nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào có tà kiến, mà hoặc cúng dường vị ấy, hoặc tán thán vị ấy, thì đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân.
Không một ai có thể chận đứng, dù là Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên, Ma, Phạm và các loại thế gian khác ấy, mà nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào phi bác, vị ấy đối với như pháp đây là trường hợp thứ nhất đáng bị chỉ trích. Hoặc chê bai, cho đến chánh trí, khen ngợi tà trí.
Nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào có tà trí mà hoặc cúng dường vị ấy, hoặc tán thán vị ấy, thì đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên, Ma, Phạm và các loại thế gian khác ấy.
Mà nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào phỉ bác, vị ấy đối với như pháp đây trường hợp thứ mười đáng bị chỉ trích.
Đó gọi là đối với như pháp có mười trường hợp đáng bị chỉ trích. Nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà ta tuyên thuyết, được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên, Ma, Phạm, và các loại thế gian khác ấy, mà phi bác. Thì người ấy đối với như pháp có mười điều bị chỉ trích.
Lại có những Sa Môn, Phạm Chí khác sống ngồi chồm hổm, thuyết giảng sự ngồi chồm hổm. Sống vô sở hữu, thuyết giảng vô sở hữu, thuyết vô nhân, thuyết vô tác, thuyết vô nghiệp.
Nghĩa là đối với thiện ác được tạo tác bởi người này hay người kia mà chủ trương đoạn tuyệt, phá hoại ở kia hay ở đây, những người ấy đối với bốn đại pháp phẩm mà ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên, Ma, Phạm và các loại thế gian khác, những người ấy cũng có sự chỉ trích, lo lắng, sợ hãi.
Phật thuyết như vậy, các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
***