Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Tám - Phẩm Lệ

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM LỆ
 

KINH ÁI SANH
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ có một người Phạm Chí, độc nhất chỉ có một đứa con, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chiều chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên đứa con mạng chung.

Sau khi đứa con mạng chung, người Phạm Chí ấy ưu sầu, không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương. Chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm. Rồi Phạm Chí lang thang khắp nơi, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên.

Thế Tôn hỏi: Ông nay vì sao, các căn không trụ nơi tâm mình?

Phạm Chí đáp rằng: Tôi làm sao các căn có thể an trụ nơi tâm mình được?

Vì sao vậy?

Chỉ có một đứa con độc nhất, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chìu chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên nó mạng chung.

Sau khi nó mạng chung, tôi ưu sầu không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương. Chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.

Thế Tôn nói: Thật vậy, Phạm Chí! Thật vậy, Phạm Chí!

Nếu khi ái sanh thì phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Phạm Chí nói: Cù Đàm, sao lại nói khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não?

Cù Đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.

Thế Tôn đến ba lần nói như vậy: Thật vậy, Phạm Chí! Thật vậy, Phạm Chí!

Khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Phạm Chí cũng ba lần hỏi rằng: Cù Đàm, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não?

Cù Đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc. Lúc bấy giờ Phạm Chí nghe những lời Phật nói, không cho là phải, mà chỉ bác bỏ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy, lắc đầu bỏ đi.

Bấy giờ ở trước cổng Thắng Lâm, có một số thị dân đang đánh bạc. Phạm Chí từ xa trông thấy, bèn nghĩ rằng, Trong đời nếu có những người thông minh trí tuệ, cũng không thể hơn được những kẻ đánh bạc.

Ta hãy đến đó. Những gì vừa được thảo luận với Cù Đàm ta sẽ kể lại hết cho họ nghe. Rồi Phạm Chí đi đến số đông những người đánh bạc ấy, và đem những gì vừa được thảo luận với Thế Tôn kể lại cho họ nghe.

Những thị dân đang đánh bạc này nghe xong nói rằng: Này Phạm Chí, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não?

Phạm Chí nên biết khi ái sanh, thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.

 Phạm Chí nghe xong, bèn nghĩ rằng: Điều mà con bạc nói thật hết sức phù hợp với ta. Rồi gật đầu mà đi.

Rồi thì vấn đề này lần lượt truyền rộng ra, cho đến lọt vào Vương Cung. Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La nghe đồn Sa Môn Cù Đàm nói như vậy, Nếu khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi khóc than, ưu khổ, phiền muộn ảo não.

Vua bèn nói với Hoàng Hậu Mạt Lỵ rằng: Tôi nghe đồn Sa Môn Cù Đàm nói như vậy: Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Hoàng Hậu nghe xong, thưa rằng: Thật vậy, Đại Vương! Thật vậy, Đại Vương!

Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La nói với Hoàng Hậu Mạt Lỵ rằng: Nghe Tôn Sư nói gì thì đệ tử nhất định đồng ý. Sa Môn Cù Đàm là Tôn Sư của bà cho nên bà nói như vậy. Bà là đệ tử của Ngài cho nên bà nói như vậy, Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Hoàng Hậu Mạt Lỵ thưa rằng: Đại Vương, nếu không tin, hãy đích thân đến mà hỏi, hay hãy sai sứ đi.

Rồi Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La bèn gọi Phạm Chí Ma Lị Ương Già đến bảo rằng: Ngươi đi đến chỗ Sa Môn Cù Đàm, thay ta mà hỏi Sa Môn Cù Đàm Thánh thể, khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?

Rồi nói như vậy, Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La có lời thăm hỏi Thánh thể khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?

Sa Môn Cù Đàm có thật sự nói rằng, nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não chăng?

Này Ma Lị Ương Già, nếu Sa Môn Cù Đàm có nói những gì, ngươi hãy khéo ghi nhớ và thuộc kỹ.

Vì sao?

Vì những người như vậy không bao giờ nói dối.

Phạm Chí Ma Lị Ương Già vâng lời Vua, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên, bạch rằng: Bạch Cù Đàm, Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La có lời hỏi thăm Thánh thể mạnh khỏe, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?

Sa Môn Cù Đàm có thật sự nói như vậy, nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não chăng?

Thế Tôn nói rằng: Này Ma Lị Ương Già, Ta nay hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

Ma Lị Ương Già, ý ngươi nghĩ sao?

Giả sử có một người đàn bà đã chết.

Người ấy phát cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng mà chạy rong khắp các ngõ đường, nói như vậy, này các người, có thấy mẹ tôi chăng?

Này các người có thấy mẹ tôi chăng?

Này Ma Lị Ương Già, do sự kiện này mà biết rằng, nếu khi ái sanh, thì cũng sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Cũng vậy, nếu cha chết, anh, chị, em chết, con cái chết, vợ chết, người ấy phát sanh cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng chạy rong khắp cả ngõ đường, nói rằng: Này các Ngài, có thấy vợ tôi chăng?

Này các Ngài , có thấy vợ tôi chăng?

Này Ma Lị Ương Già, do sự kiện này mà biết rằng, nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Này Ma Lị Ương Già, thuở xưa có một người đàn bà về thăm gia đình, các thân tộc của người này muốn cưỡng bức cải giá.

Người đàn bà ấy tức tốc trở về nhà chồng, nói với chồng rằng, này ông, hãy biết cho, thân tộc của tôi muốn cướp vợ của ông để gả cho người khác.

Ông có mưu kế gì chăng?

Người ấy bèn nắm cánh tay của bà vợ dẫn vào trong nhà, nói rằng, chết chung, sang đời khác với nhau. Chết chung, sang đời khác với nhau. Rồi lấy con dao bén chém chết vợ và mình cũng tự sát luôn.

Này Ma Lị Ương Già, do sự kiện này mà biết rằng, nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Phạm Chí Ma Lị Ương Già sau khi nghe những điều Phật nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng, rồi trở về.

Về đến Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La tâu rằng: Tâu Thiên Vương, Sa Môn Cù Đàm quả thực có nói rằng, nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Hoàng Hậu Mạt Lỵ tâu rằng: Đại Vương, tôi hỏi Đại Vương, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

Ý Đại Vương nghĩ sao?

Đại Vương có thương yêu đại tướng Bệ Lưu La chăng?

Vua đáp: Thật sự có yêu thương.

Mạt Lỵ lại hỏi: Nếu đại tướng Bệ Lưu La bị biến dịch, đổi khác, Đại Vương sẽ như thế nào?

Vua đáp: Mạt Lỵ, nếu đại tướng Bệ Lưu La bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Mạt Lỵ tâu rằng: Do sự kiện này mà biết rằng, Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Mạt Lỵ lại hỏi: Vương có yêu Đại Thần Thi Lị A Đà, yêu con voi Nhất Bôn Đà Lị, yêu đồng nữ Bà Di Lị, yêu Vũ Nhật Cái, yêu nước Ca Thi và yêu Câu Tát La chăng?

Vua đáp: Thật sự có yêu thương.

Mạt Lỵ lại hỏi: Nước Ca Thi và Câu Tát La bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?

Vua đáp: Mạt Lỵ, tôi được hưởng thụ thỏa mãn năm thứ công đức của dục là do ở hai nước này.

Nếu Ca Thi và Câu Tát La mà bị biến dịch, đổi khác, mạng sống của tôi cũng không, nói gì đến những sầu bi, khóc than ưu khổ, phiền muộn, ảo não?

Mạt Lỵ tâu rằng: Do sự kiện này mà biết rằng, nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Mạt Lỵ lại hỏi:

Ý Đại Vương nghĩ sao?

Có yêu thương tôi chăng?

Vua đáp: Thật sự tôi yêu thương bà.

Mạt Lỵ lại hỏi: Nếu một khi tôi bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?

Vua đáp: Mạt Lỵ, nếu một khi bà bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Mạt Lỵ tâu rằng: Do sự kiện này mà biết rằng, Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La nói rằng: Này Mạt Lỵ, kể từ hôm nay, Sa Môn Cù Đàm, do sự kiện này là thầy của tôi, tôi là đệ tử của Ngài. Này Mạt Lỵ, tôi nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ Kheo Tăng.

Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu Bà Tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy cho đến tận mạng.

Phật thuyết như vậy, Ba Tư Nặc Vua nước Câu Tát La và Hoàng Hậu Mạt Lỵ sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***