Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung ấm

PHẬT THUYẾT 

KINH TRUNG ẤM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA

PHẨM ĐỨC DIỆU GIÁC NHƯ LAI

PHÂN THÂN VÀO TRUNG ẤM
 

Lúc đó ở Tòa trên có Bồ Tát tên là Định Hóa Vương từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, gối hữu chấm đất, quỳ xuống chấp tay bạch Phật rằng: Lành thay! Thế Tôn! Xin Ngài vì chúng sanh thuyết nghĩa lý rõ ràng, âm hưởng đã hướng thì nghe pháp dễ độ. Lại có người khó độ, xét chúng sanh có người dâm, nộ, si ít, có người dâm, nộ, si nhiều.

Hoặc người có đối pháp, người không có đối pháp.

Hoặc người có thể thấy pháp, người không thể thấy pháp.

Hoặc người hữu lậu pháp, người vô lậu pháp.

Hoặc người ở hữu vi pháp, người ở vô vi pháp.

Hoặc người có thể ký pháp, người không có thể ký pháp.

Hoặc người đang ở pháp Dục Giới.

Hoặc người đang ở pháp không giải thoát.

Hoặc người ở pháp sắc giới, người ở pháp Vô Sắc Giới, hoặc người ở pháp trung ấm vi hình, người đang ở pháp trung ấm phi vi hình.

Hoặc người đang ở pháp ngũ sắc thức, người đang ở pháp ngũ sắc phi thức.

Hoặc người đang ở pháp Phi Tưởng, phi bất tưởng thức, người không ở pháp Phi Tưởng, phi bất tưởng thức.

Hoặc người đang ở nhất trụ cho đến cửu trụ, người đang ở nhất trụ, phi nhất trụ.

Có người đang ở cửu trụ, phi cửu trụ… cúi mong Đức Thế Tôn mỗi mỗi diễn rộng, làm cho các vị Bồ Tát hết hẳn do dự, các hàng chúng sanh nghe pháp được giải thoát.

Thế rồi Đức Thế Tôn dùng tiếng Phạm tịnh êm ái, khen Bồ Tát Định Hóa Vương rằng: Lành thay! Lành thay! Đức Bồ Tát. Ông đã ở trước Như Lai làm Sư Tử Hống, ngay đây Ta sẽ phân biệt từng chi tiết cho ông.

Hãy lắng nghe kỹ và suy nghĩ điều mà ông đã hỏi: Có thể thấy pháp và không thể thấy pháp đó, vì mắt thấy sắc, vì sắc đập vào mắt.

Bồ Tát Định Hóa Vương nói: Không có con mắt để thấy sắc, cũng không lìa mắt, và không có sắc để đập vào mắt, cũng không lìa sắc.

Phật bảo Bồ Tát Định Hóa Vương: Này Bồ Tát, mắt chẳng phải sắc, sắc chẳng phải mắt, vậy cái gì là thấy?

Bồ Tát Định Hóa Vương bạch Phật rằng: Thức pháp thực trụ, quán pháp mới khởi.

Phật bảo Bồ Tát Định Hóa Vương: Thế nào Bồ Tát?

Thức là hữu pháp hay thức là vô pháp?

Bồ Tát Định Hóa Vương bạch Phật rằng:

Thức chẳng phải hữu vi nhưng không lìa hữu vi.

Thức chẳng phải vô vi nhưng không lìa vô vi.

Phật hỏi Bồ Tát Định Hóa Vương: Thế nào là hữu vi, thế nào là vô vi?

Bồ Tát Định Hóa Vương bạch rằng: Khởi là hữu vi, trụ là vô vi. Đối với pháp đệ nhất nghĩa thì không thấy không khởi, không thấy đang trụ, pháp tánh thanh tịnh không sắc không thức. Đối với pháp Nê Hoàn không chỗ nhiễm trước, mắt chẳng phải sắc, không thể thấy pháp và không không thể thấy pháp.

Mắt đã qua, sắc đã qua và thức đã qua.

Mắt sẽ đến, sắc sẽ đến và thức đã qua.

Mắt bây giờ, sắc bây giờ và thức bây giờ.

Chẳng có mắt, sắc và thức, chẳng phải không có mắt, sắc và thức.

Đây là pháp Nê Hoàn thanh tịnh.

Lúc này Bồ Tát Định Hóa Vương muốn nghe Như Lai nói hữu đối và vô đối.

Phật hỏi Bồ Tát Định Hóa Vương rằng: Tiếng có đối tượng hay không có đối tượng?

Bồ Tát Định Hóa Vương bạch: Tiếng cũng có đối tượng và cũng không có đối tượng.

Phật bảo rằng: Tiếng thì không có đối tượng và cũng không phải không có đối tượng, thế nào Định Hóa Vương?

Cái này thanh cái kia ứng là có là không, là hư hay là thật?

Ông nghĩ sao, hư không có thể viết thành chữ chăng?

Định Hóa Vương trả lời: Bạch Thế Tôn, không thể được.

Vì sao vậy?

Như Lai vun bồi các hạnh ở vô số kiếp, cũng không thấy có, cũng không thấy không. Cũng không thấy có ba đời, cũng không thấy không có ba đời, cho đến chẳng phải tưởng, chẳng phải không tưởng cũng lại như vậy.

Bấy giờ Bồ Tát Định Hóa Vương bạch Phật rằng: Các pháp quán trên mỗi mỗi đều đã hiểu. Chỉ mong Như Lai Chí Chân, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn nói ba pháp vi diệu.

Điều gì tối diệu ở Trung Ấm Hình, Ngũ Sắc Thức Hình và Phi Tưởng, Phi Bất Tưởng Thức?

Lúc này Đức Thế Tôn biết tâm của chúng hội đều khởi lòng nghi bèn ở trên Tòa mà nói kệ rằng:

Ta chịu khổ ba cõi

Tâm ngu hoặc ái si

Vô số kiếp đã qua

Chấp có và chấp không

Phá hoại kiếp luân hồi

Nay mới được thành Phật

Đem thệ nguyện rộng lớn

Độ mọi loài chưa độ

Phật lực không gì hơn

Ba cõi ai bằng Phật

Một hướng không hai tâm

Tự thề được thành Phật

Ta từ Phật Chính Chú

Sơ phát vô đẳng tâm

Dục phược nơi trói buộc

Kiên cố khó chặt xong

Định không vô tướng nguyện

Phân biệt ba tam muội

Trước niệm hơi ra vào

Suy lường đường thiện ác

Quyết một lòng tinh tấn

Bước đi không thất nghi

Như người thấy đại hỏa

Đốt cháy người tội nặng

Phước sanh Quang Âm Thiên

Phương khác, người mỏng phước

Hàng chúng sanh ba phẩm

Trung ấm khi thọ hình

Đổi thay không lường nổi

Ngoài ta ai nói được

Năm sắc thức chúng sanh

Bất đồng trong Tam Giới

Bậc Tối thắng Như Lai

Vào thức kia giáo hóa

Nói ngọn ngành phân biệt

Trăm tám ái, chẳng rong

Muốn thành Tu Đà Hoàn

Thì nói Tu Đà Hoàn

Muốn thành A Na Hàm

Thì nói A Na Hàm

Muốn thành A La Hán

Thì nói A La Hán

Muốn thành Bích Chi Phật

Thì nói Bích Chi Phật

Người muốn Bồ Tát Đạo

Thì nói pháp Bồ Tát

Bậc đắc Tu Đà Hoàn

Ba mươi hai ức người

Bậc đắc Tư Đà Hàm

Có bốn mươi hai ức

Bậc đắc A Na Hàm

Có năm mươi hai ức

Bậc đắc A La Hán

Sáu mươi hai ức vị

Bậc đắc Bích Chi Phật

Thì bảy mươi hai ức

Bậc đắc Bồ Tát Đạo

Tám mươi hai ức vị

Bấy giờ Đức Thế Tôn lập lại kệ rằng:

Ta vốn không tâm pháp

Tạm dùng giáo hóa thôi

Thấy khói biết rằng lửa

Nhìn mây biết có mưa

Cất bước biết quân tử

Trông sao biết có trăng

Ta trừ hết ngã tâm

Không ngã không vô ngã

Trãi qua nhiều số kiếp

Chẳng tính được tháng ngày

Phật dùng tư duy chứng

Phàm phu nào hiểu được

Lành thay Đại Thánh Tôn

Độ khắp cõi mười phương

Rời khỏi pháp Dục Giới

Giáo hóa trung ấm thân

Giáo pháp Chư Phật là

Vào ấm không thấy nó

Các hàng chúng sanh này

Phát nguyện đều khác biệt

Ta trói buộc chính ta

Ta kia cùng một thể

Phải dùng tư duy bổn

Tư duy bổn mạt quán

Mỗi ý niệm dấy lên

Dứt trừ nào khó lắm

Trần cấu mạnh hơn ta

Ta rớt ba đường ác

Nay ta mạnh hơn nó

Diệt nó chứng Niết Bàn

Lành thay Đại Thánh Tôn

Độc bước chưa ai hơn

Thấy Tối Đại Thánh Tôn

Diêm Phù người được độ

Thân hành thì có ba

Khẩu hành thì có bốn

Và ý hành ba điều

Biển não phiền tử sanh

Chín chúng sanh cư ngụ

Chỗ của thức đi qua

Phân biệt ta không ta

Không ta và không người

Các Chư Phật Thế Tôn

Tâm rộng không ngằn mé

Mỗi ý niệm chúng sanh

Tiếp nhận không giới hạn

Thân tịnh không làm ác

Lời nói thường thanh tịnh

Tâm tịnh như tâm Phật

Đó là pháp Chư Phật

Thân là pháp khí khổ

Đâu phải chỉ ba đời

Ngoài ta ai biết được

Ai biết đường khổ đây

Công đức của Như Lai

Chư tướng nào sánh được

Tướng ngực như sư tử

Mỗi chân lông phát quang

Lòng tay nghìn bánh xe

Chỉ dạy đường thiện ác

Lưỡi, răng toát ánh quang

Cứu độ nhiều vô số

Mắt, tai, mũi và tóc …

Đỉnh nhục kế ai bì

Hư không còn thể hết

Phật tướng khó suy lường.

Ngay khi Như Lai nói kệ này xong có tám mươi ức chúng sanh trung ấm ở cõi Vô Dư Niết Bàn phát tâm Kim Cang, cứ mỗi chúng sanh thành Phật cùng đồng một hiệu với Đức Diệu Giác Như Lai.

Đức Phật bảo Bồ Tát Định Hóa Vương: Điều mà ông hỏi như hữu lậu vô lậu. Có đối đãi không có đối đãi. Có thể thấy không thể thấy. Pháp quá khứ hiện tại và tương lai. Nay ta sẽ nói cho ông.

Bồ Tát Định Hóa Vương bạch rằng: Thế Tôn, con mong muốn được nghe.

Đức Phật bảo Bồ Tát Định Hóa Vương rằng: Hãy lắng nghe cho kỹ và khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt rõ cho ông.

Thế nào Định Hóa Vương?

Điều gì là duyên hết?

Điều gì là không duyên hết?

Trần cấu của sáu nhập rất nặng, khiến cho ta mê ái các pháp. Pháp quán chiếu trong ngoài, ra vào của hơi thở.

Tám muôn bốn nghìn pháp đắc Niết Bàn. Mỗi tư tưởng phát khởi không thể diệt, thì mỗi ý nghĩ sẽ thành hình tướng đó.

Có tám vạn bốn nghìn hữu lậu và ba mươi bảy vô lậu, pháp hữu vi và vô vi. Đều chẳng phải là con đường của Niết Bàn.

Thân tịnh không làm ác

Miệng nói lời chân thật

Tâm tịnh cùng với định

Bốn điều khắp tất cả

Hạnh Bồ Tát chính là.

***