Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung ấm

PHẬT THUYẾT

 KINH TRUNG ẤM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BỐN

PHẨM BỒ TÁT HIỀN HỘ THƯA HỎI
 

Bấy giờ Bồ Tát Hiền Hộ bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, để lộ vai hữu, gối hữu sát đất, chắp tay quỳ trước Phật và bạch rằng: Lành thay! Thề Tôn!

Ba loại chúng sanh: Dục, Sắc và Vô Sắc, tâm thức kia khó phân lượng được.

Hạng hữu lậu thế nào?

Hạng vô lậu thế nào?

Hạng hữu vi thế nào?

Hạng vô vi thế nào?

Hạng hữu sắc và vô sắc thế nào?

Hạng hữu dục vô dục thế nào?

Và hạng hữu ký vô ký như thế nào?

Lúc này nghe Bồ Tát Hiền Hộ hỏi việc như thế, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Khi ở trong bào thai

Nhiều chủng loại thọ thân

Trước diệt sau đã sanh

Diệt sanh nhiều vô số

Ba hạng thức chúng sanh

Cấu trần đều khác biệt

Hoặc ngộ khi nghe thanh

Hoặc thấy hình đắc đạo

Nay ta Diệu Giác Phật

Giáng thân vào trung ấm

Mỗi mỗi phân biệt rõ

Pháp hữu lậu vô lậu

Đắc chứng thành đạo quả

Năm sắc thức dễ độ

Loài này một cõi chung

Chẳng hữu lậu vô lậu

Chúng sanh nơi trung ấm

Như thân ta nào khác

Thân năm ấm khổ đau

Tựa bánh xe quay mãi

Ta vốn không chữ ta

Ấm ba nào có tiếng

Quán thân ba mươi sáu

Pháp hữu lượng cõi dục

Loại sắc vô sắc thức

Chúng sanh trung ấm này

Thức năm sắc hữu tình

Nào theo ba cõi khổ

Vô minh si ái hoặc

Ẩn tướng chẳng phải không

Hữu lậu gốc khổ đế

Đoạn kiết chẳng bằng sắc

Tập đế hai mươi tám

Tịch nhiên phiền não hết

Ba mươi bảy phẩm đạo

Đạo đế là thật quả

Hiền Hộ này ông rõ

Pháp hữu lậu vô lậu

Ký pháp vô ký pháp

Nay nói với ông đây

Hữu ký: là thiện ác

Vô ký: Pháp u mê

Rớt xuống nẻo tử sanh

Ngoài ta ai cứu được.

Ngay lúc Đức Phật Thế Tôn nói lời này xong, có chín mươi mốt ức chúng sanh đều phát vô thượng đạo ý, bốn mươi bảy ức na do tha chúng sanh đều đắc quả A La Hán.

***