Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung ấm

PHẬT THUYẾT

 KINH TRUNG ẤM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM CHÍN

PHẨM KHÔNG SANH DIỆT
 

Bấy giờ Đức Diệu Giác Như Lai như muốn dời đến các cõi nước của các Phật mới bảo với ba loại chúng sanh phát tâm hướng đến cầu đạo Niết Bàn: Nay ta bây giờ nói pháp cho các ngươi, nếu có điều nghi ngờ thì cứ hỏi ta, Niết Bàn có sanh có diệt không chứ?

Lúc này ba loại chúng sanh nghe lời nói của Như Lai mới bạch Phật rằng: Từ Cõi Dục lên đến Cõi Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng phát tâm hướng về Đại Thừa bất tư nghì pháp, chưa từng nghe có pháp hữu vi, vô vi, gì là hữu dư, gì là vô dư, thế nào là pháp thượng nhân, thế nào là pháp phi thượng nhân?

Bấy giờ Đức Thế Tôn phân biệt cú nghĩa, tự nghĩa và vô tướng nghĩa cho ba loại hữu tình.

Thần lực Như Lai có ba mươi hai pháp, những gì là ba mươi hai?

Nhớ được căn bổn đã sanh của mình trong kiếp quá khứ. Biết được túc nghiệp của mình trong mỗi đời sống, chết kia sống đây, chết đây sống kia. Dùng nhãn thức thông quán sát như thấy hạt châu trong lòng bàn tay.

Dùng nhĩ thông nghe được những tiếng như con nhặn đi, con ruồi bò…và tất cà các tiếng nhỏ nhất đều nghe hết thảy. Xưa có ba cõi, nay không ba cõi, các người phát tâm ngộ mỗi mỗi đều sai khác, trung gian đều thay đổi.

Thế nào là ba cõi?

Thế nào chẳng phải ba cõi?

Bấy giờ lúc Đức Thế Tôn nói điều này, ba loại chúng sanh lại sanh nghi ngờ.

Lúc ấy Đức Thế Tôn biết điều suy nghĩ của tâm chúng sanh kia là muốn được nghe Ngài nói pháp quán vô tướng, nên dùng kệ nói rằng:

Tại sao gọi là đầu?

Tại sao gọi là chân?

Tại sao gọi là hoa?

Tại sao gọi là quả?

Mạng người ở cái đầu

Chết ra tro bụi đất

Gốc cây, trăm hoa cỏ

Bứng bỏ gốc nào sanh

Quán các pháp tướng này

Không đầu cũng chẳng chân

Pháp hữu dư, vô dư

Như đây mà hiểu được

Nếu cho có Niết Bàn

Thân mạng ta hiện còn

Nếu nói không Niết Bàn

Nơi nào còn ba loại

Nên Phật dùng thần lực

Khiến người rõ hữu, vô

Ta xem ba cõi khổ

Vừa có cũng vừa không

Niệm trước khác niệm sau

Thân trước khác thân sau

Vô số kiếp ta qua

Cất chân vào đối đãi

Ở đó khởi đại bi

Nhị thừa đâu bước nổi

Lúc ta khởi đại bi

Thấy kẻ khổ ba đường

Như mẹ hiền nuôi con

Không gì không no đủ

Xưa ta chỉ bố thí

Nay được theo điều mong

Bảy báu các kỳ trân

Khởi tâm tức thời được

Huống gì bốn đẳng cụ

Sáu độ cứu chúng sanh

Ai rành rẽ điều này

Chỉ Phật Phật thấy biết

Nay đang nói với ngươi

Hữu dư, vô phân rõ

Muốn đắc quan ngã giới

Ta mới dùng thần thức

Đến nước kia làm Phật

Tên gọi Thích Ca Văn

Bảy mươi hai hằng hà

Tây Nam Độ trang nghiêm

Chỉ dùng Nhất Thừa hóa

Không Bích Chi, Thanh Văn

Cõi kia vui sướng lắm

Khởi niệm liền hiện bày

Chẳng giống cõi nước này

Dâm, nộ, si trói buộc

Một tiếng khắp bốn phương

Người nghe, tìm…được độ

Cõi kia cây bảy báu

Khi gió thổi cành cây

Lá lá hướng cùng nhau

Đồng nói pháp không ngằn

Trong cõi nước ta kia

Tuổi thọ nào tính kể

Hiện dùng thời diệt độ

Mười hai kiếp pháp còn

Muốn hay kiếp ngắn dài

Hiền kiếp là một ngày

Tính số tháng ngày nay

Làm thành mười hai kiếp

Ba loại người các ngươi

Biết công đức ta không

Đến Cõi Đông Phương kia

Tám mươi ức do tha

Nước đó là Bất Chung

Phật Hiệu là Tịnh Giới

Đệ tử học ta nay

Phủi tóc đắp Cà Sa

Gối quỳ nghe Thánh pháp

Phật đó rõ tâm ta

Các hàng chúng sanh ấy

Thấy ta khoác pháp phục

Với thế dục chẳng màng

Đồng lòng vui nẻo đạo

Oai nghi tiết lễ đủ

Cấm giới giữ chẳng sai

Đang khi ta nằm ngủ

Thấy kẻ dửng áo long

Đây bởi túc mạng mình

Cùng với người thệ nguyện

Lìa dục không vướng bận

Chẳng có tướng diệt sanh

với phạm hạnh chuyên hành

Bởi ta thần lực Phật

Từ chết được khỏi chết

Chẳng biết niệm điều này

Nào hiểu sinh rồi diệt

Nơi năm nẻo vần xoay

Pháp Cam Lồ Tứ Thánh

Đủ no hết thảy người.

Ngay khi Đức Thế Tôn nói kệ này, có một trăm bảy mươi ức chúng sanh thấy hàng đệ tử cạo bỏ râu tóc và nhận Thánh Giáo, mong ước muốn được pháp quán tư duy, không thích thế tục, xuất gia làm Sa Môn.

Đức Phật bảo, ba loại chúng sanh cách phương Đông Bắc của ta hiện giờ vô hạn, vô lượng hằng hà sa số. Có cõi nước kia tên là Thanh Minh, Đức Phật tên là Minh Nguyệt, người dân nước kia không có dâm, nộ, si, cũng không có kiêu mạn, ngã mạn hoặc biếng nhác, chúng sanh nước kia hằng thích an tĩnh, độc tọa, không bị hệ niệm phát khởi, không còn loạn tưởng cho dù sấm nổ sét đánh tâm vẫn chẳng dao động.

Lúc này Đức Diệu Giác Như Lai đi đến cõi kia rồi ngồi trên đất, chúng sanh cõi kia thấy ngài Tọa Thiền đều cùng Tọa Thiền. Đức Phật dùng thần lực để quán pháp vô tướng.

Ngài phóng vào tâm chúng sanh giống như bàn tay di chuyển sự vật khiến cho chúng sanh kia biết được hữu thường và vô thường, biết được nỗi khổ của sanh, già, bệnh, chết.

Hoặc có chúng sanh biết rõ hữu niệm, hoặc có chúng sanh biết rõ hữu trì, hoặc có chúng sanh biết rõ hữu an, hoặc có chúng sanh biết rõ tự thủ.

Đức Phật hầu muốn hiện công đức của Tứ Thiền, liền ở trước mặt ba loại chúng sanh, Ngài từ Sơ Thiền rồi vào ra Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền.

Từ Tứ Thiền trở lại Tam Thiền, Nhị Thiền, Sơ Thiền. Từ Sơ Thiền đến Tam Thiền, từ Thiền thứ tư đến Thiền thứ hai, đây gọi là Sư Tử Phấn Chấn Tam Muội.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hiện thần túc Tam Muội Ý Định này, độ chúng sanh nhiều vô số kể, đều cùng đồng phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có vị mong muốn quả Tu Đà Hoàn, quả A La Hán…được pháp Nhãn Tịnh đắc Bích Chi Phật Đạo. Ngay lúc bấy giờ Đức Diệu Giác Như Lai thoáng chốc biến mất.

***