Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung ấm

PHẬT THUYẾT 

KINH TRUNG ẤM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI

PHẨM GIÁO HÓA KHÔNG VÔ HÌNH
 

Bấy giờ Đức Diệu Giác Như Lai xả bỏ thân trung ấm, nhập tam muội hư không tạng. Ngài dùng tiếng thét mà cất lên tám loại âm thanh.

Tám loại âm thanh là gì?

Chẳng phải tiếng nam, chẳng phải tiếng nữ, chẳng phải tiếng dài, chẳng phải tiếng ngắn, chẳng phải tiếng sang quí, chẳng phải tiếng đê hèn, chẳng phải tiếng rầu khổ, và chẳng phải tiếng tươi vui.

Lúc này Đức Thế Tôn ẩn hình chẳng thấy, Ngài diễn xuất tám vạn bốn nghìn các Độ Vô Cực.

Sao gọi là tám vạn bốn nghìn Độ Vô Cực?

Tưởng, Phi Tưởng Hữu Ái ở gốc bệnh phiền não như trăng bị mây che. Tất cả chúng sanh bị dục dẫn dắt. Có bốn trăm bệnh thoạt sanh rồi thoạt mất. Người phạm tội ngũ nghịch muốn thoát khỏi khổ báo, không còn tám địa ngục và cảm giác hãi hùng.

phương Tây Nam Bắc Đông cũng vậy, dựa vào trình độ chúng sanh Đức Phật mới nói pháp này.

Ngay lúc này ba loại chúng sanh nghe hư không nói tiếng không sắc, không hình nơi trung gian đó trình bày các pháp: Lành thay Chư Phật dạy không sắc không hình, khó nghĩ bàn được!

Thế rồi ba loại chúng sanh hình thù sai khác, cùng một thứ tiếng, dùng kệ kính hỏi hư không rằng:

Như Lai vốn ở đây

Ba mươi hai tướng tốt

Từ bi thương muôn loại

Lợi lạc khó đong lường

Vì con nói pháp mầu

Tám bậc, cành Thánh đạo

Ẩn hình nghe tiếng Phật

Vạn vật đều không thường

Như Lai sắc vàng rực

Thực có, nay thấy đâu

Chỉ nghe tiếng vang ra

Phật không, ta nào có

Xét con gốc sinh tử

Lưu chuyển mãi không dừng

Chỉ vì mê lầm sắc

Phước bặt mà tội sanh

Như Lai Đại Thánh Tôn

Dạy người hành các pháp

Bỗng chốc ly hình tướng

Dùng âm hưởng chỉ bày

Vốn bởi duyên xưa nên

Hình đi, tiếng vì con

Già bệnh sinh lo buồn

Bốn rắn cắn thân con

Thịt xương từ đất nuôi

Tươi mát lo nước bồi

Ráo khô nhờ lửa sưởi

Buông giãn từ gió thổi.

Chẳng vướng pháp ba thừa

Lìa có vì đang có

Tâm cấu dứt lâu rồi

Bốn đại còn tồn tại

Như Lai Đại Thánh Tôn

Bốn điều không đối đãi

Lúc nói có bốn đại

Lúc bảo không bốn đại

Lại nói không bốn đại

Rồi lại có bốn đại

Pháp bất định là đây

Ai người hành rốt ráo?

Bấy giờ Đức Như Lai liền nói kệ để trả lời âm thanh kia rằng:

Phật Tử biết không chăng?

Tất cả hành vô thường

Nhân sinh không nguồn cội

Nào có gốc sinh duyên

Tiếng ta và tiếng ngươi

Đáng được, không đáng được

Ta từ vô số kiếp

Chẳng vì một chúng sanh

Mỗi mỗi niệm dứt ngay

Độ ít nào thấy chán

Đã độ vô số kể

Cũng chẳng lấy làm vui

Xưa ta là một kẻ

Riêng tu không độ người

Rồi sau đối với người

Thệ nguyền ta chẳng trái

Đây cõi Diêm Phù Đề

Sát Lợi, Vua bốn họ

Ngoài Bà La Môn đó

Giai cấp khác đâu bằng

Nhân vì quán pháp giới

Sanh, già, bệnh, chết khổ

Ta không kia cũng không

Vì đâu sanh tử có?

Sanh đó nếu có nguồn

Vậy sanh đến từ đâu?

Thiết nghĩ gốc tử sanh

Niết bàn ở ngay ta

Rõ thấu pháp Niết Bàn

Không Phật cũng chẳng ta

Pháp từ nơi nào sanh?

Rối đến nơi đâu diệt?

Pháp chân thật Phật dùng

Nơi sanh đây chết kia

U mê được thấy rõ

Nói có cũng chẳng có

Nói không nào phải không

Xoay vần biển tử sanh

Vì năm dục trói buộc

Không tránh không Tiên sách

Tự rớt vực tử sinh

Đến khi rành tội phước

Hối hận quá muộn màng.

Bấy giờ khi Đức Thế Tôn nói kệ này xong, có tám mươi bảy ức na do tha chúng sanh hiểu được pháp không hình tướng và phát tâm Vô Thượng Phật Quả Bồ Đề.

***