Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung ấm

PHẬT THUYẾT

 KINH TRUNG ẤM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM NĂM

PHẨM ĐẠO THỤ
 

Bấy giờ ở trên Tòa có Bồ Tát tên là Thụ Vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, gối hữu sát đất, chắp tay quỳ trước Phật bạch rằng: Lành thay! Thế Tôn! Điều mà Như Lai nói hết sức đặc thù.

Chẳng rõ Như Lai muốn nói về hữu lậu hay vô lậu, cầu mong Thế Tôn, nói ra từng câu, thế nào hữu lậu, thế nào vô lậu?

Đức Phật bảo rằng: 

Có sanh có diệt chính là hữu lậu. Không sanh không diệt chính là vô lậu.

Có ta, có thân chính là hữu lậu. Không ta không thân chính là vô lậu.

Mắt đối với sắc là hữu lậu, không mắt không sắc là vô lậu.

Có thức, có tưởng và có hình là hữu lậu, không thức, không tưởng và không hình là vô lậu.

Chỗ tam thức xứ trụ có thân là hữu lậu.

Mỗi thức mỗi xứ có mỗi hình là vô lậu, hữu hình, Phi tưởng, Phi Phi tưởng là lượng pháp hữu dụng. Chỗ bất dụng là Tam Thiền Địa.

Chán ghét tử sanh gọi là bất dụng.

Có nguyện không nguyện phát khởi Sơ Thiền.

Hay thay lạc kia tâm chẳng dao động.

Niệm tịnh hỉ an tự giữ năm hành.

Thành tựu có tưởng có diệt đó là pháp xuất nhập hỷ hành.

Trăm tám ái một niệm.

Một ức hành trung gian.

Tưởng tưởng không thể hết

Có kia mới có thân.

Không kia không ngã tưởng.

Ta từ vô số kiếp

Xả ngã này mới được.

Chỗ ba thức đi qua.

Không hữu cũng không ngã

Thương thay ba cõi khổ.

Thọ thân sanh tử nạn.

Thí như phép ảo thuật

Dùng tay dọa trẻ con.

Thức thần vô hình phép.

Khởi diệt luôn vô thường

Ta không có thân ta.

Sao có pháp thức hình.

Pháp tưởng và vô tưởng

Cũng chẳng thấy có thức.

Bốn ấm sẽ ở đâu?

Ta và ông chẳng có.

Ta từ nhiều kiếp xa.

Nơi ba thức trải qua.

Ngoài Trời, Rồng, Quỷ Thần.

Chỗ nào không Diệu Giác?

Ta làm các pháp lành

Thề độ vô số chúng.

Tùy thân mà giáo hóa.

Ứng hóa không lường được

Hạnh thanh tịnh Như Lai.

Rộng khắp không ngằn mé.

Thần thông chiếu trong ngoài

Quan sát ở ba đời.

Loại hữu hình vô hình.

Tư duy mười tưởng kiết

Chẳng còn phiền não khổ.

Hư không nào bờ mé.

Nào thấy có vãng lai

Trong tâm chẳng nghĩ suy.

Nhẫn nhục công đức thành.

Tích tập thành Phật Đạo

Vui Niết Bàn vắng lặng.

Khởi cũng chẳng thấy khởi.

Sanh cũng chẳng thấy sanh

Khởi diệt làm sao có.

Loài người và Chư Thiên.

Dứt niệm đến bờ kia

Mắt kẹt vào ba cõi.

Biển sống chết đi qua.

Vì mê hoặc nơi sắc.

Tham muốn trói cột ta.

Phật lực không khiếp sợ.

Ở hoài trong ba cõi

Vì người chẳng vì mình.

Tiếp ứng chúng hữu tình.

Hằng dùng bốn ý chỉ

Công đức nào tính được.

Thất giác ý bảo hoa.

Năm lực và năm căn

Không vô tướng tam muội.

Ba mươi bảy trợ đạo.

Sáu độ đến bờ kia

Phương tiện chuyển tử sanh.

Qua lại cõi hư không.

Chẳng trải qua kiếp số

Đắc đạo như vi trần.

Người độ thoát chưa thoát.

Một âm diễn pháp mãi

Niệm ngã bỉ đâu còn.

Pháp quán sát đạo tâm.

Người nghe không ngằn mé

Phân biệt nội ngoại thân.

Chẳng thấy đâu khởi diệt.

Cột vào an ban tức

Hơi thở ngắn biết ngắn.

Hơi thở dài biết dài.

Định tưởng biết rằng định

Loạn tưởng cũng biết loạn.

Hạnh thanh tịnh nào hơn.

Chuyên tâm không loạn tưởng.

Lúc này Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Chỗ hành của Phật lực

Tươi mát khắp Trời người

Hàng hữu học vô học

Dưới đến kẻ phàm phu

Đoạn các tướng tâm niệm

Đều đến nơi vô úy

Phân biệt không vô tướng

Tu Đạo Tràng thanh tịnh

Cây Phật Đạo trang nghiêm

Đều khiến đồng một sắc

Chuyển Pháp Luân Vô Thượng

Nêu cao tiếng trống pháp

Chẳng phải chúng cõi ma

Thì có thể chuyển được

Mở pháp tạng Cam Lồ

Rưới khắp hết thảy loại

Cứu độ nhiều vô số

Chẳng phân biệt loại nào

Chỗ tiếp độ tuyệt vời

Người đắc đâu thể tính

Hay thay chẳng nghĩ bàn

Chỗ độ nào xiết kể

Những lập hạnh ta xưa

Chỉ Phật so lường được

Đừng đắm chấp ngã pháp

Pháp mãi lợi ích người

Công hạnh, ra ba cõi

Được vào Cõi Niết Bàn

Sạch trong không chút uế

Như ánh sáng trăng sao.

Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn nói kệ này có tám mươi bốn ức và vô số trăm nghìn ức chúng sanh trung ấm đều hết các trần cấu và được pháp nhãn tịnh. Lại có mười nghìn ức chúng sanh ngũ sắc thức, phát tâm hướng về đạo giác ngộ bất thối chuyển.

***