Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi

PHẬT THUYẾT

KINH TRUNG BỔN KHỞI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
 

PHẨM BA

PHẨM HÓA ĐỘ CA DIẾP
 

Bấy giờ Đức Như Lai trở lại nước Ma Kiệt Đề, đến vùng Ưu Vi La, buổi tối Ngài dừng chân ở trong Vườn Tư Nại. Đức Phật hiện ánh sáng vàng, chiếu thẳng vào ngôi nhà của Phạm Chí.

Ông có hai người con gái, cô chị tên là Nan Đà, cô em tên là Nan Đà Ba La. Họ thấy ánh sáng nên vui mừng, liền đến chỗ Đức Phật, lễ bái thỉnh Phật.

Đức Phật bước vào nhà dạy cho hai cô gái quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới xong, Đức Thế Tôn dạy rằng: Thân không phải là vật sở hữu của ta, vạn vật đều trở về không. Tâm hai cô gái khai mở, cúi đầu phụng hành.

Đức Thế Tôn nghĩ rằng: Từ lúc ta bắt đầu học đạo đến nay là để cứu độ chúng sanh làm cho Ma Vương của Dục Giới quy phục trở về với đạo. Gần ở bờ sông Ni Lan Thuyền có một Phạm Chí họ là Ca Diếp, tên là Uất Tỳ La, đã một trăm hai mươi tuổi, có danh tiếng đồn xa, được người đời phụng thờ, kính ngưỡng, tu theo đạo thờ lửa, ngày đêm không mệt mỏi, ông ta có đến năm trăm người đệ tử hiếu học. Ca Diếp có hai người em.

Tông sư là anh tự cho là mình đã đắc đạo. Mỗi người đều có đệ tử riêng, đều sống dưới hạ lưu của sông Ni Lan Thuyền.

Ca Diếp tự nghĩ: Danh tiếng của ta ngày một cao, người trong nước đều kính ngưỡng. Nếu tài nghệ mà ít ỏi thì ta dễ bị cùng đường, nếu đã cùng đường thì danh cũng bại liệt. Vậy ta hãy tạo một kế hay để toàn quốc đều ngưỡng vọng.

Ông liền đi kiếm rồng, dùng chú thuật để đến đó làm một cái nhà yên tĩnh, mà bảo với con rồng rằng: Nếu có ai khinh suất đột nhập vào ngôi nhà yên tĩnh này thì ngươi hãy phóng lửa phun nọc độc để tiêu diệt kẻ đó.

Con rồng vì vậy đến ngày tiết hội, nó thường phun lửa, cho nên người gần kẻ xa đều nói: Đạo của Đại Sư là Thần! Tôn Giả Ca Diếp nhờ vậy mà công danh ngày một phơi phới.

Đức Thế Tôn nghĩ rằng: Ngày xưa ta xuất gia giữa đường gặp Vua Bình Sa.

Nhà Vua có nói: Khi nào ta thành đạo thì độ cho Nhà Vua trước tiên. Ta nhờ tất cả mọi người nên mới được đắc đạo như vậy. Nay ta quán sát lòng dân, họ đều ngưỡng vọng Ca Diếp đâu dễ gì mà họ liền theo ta được.

Giống như quả ngọt ở trên cây cao không thể ăn được. Tất cả những khó khăn đều do con rồng mà ra cả. Trước tiên ta phải hàng phục nó, thì Ca Diếp sẽ theo ta. Như vậy thì đạo lớn mới có thể giáo hóa rộng rãi, không cùng tận.

Đức Như Lai nói rằng:

Mặt trời chiếu soi thiên hạ, có ba đức: Ánh sáng tỏa ra phá trừ tăm tối, chỗ nào cũng thấy rõ ràng. Năm màu xen nhau tuần tự mà chiếu soi hình dáng. Làm nở mầm mộng tinh hoa của vạn vật.

Đức Như Lai cũng có ba đức: Bậc Nhất Thiết Đại Trí chiếu trừ ngu tối. Ngài phân bố năm đường, đó là nguyên do của lời nói và hành động. Dùng phương tiện trí huệ để cứu tế làm chúng sanh được lợi lạc và an ổn.

Bậc Chúng Hựu nghĩ như vậy xong, Ngài liền đến Vườn Tư Nại vào lúc chiều tối, đến ngôi nhà mà Tôn Giả Ca Diếp đã làm. Khi chưa đến nơi Ngài liền hiện sắc vàng lên cây cối, đất đá đều có sắc như vàng ròng.

Lúc ấy người đệ tử của Tôn Giả Ca Diếp thấy sự biến hóa này, tâm động cho là lạ, ngoái đầu mà nhìn, từ xa thấy Đức Thế Tôn, ánh sáng bao trùm đất Trời, y không biết vì sao mà có sự mầu nhiệm ấy, mới chạy đến thưa với thầy. Thầy trò cùng đi ra xem, thấy Đức Thế Tôn oai thần, oai nghi, rực rỡ, sáng rạng.

Trong tâm Tôn Giả Ca Diếp lo sợ, hồi hộp, hoang mang không rõ việc gì tự nghĩ rằng: Đây là Mặt Trời mà mắt ta thấy được chăng?

Đó là Thiên Nhân sao?

Mắt của vị ấy như tia điện.

Sau đó ông suy nghĩ mới hiểu rằng: Đó há không phải là thái tử Tất Đạt con Vua Bạch Tịnh sao?

Ta thường nghe một cách đầy đủ rằng: Con Vua Bạch Tịnh, có phước Thánh Vương, không thích sự vinh hoa, tương lai sẽ được làm Phật.

Ngày trước ta nghe vị ấy xuất gia, có lẽ nay đã thành đạo rồi chăng?

Đức Như Lai bỗng đi đến, Tôn Giả Ca Diếp rất vui mừng nói: Thiện lai Cù Đàm! Ngài có bình an chăng?

Đức Phật nói bài kệ này cho Tôn Giả Ca Diếp:

Trì giới, suốt đời an

Chánh tín, chỗ ở tốt

Trí huệ, thân an ổn

Không làm ác, được an.

Tôn Giả Ca Diếp bạch Đức Phật: Cúi mong Ngài hạ cố oai đức, đến chỗ tôi để nhận món ăn đạm bạc.

Đức Phật đáp: Này Ca Diếp, Đạo Pháp của Chư Phật từ xưa hễ quá ngọ thì không ăn, có lòng thành là tốt rồi.

Ta muốn nhờ một việc, ngươi có vui lòng chăng?

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Rất tiếc là tôi không dự bị trước, mong Ngài miễn chấp.

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Ta muốn tá túc lại đây một đêm, ngươi có vui lòng chăng?

Tôn Giả Ca Diếp bạch Đức Phật: Pháp Phạm Chí của chúng tôi, khi ngủ không được ở chung một phòng. Xin Ngài miễn thứ điều ấy không thể được. Nếu đi ngược lại pháp ấy thì tánh mạng của chúng tôi rất nguy hiểm.

Đức Phật chỉ ngôi nhà yên tĩnh kia hỏi: Đó là ngôi nhà gì?

Ca Diếp đáp: Trong đó có Thần Long, tánh tình nó rất nguy hiểm hung ác. Nếu có ai vào ngôi nhà đó nó liền phun lửa thiêu cháy tức thì.

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Hãy cho ta nghĩ ở đó.

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Thật là rùng rợn, tôi chỉ sợ con rồng hại Ngài mà thôi. Năm trăm đệ tử của Tôn Giả thảy đều run sợ, lo thầy của mình chấp nhận lời đề nghị của Đức Phật. Song Đức Phật yêu cầu đến ba lần như vậy.

Tôn Giả Ca Diếp trong lòng hoài nghi, nhưng ý không dám chống trái nói: Chỉ sợ Ngài bị họa mà thôi!

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Lửa dục trong ba cõi ta đã tiêu diệt được, thì con rồng không thể hại ta được.

Tôn Giả Ca Diếp thưa rằng: Cù Đàm là bậc tôn đức, có thể ở chỗ đó được thì tùy ý Ngài. Đức Phật liền thu oai thần, đi vào ngôi nhà ấy. Năm trăm người đệ tử của Tôn Giả Ca Diếp tin chắc là con rồng sẽ hại Ngài, cho nên họ đều rơi nước mắt, tiếc thương cho bậc tôn quý như vậy mà bị con rồng giết hại.

Đức Phật ngồi trong ngôi nhà đó giây lát thì con rồng từ trong hang đi ra. Nó phun nọc độc quanh mình Đức Phật. Đức Như Lai liền hóa những chất độc ấy thành những bông hoa.

Con rồng thấy chất độc của nó biến thành những bông hoa bao quanh Đức Phật, nó càng tức giận khạc lửa để hại Phật. Nhưng hơi nóng lại bay ngược về phía con rồng làm cho nó uất uất, sầu muộn, muốn chết, nó ngẩn đầu nhìn Đức Phật, nó biết Ngài là bậc tôn quý.

Đức Phật hóa một luồng gió mát thổi đến phía con rồng. Con rồng liền theo hơi mát đó đi đến chỗ Đức Phật, Ngài làm cho lửa tắt, độc trừ. Con rồng liền quy y Ngài, vào trong bình bát của Ngài. Bấy giờ Đức Phật liền dùng hỏa quang tam muội lửa khói ngập Trời.

Các đệ tử của Tôn Giả Ca Diếp, đứng thẳng để nhìn, họ thấy hào quang của Đức Phật mà tưởng là lửa của con rồng, cho nên họ đều cất tiếng bi ai than thở: Tiếc thay cho bậc chân nhân đã bị con rồng làm hại. Thầy trò của Tôn Giả Ca Diếp hoảng sợ đồng chạy ra ngoài để xem.

Năm trăm đệ tử của Tôn Giả đồng tách Thầy họ rằng: Từ lúc khai thiên lập địa đến nay, chúng ta chưa thấy ai vi diệu như Cù Đàm, Ngài là bậc đáng tôn quý.

Hận là chúng ta chưa thấy Ngài kỷ, vậy làm sao có thể thấy lại Ngài được?

Họ rơi nước mắt mà nói bài tụng:

Dung nhan, sắc vàng tía

Mặt tròn, tóc xanh biếc

Đại Nhân, trăm phước đức

Thần diệu, ứng tướng tốt

Thân cao, một trượng sáu

Có tám mươi vẻ đẹp,

Hào quang chiếu chỗ tối

Sao bỗng bị vô thường?!

Người đệ tử cuối cùng của Tôn Giả cho rằng lửa đã thiêu đốt Đức Phật, xót thương, ai oán rằng: Đức Cù Đàm đã bị hại, ta sống để làm gì?

Nói xong liền nhảy vào trong đống lửa ấy, nhưng anh tháy mát mẻ, điều hòa, nên ngoái lại thưa với thầy mình: Đức Cù Đàm không hề gì cả. Chúng ta tưởng đó là lửa của cong rồng, nhưng đây chính là hào quang của Đức Phật. Thầy trò của Tôn Giả đang buồn rầu xúm quanh bên nhau, đứng một bên lắng lòng chờ bậc Đạt Minh.

Thì vào lúc sáng sớm Đức Như Lai ôm bát bước ra khỏi ngôi nhà.

Tôn Giả Ca Diếp hết sức vui mừng nói: Bậc Đại Đạo Nhân vẫn còn sống chứ?

Cái gì trong bình bát đó?

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Đó là con độc Long, ta đã hàng phục và nó đã thọ pháp của ta!

Năm trăm đệ tử của Tôn Giả đều nói: Đây là vị Phật Thần. Tôn Giả Ca Diếp trong lòng thì thầm phục Đức Phật nhưng luyến tiếc tiếng tăm của mình.

Đức Phật bảo: Ngươi lại cống cao sao?

Đại Đạo Nhân chính thật là vị Thần. Ngươi không bằng ta, vì ta đã chứng A La Hán.

Tôn Giả Ca Diếp bạch Đức Phật: Xin bậc Đại Đạo Nhân hãy ở lại để chúng tôi được cúng dường. Sáng sớm Tôn Giả dọn trai soạn, tự mình đến thỉnh Đức Phật.

Đức Phật bảo: Ngươi hãy đi trước, ta sẽ đến. Tôn Giả Ca Diếp vừa về đến nhà thì Đức Phật nhanh như người co duỗi cánh tay, Ngài liền đến nước Phất Vu Đãi xa cả ngàn ức dặm về phía Đông, lấy quả cây tên là Diêm Bức, bỏ đầy cả bát rồi trở về.

Tôn Giả Ca Diếp chưa vào nhà thì thấy Ngài đã ngồi ở sàng tọa rồi, Tôn Giả Ca Diếp hỏi Đức Phật: Thưa Đại Đạo Nhân, Ngài đi đường nào mà đến đây?

Đức Phật đáp: Ngươi vừa đi, thì ta liền đến nước Phất Vu Đãi ở phương Đông lấy những trái cây Diêm Bức này, nếu ăn vào rất thơm ngon.

Đức Phật dùng cơm xong, Tôn Giả Ca Diếp nghĩ rằng: Bậc Đại Nhân này tuy là vị Thần nhưng không bằng đạo chơn thật của ta. Sáng sớm đến giờ ăn, Tôn Giả lại đến thỉnh Phật.

Đức Phật bảo: Hãy về đi, ta sẽ đến liền. Tôn Giả Ca Diếp vừa trở về, Đức Phật liền đến tận núi Diêm Phù Đề ở phía Nam lấy trái cây Loa Lặc, chứa đầy bình bát rồi trở về. Tôn Giả Ca Diếp đi chưa đến nhà, thì thấy Ngài ngồi trên sàng tọa rồi.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Đức Phật: Làm sao Ngài lại đến trước?

Đức Phật bảo: Ta đi qua phương Nam, lấy quả cây ngon này, hễ ăn vào thì hết bệnh.

Sau khi Đức Phật ăn xong, Tôn Giả Ca Diếp suy nghĩ: Vị Sa Môn này quả thật là thần diệu. Sáng hôm sau Tôn Giả Ca Diếp lại đến mời Phật.

Đức Phật bảo: Hãy về trước đi, ta sẽ đến ngay. Đức Phật liền đến nước Câu Na Di ở phía Tây, lấy trái cây A Ma Lặc bỏ đầy bình bát rồi trở về. Tôn Giả Ca Diếp chưa đến nơi thì đã thấy Đức Phật đã đến ngồi ở sàng tọa.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Đức Phật: Ngài lại đi hướng nào mà đến đây?

Đức Phật trả lời: Ta đến nước Câu Da Ni ở phía Tây, lấy trái cây A Ma Lặc bỏ đầy bình bát rồi trở về, ngươi có thể ăn chúng. Đức Phật dùng cơm xong.

Tôn Giả Ca Diếp lại nghĩ: Việc của vị Đại Sa Môn này làm quả thực là sức của thần. Sáng hôm sau Tôn Giả Ca Diếp lại đến mời Đức Phật.

Đức Phật bảo: Hãy về trước, ta sẽ đến sau. Tôn Giả Ca Diếp ngoái đầu lại nhìn thì bỗng không thấy Đức Phật. Đức Phật đã đến nước Uất Đơn Việt ở phía Bắc lấy thứ lúa gạo tự nhiên. Tôn Giả Ca Diếp đi chưa đến nhà thì thấy Đức Phật đã ngồi ở sàng tọa.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Đức Phật: Ngài từ đâu đến?

Đức Phật đáp: Ta từ nước Uất Đơn Việt ở phía Bắc, lấy lúa gạo tự nhiên này, ngươi có thể ăn nó.

Sau khi Đức Phật ăn xong, Tôn Giả Ca Diếp suy nghĩ: Vị đại tiên nhân này có sự thần diệu như vậy. Buổi sáng đúng giờ thọ thực, Đức Phật ôm bát tự mình đến nhà Tôn Giả để lấy đồ ăn rồi trở về.

Khi thọ thực xong, Ngài muốn tăm rửa, súc miệng, nhưng không có nước. Thiên Đế Thích liền hạ xuống lấy tay chỉ mặt đất thì tự nhiên thành cái ao.

Tôn Giả Ca Diếp sau buổi trưa thong dong tản bộ thì thấy có cái ao, cho là lạ mới hỏi Đức Phật: Vì sao có cái ao này?

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Sáng nay ta được ngươi cúng dường cơm. Ăn xong ta muốn xúc miệng, nhưng không có nước, Thiên Đế Thích mới chỉ mặt đất biến thành ao nước để ta dùng, do đó cho nên có cái ao này.

Tôn Giả Ca Diếp suy nghĩ: Bậc Đại Đạo Nhân này thật là thần diệu, công đức vô lường. Ngày hôm sau Đức Thế Tôn đến gần chỗ Ca Diếp ngồi dưới một gốc cây.

Đêm thứ nhất có bốn vị Thiên Vương đồng đến nghe Đức Phật thuyết phápHào quang của bốn vị Thiên Vương ấy chiếu sáng như đống lửa.

Tôn Giả Ca Diếp buổi tối thức dậy, thấy trước Đức Phật có bốn đống lửa, sáng sớm ông hỏi Đức Phật: Này Đại Đạo Nhân, Ngài cũng thờ lửa sao?

Đức Phật đáp: Không có! Đêm qua có bốn vị Thiên Vương đến nghe ta thuyết pháp, đó là ánh sáng của họ.

Tôn Giả Ca Diếp lại nghĩ: Bậc đại Sa Môn này hết sức thần diệu mới khiến các vị Thiên này đến nghe pháp, tuy nhiên vẫn không bằng đạo chân thật của ta. Ngày hôm sau, đêm thứ hai, Thiên Đế Thích đến chỗ Đức Phật để nghe pháp, ánh sáng của Đế Thích sáng gấp bội ánh sáng của Tứ Thiên Vương.

Buổi tối Tôn Giả Ca Diếp thức dậy thấy ánh sáng ở trước Đức Phật, trong ý tự nghĩ: Chính Đức Phật có thờ lửa vậy!

Sáng sớm đến hỏi Đức Phật: Nếu Ngài không thờ lửa, vì sao ánh sáng lại gấp bội đêm qua?

Đức Phật bảo: Vì Đế Thích đi xuống nghe Kinh Pháp, cho nên đó là ánh sáng của ông ta. Đêm sau có vị Phạm Thiên thứ bảy lại đến nghe pháp. Ánh sáng của Phạm Thiên sáng gấp bội ánh sáng của Trời Đế Thích.

Tôn Giả Ca Diếp thấy ánh sáng ấy nghi là Đức Phật có thờ lửa.

Sáng sớm ông hỏi Đức Phật: Này Đại Đạo Nhân, chắc chắn ngài có thờ lửa.

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Đêm qua vị Phạm Thiên thứ bảy đến nghe pháp. Đó là ánh sáng của ông ta vậy.

Tôn Giả Ca Diếp tự nghĩ: Bậc Đại Đạo Nhân này có oai thần cảm động mới khiến Phạm Thiên xuống nghe pháp?

Năm trăm người đệ tử của Tôn Giả Ca Diếp mỗi người thờ ba ngọn lửa, như vậy có cả thảy là một ngàn năm trăm ngọn lửa. Sáng sớm đốt lửa, lửa vẫn không cháy, họ thấy lạ mới đến hỏi thầy.

Vị thầy bảo: Điều này chắc do Phật làm ra.

Ông liền đến bạch Đức Phật: Năm trăm đệ tử của tôi sáng nay đốt lửa, nhưng lửa vẫn không cháy.

Có phải điều này do Ngài làm ra chăng?

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Ngươi muốn lửa cháy chăng?

Đức Phật hỏi ba lần, và Tôn Giả đều đáp: Muốn cho lửa cháy.

Đức Phật bảo: Hãy đi đi, lửa sẽ cháy.

Ngài vừa nói xong thì tất cả ngọn lửa đều cháy.

Tôn Giả Ca Diếp lại nghĩ: Bậc Đại Đạo Nhân này hết sức thần diệu vậy. Tôn Giả Ca Diếp tự thờ ba ngọn lửa, sáng sớm thì tắt lửa, nhưng ngọn lửa không thể tắt. Năm trăm người đệ tử và các người thờ lửa đên giúp Tôn Giả tắt lửa, nhưng vẫn không thể tắt được.

Tôn Giả nghi là việc này do Đức Phật làm ra, liền đến thưa Đức Phật: Con tự thờ ba ngọn lửa nhưng không thể tắt được.

Đức Phật hỏi: Ngươi muốn ngọn lửa tắt sao?

Thưa rằng: Con muốn nó tắt.

Đức Phật bảo: Nó sẽ tắt.

Ngài vừa nói dứt lời thì ngọn lửa liền tắt.

Tôn Giả Ca Diếp nghĩ rằng: Bậc Đại Đạo Nhân hết sức thần diệu, làm việc gì cũng thành tựu. Ngày hôm sau năm trăm đệ tử của Tôn Giả Ca Diếp cùng nhau chẻ củi, song khi mọi người giở búa lên thì đều không thể hạ búa xuống được.

Họ liền đến thưa với thầy, thầy họ bảo: Đó là do Đại Sa Môn làm vậy.

Tôn Giả đến bạch Phật: Các đệ tử của con vừa rồi cùng nhau chẻ củi, khi họ giơ búa lên thì không thể hạ xuống được.

Đức Phật bảo: Hãy về đi, búa sẽ hạ xuống. Tức thì các cây búa đều hạ xuống.

Tôn Giả Ca Diếp nghĩ: Vị Đại Sa Môn này chính là vị Thần vậy. Ngày hôm sau Đức Phật lại ngồi dưới một gốc cây, Ngài thấy một tấm vải dơ bị vất bỏ, Ngài muốn giặt nó.

Thiên Đế Thích vâng theo Thánh ý của Đức Phật, đến trên núi Át Na lấy một tảng đá có bốn mặt và một tảng đá có sáu mặt, dâng cho Ngài để Ngài giặt tấm vải.

Tôn Giả Ca Diếp đi du hành thấy bên bờ ao có hai tảng đá lấy làm lạ mới hỏi Đức Phật: Hiện nay bên bờ ao có tảng đá rất đẹp, không rõ nó từ đâu đến?

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Ta muốn giặt rửa và phơi y, Thiên Đế Thích mới mang hai tảng đá đến để ta xử dụng.

Tôn Giả Ca Diếp lại nghĩ: Cù Đàm là bậc Thần Đức, không ai mà không cảm động. Sau đó Đức Phật xuống ao do Đế Thích tạo để tắm rửa xong, khi muốn lên khỏi ao không có gì để nắm kéo lên, thì ở trên ao có một cái cây tên là Ca Hòa rất đẹp, cây ấy cong xuống ao, Đức Phật vịn vào để ra khỏi ao.

Tôn Giả Ca Diếp thấy cái cây tự nhiên cong xuống lấy làm lạ hỏi Đức Phật.

Đức Phật bảo Tôn Giả: Lúc sáng sớm ta xuống ao để tắm rửa, khi muốn ra khỏi ao thì cây Thần thả nhánh xuống để ta nắm mà lên.

Tôn Giả Ca Diếp nghĩ: Bậc Đại Đạo Nhân này, là bậc Chí Đức, cảm hóa nhiều loài, làm cho đại thọ phải thả nhánh cây xuống. Đức Phật muốn khiến cho Tôn Giả Ca Diếp qui phục, Ngài liền đi vào sông Ni Lan Thiền.

Nước sông này rất sâu và chảy rất mạnh. Ngài dùng thần lực cắt đứt dòng nước, làm cho nó đứng lại, dâng cao quá đầu người.

Khiến cho đáy sông hiện ra, Ngài đi trong đó. Tôn Giả Ca Diếp thấy Đức Phật đi vào nước, sợ Ngài bị chết chìm, liền bảo đệ tử chèo thuyền ra để cứu Đức Phật.

Họ thấy nước dâng cao, phía dưới hiện rõ đáy sông, và thấy Đức Phật ở trong đó nên rất vui mừng, đồng hỏi rằng: Đạo Nhân vẫn còn sống sao?

Họ lại hỏi: Ngài có muốn lên thuyền không?

Đức Phật bảo: Ta sẽ lên.

Ngài nghĩ: Ta sẽ xoi đáy thuyền để lên, nhưng đừng cho nước chảy vào.

Tôn Giả Ca Diếp lại nghĩ: Bậc Đại Đạo Nhân này thật là diệu hóa khó lường. Bấy giờ Quốc Vương, quan dân nước Ma Kiệt, nhân ngày hội lễ của năm, đi đến chỗ của Tôn Giả Ca Diếp, vui chơi trong bảy ngày.

Trong tâm của Tôn Giả Ca Diếp suy nghĩ: Đức Phật là vị Thánh minh, nếu mọi người thấy được, chắc chắn họ sẽ bỏ ta. Nếu trong bảy ngày này mà Ngài không xuất hiện thì vui biết bao.

Đức Phật biết ý của Tôn Giả, cho nên ẩn mặt trong bảy ngày, đến ngày thứ tám, Tôn Giả Ca Diếp lại nghĩ: Nay ta có dư phẩm vật, nếu được cúng dường cho Đức Phật thì khoái biết bao.

Tôn Giả mới nghĩ như vậy, Đức Phật liền đến, nên Tôn Giả rất vui mừng, vì mới nghĩ muốn gặp Ngài để cúng dường thì Ngài liền đến, thật vui sướng biết bao, và hỏi rằng: Vừa rồi Ngài đi đâu và nay thì từ đâu đến?

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp:

Tâm ngươi suy nghĩ rằng: Đức Phật là vị Thánh minh, nếu mọi người thấy Ngài họ sẽ bỏ ta, nếu trong bảy ngày này mà Ngài không xuất hiện thì khoái biết bao. Do đó không xuất hiện. Nay ngươi nghĩ đến ta, cho nên ta lại đến.

Tôn Giả Ca Diếp tâm niệm: Đức Phật đúng là bậc Chí Thần, mới biết được ý niệm của con người.

Đức Phật biết tâm của Tôn Giả đã khâm phục, nên Ngài liền bảo: Này Ca Diếp, ngươi không phải là La Hán, nếu không biết chân đạo, sao lại lấy cái hư vọng mà tự cho là quý?

Bấy giờ trong tâm của Tôn Giả Ca Diếp hoảng sợ lông tóc dựng đứng, tự biết là mình không có đạo, liền cúi lạy thưa rằng: Bậc đại Đạo Nhân quả thật là Thần Thánh, mới biết được ý niệm của con người.

Vậy con có thể theo Đại Đạo Nhân để được thần hóa, lãnh thọ Kinh Giới, làm Sa Môn chăng?

Đức Phật bảo: Rất tốt!

Hãy báo cho các đệ tử ngươi biết, ngươi là Quốc Sư, nay ngươi đã mặc pháp phục há có thể chỉ một mình ngươi biết sao?

Tôn Giả Ca Diếp thọ giáo, quay lại gọi các đệ tử: Các ngươi cùng ta đều thấy sự thần hóa của Đức Phật. Nay ta đã tin và hiểu sự thần hóa ấy, nên ta làm Sa Môn.

Vậy các ngươi thì thế nào?

Năm trăm người đệ tử của Tôn Giả đều thưa: Chúng con đã biết, tất cả đều thọ ân của thầy. Thầy đã tôn trọng và tin tưởng Đức Phật, chúng con đều nguyện theo thầy.

Ngay khi ấy thầy trò của Tôn Giả đến chỗ của Đức Phật, đảnh lễ thưa rằng: Chúng con đều có ý tin tưởng, nguyện làm đệ tử của Ngài.

Đức Phật bảo: Thiện lai Tỳ Kheo! Tất cả đều thành Sa Môn. Tôn Giả Ca Diếp đem áo lông cừu, áo vải to, bình nước, gậy, dép, các dụng cụ thờ lửa đôi hết xuống dòng nước. Bấy giờ Tôn Giả Ca Diếp có hai người em.

Người thứ nhất tên là Na Đề Ca Diếp và người út tên là Ca Da Ca Diếp. Mỗi người đều có hai trăm năm mươi đệ tử, ở trong các ngôi nhà lá, gần bên dòng sông.

Họ thấy các y phục, đồ vật lặt vặt, dụng cụ thờ lửa trôi bập bềnh dưới dòng nước. Hai người em kinh ngạc, sợ anh mình và các đệ tử bị người ta giết hại, họ cùng các đệ tử theo dòng nước mà đi lên, thì thấy thầy trò của anh mình đều làm Sa Môn.

Họ kinh ngạc hỏi rằng: Đại huynh tuổi lớn, trí tuệ cao vút, Nhà Vua và nhân dân đều kính thờ.

Theo ý của chúng em thì anh đã chứng La Hán rồi, sao lại bỏ đạo Phạm Chí, học pháp Sa Môn?

Đây không phải là việc nhỏ.

Không lẽ Đạo Phật là tôn đức, cao quý sao?

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Đạo Phật tối thắng, pháp môn vô lượng, song thế học của ta chưa có ai đắc đạo, thần trí như Đức Phật được.

Hai người em của Tôn Giả nghe điều đó, họ đều bảo các đệ tử: Chúng ta muốn theo anh của ta, còn các ngươi thì thế nào?

Năm trăm người đệ tử của họ đều nói: Xin làm như Đại Sư. Họ đều đến chỗ Đức Phật đảnh lễ cầu xin làm Sa Môn.

Đức Phật bảo: Thiện lai Tỳ Kheo! Họ đều thành Sa Môn.

Bấy giờ Đức Như Lai cùng một ngàn vị Tỳ Kheo tăng đi đến ngồi ở dưới gốc cây của khu rừng lớn ở Ca Da Tất. Ngái nhập tam muội, bỗng nhiên biến mất. Từ phương Đông đến, biến mất ở dưới gốc cây.

Ở phương Tây cũng lại như vậy, nhảy lên đứng trên hư không mà vẫn không rớt, trong thân phun ra lửa, nước, lên xuống tự do. Các Tỳ Kheo ngẩng đầu vui sướng mà không hay biết. Đức Như Lai trở về ngồi lại chỗ cũ mà chẳng ai hay.

Các Tỳ Kheo vui mừng, đến trước đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi thối lui, bạch Đức Phật: Sự thị hiện ấy gọi là gì?

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Đó gọi là thần túc thị hiện, còn có tên là giáo thọ thị hiện. Các Tỳ Kheo hãy lắng nghe hành động của thân ý và thức, do vì nhiễm trước. Nên nay vì chỉ rõ bộ phận. Cho nên gọi là giáo thọ thị hiện. Lại có tên là thuyết pháp thị hiện.

Các Tỳ Kheo hãy lắng nghe: Vì tự yêu sách cho nên bị suy tổn. Sáu tình đắm đuối nên bị suy tổn. Vì bị suy tổn mãi cho nên sanh ra khổ.

Sao gọi là khổ sanh?

Vì lửa dâm, nộ, si, phát khởi liền có sự đau nhức, sự sợ hãi già, bệnh và chết. Do đó phải dùng thuyết pháp thị hiện. Đức Phật ba lần thuyết pháp như vậy, khi ấy một ngàn vị Tỳ Kheo lậu chấm dứt, vọng không còn, tất cả đều chứng quả A La Hán.

Đức Phật nói bài tụng này cho các Tỳ Kheo:

Hôm nay ngàn Tỳ Kheo

Trưởng Lão có tôn đức

Bỏ tà tu chánh kiến

Vô tưởng nhập thiền huệ.

Khi Đức Phật nói pháp này, Thiên, Long, Quỷ, Thần, không ai mà không thích nghe.

***