Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi

PHẬT THUYẾT

KINH TRUNG BỔN KHỞI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
 

PHẨM BẢY

PHẨM TU ĐẠT
 

Đức Phật từ bổn quốc cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ Kheo Tăng đầy đủ đi đến nước Trúc Viên của nước Vương Xá.

Trưởng giả Bá Cần nhờ thần lực của Đức Phật, đi đến Trúc Viên, năm vóc cúi lạy dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh, đứng một cách cung kính, tâm đoan chánh, bạch Đức Phật: Cúi mong Đức Thế Tôn hạ cố đến nhà con thọ dụng món ăn đạm bạc. Đức Phật im lặng nhận lời, trưởng giả vui mừng lạy dưới chân Đức Phật rồi ra về.

Khi về đến nhà, chuẩn bị đầy đủ các món ăn ngon bổ, trang hoàng lọng, phướng, đích thân ông làm lấy các thức ăn mùi vị tuyệt vời.

Trưởng giả Xá Vệ tên là Tu Đạt Đời Tấn gọi là Thiện Ôn, cùng với chủ nhân Bá Cần tuy chưa bao giờ gặp nhau nhưng cùng tin tưởng nhau, hành động giống nhau, đức hạnh giống nhau, tuy ở xa mà xem nhau như là bạn thân.

Tu Đạt nhân có việc đi đến nước bạn, đúng lúc Bá Cần đang tự mình sửa soạn đồ ăn để cúng dường nên không ra để đón tiếp Tu Đạt, làm cho trưởng giả phải chờ lâu, nên trưởng giả mới gọi kẻ ở, hỏi rằng: Vì sao ta từ xa đến đây mà ông chủ ngươi không ra tiếp?

Chúng ta hằng nhớ nhau, chẳng lẽ bây giờ lại làm mất tình bạn của chúng ta sao?

Vì sao hôm nay có vẻ lạt lẻo vậy?

Bất ngờ, Ca Lan Đà Bá Cần công việc đã xong, mới đi ra để gặp bạn.

Trưởng giả nói: Chúng ta từ lâu chưa được gặp nhau, cam chịu sự nhớ nhung, nay tôi đến đây.

Từ lâu chúng ta đã nghĩ đến nhau, sao hôm nay lại có vẻ lạt lẻo vậy?

Ca Lan Ca Bá Cần việc xong liền đi ra chào hỏi.

Tu Đạt ngồi yên không ngó lại, nói rằng: Xưa nay tôi chưa từng chịu nhục như thế này!

Bá Cần nói: Không ngờ hôm nay bạn lại đến đây, xin lỗi! Ngày mai tôi thỉnh Thế Tôn cho nên lo làm việc mà không tiện ra tiếp đón bạn được.

Thiện Ôn Tu Đạt hỏi: Sao gọi là Thế Tôn?

Đó là việc hôn nhân, lễ trong nước hay ngày hội chăng?

Đáp rằng: Này! Bạn không nghe Thái Tử con của Vua Bạch Tịnh, vào núi sáu năm để tu hành, nay đã thành đạo, hiệu là Phật. Thần minh của vị ấy chiếu soi nơi tăm tối, thân cao một trượng sáu, sắc như hoa, có màu vàng tía, thuyết pháp, truyền giới, ý nghĩa tinh vi, nhập thần, có các đệ tử đi theo, gọi là Tỳ Kheo Tăng.

Các vị ấy ở nơi vắng vẻ, giữ thân ngay thẳng, tu đức, giữ đạo, bỏ vinh hoa, lợi lạc, gọi là Chân Nhân, gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị. Thiện Ôn nghe tiếng Phật, lông tóc dựng đứng, trong lòng sung sướng.

Tuy ông thong thả chờ trời sáng nhưng trong tâm bồn chồ, cứ trở mình không ngủ được. Do lòng chí thành nên có sự cảm thông, mới nữ đêm mà Trời bỗng chợt sáng.

Ông liền ngồi dậy, chuẩn bị ra đi theo hướng cửa thành. Ông ngoái lại, nhìn thấy phía bên trái cửa thành có nhà thờ Thần tên là Thấp Ba, ông liền đến đó quỳ lạy. Khi lễ bái xong, ông mới nhận ra rằng là Trời vẫn còn tối.

Thiện Ôn hoảng sợ chẳng biết đi đâu. Tuy có sự đột biến ấy nhưng trong tâm ông vẫn còn vang vọng tên của Đức Phật, nên sự lo sợ liền tan biến.

Lúc ấy trên không trung có tiếng nói: Lành thay, này Tu Đạt! Nhờ chí tâm mới được như vậy.

Trưởng giả liền hỏi lại tiếng nói trên hư không: Đó là vị Thần nào vậy?

Đáp rằng: Tôi là Tử Thân Ma Nhân Đề.

Hỏi: Bạn sanh ở đâu?

Một lát vị ấy trả lời: Ngày xưa, tôi theo Ngài Đại Mục Kiền Liên, là đệ tử thần túc của Đức Phật, nghe thuyết Kinh pháp. Nhờ phước báo ấy nên được sanh lên Cõi Trời. Vì công đức quá ít nên được trấn thủ ở đây, thấy ngài chí tâm nên tôi đến để giúp đỡ.

Đức Phật là bậc chí tôn, cứ mỗi bước đến với Ngài thì phước đức vô lượng. Tiếc vì lúc còn sống, tôi không được thấy Đức Phật.

Như nay mà được thấy Ngài thì tôi sẽ thấu rõ được Chân Đế. Vị thiên ấy phóng luồng ánh sáng lớn chiếu đến Trúc Viên. Thiên Ôn cứ theo ánh sáng ấy, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn vượt hơn những điều ông được nghe, ông liền đi đến trước để lễ bái, rồi bước qua một bên, lắng lòng quán sát thân tướng của Đức Phật.

Ông hỏi Đức Phật: Đấng Thần Tôn có bình an chăng?

Đức Phật nói bài kệ này cho Tu Đạt:

Không có sự buồn vui

Tâm không, thanh tịnh, an

Chẳng có gì là sanh

Thấy Đế nhập Niết Bàn

Giác chánh niệm trong sáng

Đã qua năm đường hiểm

Xè rách lưới ân ái

Mãi vắng lặng, an lạc.

Trưởng giả Tu Đạt đang nghe Đức Phật thuyết nhờ công đức đời trước, liền phát ý thanh tịnh nên được pháp nhãn, quy mạng Tam Tôn, trọ trì năm giới, làm Thanh Tín Sĩ, đến trước bạch Phật: Cúi mong Đức Như Lai quang lâm nước Xá Vệ, giáo hóa cho một thời gian để tế độ quần chúng.

Đức Phật lại hỏi: Tên họ của ngươi là gì?

Trưởng giả quỳ xuống thưa rằng: Con tên là Tu Đạt. Nhờ nuôi dưỡng những người cô đơn, già cả, cung cấp cơm áo cho họ, nên người trong nước còn gọi con là Cấp Cô Độc.

Đức Phật bảo rằng: Ở đó có Tinh Xá dung chứa chúng đệ tử của ta chăng?

Thưa rằng: Dạ, chưa có. 

Trưởng giả Tu Đạt vâng theo Thánh Chỉ của Đức Phật đến trước Đức Phật, quỳ xuống bạch Đức Thế Tôn: Con sẽ lãnh trách nhiệm tạo lập Tinh Xá. Chỉ cần có một vị Tỳ Kheo đến để xem chỗ nào thuận tiện.

Đức Phật quay lại bảo: Này Xá Lợi Phất! Ngươi hãy đi, cùng lo giúp đỡ việc xây cất. Tôn Giả vâng theo lời dạy của Đức Phật, liền đảnh lễ rồi lui ra. Ngài trở về Xá Vệ, đi khắp nơi để tìm đất. Ngài chỉ thấy Kỳ Viên là đẹp.

Nơi ấy có các thứ trái cây suối chảy, chim lạ tụ tập, đất đai màu mở, cây cối tươi tốt, lại cách thành không xa. Nhân đó, trưởng giả mới đến hỏi ý Kỳ Đà, nhưng Kỳ Đà hoàn toàn không có ý bán khu vườn ấy.

Song trưởng giả cứ yêu cầu mãi, ông ta mới tức giận nói: Nếu có thể đem kim tiền lát hết khu vườn, tôi mới bán.

Trưởng giả lại hỏi: Có thật vậy chăng?

Kỳ Đà bảo: Nói giá cao chắc ngươi phải thối chí, nên ta nói đùa thế thôi.

Trưởng giả nói: Như vậy là đã quyết định rồi, còn nghi gì nữa. Tu Đạt giã từ, trở về nhà chở hàng xe kim tiền đi đến.

Người giữ vườn ngăn chận, chạy đến thưa với ông chủ: Tu Đạt mang tiền đến, không rõ ngài có chấp thuận bán vườn hay không mà không cho con biết?

Kỳ Đà đáp: Ta có nói giỡn như vậy, nếu họ mang tiền đến thì đừng nhận. Lúc ấy Tu Đạt và Kỳ Đà tranh cãi nhau. Các kỳ lão cả nước đến để khuyên can chấm dứt vụ tranh cãi.

Các kỳ lão xử rằng: Giá đất đã định không nên hối tiếc gì nữa. Chánh trị nước nhà đã thanh bình.

 Thái Tử Kỳ Đà không nên đi ngược lại luật pháp. Khi ấy Kỳ Đà đồng ý cho lát kim tiền, nhưng chưa đủ.

Bấy giờ trong ý nghĩ của Kỳ Đà rất mừng, nói rằng: Ta sẽ được khu vườn. Ông bảo người đến hối Tu Đạt cùng đến xem vườn. Trưởng giả Tu Đạt thấy kim tiền lát chưa khắp khu vườn, trong lòng bậc bội không vui.

Kỳ Đà bảo: Này Quốc Hiền! Nếu hối tiếc, hãy trả lại vườn cho tôi.

Trưởng giả đáp: Tôi không hối tiếc. 

Tôi chỉ nghĩ: nên xuất số vàng của kho nào để lát cho đủ khoảnh đất còn lại.

Lúc ấy trong tâm của Kỳ Đà nghĩ rằng: Chắc Đức Phật là bậc Chí Tôn cho nên mới khiến cho người này đem hết tiền bạc ra cúng dường mà không hối hận.

Như vậy vị ấy nên đội trên đầu, rất đáng kính ngưỡng, vì có thần diệu như vậy, nên Kỳ Đà liền gọi Tu Đạt: Ông chớ mang thêm kim tiền để lát khoảnh đất còn lại. Tôi xin cúng dường rừng cây, chúng ta cùng lập Tinh Xá để cúng dường.

Tu Đạt liền đáp: Lành thay! Thưa vâng. Lúc đó trưởng giả ra sức tạo lập tăng phòng, tọa cụ, giường chỏng, mền nệm đẹp nhất trên Đời, cúng thí tràng phang, dùng nước hoa để rưới mặt đất, bày biện đầy đủ vật dụng cúng dường.

Ông lại soạn các món ăn thật ngon, đốt các hương thơm, từ xa quỳ xuống thỉnh Đức Phật: Cúi mong Như Lai hạ cố giáng lâm. Bấy giờ đức Chúng Hựu cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Đại Tỳ Kheo Tăng du hành đến nước Xá Vệ, theo lời thỉnh cầu của Tu Đạt.

Oai thần của Phật chấn động. Người nam, nữ. Kẻ lớn, người nhỏ ở trong nước đứng chật cả đường. Trưởng giả Cấp Cô Độc cùng với Nan Đà là em của Vua, đến trước, lạy dưới chân Đức Phật, cùng lên Tinh Xá.

Đức Phật thọ nhận, chú nguyện, gọi đây là: vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà. Nhà vua vì có việc, triệu hồi Tu Đạt về gấp, nên Tu Đạt đi đến dự hội, việc xong trở về, phụng trì trai giới hết sức cung kính.

Giữa đường có một người dâng một bình sữa nhưng không ai bưng hộ, tự bưng mà đi. Trên đường đi gặp một Phạm Chí, ông nhờ bưng giùm bình sữa, cùng đến Tinh Xá.

Tự tay ông dâng thức ăn cúng dường, bảo Phạm Chí: Ông cứ tiếp tục dâng thức ăn cúng dường

Phật ăn xong dâng nước để Ngài rửa tay.

Đức Phật vì họ nói pháp, tất cả mọi người đều hoan hỷ, khen là rất hay.

Buổi chiều Phạm Chí trở về, vì trai giới không ăn nên người vợ thấy lạ mới hỏi: Không rõ ông tức giận việc gì?

Đáp rằng: Ta chẳng tức giận việc gì cả, vì ta giữ trai giới vậy.

Người vợ lại hỏi: Theo ai mà trai giới?

Phạm Chí đáp: Trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường cho Đức Phật ở trong vườn, mời ta đến thọ Bát Quan Trai.

Người vợ khóc lóc tức giận nói: Ông đã bỏ phép tắc truyền lại, tai họa từ đây sinh ra, Cù Đàm loạn pháp, đâu đủ để thâu nạp. Phạm Chí bị vợ bức xúc mãi liền ăn cùng với vợ.

Khi Phạm Chí mạng chung, vào lúc nữa đêm, sanh vào nước Uất Đa La Vệ, làm vị Thọ Thần trong một cái đầm lớn. Khi ấy có năm trăm người Bà La Môn muốn đến ba chỗ thờ Thần sông ở Sông Hằng để tắm rửa sự cấu uế, cầu mong Thần Tiên.

Nhưng đi nữa đường họ bị thiếu lương thực, từ xa thấy cái cây ấy, tưởng có dòng suối, họ chạy đến dưới cây ấy thì hoàn toàn chẳng thấy gì cả. Họ bị cùng khốn tại cái đầm đó, đói khát kịch liệt.

Khi ấy vị Thần cây hiện ra hỏi Phạm Chí rằng: Các Đạo Sĩ từ đâu đến?

Nay muốn về đâu?

Các Phạm Chí đồng thưa: Chúng tôi muốn đến ao Thần để tắm rửa, cầu được làm tiên. Nay bị đói khát, rất mong Ngài thương xót cứu tế. Bấy giờ vị Thần cây liền đưa cánh tay lên, các món ăn thơm ngon hiện ra rất nhiều.

Họ ăn uống no nê, đi đến chỗ vị Thần, thưa rằng: Ngài có những công đức gì mà có phép màu vòi vọi như vậy?

Thần đáp các Phạm Chí: Tôi nhờ ông trưởng giả Cấp Cô Độc ở nước Xá Vệ mà thọ trì Bát Quan Trai, nhưng bị vợ cản trở làm thất bại nên không tu trọn nghiệp lành ấy.

Lúc tái sanh bị vào đầm này làm Thọ Thần. Nếu giữ pháp Bát Quan Trai, phước được sanh lên Cõi Trời.

Bấy giờ vị Thọ Thần mới nói bài tụng:

Thờ Thần, gieo gốc hoa

Ngày đêm sanh cành nhánh

Luống khổ hoại thân thể

Trai pháp độ thế tiên.

Phạm Chí nghe bài kệ, tỉnh ngộ, tín thọ, trở về Xá Vệ. Trên đường đi dẫn đến một nước tên là Câu Lam Ni. Trong nước này có một trưởng giả tên là Cù Sư La Tấn gọi là Mỹ Âm được nhân dân kính yêu, nói gì họ cũng nghe. Các Phạm Chí ấy đến xin ngủ trọ.

Mỹ Âm hỏi: Các Đạo Sĩ từ đâu đến?

Nay muốn làm gì?

Họ tường thuật đầy đủ công đức của vị Thọ Thần ở đầm kia cho trưởng giả nghe.

Họ muốn đến chỗ trưởng giả Cấp Cô Độc để xin thọ trì trai pháp mới thỏa nguyện.

Mỹ Âm vui mừng nhảy nhót, nhờ phước đời trước cảm ứng nên hiểu rõ, muốn đi theo.

Sáng sớm, ông ra lệnh những người trong giòng họ và những người bạn thân rằng: Ai có thể cùng đi với tôi để thọ trì trai giới thì đi! Lúc ấy năm trăm người cùng ứng khẩu xin đi.

Đó là nhờ nguyện xưa của họ đưa đẩy nên họ cùng chuẩn bị lên đường đi đến nước Xá Vệ.

Khi chưa đến Kỳ Hoàn, giữa đường thì gặp Tu Đạt đi qua mà ông không biết, ngoái lại hỏi những người đi theo: Vị Đại phu nào vậy?

Đáp rằng: Đó là ông Cấp Cô Độc vậy!

Phạm Chí và mọi người vui mừng rượt theo, nói rằng: Nguyện của ta đã thành, cầu người thì gặp người. Chúng ta hãy chạy theo để tương kiến.

Mọi người đồng khen rằng: Từ lâu chúng tôi đã vâng theo đức của ngài, trong lòng khát ngưỡng, nghe ngài dạy pháp Bát Quan Trai nên từ xa chúng tôi đến đây để thọ giáo.

Thật là may mắn, mong ngài chỉ dạy!

Tu Đạt dừng xe lại đáp rằng: Tôi có vị Đại Sư hiệu là Như Lai, là bậc Chúng Hựu.

Ngài đang hóa độ mọi người ở gần Kỳ Hoàn.

Vậy chúng ta hãy cùng nhau đến đó để ra mắt Đức Thế Tôn.

Họ nghe lời của trưởng giả nói như vậy, đồng cung kính thưa: Vâng! Hết lòng thành khẩn! Từ xa họ trông thấy Đức Như Lai nên tâm hoan hỷ phát sanh, năm vóc gieo xuống đất, lui ra và ngồi xuống. Nhờ quán sát bổn tâm, thuận theo lời pháp yếu, nên năm trăm vị Phạm Chí đều đắc quả A Na Hàm, liền xin Đức Phật cho làm Sa Môn.

Còn bà con của Mỹ Âm… đều được pháp nhãn.

Các Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Năm trăm Phạm Chí này và các trưởng giả kia vì sao được đắc đạo nhanh như vậy?

Đức Phật dạy: Trong đời quá khứ không lâu, khi ấy có Đức Thế Tôn hiệu là Ca Diếp giảng pháp cho họ nghe.

Ngài nói: Đời sau của ta, các Phạm Chí ở trước Đức Phật kia nguyện được thấy Đức Phật Thích Ca ở đời tương lai.

Các trưởng giả này cũng đồng nguyện như vậy.

Nhờ nhân duyên ấy nên thấy ta, liền được giải thoát.

Các Tỳ Kheo vui mừng, tín thọ phụng hành.

Trong tâm của Mỹ Âm muốn thỉnh Đức Thế Tôn. Đức Phật biết tâm của ông ta nghĩ như vậy.

Ngài nói: Vì ngươi không có Tinh Xá nên ý nguyện của ngươi không thành.

Mỹ Âm vui mừng vì Đức Phật hiểu ý mình, nên đến trước bạch Đức Phật: Con có một cái nhà riêng xin đem làm Tinh Xá. Cúi mong Đức Thế Tôn rũ lòng thương xót, đến đó tế độ quần sanh.

Nói xong ông trở về nước, sửa soạn đầy đủ vật dụng để cúng, rồi ông đến chỗ Đức Phật đem đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật để dâng cho Ngài. Lạy xong, rồi ra về.

***