Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi

PHẬT THUYẾT

KINH TRUNG BỔN KHỞI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
 

PHẨM BỐN

PHẨM ĐỘ VUA BÌNH SA

 

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn đến La Duyệt Kỳ để độ cho Vua dân nước này.

Ngay hôm ấy, Vua nước La Duyệt Kỳ bảo sứ giả đi đến chỗ Đức Phật, hết lòng cung kính, đảnh lể xong thưa rằng: Quốc Vương Bình Sa, cúi lạy trước Đức Phật, thân cận, thừa sự Đức Thế Tôn, bậc Thành Đạo hiệu là Phật, nên Chư Thiên, nhân các loài, vui mừng được gặp Ngài, cúi mong Đức Thế Tôn, đem lại lợi lạc khương ninh, mong Ngài rũ lòng che chở, quan tâm đến nước quê mùa của chúng con.

Chúng con đang khao khát sự giáo hóa, để được phát khởi và tăng trưởng đạo tâm. Mong Ngài xót thương chúng sanh, làm cho mọi người được giải thoát.

Đức Phật bảo: Này các Tỳ Kheo! Các ngươi hãy mau chuẩn bị chu đáo, Nhà Vua mời đến.

Các Tỳ Kheo vâng lời, chuẩn bị xong, đi theo Đức Thế Tôn.

Sứ giả chạy đến bạch Đức Phật: Xin Ngài hạ cố dẫn theo một ngàn vị Tỳ Kheo Tăng. Nay theo Tu Đa La, đến dưới gốc cây, cách thành bốn mươi dặm.

Nhà Vua trước đó ra lệnh: Nếu Đức Phật vào nước, chúng ta phải tự mình đi ra nghinh rước, người nào nghinh rước Ngài phước đức vô lượng. Nhà Vua liền ra lệnh chuẩn bị một ngàn cỗ xe, một vạn con ngựa, bảy ngàn người tháp tùng.

Khi đã chuẩn bị xong, Nhà Vua lên xe, ra khỏi cung, đi đến thành, nhưng lúc đó cửa thành tự đóng lại, làm cho xe ngựa bị cản trở. Nhà Vua hết sức kinh hãi, lo sợ có đại hoạn nói rằng, ta có trọng tội nên mới có họa này.

Khi ấy ở trên không trung có tiếng nói: Bổn nguyện của Nhà Vua là nếu được làm người, thì thả người bị giam trong ngục ra. Vì lời thề ấy rất quan hệ, nên làm cho cửa thành đóng lại.

Bây giờ Ngài hãy ân xá giải phóng tất cả tù nhân, thì cửa thành sẽ tự mở, được đến chỗ Đức Phật…

Nhà Vua từ xa trông thấy Đức Như Lai, tướng tốt rạng ngời, liền xuống xe, bỏ kiếm xuống, Đức Phật biết bản tánh của Vua Bình Sa vốn kiêu mạn, cang cường, cống cao, nê Ngài muốn mau giải hóa Nhà Vua và các quan theo hầu về nghi thức ăn mặc.

Nếu Vua Bình Sa quay lại nhìn thì thấy các quan theo hầu, in như mình không khác. Nhà Vua sợ Phật không biết điều đó, nên đầu mặt lạy dưới chân Ngài, nhiễu quanh bên mặt ba lần.

Lạy xong Nhà Vua tự trình bày: Con là Bình Sa, Vua nước Ma Kiệt Đề. Nhà Vua nói như vậy cho đến ba lần.

Đức Phật bảo Nhà Vua: Ta chỉ chiếu soi tâm của Vua, cần gì hình dáng. Nhà Vua hết sức vui sướng, lui về chỗ ngồi. Quần thần thứ dân đều hết lòng cung kính đối với Đức Phật, trong đó có người đến đảnh lễ, có người tự xưng tên họ, có người đến trước Đức Phật chấp tay vái chào.

Họ đảnh lễ xong thì đứng. Đức Phật bảo họ đều ngồi xuống, họ vâng lời ngồi xuống.

Đức Phật bảo Vua Bình Sa: Nhờ phước đời trước của Vua nay được tăng trưởng lợi ích, khiến cho nhân dân trong nước của quốc vương, trung hiếu, giàu có, an vui, không lo lắng, được phước che chở, có đức tốt không có điều gì bất lợi.

Trong chúng hội có điều nghi là Tôn Giả Uất Kỳ Ca Diếp danh tiếng, sớm thành đạt, nay cùng ở với Đức Phật, vậy ai là thầy?

Đức Phật quán sát tâm niệm quần chúng, Ngài liền bảo Tôn Giả Ca Diếp: Nếu co người sát sanh để tế tự, mong cầu được phước, người ấy có được phước không?

Kẻ đi vào trong núi cầu đạo mà không có thầy, vậy người ấy có đắc đạo chăng?

Tôn Giả Ca Diếp bạch Đức Phật: Kẻ sát sanh để tế tự thì không có phước, vì Thiên Thần không chứng, kẻ sát sanh phải bị tội. Người học đạo mà không thầy thì không bao giờ thành Đạo.

Tôn Giả Ca Diếp bạch Đức Phật: Trước đây con thờ lửa, ngày đêm không giải đãi, cần khổ nhiều năm. Các đệ tử giỏi có đến năm trăm người, đốt lửa một cách tinh nhuệ, không kể Trời lạnh hay nóng.

Nay con tuổi già, các căn mòn mỏi, không còn thấy rõ nữa. Người trước đã truyền điều không thật cho kẻ hậu sanh, tự gọi đó là đạo, chỉ luống khổ mà không được quả báo. Nay con được Phật dạy, tẩy rữa sự ô uế của tâm, con đã được La Hán.

Đức Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Nay ngươi hãy hiện thần túc của La Hán. Tôn Giả vâng theo lời dạy của Đức Phật, liền nhập định, thân bay trên hư không, cách mặt đất mấy trượng, ở eo lưng trên bốc lửa, eo lưng dưới phun nước, lại từ eo lưng trên phun nước, eo lưng dưới bốc lửa.

Dùng nước rưới lửa, làm cho y khô không bị ướt, đứng trên hư không, hiện sự biến hóa, bảy lần hiện, bảy lần ẩn, hào quang từ trong thân phóng ra, năm màu rực rỡ, bay từ phương Đông đến, rồi biến mất trước tòa của Đức Phật, bốn phương Trên dưới cũng hóa hiện như vậy.

Khi biến hóa xong, Tôn Giả liền chấp tay, quỳ xuống bạch Đức Phật: Đệ tử Ca Diếp, mong nhờ từ ân của Đức Phật, giải thoát sự trói buột của tội lỗi. Đức Như Lai rất tôn quý, ba cõi đều cúi lạy.

Đức Phật nói bài tụng này cho Tôn Giả Ca Diếp:

Nếu người sông trăm tuổi

Thờ lửa tu dị thuật

Không bằng theo chánh đế

Ánh sáng chiếu tất cả.

Nếu người sông trăm tuổi

Học tà, tâm không thiện.

Không bằng sống một ngày

Siêng năng thọ chánh pháp.

Nhà Vua và Quần Thần mới hay Tôn Giả Ca Diếp là đệ tử của Đức Phật.

Đức Phật bảo Vua Bình Sa: Con mắt của người trong thiên hạ, không chỉ thấy sắc là khổ, lạc, vô thường thân mạng không trường cửu. Ý của người trong thiên hạ có nhiều điều ác, ít điều thiện, tư tưởng ngổn ngang vạn mối, ý thích chạy theo dục, nếu có thể bỏ được tâm ý đó thì có thể đắc đạo, công đức ngang bằng Ca Diếp.

Đừng nên vì sự giàu có mà buông lung tình ý, đừng nên tự do tham dục, không nhàm chán, đừng nêm vì mình mạnh mà xâm lấn kẻ yếu đuối, đừng nên vì sự tức giận mà giết càng kẻ không có tội, đừng theo tâm dâm, đừng theo tâm tham, đừng theo tâm sân, phải bỏ điều ác, theo điều lành, hãy tin dùng lời chân thật.

Hãy nghĩ đến sự nguy kịch của sự chết, sự bệnh khổ, suy nghĩ những hành động của mình, cũng có thể được thần túc của Tôn Giả Ca Diếp.

Nếu mắt thấy sắc, tâm phải kiềm chế, sắc đẹp hay xấu tâm vẫn không động, tai nghe các thứ tiếng, tâm phải kềm chế, đừng có mừng hay giận, mũi ngửi mùi thơm, mùi thối, tâm phải chế phục đừng có đắm trước, miệng ăn các vị, tâm phải kềm chế.

Không khởi các tưởng, thân mặc các y phục đáng ưa thích, phải kềm chế tâm, thức không dựa vào các vật bên ngoài của ngũ ấm, phải lấy tâm kềm chế, sáu tình vô chủ, ấm suy vô danh, công đức của Tôn Giả Ca Diếp, nhờ tu như vậy mà được.

Thân hình của con người phần nhiều cảm thọ ưu sầu, khổ não, bị đói khát lạnh nóng bức bách. Kẻ ngu chấp đó là vui, người trí cho đó là khổ, vợ con vinh lợi người đời mê hoặc, phàm các việc ấy, đều phải phân tán, ngàn năm, vạn năm đều bị hủy diệt.

Đức Phật nói bài kệ này cho Vua Bình Sa:

Kẻ hướng dẫn thế gian

Theo chánh, không cuồng bạo

Dẫn đường chỉ lễ nghi

Pháp Vua là như vậy

Thương yêu, tha kẻ chánh

Nhân ái làm lợi người

Có lợi phải chia đều

Như vậy, dân thân cận.

Đức Phật hỏi Vua Bình Sa: Từ lúc Nhà Vua tạo lập cung điện đến nay được bao nhiêu năm?

Nhà Vua quay lại hỏi một vị thần bên cạnh, vị cận thần thưa: Từ lúc tạo lập cung điện đến nay là bảy, tám trăm năm.

Đức Phật hỏi các vị cận thần: Đã trãi qua bao nhiêu đời Vua?

Thưa rằng: Hơn hai mươi đời Vua.

Đức Phật hỏi Vua Bình Sa: Nhà Vua có biết hết các vị Vua ấy không?

Vua Bình Sa đáp: Chỉ biết cha của con thôi, còn các vị khác thì không biết.

Đức Phật bảo Vua Bình Sa: Chỉ có đất là thường còn, con người là vô thường. Vì tự thương thân mình, nên đừng sát hại kẻ khác, không nên phỉ báng người có đạo. Sự sanh tử của chúng sanh đều do ân ái mà có.

Cha mẹ tự nói: Nó do tôi sanh, nó là con của tôi. Song người con không phải do cha mẹ mà có, bởi vì kẻ ấy đời trước giữ giới đầy đủ nay mới được làm người, nếu kẻ ấy làm hạnh ác, sau khi chết phải đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Chúng sanh do hành động sanh, chứ không do ai sanh cả, tội phước rất rõ ràng, Nhà Vua phải suy nghĩ kỹ điều đó.

Đức Phật bảo Nhà Vua: Nếu đứa con ở trong bào thai hoặc bị đui hay điếc thì người mẹ có biết trước được không?

Nhà Vua thưa: Thật không biết được.

Đức Phật bảo: Đó là do hành động tội ác đời trước của đứa bé này, mới bị như vậy, chú không phải là lỗi của cha mẹ. Nếu đứa bé ở trong bào thai là vị Thánh minh, thì người mẹ cũng không dự biết được.

Đó là do hành động hoàn toàn thanh tịnh đời trước của đứa bé tạo nên, chứ không phải năng lực của cha mẹ mà được như vậy.

Lấy lý đó nghiệm thấy rõ ràng, Nhà Vua hãy khéo suy nghĩ.

Người Đời bị tội là do hành động của ba chỗ: Miệng nói lời hại người, thân hành động giết hại tàn bạo, tâm chuyên ganh tỵ. Nếu ai có thể bỏ được ba hành động ấy thì tuy chưa thể đắc Nê Hoàn liền, nhưng vẫn được ở trên cõi Trời, nhân gian hưởng được sự phú quý, tự do, cội gốc là ở con người mà ra.

Do si mà có thân hình, do thân hình mà có tình, do tình nên sanh ra thức, do thức sanh ra dục, do dục mà có cha mẹ, do cha mẹ sanh ra ân ái, do ân ái sanh ra ưu bi, qua lại trong năm đường, không bao giờ dừng nghỉ.

Con người cũng không biết được sanh từ đâu mà có, chết đi về đâu, không biết được cội nguồn các tướng danh tự, nói rằng: Đây là cha, đấy là con. Chỉ có người đắc đạo mới biết được cội nguồn của nhân duyên sanh tử là bắt gốc từ si mà có, nên tất cả đều vô thường. Đại Vương hãy thọ trì.

Đức Phật bảo Vua Bình Sa: Nếu có những người lành cẩn thận, hiếu thuận, khiêm trinh, kính nhường, tài cao, trí rộng, ở trong nước, không phạm pháp của Vua, nhưng không phải là quý tộc, Nhà Vua có đối xử khác nhau chăng?

Nhà Vua thưa Đức Phật rằng: Nếu ai có tên tuổi hiển đạt, con sẽ chọn tùy theo khả năng mà phong chức.

Đức Phật bảo: Này Đại Vương! Đạo Pháp không có người thân, chỉ có việc thiện là giúp đỡ, thành thật giữ Năm Giới, gọi là Thanh Tín Sĩ, tinh tấn tu chân, thấy Chân Đế không thối lui, liền đắc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Tất cả đều nhờ bổn tâm, quả vị của đạo đó thì theo thứ lớp.

Khi Đức Phật dạy như vậy, Nhà Vua cùng một vạn hai ngàn người ở trong nước, tám vạn Chư Thiên đều thấy dấu vết của đạo.

Đức Phật bảo Vua Bình Sa: Nhà Vua đến đây đã lâu, vậy hãy mau trở về cung, trâu ngựa và các người tùy tùng vì đứng lâu nên đã mỏi mệt, để ngày hôm sau ta sẽ đến thành.

Nhà Vua đứng dậy đảnh lễ Đức Phật thọ giới rồi thối lui, Quần Thần và các quan theo hầu, vui vẻ đến phía trước để thọ giới, ngay lúc Nhà Vua và Quần Thần thọ Năm Giới thì người và ngựa, trong và ngoài đều im lặng không có tiếng động, Các Bà La Môn đều được cảm hóa, tâm phục, đều đến phía trước để thọ giới, rồi hoan hỷ lui ra.

Nhà Vua lên xe xong, Quần Thần quỳ xuống chúc mừng công đức của Đại Vương nên được gặp Đức Phật xuất thế, nên khiến cho Quần Thần được tắm gội trở thành thanh tịnh.

Vua Bình Sa trở về cung ra lệnh nội cung, giữ tai trì giới, mọi người trong nước đều tín hiểu, hoan hỷ. Thiên Đế Thích ở cung Trời Đao Lợi, dùng hoa rãi lên trên Đức Phật.

Bấy giờ ở trong toà, có một Trưởng Giả giàu có tên là Ca Lan Đà, trong tâm suy nghĩ: Thật đáng tiếc, khu vườn của ta đã thí cho Ni Kiền. Ước gì Đức Phật đến trước, ta sẽ cúng cho Đức Phật và Tăng. Trưởng Giả hối hận vì đã bố thí trước, vĩnh viễn bị bỏ đi.

Trưởng Giả chí tâm, nằm trên giường mà không yên. Nhờ phước đời trước của Trưởng Giả theo đuổi, phước đức ứng hiện đầy đủ.

Lúc ấy có đại quỷ tướng quân tên là Bàn Sức, vâng theo Thần Chú của Đức Phật, biết tâm niệm của ông ta, liền gọi Duyệt Xoa xua đuổi Ni Kiền: Lõa mình không biết xấu hổ, không được ở trong vườn.

Quỷ Bàn Sức vâng lệnh, lấy chày đánh Ni Kiền, lôi kéo đồ vật, Ni Kiền hoảng sợ bỏ chạy nói rằng: Người ác nào đây mà ác độc như vậy?

Quỷ Bàn Sức nói: Trưởng Giả Ca Lan Đà sẽ đem Vườn Trúc này làm Tinh Xá cho Đức Phật. Ta là Đại Quỷ tướng quân Bàn Sức, được lệnh đuổi ngươi đi.

Sáng sớm, Ni Kiền đi đến chỗ Trưởng Giả, rất phiền trách, tại sao vô cớ đổi ý bố thí, khiến cho bọn chúng ta chẳng biết phải ở đâu?

Đó là Trưởng Giả thấy sự khốn đốn của ta như vậy. Trong tâm của Ca Lan Đà hết sức vui sướng vì nguyện của mình đã thành tựu.

Đức Phật che chở cùng khắp, thấy sự chí tâm của ta, liền đáp với Ni Kiền: Các quỷ sứ ấy cường bạo, sân hận, e rằng họ sẽ làm hại Ngài, chi bằng Ngài hãy bỏ đi để tìm chỗ an ổn mà ở. Ni Kiền uất hận, ngay ngày hôm đó tức giận bỏ đi.

Trưởng Giả vui mừng, liền tạo lập Tinh Xá, tăng phòng, tọa cụ, thảy đều trang nghiêm đầy đủ, đi đến dưới cây thỉnh Phật và Tăng Chúng, thọ thí rồi đến đó an trụ, để một thời Sư hóa đạo được rộng khắp, không ai mà không được hoan hỷ.

***