Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi

PHẬT THUYẾT

KINH TRUNG BỔN KHỞI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
 

PHẨM MỘT

PHẨM CHUYỂN PHÁP LUÂN
 

Tôn Giả A Nan nói:

Trước đây tôi từng theo hầu Đức Phật, nghe như vậy: Một thời Đức Phật ở dưới gốc cây Nguyện Kiết, Đạo Tràng Thiện Thắng, nước Ma Kiệt Đề, có oai đức hùng mạnh hàng phục các ma, giác huệ thần tịnh, tam đạt vô ngại, độ hai người khách buôn, là Đề Vị và Ba Lợi, trao cho họ ba quy y, rồi truyền năm giới, làm Thanh Tín Sĩ.

Bởi ngày xưa, có Đức Phật đầu tiên tên là Định Quang, ta nhờ lễ bái Danh Hiệu Đức Phật này, nên Đức Phật ấy thọ ký rằng: Về sau, chín mươi mốt kiếp nữa, người sẽ thành Phật tên là Thích Ca Văn, hiệu là Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, chúng hựu, cứu độ người đời như ta hiện nay vậy.

Từ ấy đến nay ta tu tập bổn tâm, tu Lục Độ đến chỗ tột cùng, tích lũy công hạnh với pháp tu tứ đẳng từ, bi, hỷ, xả không mệt mỏi, vạn hạnh đặc thù, nhẫn khổ vô lượng, công đức báo ân không hề thiếu sót, nhờ phát khởi đại nguyện mà kết quả viên thành.

Đức Thế Tôn nghĩ rằng:

Ta đã phát tâm thệ nguyện: Vì các quần sanh, Phạm Thiên Đế Thích đến thỉnh pháp, mà Cam Lồ mở ra, ai thích hợp được thì nghe trước.

Ngày xưa ta xuất gia, trên đường dẫn đến Phạm Chí, A Lan Ca Lan, chờ lúc ta chứng ngộ, hai người sẽ được độ trước: Nhờ nghĩ vậy nên bây giờ ta muốn độ họ.

Chư Thiên vâng theo thánh chỉ, ở trên không trung thưa rằng: Hai vị ấy đã mất cách đây bảy ngày rồi.

Đức Phật bảo: Khổ thay, này A Lan Ca Lan, cửa Cam Lồ đang mở, sao ngươi không được nghe.

Đức Phật lại nghĩ rằng: Cam Lồ đang mở ra, kế đến, ai là người đáng nghe?

Uất Đầu Lam Phất là người đáng nghe tiếp theo, Ngài mới đứng dậy muốn đến đó, Chư Thiên lại thưa rằng: Người này mới mạng chung vào chiều hôm qua.

Đức Phật nói: Người ấy mãi bị suy thối, Cam Lồ đang mở ra mà không được nghe, bị sanh tử qua lại, làm sao có thể chấm dứt sự luân chuyển trong năm đường, đau khổ biết bao.

Đức Phật lại nghĩ rằng: Trống pháp Cam Lồ vang rền cả tam thiên đại thiên Thế Giới, ai có thể nghe được?

Ngày trước Phụ Vương ta bảo năm người:

1. Câu Lân.

2. Ái Bệ.

3. Bạt Đề.

4. Thập Lực Ca Diếp.

5. Ma Nam Câu Lợi.

Cung cấp mè lúa cho ta, hầu hạ ta khổ sở, công ấy cần được báo đền. Khi ấy năm người này đều ở tại nước Ba La Nại. Bấy giờ Đức Như Lai mới từ dưới gốc cây đứng dậy với tướng tốt oai nghiêm, hào quang chiếu diệu thế gian, oai thần chấn động, ai thấy cũng hoan hỷ.

Ngài đi thẳng đến nước Ba La Nại, giữa đường Ngài gặp một Phạm Chí tên là Ưu Hu, thấy Đức Thế Tôn thần diệu, nên làm cho ông mừng sợ giao xen, đứng một bên đường cất tiếng khen ngợi: Ngài thật là người oai nghiêm linh cảm, nghi dung đỉnh đạc.

Ngài thờ ai làm thầy mà được tư dung như vậy?

Đức Phật vì Ưu Hu nói bài tụng:

Nhờ được tám Chánh Giác

Không ly không nhiễm ô

Hết thọ, phá lưới dục

Tự nhiên, không có thầy

Ta tu hành, không thầy

Quyết chí, không bạn lữ

Tích lũy đến thành Phật

Nhờ đó thông Thánh Đạo!

Ưu Hu hỏi Đức Phật Cú Đàm: Ngài đi về đâu?

Đức Phật nói với Phạm Chí: Ta muốn đến nước Ba La Nại, đánh trống pháp Cam Lồ, chuyển pháp luân vô thượng mà các Thánh Nhân trong ba cõi chưa từng chuyển pháp luân, làm cho mọi người đều nhập Nê Hoàn như ta hôm nay vậy.

Ưu Hu rất vui mừng nói: Lành thay, lành thay! Như lời Cù Đàm nói, xin Ngài mở Cam Lồ, như vậy thuyết phápBấy giờ Đức Như Lai liền đến dưới gốc cây nơi Vườn Nai chỗ của Cổ Tiên Nhân, nước Ba La Nại, Ngài đến chỗ năm người kia.

Năm người ấy từ xa trông thấy Đức Phật đi đến, họ cùng nhau nghị luận rằng: Chúng ta cần khổ, xa lìa nhà cửa, leo núi vượt đèo cô cùng cực khổ, chính là vì để cung cấp mè lúa cho người này, song vị ấy không thể chịu nỗi, nhân vì bị ma chiến bại, cho nên mới mềm yếu trốn tránh như thế.

Vì vậy nay vị ấy đến đây, một hạt mè, hạt lúa mà không chịu nổi, lại đi cầu ăn thì làm sao có thể thành đạo được?

Chúng ta chỉ nên trải tòa ngồi ra đó, nhưng không quỳ, không hỏi han chi cả. Khi bị đối xử tệ như vây chắc chắn vị ấy phải tụ bỏ mà đi.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì năm người này hiện đạo thần hóa, làm cho họ hân hoan, sung sướng bất giác đứng dậy đảnh lễ, hầu hạ Ngài như trước, Đức Phật bảo năm người ấy: Các ngươi cùng nhau bàn luận là không được đứng dậy, vì sao nay lại đảnh lễ?

Họ đều thưa rằng: Chúng tôi ngồi ở đây là vì Tất Đạt, nên phải trải qua các thứ cần khổ. Nhà Vua Duyệt Đầu Đàn bạo nghịch vô đạo là do Ngài đó.

Đức Phật bảo năm người ấy: Các người đừng nên coi thường bậc vô thượng chánh chân. Như Lai bình Đẳng Giác, là bậc Vô Thượng Chánh Giác, không nên có ý sanh tử đối với Ngài.

Vì sao các ngươi lại đối với ta mà lại nói tên của cha ta?

Ngài lại bảo năm người: Các ngươi hãy xem thân của ta có giống như lúc ở dưới gốc cây trước đây chăng?

Năm người kia đáp rằng: Lúc ấy Ngài tiều tụy, nay lại sáng lạng, nhưng khi ấy Ngài ở dưới gốc cây, ngồi ngay thẳng mắt nhắm, ngày ăn một hạt mè, hạt lúa, mà còn gọi là chẳng phải đạo, huống chi nay Ngài vào nhân gian, thân, miệng muốn ăn muốn mặc gì tùy thích, sao gọi là đạo được?

Đức Phật bảo năm người ấy: Thế gian có hai việc, làm cho bị xâm lấn khinh thường.

Những gì là hai?

Đó là sát sanh, dâm dật, dựa vào sự giàu có, tham dục. Nghèo khó, lao khổ, bên trong không có đạo tích.

Không có hai việc này, chẳng phải là chân đạo nhân sao?

Ta đối với chín mươi sáu học thuật cũng không xả bỏ, hướng vào trung đạo không vướng vào hai cực đoan.

Vì sao hướng vào trung đạo mà được giác huệ hạnh, đạt được các trí, ngộ lục thông đầy đủ tám chánh hạnh?

Đó gọi là hướng vào trung đạo, an trú ở Nê Hoàn vậy. Đức Phật nói pháp ấy, nhưng năm vị kia vẫn chưa hiểu, ba người đi khất thực, thì hai người ở nhà cúng dường.

Đức Phật thuyết pháp cho hai người nghe: Sắc là khổ, tất cả các tai hoạn, đều do sắc dục mà ra, vạn vật đều vô thường, con người cũng không thường trụ. Giống như nhà huyễn thuật, ý muốn làm trò biến hóa, nhưng kẻ ngu thấy vậy thì ái luyến, tham đắm không nhàm chán. Nhưng nhà huyễn thuật quán biết sự huyễn hóa ấy, cho nên không nhiễm ô không đắm trước.

Vì sao vậy?

Vì nó là giả chứ không phải chân.

Đức Phật vì hai người ấy nói bài kệ:

Tâm buông lung dục hạnh

Gốc tham dục thêm sâu

Tham đắm thêm oán, họa

Lìa dục không tai họa.

Ba người ở nhà cúng dường, hai người đi khất thực Ngài nói cho họ nghe:

Tham là khổ, nó làm cho thích điều lợi, cầu vinh hoa người ngu mê đắm đuối, đưa đến sự tác hại và thất đức, đều do nơi tham: Mừng giận, được mất, kẻ tham dục không nhàm chán vì tư lợi nên có sự nguy khốn, sự vật như mây bay. Khi già bệnh chết đến, chẳng có gì mà chẳng phân tán. Giống như người nằm mộng, thức dậy chẳng thấy gì cả. Người trí tuệ có thể bỏ tham mới được an ổn lớn.

Đức Phật vì ba người ấy nói bài kệ:

Ý tham dục là mộng

Tâm không chán là mộng

Dứt tham, bỏ cầu lợi

Không còn ưu sầu nữa.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nhân thuyết pháp rộng rãi, theo thứ lớp, năm người liền hiểu đạo, xin làm đệ tử.

Đức Phật bảo: Thiện lai Tỳ Kheo! Họ đều thành Sa Môn.

Đức Phật bảo: Này Tỳ Kheo, có hai việc nếu làm phải rơi vào chỗ thấp kém.

Một là nghĩ đến sắc dục, không có tâm thanh tịnh.

Hai là do ái dục mà tham trước, không thể làm cho tâm ý thanh tịnh.

Hai việc làm đó khiến con người rơi vào tà hạnh sanh ra không gặp Phật, chống trái lìa xa chân đạo. Nếu ai có thể đoạn trừ tham, tinh tấn tu hành sáng suốt, người ấy có thể đắc đạo Nê Hoàn. Kẻ học đạo trước tiên phải biết Tứ Đế.

Sao gọi là Tứ Đế?

Đó là:

1. Khổ.

2. Tập.

3. Tận.

4. Nhập đạo.

Như vậy, này Tỳ Kheo, tiếp theo phải giữ giác huệ, một lòng nghĩ đến thiền, nhận rõ sự báo ứng của đạo. Pháp nhãn đã sáng, liền hiểu bốn đế ấy, lần lần nhập vào dòng Dự Lưu.

Sao gọi là khổ?

Đó là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ưu bi não là khổ, ân ái xa lìa là khổ, oán thù gặp nhau là khổ, cầu mong không được là khổ. Tóm lại, từ năm ấm mà chấp thủ là khổ.

Sao gọi là tập?

Do ái trước tập hợp, nếu không có ái trước thì cũng không tập.

Sao gọi là tận?

Do trí giác đoạn diệt ái, nên không ái, không niệm, mà được giác ngộ.

Sao gọi là nhập đạo?

Đó là bát chánh đạo:

1. Chánh kiến.

2. Chánh lợi.

3. Chánh ngôn.

4. Chánh hành.

5. Chánh mạng.

6. Chánh tri.

7. Chánh trí.

8. Chánh định.

Đó là khổ, tập, tận, đạo. Chân Đế là vô sanh, vì vô sanh cho nên vô tử. Vì vô tử cho nên vô bệnh, vì vô bệnh cho nên vô tử, vì vô tử cho nên không khổ đau, vì không khổ đau cho nên được tốt lành vô thượng, hướng đến Nê Hoàn.

Bấy giờ Đức Như Lai liền nói bài tụng:

Đạo màu không qua lại

Huyền vi, thanh diệu chân

Không tử cũng không sanh

Chính đó là Nê Hoàn

Nó tịch tịnh vô thượng

Rốt ráo không tạo tác

Tuy cõi Trời có đẹp

Nhưng không bằng Nê Hoàn.

Ngài Thuyết pháp như vậy. Năm người là Câu Lân,… liền được pháp nhãn.

Đức Phật hỏi: Này Câu Lân, ngươi hiểu chưa?

Tôn Giả đứng dậy thưa rằng: Bạch Thế Tôn, con chưa hiểu.

Đức Phật lại bảo: Này Câu Lân ở thời quá khứ lâu xa về trước, có một vị Nhà Vua tên là Ác Sanh, ông ta đem các kỹ nữ vào núi vui chơi, ra lệnh quan thuộc hạ đứng dưới chân núi, ông ta chỉ dẫn các kỹ nữ theo, từ từ đi lên đỉnh núi, lúc ấy Nhà Nhà Vua rất mệt mỏi nên nằm nghỉ, các kỹ nữ ấy để nhà nhà Vua ở lại, còn họ thì đi hái hoa. Họ thấy một vị Đạo Nhân ngồi ngay thẳng dưới gốc cây, nên trong lòng hân hoan đều đến để đảnh lễ.

Vị Đạo Nhân cầu nguyện cho họ: Các cô hãy đến đây! Ngài bảo họ ngồi xuống, Ngài thuyết pháp cho họ nghe.

Khi Nhà Nhà Vua tỉnh giấc đi tìm các kỹ nữ, thấy họ đang ngồi trước vị Đạo Nhân ấy, nên trong lòng đố kỵ, sanh ra ác tâm liền hỏi Đạo Nhân: Tại sao ngươi dụ dỗ các kỹ nữ của ta?

Ngươi là người gì mà ngồi ở đây?

Đạo Nhân biết ý của Nhà Vua hung bạo, độc hại, nên đáp rằng: Tôi là người nhẫn nhục!

Nhà Nhà Vua liền rút kiếm chặt đứt hai tay của Đạo Nhân, rồi hỏi tiếp: Ngươi là người gì?

Ngài đáp: Quả thật tôi là người nhẫn nhục. Nhà Nhà Vua lại cắt tai và mũi của Đạo Nhân. Nhưng tâm của Đạo Nhân vẫn kiên cố bất động.

Ngài vẫn nói: Tôi là người nhẫn nhục. Nhà Nhà Vua thấy nhan sắc của Nhà Nhà Vua không di động, mới giật mình đến trước sám hối lỗi lầm.

Đạo Nhân bảo Nhà Nhà Vua: Nay Ngài vì nữ sắc nên đã dùng dao cắt đứt thân mình của ta. Nhưng sự nhẫn của ta như mặt đất, chắc chắn ta sẽ được quả Bình Đẳng Chánh Giác. Ta sẽ dùng nhất thiết trí để đoạn trừ sanh tử của Ngài. Nhà Nhà Vua suy nghĩ mình tội nặng, chắc chắn phải gánh lấy tai ương dữ dội mới đập đầu xuống đất, xin Ngài tha tội.

Đạo Nhân bảo Nhà Nhà Vua: Nếu ta quả thật là người nhẫn nhục, máu trong thân ta sẽ biến thành sữa, làm cho những chỗ bị đứt sẽ lành lại như xưa. Đúng như lời Ngài nói, sữa chảy ra và thân hình lại bình phục như xưa.

Nhà Nhà Vua thấy sự chứng minh về đức nhẫn đó của Ngài, mới mong Ngài cứu tế, lại nói lời chân tình rằng: Nếu như Ngài thật sự thành đạo xin Ngài độ cho con trước tiên.

Đạo Nhân đáp rằng: Xin vâng. Nhà Nhà Vua liền hết mê muội, cáo từ trở về cung.

Đức Phật bảo Câu Lân: Vị Đạo Nhân nhẫn nhục lúc ấy chính là thân của ta. Còn Nhà Vua Ác Sanh lúc đó chính là Câu Lân vậy.

Này Câu Lân! Ngươi đã hiểu chưa?

Lúc ấy Câu Lân bạch Đức Phật: Con rất hiểu, bạch Thế Tôn! Khi Đức Phật thuyết bài pháp ấy xong, Câu Lân… năm người, được lậu tận, ý giải thoát đều chứng La Hán, và tám vạn Chư Thiên ở trên đều được pháp nhãn, ba ngàn Thế Giới bị chấn động mạnh. Đó là lần đầu tiên Như Lai ở nước Ba La Nại dùng vô thượng pháp luân chuyển cho người chưa được chuyển, cứu độ tất cả, không ai mà không vui mừng.

***