Kinh Đại thừa
Bộ Kinh Tập
PHẬT THUYẾT KINH
TRƯỜNG TRẢO PHẠM CHÍ THỈNH VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghĩa Tịnh, Đời Đường
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Thế Tôn ở tại núi Thứu Phong, thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, tập hợp đông đủ. Ngoài ra còn có các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Di, cùng Quốc Vương, Đại Thần, Sa Môn, Bà La Môn, các ngoại đạo, các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Nhân Phi Nhân… cùng đứng chiêm ngưỡng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang giảng nói pháp vi diệu tự mình đã chứng được, văn nghĩa khéo léo, đầu, giữa, cuối đều tốt đẹp, chân thật, tròn đầy, các tướng phạm hạnh trong sạch, tươi sáng.
Lúc ấy, có vị Phạm chí Trường Trảo, đến chỗ Phật, cầm gậy đứng và hỏi Đức Phật: Này Kiều Đáp Ma! Như ông đã nói, đời người là do nghiệp mình tạo.
Vậy nghiệp là có thể trao cho, nghiệp là chỗ sinh ra, hay nghiệp là thân tộc, nghiệp là chỗ nương tựa?
Phật bảo Bà La Môn: Ta đã nói như vậy, đời là do chính mình tạo, nghiệp có thể trao, nghiệp là chỗ sinh ra, nghiệp la thân tộc, nghiệp là chỗ nương tựa.
Bà La Môn hỏi: Nếu nói như vậy, Sa Môn Kiều Đáp Ma trước tạo nghiệp gì, mà khiến ông được thân kim cang chắc thật, không hư hoại?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa sự sát hại mạng căn của loài hữu tình. Do nghiệp lực đó mà nay ta được quả như vậy.
Này Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì khiến ông có được từng ngón tay dài nhỏ và có lưới mỏng?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa sự trộm cắp tài vật của người khác. Do nghiệp lực đó nay ta được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì khiến ông được đầy đủ sắc đẹp, sức lực và các căn tròn đầy?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa dục nhiễm với người nữ. Do nghiệp lực ấy nay ta được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì khiến ông được tướng lưỡi rộng dài che khắp mặt?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa sự nói dối và lường gạt người. Do nghiệp lực đó nay ta mới được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì mà được oai nghi chững chạc và tướng đi như Sư Tử?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lánh nơi rượu chè, buông lung. Do nghiệp lực ấy nay mới được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì mà nay được thân tốt đẹp trang nghiêm vi diệu?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa việc ca hát nhảy múa. Do nghiệp lực kia nay mới được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì mà nay được mùi hương thơm tốt nhất, phát ra nơi thân.
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa sự trang điểm những hương hoa và ngọc ngà châu báu. Do nghiệp lực đó nay mới được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì mà nay ông được thọ dụng tòa kim cang tốt đẹp bậc nhất?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa những vật như: Giường cao, chiếu rộng, không kiêu căng, buông thả. Do nghiệp lực đó nay được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì mà nay được bốn mươi cái răng trắng đẹp và đều đặn?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước xa lìa việc ăn uống không đúng giờ giấc. Do nghiệp lực đó nay mới được quả như vậy.
Sa Môn Kiều Đáp Ma! Trước tạo nghiệp gì mà nay trên đầu có nhục kế tròn đầy, tuyệt đẹp?
Phật bảo Bà La Môn: Ta ở đời trước đối với Tam Bảo, hai thầy Sa Môn, Bà La Môn, cha mẹ và những bậc tôn trưởng, đều cung kính lễ lạy sát đất. Vì ta không có tâm coi trọng mình, lại hết lòng đảnh lễ. Do nghiệp lực đó nay ta mới được quả như vậy.
Khi Bà La Môn nghe Phật thuyết về nhân quả, không chút hư dối ông ta bèn bạch Phật: Thưa Kiều Đáp Ma! Đây là phước tên gì, làm sao thọ trì?
Phật bảo: Đây là Bát chi tịnh giới Bát quan trai giới nếu giữ được một ngày một đêm hay sau một ngày một đêm thọ trì từ một vị Thầy sẽ được quả như vậy.
Bấy giờ, Phạm chí Trường Trảo ở chỗ Phật để nghe nói tám giới thanh tịnh suốt một ngày một đêm, do đời trước xa lìa nghiệp ác, lại có lòng tin sâu xa, nên liền được trang nghiêm thù thắng vi diệu, ông ta vui mừng hớn hở, liền đứng trước Phật, xả bỏ tâm cao ngạo quá coi trọng mình, vứt gậy xuống đất, chắp tay cung kính lễ sát hai chân Phật, và bạch:
Bạch Thế Tôn! Con nay mới biết nghiệp báo xấu tốt là có thật. Con từ nay cho đến lúc hình thể không còn, xin trở về nương tựa Phật, vì Ngài là bậc phước trí vẹn toàn. Con từ nay trở đi trở về nương tựa Pháp, vì pháp là xa lìa tham dục. Con từ nay trở đi trở về nương tựa Tăng, vì Tăng là chúng tu hành thanh tịnh. Con xin thọ lãnh tám tịnh giới, trụ ở hàng cận sự.
Từ nay cho đến ngày mai, khi mặt Trời xuất hiện, trong khoảng thời gian đó, con nguyện:
Không hại mạng người nào
Không trộm tài vật người
Không dâm, không nói dối
Uống rượu và buông lung.
Trang sức và múa hát
Giường cao, ăn đúng giờ
Con nay đều xa lìa
Nhận giữ tám tịnh giới.
Ngày thứ hai và ba
Con cũng nguyện như vậy.
Phật bảo Bà La Môn: Tốt lắm, tốt lắm! Nên làm như vậy, nên giữ như vậy.
Khi Đức Thế Tôn giảng nói pháp này xong, Bà La Môn và chúng Tỳ Kheo, các chúng Trời, người đều vui mừng hớn hở tin nhận, tuân theo tu hành.
***