Kinh Đại thừa
Bộ Kinh Tập
PHẬT THUYẾT KINH TỨ BỐI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
Nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ.
Bấy giờ, có bốn chúng đệ tử và Phạm Thiên, Đế Thích, Rồng, Quỷ Thần, thần chất lượng đều đến khu vườn rừng này, cúi đầu lễ nơi chân Phật, rồi lui ra an tọa nơi chỗ thường ngồi.
Phật bảo các đệ tử: Hiện nay những Kinh Pháp ta đã nêu giảng, chỉ dạy đều nhằm để tự thu giữ ý niệm của mình.
Đời mạt pháp độc hại như thế này, bốn loại đệ tử xuất gia, hoặc tại gia tu đạo đều dễ bị cuốn theo sắc dục, lại không vâng theo Kinh Pháp của Phật, chỉ theo sự tối tăm của mình, khiến cho đạo của ta mờ nhạt, khiến người đời phỉ báng, chê bai. Ta tin rằng hàng đệ tử như vậy sẽ đưa đến ngạo mạn.
Tôn Giả Thu Lộ Tử sửa lại y phục, chắp tay, nhất tâm nghe Phật giảng nói Kinh Bốn Hạng Đệ Tử như vậy:
Phật nói: Nếu vào đời mạt pháp, có người nam vì đạo xuất gia, cạo bỏ râu tóc, nhất quyết lìa bỏ ái dục, chí giữ đại thừa, thường lấy việc từ, bi, hỷ, hộ xả làm chính.
Bỏ tưởng hành, rộng nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh cho đến loài bò bay máy cựa, xem như thân thể của mình không khác, không vọng tưởng khởi lên tức giận. Thâm nhập vào trí bát nhã Ba la mật, luôn dùng trí bát nhã Ba la mật làm phương tiện quyền biến, khuyên dụ kẻ mông muội nhập vào cảnh Niết Bàn.
Dùng giới đức trừ cấu uế của tâm, không được làm nghề thế gian. Người hay thực hành như vậy mới đáng xuất gia, gọi là đạo sĩ.
Còn những người không thể nương tựa nơi giáo pháp của Như Lai, tự cho là xuất gia vì lòng tin, không chuyên niệm về đạo. Hoặc có người hạ tiện, dựa vào đạo để nuôi mạng sống, không tạo lợi ích gì cho ai, chỉ nói theo ý mình, làm thầy làm chủ người khác mà xem thường, đùa cợt, không tự kiểm xét lấy mình, khiến cho giáo pháp tôn quý không được phát triển, người đời không tin, chẳng phải là đệ tử xuất gia trong giáo pháp của ta.
Phật nói: Nếu có người nữ vì đạo xuất gia, cạo bỏ tóc, từ ái dục, chuyên cần tinh tấn, ở nơi vắng lặng, thì không được cùng ở một chỗ với người xuất gia nam. Nếu đi đến thầy thọ giáo thì phải đi với người cùng giới, không được đến thọ giáo một mình.
Thường nên chiều về, sáng tới, không được không có lý do ra khỏi chỗ ở nghỉ lại, chỉ được giáo thọ cho người nữ, không được giáo thọ cho người nam. Mặc y phục không được thêu dệt gấm lụa màu sắc sặc sỡ, không được buông thả nói cười đùa cợt, không được tham của cải vật báu.
Người giữ giới hạnh thanh tịnh như vậy gọi là đạo nhân xuất gia. Nếu ý tứ buông thả, đùa cợt, chưa nói đã cười, tâm niệm không định, hay nghĩ điều tà vạy, ác khẩu, mắng nhiếc, tranh cãi, không tự kiềm chế. Không thể ở chỗ vắng lặng, kiêu mạn, tự đại, tuy là xuất gia nhưng đó là thấp hèn, chẳng phải là đệ tử xuất gia của Như Lai.
Phật nói: Nếu có người nam tâm chí gắn bó nơi đạo mà không thể xuất gia được, ở trong ái dục, nên thọ năm giới, mỗi tháng sáu ngày trai, rất mực hiếu thảo với cha mẹ, chỉnh đốn việc nhà, nuôi dạy con cái, sớm tối thắp hương đèn lễ bái Tam Bảo, sám hối khắp mười phương, cung kính bốn hạng đệ tử.
Không được ngã mạn, khinh người, tự đại, lìa bỏ tham lam bỏn sẻn, luôn luôn thành thật. Không được xem thường người đời, không được đứng ngồi cùng chiếu với thê phụ người khác, hoặc cùng nhau đi đứng chung nhà nhưng khác giường. Trừ bỏ bốn việc, lấy bốn tâm bình đẳng, rộng xem tất cả người già như cha mẹ, người nhỏ như em, như con. Luôn lấy thuốc pháp bát nhã Ba la mật tẩy trừ các bệnh.
Không được vọng tưởng nổi lên sân hận, mắng nhiếc, luôn dùng vô số phương tiện khuyên dắt, giảng giải cho người đời, khiến họ đến với pháp đại thừa, không được nói nghĩa Kinh sâu xa cho người mới học, nên vì người trừ bỏ tưởng thức, khiến không bị ngăn ngại.
Không được thêu dệt, trang sức y phục. Không được cùng với phụ nữ thế gian chuyện trò, đùa giỡn, đối đáp qua lại để đưa đến sự liên hệ. Người như vậy gọi là đạo nhân thanh tịnh.
Nếu làm việc bất tịnh, tham lợi, tài, sắc hoặc đối với thế tục, thêu dệt, trang sức y phục, cùng nhau tranh đua, chỉ kết thêm những điều ham muốn, nhìn ngắm, chê ghét, nói năng bỏ khuôn phép, đùa giỡn, chưa nói đã cười, mượn miệng kẻ đồng pháp nói những lời khéo léo về mình. Bên ngoài giống như người trong sạch, tĩnh lặng nhưng bên trong thì tham lam mê hoặc.
Tâm luôn nghĩ về tiền tài, gấm lụa để tự cung cấp cho đời sống bản thân, cho vợ con, xem thường Phật, Kinh, không chịu tu học, trở lại học tập tà thuật của ngoại đạo, như các nghề nơi thế gian, đoán điềm giải mộng, phù chú, yếm trấn để trị các loại bệnh, dựa vào đấy để bắt buộc bao kẻ trên dưới dâng nạp tài sản, gấm lụa.
Tâm ý của hạng người đó muốn được pháp thuật theo ngoại đạo mà không chịu hành trì pháp của Ta. Vào đời vị lai giáo pháp suy kém đều do đám người này… đó chẳng phải là đệ tử tu học giáo pháp của ta.
Phật nói: Nếu có người nữ không thể xuất gia, ở trong ái dục mà tâm ưa thích đạo, nên thọ trì năm giới, mỗi tháng sáu ngày trai, hiếu thuận với cha mẹ, anh em, chú bác. Không được đánh mắng trẻ con, nô tỳ. Không được xem thường, đi đến ngủ đêm nhà người khác.
Không được cùng với người nam thế gian nói chuyện, cười cợt, không được vọng tưởng nổi lên sân giận, mắng nhiếc, ác khẩu, không được làm chứng nói việc xấu người khác, không được làm chuyện tội lỗi, như hãm hại người, trẻ con, thê thiếp, nô tỳ. Nên chuyên cần, tinh tấn, nhớ nghĩ về đạo là trên hết.
Không được cùng với phàm nhân ở đời nói về dung mạo tốt xấu, không được cùng với người nam dò ý với nhau, không được dạy người nam khác, cũng không được nói bàn tướng tốt xấu, thiện ác, tai biến nơi thế gian, không được kiêu mạn, tự đại.
Ngày đêm ba thời đốt hương lễ bái Tam Bảo, sám hối khắp mười phương, thực hành theo lời kinh, luôn luôn nói lời tự khuyên, không được mong cầu sự cúng dường, tham lợi tài sản, gấm lụa.
Không được ganh ghét chồng con, nên xem mình là thân nữ thấp kém, nguyện chuyển sẽ làm thân nam thọ phước, có thể được sinh nơi cung trời, xem xét an nhiên. Đó gọi là người tín nữ thanh tịnh tu học đạo pháp của ta.
Nếu không hiếu thuận với cha mẹ, lại ganh ghét chồng con, đánh mắng nô tỳ, tạo ác, do đó oán hận, giận dữ, ý độc hướng đến người, người làm như vậy, chẳng phải là đệ tử nữ tu học đạo pháp của ta.
Phật bảo các đệ tử: Các ông nên giữ gìn cẩn thận thân, khẩu, ý của mình luôn trong sạch, thường dùng bốn pháp bình đẳng cứu độ chúng sinh, đem trí tuệ quý báu phân phát cho mọi loài. Làm như Phật đã nêu dạy, chắc chắn được giải thoát.
Đệ tử và những người đến dự hội này, nghe Phật giảng nói Kinh xong, đều vui vẻ phụng hành, làm lễ rồi lui ra.
***