Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BA

PHẨM NÓI VỀ PHÁP THUẦN THỤC
 

Bấy giờ, Thiên Tử Tu Chân lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Nhân Giả! Pháp của tôi thưa hỏi là thuần thục chăng?

Đối với sự tham muốn không nhàm chán ở thế gian, tâm phải nên xa lìa, quán xét pháp sâu xa, đó là sự thấu tỏ tính chất thuần thục của các pháp.

Theo chỗ hỏi của ông, tôi đã giải đáp, lẽ nào lại có pháp thuần thục sao?

Này Thiên Tử! Pháp không thuần không thục.

Vì sao?

Vì pháp không có hình tướng.

Pháp không thể nắm bắt được.

Vì sao?

Vì sự thấy của mắt không đạt đến chỗ vi diệu tận cùng.

Pháp không có tác giả.

Vì sao?

Vì không có sinh khởi.

Pháp không có đường đi.

Vì sao?

Vì vô ngã và không có ngã sở.

Các pháp bình đẳng.

Vì sao?

Vì các pháp thảy đều như hư không.

Pháp không thể thủ đắc được.

Yì sao?

Vì không đối đãi. Pháp là thường trụ, không đến, không đi, không ngữ, không ngôn, không khen, không chê, lìa mọi sự khen chê, không thêu dệt, không trang sức, không xấu, không thô, không rỉ, không chảy, không bù, không nạp.

Vì sao?

Vì vượt qua mọi nẻo hành của ma.

Pháp không nuôi, không lớn.

Vì sao?

Vì xa lìa mọi sự sinh diệt.

Pháp không xứ, không trụ.

Vì sao?

Vì gắn liền với pháp giới.

Pháp không còn sợ hãi.

Vì sao?

Vì không bị mê lầm.

Pháp dứt mọi sự ưa thích.

Vì sao?

Vì xa lìa mọi kiêu mạn.

Pháp dứt hết cao ngạo.

Vì sao?

Vì luôn dựa theo sự vắng lặng.

Pháp luôn dựa theo sự vắng lặng.

Vì sao?

Vì lìa mọi tưởng niệm.

Pháp dứt hết các niệm.

Vì sao?

Vì đã hàng phục ngoại đạo.

Pháp không còn cảnh giới luân hồi.

Vì sao?

Vì đã lìa bỏ dâm dục, sân giận, ngu si.

Pháp là không.

Vì sao?

Vì xưa nay vốn thanh tịnh.

Pháp là vô tướng.

Vì sao?

Vì không có âm thanh, tên gọi.

Pháp là vô nguyện.

Vì sao?

Vì không do thức tạo lập.

Pháp không có tạo lập.

Vì sao?

Vì không có cảnh giới.

Pháp không có chỗ nương tựa.

Vì sao?

Vì không có đối lập.

Pháp không lay động.

Vì sao?

Vì luôn an trụ vững chắc.

Pháp vô ngã.

Vì sao?

Vì pháp là không diệt.

Pháp là không người.

Vì sao?

Vì xưa nay không có nơi chốn sinh ra.

Pháp là vô thường.

Vì sao?

Vì không có chỗ dấy khởi.

Pháp không có đối tượng được dấy khởi.

Vì sao?

Vì luôn gắn liền với không có chỗ phát sinh.

Pháp không có chỗ sinh.

Vì sao?

Vì dứt mọi tưởng về khổ.

Pháp không có tưởng.

Vì sao?

Vì xa lìa các tướng.

Như vậy, này Thiên Tử! Đó là nghĩa thuần thục của pháp.

Thiên Tử lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Pháp không thật có, cũng không có chỗ chính yếu, vì sao Nhân Giả lại nói đến ý nghĩa của pháp thuần thục?

Đáp: Lành thay, lành thay! Như lời ông nói không khác, pháp không sở hữu chính là ý nghĩa thuần thục.

Vì sao?

Vì không có hành động của thân, miệng, ý. Đó là sự thuần thục của pháp.

Vì sao?

Này Thiên Tử! Vì pháp không sinh diệt, có sinh diệt thì thân và ý khác nhau, tức là tâm hành động không đúng lúc.

Thiên Tử lại hỏi: Làm sao biết được tâm hành động không đúng lúc?

Đáp: Này Thiên Tử! Có thân là có sự ràng buộc của sáu trần, nên chấp có thường, tức là biết tâm hành động không đúng lúc. Biết pháp cầu tên gọi đó là chấp vào âm thanh tiếng vang, theo nẻo tà, tức là tâm hành động không đúng lúc. Biết Pháp và Tăng mà chấp vào quả chứng đắc, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Biết gốc ái dục do tưởng tà tạo nên, đó là biết tâm hành động không đúng lúc.

Biết giới mà xa lìa sự tịch tĩnh, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Dứt bỏ ba đường ác để được ra khỏi, đạt được phước đức của hàng trời, người, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Tâm chưa điều phục mà muôn bố thí, đó là biết tâm hành động không đúng lúc. Ý không vắng lặng mà muốn trì giới, đó là biết tâm hành động không đúng lúc. Ý còn nương tựa mà muốn nhẫn nhục, tức là tâm hành động không đúng lúc.

Ý không thanh tịnh mà muốn tinh tấn, đó là biết tâm hành động không đúng lúc. Nhiều sự nhớ nghĩ, vui thích mà quên thiền định, tức là biết tâm hành động không đúng lúc. Tự đại, cao ngạo mà cầu trí tuệ, tức biết tâm hành động không đúng lúc.

Còn chấp ngã sở mà muốn thực hành hạnh từ, đó là tâm hành động không đúng lúc. Chí do dự mà muốn thực hành hạnh bi, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Rơi vào chỗ chứng đắc bốn quả, mà muốn thực hành hạnh hỷ, đó là biết tâm hành động không đúng lúc. Chấp có thân, mà muốn thực hành hạnh xả, tức biết tâm hành động không đúng lúc.

Thân không thọ nạp, xúc chạm, mà ý muốn nhớ nghĩ đến các pháp không dừng, đó là biết tâm hành động không đúng lúc. Rõ các pháp sinh diệt, mà không đoạn trừ, tức biết tâm hành động không đúng lúc.

Thân ý cùng nương tựa, không ứng hợp với thần túc, đó là biết tâm hành động không đúng lúc. Dùng sáu trần nương vào năm căn, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Dùng lực của kiến chấp nương tựa vào năm lực, đó là biết tâm hành động không đúng lúc.

Không nhận biết về hủy báng giác chi, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Nhớ nghĩ về ái dục, tham muốn không tương ưng với tám Thánh Đạo, tức biết tâm hành động không đúng lúc.

Đối với khổ trí mà có nghi ngờ, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Đối với tập mà còn nghi ngờ, tức biết tâm hành động không đúng lúc. Đối với diệt có nghi ngờ, đó là biết tâm hành động không đúng lúc. Còn ở thế tục mà muốn hội nhập nơi đạo, tức biết tâm hành động không đúng lúc.

Như vậy, này Thiên Tử! Giữ gìn tâm thanh tịnh mà thường chấp trước thì biết đó là tâm hành động không đúng lúc.

Thế nào là biết tâm hành động đúng lúc?

Đáp: Này Thiên Tử! Tâm bình đẳng như hư không. Đó là biết tâm hành động đúng lúc.

Lại hỏi: Thế nào là tâm như hư không?

Đáp: Như hư không không có tâm, tâm ấy cũng như vậy. Đó là tâm bình đẳng như hư không.

Hỏi: Ai có thể tin tâm đó bình đẳng như hư không?

Đáp: Này Thiên Tử! Người chấp nơi ta và người thì người đó không tin.

Thiên Tử lại hỏi: Chấp ngã và ngã sở là thế nào?

Đáp: Tâm bình đẳng như hư không mà muốn tăng trưởng, vượt qua tâm ấy.

Lại hỏi: Tăng trưởng, vượt qua là thế nào?

Đáp: Người chấp có thường nên muốn vượt hơn tâm ấy. Người chấp vô thường cũng muốn vượt hơn tâm ấy. Người chấp khổ muốn vượt hơn tâm ấy. Người chấp lạc muốn vượt hơn tâm ấy. Người chấp ưu sầu muốn vượt hơn tâm ấy. Người không chấp ưu sầu cũng muốn vượt hơn tâm ấy. Người chấp có thân muốn vượt hơn tâm ấy.

Người chấp không có thân cũng muốn vượt hơn tâm ấy. Người chấp không, vô tướng, vô nguyện cũng muốn vượt hơn tâm ấy. Tất cả các pháp là huyễn, mộng, như bóng trăng trong nước, tiếng vang. Những ví dụ như vậy đều muốn vượt qua tâm ấy.

Như cho pháp là có nơi chốn, liền có thể tăng trưởng thêm sự dâm dục, sân hận, ngu si mà lại muốn vượt hơn tâm ấy. Hiện bày rõ các việc khen ngợi về Niết Bàn, lại muốn vượt hơn tâm ấy.

Như vậy, này Thiên Tử! Đó là người chấp ngã và ngã sở.

Thiên Tử lại hỏi: Thế nào là đạt được sự không giận dữ và không tham lam?

Đáp: Ra khỏi sinh tử, trụ nơi Niết Bàn rồi trở lại thế gian diệt trừ các ái dục mà hành hóa, thanh tịnh, ở nơi diệt mà hoàn toàn không diệt hết. Đối với sự sinh chưa từng có chỗ sinh. Đối với các hình tướng, âm thanh không lấy đó làm sự chướng ngại.

Diệt được như vậy thì tập có chỗ giải thoát. Tập đã được giải thoát là vượt qua tất cả các pháp. Như thế thì công đức ấy không ai hơn được, sự việc không thể nêu bày hết. Đó là đạt được sự không giận dữ, không tham lam.

Khi giảng nói pháp này, có ba vạn hai ngàn Thiên Tử đạt được pháp nhãn thanh tịnh, năm ngàn Tỳ Kheo tâm đạt được giải thoát, một vạn hai ngàn Bồ Tát đạt được diệu lực của nhẫn nhục.

***