Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BẢY

PHẨM HẠNH BỒ TÁT
 

Bấy giờ, Thiên Tử Tu Chân lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thế nào là hạnh tinh tấn của Bồ Tát?

Xin Ngài vì chúng tôi mà giảng nói?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Không có đối tượng hành chính là hạnh cung kính thanh tịnh sâu xa đều đã được an trụ là hạnh Bồ Tát. Đối với chỗ hiện có không bị giảm mất. Đối với sự vắng lặng, ý tạo được sự thuận hợp, ý giữ nơi đạo là hành không quên.

Tâm ý bình đẳng là hạnh bố thí. Tâm ý nhu hòa là hạnh trì giới. Tâm ý tịch tĩnh là hạnh nhẫn nhục. Tâm ý không biếng trễ là hạnh tinh tấn. Thân tâm vắng lặng là hạnh thiền định. Đối với Pháp Giới có thực hành mà không đắm nhiễm là hạnh trí tuệ.

Tâm không thiên lệch là hạnh từ. Không lìa bỏ tất cả chúng sinh là hạnh đại bi. Xem ái dục là vô ngã, chỗ thực hiện đều không, là hạnh hỷ. An nhiên, vô niệm gọi là hạnh xả.

Không nguyện sinh vào hàng trời, người là hạnh thiền định. Biết rõ các việc là hạnh khổ trí. Xem ấm như huyễn, nhận biết về duyên khởi, các loại vô minh, hành… là hạnh của diệt trí. Phân biệt sự tịch diệt là hạnh của đạo tuệ. Không ưa tích tụ là hạnh tạo nhân trí tuệ. Biết rõ về tịch nhiên là hạnh của duyên tuệ.

Đối với nghĩa lý luôn quyết đoán là hạnh kết hợp. Nghĩa không chấp ở nơi chốn, dứt bặt mọi ngôn ngữ, là hạnh dựa theo pháp. Pháp giới không bị hủy hoại là hạnh dựa theo tịch diệt. Danh sắc không thực có là hạnh của y báo. Xem các pháp như âm thanh, như tiếng vang là hạnh dựa theo nghĩa. Thị hiện đủ các tướng tốt là hạnh nương nơi thân tuệ. Thân trang nghiêm đầy đủ tướng tốt là hạnh nương theo giới.

Biết tâm người khác là hạnh của thiên nhãn. Làm thanh tịnh các tội là hạnh của thiên nhĩ. Giới thanh tịnh sâu xa là hạnh của tha tâm thông. Các tội đã dứt trừ là hạnh của túc mạng thông. Phân biệt ba đường dữ là hạnh của thần túc.

Tâm được tự tại là hạnh vững chắc. Tâm không bị hủy hoại là hạnh chính yếu. Tâm không động, không lay là hạnh an lập. Tâm không kinh, không sợ là hạnh bình đẳng.

Tâm thường nhớ nghĩ, không nương tựa là hạnh như hư không. Quan sát, nhận biết hết thảy là hạnh như huyễn. Tướng trang nghiêm là hạnh như mộng. Tướng tốt dưới lòng bàn chân là hạnh ánh sáng. Tướng không tích tụ là hạnh ảnh tượng. Tướng không tham đắm là hạnh âm vang. Tướng của nghĩa quyết định là hạnh dợn nắng.

Tướng tỉnh ngộ là hạnh không. Tướng phân biệt về thân là hạnh vô tướng. Tướng phân biệt về ý là hạnh vô nguyện. Tướng phân biệt ba cõi là hạnh không hội ngộ. Tướng phân biệt cùng gặp nhau là hạnh hàng phục ma.

Tâm, ý, thức luôn tương quan với nhau là hạnh không đoạn mất ba ngôi báu bền chắc. Tất cả sự tăng trưởng là tướng của hành.

Tâm luôn hành hóa như vậy, này Thiên Tử! Đó là hạnh nơi con đường tu tập của Bồ Tát.

***