Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BỐN

PHẨM NÓI VỀ THANH VĂN
 

Lúc ấy, Thiên Tử Tu Chân nói với các đại đệ tử của Đức Phật: Này chư vị! Nếu có chỗ nghi ngờ nên thưa hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Trưởng Lão Đại Ca Diếp liền đến trước hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát làm thế nào để thực hành tánh định giải thoát?

Đáp: Bồ Tát đối với các pháp thiền như tám định giải thoát, bốn thiền về không, thiền không sân, các loại thiền ấy đều xem là vốn không. Đó là thiền của Bồ Tát.

Hỏi: Vì sao lại nói như vậy?

Đáp: Thưa Tôn Giả Ca Diếp, thân vốn là không, không tạo lập nơi ba cõi. Đã rõ chỗ sinh khởi của ái dục thì quyết lìa bỏ. Vì thế biết thân vốn không, nên ba cõi không có chỗ tạo lập, đối với dục không còn vọng tưởng, tức đã biết rõ lý không mà tạo lập thiền.

Như vậy, thưa Tôn Giả Ca Diếp! Những điều vừa nêu tám định giải thoát, thiền vốn không, thiền không sân đều là thiền của Bồ Tát.

Lúc đó Tôn Giả Ca Diếp im lặng.

Hiền Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào đạt được trí tuệ vô ngại?

Đáp: Bồ Tát đối với những sự chướng ngại mà không sân giận, đối với các sự trở ngại mà không vướng mắc, đối với tất cả ái dục đều thấy biết rõ mà không xa lìa.

Vì sao?

Vì nhằm cứu giúp cho tất cả chúng sinh, do đó Bồ Tát được trí tuệ vô ngại.

Hiền Giả Ma Ha Mục Kiền Liên lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào đạt được thần túc?

Đáp: Thưa Hiền Giả Mục Kiền Liên! Bồ Tát đối với pháp vô vi không chấp có sự thọ nhận, độ thoát điều phục tất cả. Bồ Tát chẳng ở nơi pháp hữu vi chấp có chỗ thọ nhận.

Vì sao?

Vì nhằm hộ trì cho hết thảy chúng sinh, do đấy Bồ Tát đạt được đại thần túc.

Trưởng Lão Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát làm thế nào để biết được pháp hành của người khác?

Đáp: Thưa Trưởng Lão Tu Bồ Đề! Bồ Tát đối với tất cả pháp hành của người khác thảy đều nhận biết rõ tâm đối với việc đạo không nhàm chán, thường ưa thích thiền định, không cho là đủ, luôn thị hiện để hành hóa. Đó là Bồ Tát biết được pháp hành của người khác.

Hiền Giả Phân Nậu Văn Đà Ni Tử lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào thu thập tất cả các nghĩa để thuyết giảng về trí tuệ sáng tỏ?

Đáp: Thưa Hiền Giả Phân Nậu! Bồ Tát chỉ bày rõ tất cả các căn cơ, tùy sự ưa thích của chúng sinh mà giảng nói các đức, chỉ rõ nghĩa: Vô thường, khổ, không, vô ngã, khiến cho họ biết được điều ấy. Lại cũng giảng nói về trăm ngàn vô số kiếp sinh tử, đem nghĩa đúng pháp ấy mà chỉ dạy, truyền trao khắp nơi, không để diệt tận khiến mọi người đạt được tuệ như vậy. Đó gọi là Bồ Tát thu thập tất cả các nghĩa, giảng nói rõ về pháp tuệ.

Hiền Giả Ly Việt lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để thường ưa thích thiền định?

Đáp: Thưa Hiền Giả Ly Việt! Bồ Tát tu tập thiền định, thảy đều nhận biết rõ tất cả các pháp. Đối với người tâm tán loạn mà khởi đại bi, khiến họ phát khởi vô số hành, hành theo thiền, đạt được an lạc. Đó là Bồ Tát đạt được pháp thiền.

Hiền Giả Ưu Ba Ly hỏi: Bồ Tát làm thế nào để có thể thọ trì kho tàng giáo pháp?

Đáp: Thưa Hiền Giả Ưu Ba Ly! Bồ Tát thảy đều nhận biết kho tàng giáo pháp là sâu xa, từ xưa đến nay Niết Bàn là lìa ái dục để chứng đắc, ứng hợp với kho tàng giáo pháp để hóa độ, trao truyền cho tất cả chúng sinh. Vì muốn họ biết được pháp đó nên chỉ rõ về ái dục, ở trong ái dục khiến họ phát tâm bồ đề. Đó là Bồ Tát được tạng pháp thâm diệu.

Hiền Giả A Na Luật lại hỏi: Thế nào là Bồ Tát đạt được thiên nhãn nhìn thấy thấu suốt?

Đáp: Thưa Hiền Giả A Na Luật! Bồ Tát đối với các sắc trong mười phương đều nhìn thấy thông suốt, người có những vướng mắc về sắc thì vì họ thị hiện các pháp, mà không hề tham đắm, khiến họ đến với đạo pháp, được giải thoát. Đó là Bồ Tát đạt được thiên nhãn nhìn thấy thấu suốt.

Hiền Giả Bạc Cưu Lô lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào đạt được các căn tĩnh lặng?

Đáp: Thưa Hiền Giả Bạc Cưu Lô! Bồ Tát đối với tất cả các cảnh giới đều thấy như cảnh giới của Phật, ở nơi cảnh giới của Phật mà thấy các cảnh giới kia là không thật có. Vì thế Bồ Tát đạt được các căn tĩnh lặng.

Hiền Giả Ương Quật Ma hỏi: Bồ Tát làm thế nào đạt được các căn thông lợi?

Đáp: Thưa Hiền Giả Ương Quật Ma! Bồ Tát thấy những điều trái nghịch xấu ác đều xem như đạo pháp, đó là Bồ Tát đạt được các căn thông lợi.

Hiền Giả Ma Ha Ca Chiên Diên lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào có thể phân biệt nhận biết phương tiện của các Kinh?

Đáp: Thưa Hiền Giả Ca Chiên Diên! Bồ Tát đạt được bốn vô ngại biện.

Những gì là bốn?

1. Nghĩa.

2. Pháp.

3. Thứ lớp.

4. Giải đáp.

Đó là bốn Biện tài vô ngại. Dùng một đoạn kệ trong trăm ngàn kiếp, vì tất cả chúng sinh mà phân biệt, diễn nói giáo pháp. Sự giáo hóa như vậy luôn gắn liền với pháp vô vi, không nhiễm vướng, đã thanh tịnh rồi thì không còn thoái lui. Bồ Tát giáo hóa đối với các pháp giới không lay chuyển, đối với tất cả các thọ đều có thể thực hiện. Đó là Bồ Tát phân biệt, biết rõ phương tiện của các kinh.

Hiền Giả Ma Ha Câu Hy lại hỏi: Thế nào là Bồ Tát đạt được bốn thứ biện tài vô ngại?

Đáp: Thưa Hiền Giả Ma Ha Câu Hy! Bồ Tát đối với pháp tịch tĩnh, đạt được nghĩa ấy rồi, thì đem trao truyền, giáo hóa. Do an trụ nơi pháp nên dùng pháp để giáo hóa trao truyền. Đối với việc làm luôn hoan hỷ, không sân hận, thì dùng thứ lớp để giáo hóa chỉ dạy. Theo ảnh hưởng không thể giữ lại thì dùng giải đáp để giáo hóa trao truyền. Đó là Bồ Tát đạt được bốn biện tài vô ngại.

Hiền Giả La Vân lại hỏi: Thế nào là Bồ Tát đạt được giới luật thanh tịnh?

Đáp: Thưa Hiền Giả La Vân! Bồ Tát dùng thiền định của giới thanh tịnh để xả bỏ tất cả sự phạm giới, nhân đấy mà giáo hóa hết thảy chúng sinh. Đó là Bồ Tát có thể đạt được giới luật thanh tịnh.

Hiền Giả A Nan hỏi: Thế nào là Bồ Tát đạt được sự hiểu biết rộng khắp?

Đáp: Thưa Hiền Giả A Nan! Bồ Tát đối với tất cả lời dạy của Chư Phật luôn ưa thích lắng nghe, lãnh hội, nghe rồi thì y theo nghĩa mà thọ trì, đem chỗ đã nghe chỉ dạy truyền bá. Đó là Bồ Tát đạt được sự hiểu biết rộng khắp.

Lúc ấy các đại đệ tử của Phật đều hoan hỷ, im lặng.

Thiên Tử Tu Chân nói với các đại đệ tử của Phật: Các pháp do Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giảng nói, các vị đã lãnh hội như thế nào?

Chúng tôi hãy còn không thể biết rõ về một pháp, huống nữa là lãnh hội ngần ấy pháp như thế.

Này các Nhân Giả! Có ngần ấy thân, mỗi mỗi đều sai khác, nhưng nghĩa của đạo thì chỉ là một.

Các vị đại đệ tử nói: Ví như nước chứa trong dấu chân bò, chỗ nhận biết của các đệ tử khác là như thế. Cũng như cái bầu bánh xe ấn xuống mặt đất, chỗ ấy chứa nước thì sự hiểu biết của chúng tôi chỉ là như vậy. So với nước trong biển cả mênh mông vô bờ bến, sâu thẳm không đáy. Đối với kiến thức của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật thì Bồ Tát là hơn hết.

Hay thay, hay thay! Lời nói chí thành của chư vị biểu hiện sự khiêm tốn.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy, này Thiên Tử! Lời nói của đệ tử Phật không hề kiêu mạn mà chỉ để khen ngợi các Bồ Tát, xét kỹ thật là đúng như thế.

Thiên Tử hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Nhân Giả! Vì sao nói như vậy?

Này Thiên Tử! Như thế là hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật dựa vào năng lực tự tin của mình để xa lìa sự kiêu mạn, còn Bồ Tát thì vượt hơn hẳn hai hạng trên. Bồ Tát luôn gắn liền với pháp Phật chính là nẻo hành hóa dũng mãnh của Bồ Tát.

Năng lực tự tin của Bồ Tát là muốn người khác khen ngợi mình chăng?

Này Thiên Tử! Như thế là Bồ Tát nhằm dẫn dắt tất cả chúng sinh.

Này Thiên Tử! Đúng như vậy! Tại sao cho là như thế?

Này Thiên Tử! Như thế tức là Bồ Tát dùng phương tiện để tán thán Phật thừa, chê bỏ thừa Thanh Văn, ở trong đại chúng hiện thân tu tập và thuyết pháp giáo hóa. Vì muốn cho chúng sinh phát tâm Bồ Đề, không muốn họ dấy khởi tâm nhỏ hẹp.

Vì sao?

Vì hướng theo pháp nhỏ hẹp thì chủng tánh của Phật sẽ bị mai một, do đó giáo hóa tất cả chúng sinh nên xa lìa, không muốn cho mọi người ham thích nơi pháp nhỏ hẹp như vậy.

Này Thiên Tử! Như thế là muốn cho chúng sinh đều phát tâm Bồ Tát, cầu pháp Đại Thừa.

Đạt được như vậy thì không có lỗi lầm gì chăng?

Này Thiên Tử! Khen ngợi các loại ngọc ma ni, lưu ly, thủy tinh trong sáng không cấu bẩn là có lỗi lầm sao?

Thiên Tử thưa: Không có lỗi lầm.

Này Thiên Tử! Như vậy thì Bồ Tát khen ngợi pháp đại thừa, chê bỏ pháp Thanh Văn cũng không có sự thêm, bớt.

Này Thiên Tử! Ví như con của vị trưởng giả khen ngợi công đức của Chuyển Luân Thánh Vương, chê bai hạng người bần cùng thấp kém trong cõi nước, lẽ nào không được chăng?

Đều có thể được.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Đúng như lời của Ngài đã nói chăng?

Đúng vậy, này Thiên Tử! Bồ Tát khen ngợi pháp đại thừa, chê bỏ pháp Thanh Văn mà không bị tổn hại.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Lành thay, lành thay! Đúng như lời của Bồ Tát đã nêu rất là thích hợp.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Khen ngợi pháp Đại Thừa, chê bỏ pháp Thanh Văn, tức là chê bỏ tất cả các thừa, sở dĩ như thế là vì từ pháp đại thừa sinh ra tất cả các thừa khác.

***