Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI

PHẨM NÓI VỀ CÁC THỨ ĐẠO
 

Thiên Tử Tu Chân lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Những gì được gọi là con đường tu tập?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Nơi chốn của ta là con đường tu tập.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nơi chốn nào là nơi chốn của con đường tu tập?

Đáp: Này Thiên Tử! Tịch tĩnh là nơi chốn của con đường tu tập.

Thiên Tử hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nơi chốn nào là tướng của con đường tu tập?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Hư không là tướng của con đường tu tập.

Thiên Tử hỏi: Nơi chốn nào là chỗ dừng lại của con đường tu tập?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Hư không là chỗ dừng lại của con đường tu tập.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Con đường tu tập do ai lập nên?

Đáp: Này Thiên Tử! Con đường tu tập từ các pháp lập nên.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nơi chốn nào là gốc của con đường tu tập?

Đáp: Này Thiên Tử! Bình đẳng là gốc của con đường tu tập.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thọ trì pháp gì gọi là con đường tu tập?

Đáp: Này Thiên Tử! Thọ trì pháp vô ngã, pháp vô nhân, là con đường tu tập.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nơi chốn nào bình đẳng với con đường tu tập?

Đáp: Này Thiên Tử! Không có chỗ sinh, không có chỗ khởi, đó là nơi chốn bình đẳng với con đường tu tập.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Con đường tu tập đi đến nơi chốn nào?

Đáp: Này Thiên Tử! Con đường tu tập đi đến các hành trong tâm của tất cả chúng sinh.

Vì sao?

Vì không có chỗ đi, cũng không có chỗ đến.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Con đường tu tập từ nơi chốn nào phát sinh?

Đáp: Này Thiên Tử! đại bi là nơi chốn phát sinh của con đường tu tập.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao tâm đại bi là chỗ phát sinh của con đường tu tập?

Đáp: Này Thiên Tử! Độ thoát cho tất cả gọi là đại bi và là nơi phát sinh của con đường tu tập.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Con đường tu tập từ cái gì để cầu đạt giải thoát?

Đáp: Này Thiên Tử! Con đường tu tập từ nơi tất cả ái dục để cầu đạt giải thoát.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là từ nơi ái dục, có thể sinh ra con đường tu tập?

Đáp: Này Thiên Tử! Thực hành, làm thanh tịnh tám con đường chân chánh, nên phát sinh con đường tu tập.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao thực hành tám con đường chân chánh là cùng hợp với ái dục?

Đáp: Này Thiên Tử! Đúng vậy, tám con đường chân chánh đều cùng với ái dục.

Thiên Tử! Ông nên tán thán sự thanh tịnh của con đường tu tập, diệt trừ hết tham dâm, giận dữ, ngu si, gọi là đạo.

Giống sự thực hành ái dục, sự thực hành đạo cũng như vậy.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Trong sự thực hành ấy chỗ tạo tác như thế nào mới thuận hợp với đạo?

Đáp: Này Thiên Tử! Ở trong chỗ thực hành ấy, không bị ái dục lôi cuốn, không gắn liền với sinh tử, không thủ đắc Niết Bàn. Chỗ thực hành của con đường tu tập luôn thuận hợp với đạo.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là chỗ thực hành của Bồ Tát?

Đáp: Này Thiên Tử! Đối với sáu mươi hai thứ kiến chấp, bốn thứ điên đảo, năm thứ ngăn che, hành giả không bị các thứ ấy chi phối, đó là chỗ thực hành của Bồ Tát.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Sự việc đó là thế nào?

Đáp: Này Thiên Tử! Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo, hội nhập khấp nơi chốn nhằm cứu độ tất cả chúng sinh. Hết thảy chỗ tìm cầu đều dựa theo các sự nhận biết về ái dục, về bốn điên đảo để cầu đạt.

Vì sao?

Vì tất cả đều từ trong đó mà phát sinh nên đối với sự cầu đạt hết thảy không bị vướng mắc nơi chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận ái dục, bốn điên đảo cũng không bị vướng mắc. Chẳng phải là tất cả sự nhận biết, cũng là tất cả sự nhận biết.

Vì sao?

Vì nhằm cứu giúp độ thoát hết thảy muôn loài.

Như vậy, này Thiên Tử! Nên biết con đường tu tập của Bồ Tát ở trong ái dục để cầu đạt.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát chẳng từ nơi ba cửa giải thoát mà cầu đạo sao?

Đáp: Này Thiên Tử! Bồ Tát không thể từ nơi không mà thành đạo, cũng không thể từ nơi vô tướng, vô nguyện mà thành đạo.

Vì sao?

Vì ở trong đó không có tâm, ý, thức, mọi niệm đều vắng lặng. Không có tâm, ý, thức và niệm dấy khởi nên mới thành đạo.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Chỗ thực hành như thế nào gọi là đạo?

Đáp: Này Thiên Tử! Si mê cùng với đạo đều bình đẳng. Đạo cùng với si mê bình đẳng, thực hành sự bình đẳng, đó gọi là đạo bình đẳng. Chánh kiến bình đẳng với tà kiến, chánh niệm bình đẳng với tà niệm, chánh ngữ bình đẳng với tà ngữ, chánh mạng bình đẳng với tà mạng, chánh nghiệp bình đẳng với tà nghiệp, chánh phương tiện bình đẳng với tà phương tiện, chánh tư duy bình đẳng với tà tư duy, chánh định bình đẳng với tà định.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là chánh kiến bình đẳng với tà kiến?

Đáp: Này Thiên Tử! Tất cả đều bình đẳng như nơi hư không đều bình đẳng với tịch tĩnh.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Hư không cùng với tịch tĩnh có gì sai khác nhau?

Đáp: Này Thiên Tử! Hư không không bình đẳng với hư không bình đẳng thật sự có gì khác nhau chăng?

Thiên Tử nói: Hư không không bình đẳng với hư không bình đẳng, thật không có khác nhau.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo: Đúng vậy, Thiên Tử! Hư không và tịch tĩnh bình đẳng cũng như vậy.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là chỗ thuyết giảng về sự bình đẳng mà lại có tán thán về sự sai khác?

Này Thiên Tử! Dứt mọi tư tưởng, nhân nơi sự tạo tác mà sinh kiêu mạn nên dẫn đến sự khen ngợi, tán thán có sai khác. Giả sử tư tưỏng đều dứt bặt, do nơi chỗ tạo tác mà sinh kiêu mạn, hiển tướng về nghĩa ấy là không sai khác. Ví như vạn dòng sông chảy trong thiên hạ có bốn con sông, mỗi thứ đều có tên gọi, đồng đổ về biển cả thì hợp làm một vị.

Vì sao?

Vì không có sai khác.

Như thế, này Thiên Tử! Người không hiểu rõ pháp giới nên cho rằng có sai khác. Người hiểu rõ pháp giới nên không có sự sai khác.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Pháp giới ấy có thấy biết được chăng?

Này Thiên Tử! Pháp giới không thể thấy biết được.

Vì sao?

Vì là chỗ hợp tụ của tất cả các pháp, nên đối với pháp giới chẳng nhận biết về tướng. Đối với pháp giới ấy mà nhớ nghĩ bình đẳng thì đạt được trí tuệ trong ba đời. Đó là nơi chốn của pháp giới. Từ bỏ tâm phiền não, không do dự, đó là nhận biết về nơi chốn. Người nói lời tạp loạn thì không nhận biết về nơi chốn ấy.

Này Thiên Tử! Nhờ vào các hình tượng vô sắc nên đều thấy các sắc. Sắc này cũng không, bình đẳng như hư không.

Như thế, này Thiên Tử! Đối với pháp giới đều hoàn toàn thanh tịnh, không chút cấu uế. Như tấm gương sáng thấy rõ diện mạo hình tướng, Bồ Tát đều thấy tất cả pháp. Các pháp này và pháp giới đều bình đẳng, thanh tịnh như hư không.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát làm thế nào để đạt được trí tuệ biện tài?

Này Thiên Tử! Bồ Tát dùng trí tuệ để quán xét thân không, không gián đoạn. Ở nơi các chỗ nhận biết tự hiện thân, vì tất cả mọi người để thuyết pháp vô thường, khiến họ xa lìa chỗ chấp nơi thân này. Đó là Bồ Tát đạt được trí tuệ biện tài, nhận biết mọi sự hiện có, không, đối với tất cả đều không thật có.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Làm thế nào Bồ Tát phân biệt được các pháp?

Này Thiên Tử! Nhận biết chỗ có thân, không thân, là vắng lặng, không sai khác. Như thế là Bồ Tát phân biệt được các pháp.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát được tôn xưng là Bậc Đạo Sư?

Này Thiên Tử! Bồ Tát đối với pháp thì không trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Này Thiên Tử! Như thế, tức Bồ Tát được tôn xưng là Bậc Đạo Sư.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát biết một việc mà thấu rõ vô số việc?

Này Thiên Tử! Bồ Tát đối với chỗ không tư tưởng mà không hề dao động. Thế nên, Bồ Tát biết một việc mà thấu rõ vô số việc.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát có thể thị hiện, hội nhập vào ba pháp chăng?

Ba pháp ấy là: Bình đẳng nơi chánh pháp, hội nhập vào nơi chẳng phải chánh pháp, hội nhập vào tà pháp.

Này Thiên Tử! Bồ Tát đối với chánh pháp mà hội nhập vào pháp Phật, đối với nơi chẳng phải chánh pháp mà hội nhập vào quả vị Thanh Văn và Bích Chi Phật, đối với tà pháp thì hội nhập vào đó để cứu độ chúng sinh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát có thể an trụ ở chỗ vắng lặng, lại có thể an trụ nơi chỗ loạn động chăng?

Này Thiên Tử! Bồ Tát cần an trụ vào nơi vắng lặng.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do đâu mà nói như thế?

Cớ sao lại đi vào chỗ loạn động?

Này Thiên Tử! Do chỗ loạn động nên thị hiện an trụ để giáo hóa chúng sinh khiến họ đạt được sự vắng lặng.

Vì sao?

Vì thương yêu tất cả các loài.

Này Thiên Tử! Vì sự giải thoát của hàng Thanh Văn chỉ là tự mình, do đó, đạt đến chỗ vắng lặng, còn Bồ Tát thì không thị hiện vào trong đó nữa. Có sự loạn động đều là chưa đạt được đạo, nên Bồ Tát cần thị hiện nơi ấy để hóa độ họ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nay nhân giả đã đạt được vắng lặng hay vẫn còn loạn động?

Này Thiên Tử! Tôi không có loạn động, lại cũng không có vắng lặng.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao nói như thế?

Này Thiên Tử! Tôi chưa có chỗ đạt đến, cũng không có chỗ chứng đắc, nên chẳng vắng lặng đối với sự vắng lặng, không phải chốc lát, cũng không nhất thời, luôn dựa vào sinh tử để tu tập.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Giảng nói pháp này là nhằm hàng phục cảnh giới của ma chăng?

Này Thiên Tử! Đúng vậy, như lời nhân giả đã nói: Thuyết giảng pháp này là nhằm hàng phục cảnh giới của các ma.

Vì sao?

Này Thiên Tử! Giảng pháp như thế là không lìa năm ấm, cũng không bỏ ái dục, không dấy khởi sự phân biệt và chấp vào nẻo giải thoát để hàng phục các ngoại đạo.

Vì sao?

Này Thiên Tử! Vì tất cả các hành của ngoại đạo không theo đúng như trên. Vì để đứng vững nơi chánh pháp. Vì nhằm đạt được trí tuệ sáng suốt để chuyển pháp luân. Vì để đoạn tất cả các thứ kiến chấp.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Giảng nói pháp này thì có bao nhiêu người nhận biết được pháp thế gian?

Này Thiên Tử! Không có thế gian nên không có sự tối tăm. Đó là chỗ tạo tác của pháp thế gian.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Người đời lãnh hội pháp này mà được giải thoát, phải chăng là rất khó gặp?

Này Thiên Tử! Người không nhàm chán sự ràng buộc ở thế gian nên mới tin pháp này là giải thoát.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nhàm chán sự ràng buộc ở thế gian là gì?

Này Thiên Tử! Xa lìa tham dục, giận dữ, ngu si, từ bỏ ái dục, nhận biết khổ mà mong cầu giải thoát. Đó là nhàm chán sự ràng buộc ở thế gian.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Người nào không nhàm chán sự ràng buộc ở thế gian?

Này Thiên Tử! Bình đẳng đối với tham dục, giận dữ, ngu si. Bình đẳng với ái dục, bình đẳng với giải thoát. Đó là không nhàm chán sự trói buộc ở thế gian.

Ở giữa hư không mưa xuống hoa trời và hương chiên đàn. Chư Thiên cũng lại đem y phục chứa đầy các thứ hương hoa, tung rải lên chỗ Phật và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, lại tấu nhạc đàn ca để cúng dường Phật. Trăm ngàn ức Chư Thiên dùng âm thanh êm dịu để tán thán Đức Phật. Nơi hư không, họ sửa lại y phục, sự vui mừng càng tăng gấp bội, cho là hết sức may mắn mới được lãnh hội pháp này.

Bấy giờ, tất cả mọi người trong chúng hội thấy sự biến hóa này đều dùng hương hoa, y phục tung rải lên Đức Phật và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, rồi cùng thưa: Bạch Thế Tôn! Người nghe pháp này mà không tin hiểu thì không gặp được Phật.

Người cho rằng pháp này chẳng phải là lời Phật dạy thì chẳng phải là người xuất gia thọ đại giới. Người không thích đọc tụng, lại không tin ưa thì chẳng phải là Sa Môn tu phạm hạnh. Hạng người không tin pháp đó thì không có bốn đức, cũng không có danh xưng.

Vì sao?

Vì nơi tâm còn do dự, lo sợ. Người nghe pháp ấy là bậc Đại Bồ Tát có đức tin, đầy đủ công đức tối thượng của bậc Bồ Tát, vì đã đoạn hết sinh tử, bặt dứt các đường ác. Trong quá khứ, hiện tại, vị lai, ở chỗ Đức Phật Thế Tôn được thọ trì pháp này, an trụ kiên cố, nhờ nghe pháp ấy nên được giải thoát.

Người nào thọ trì, đọc tụng, vì tất cả chúng sinh giải nói về nghĩa này thì đó là người trì giới thanh tịnh đầy đủ, được gặp Phật, là bậc chuyển pháp luân, là Sa Môn tu phạm hạnh, là người xuất gia thọ đại giới, là người chứng đắc, là người có danh xưng.

Bấy giờ, Thế Tôn ở trong chúng hội khen ngợi: Lành thay, lành thay!

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông nên đọc tụng, thọ tri pháp này, diễn giảng rộng cho tất cả chúng sinh.

Khi thuyết giảng Kinh này, có sáu mươi hai na do tha người xa lìa mọi phiền não cấu uế, chứng đắc pháp nhãn thanh tịnh. Tám ngàn Tỳ Kheo dứt hết các lậu hoặc, tâm được giải thoát. Ba vạn Bồ Tát phát tâm Bồ Đề cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, năm vạn Bồ Tát chứng đắc pháp nhẫn vô sinh.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Khi nhân giả được thành Phật thì tất cả Bồ Tát cùng với chư vị trong chúng hội này đều sẽ cùng phụng trì pháp ấy. Người nghe, thọ trì kinh thâm diệu này thì Bồ Tát Di Lặc sẽ thọ ký cho họ.

Đức Thế Tôn lại bảo Hiền Giả A Nan: Ông nên biên chép, thọ trì, đọc tụng pháp này và giảng thuyết rộng cho tất cả chúng sinh.

Hiền Giả A Nan bạch Phật: Con xin thọ trì.

Rồi thưa Phật: Kinh này tên gọi là gì và phải phụng trì như thế nào?

Đức Phật dạy: Kinh này tên là Sự Thưa Hỏi Của Thiên Tử Tu Chân, cũng gọi là Sự Trả Lời Của Bồ Tát Văn Thù, cũng gọi là Đoạn Trừ Tất Cả Các Pháp Nghi Ngờ, cũng gọi là Trí Tuệ Phương Tiện Đều Hội Nhập Vào Khắp Pháp Của Tất Cả Chư Phật. Ông nên phân biệt, soi sáng, trao truyền cho người, ghi nhớ kỹ để họ thọ trì.

Khi thuyết giảng pháp này thì vô số cõi nước không thể kể hết trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều hiện đủ sáu cách chấn động.

Phật nói Kinh này rồi, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Thiên Tử Tu Chân, Bồ Tát Di Lặc, Hiền Giả A Nan và đại chúng, Chư Thiên, loài người các bộ chúng Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân cùng quyến thuộc thảy đều rất hoan hỷ, ở trước Phật làm lễ mà lui ra.

***