Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM SÁU

PHẨM AN TRỤ NƠI ĐẠO
 

Bấy giờ, Thiên Tử Tu Chân hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát làm thế nào để an trụ nơi đạo?

Này Thiên Tử! Bồ Tát thuyết giảng pháp diệt tham, nhưng không ở nơi sự diệt trừ ấy để cầu chứng đắc. Bồ Tát thuyết giảng pháp diệt dâm, sân, si mê và các ái dục nhưng không ở trong chỗ dứt trừ đó để cầu chứng đắc.

Vì thế, này Thiên Tử! Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát thuyết giảng không, nhưng chẳng dùng pháp không đó để cầu chứng đắc. Thuyết giảng vô tướng, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc. Thuyết giảng vô nguyện, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc. Thuyết giảng pháp chẳng hòa hợp, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc.

Thuyết giảng pháp vô sinh, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc. Thuyết giảng không nơi chốn sinh khởi, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc. Thuyết giảng không hạn lượng, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc.

Thuyết giảng pháp xa lìa tham, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc. Thuyết giảng pháp lìa đốì tượng tạo tác, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc. Thuyết giảng về pháp diệt trừ các việc, nhưng không dùng pháp ấy để cầu chứng đắc. Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát không bố thí là thực hiện đầy đủ bố thí Ba la mật. Bồ Tát không trì giới là thực hiện đầy đủ trì giới Ba la mật. Bồ Tát có giận dữ là thực hiện đầy đủ nhẫn nhục Ba la mật.

Tâm biếng nhác là thực hiện đầy đủ tinh tấn Ba la mật. Tâm tán loạn là thực hiện đầy đủ thiền định Ba la mật. Tâm ý ngu si là thực hiện đầy đủ trí tuệ Ba la mật.

Như vậy, này Thiên Tử! Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao lại nói như vậy?

Này Thiên Tử! Có bốn việc không bố thí.

Những gì là bốn?

1. Không xả bỏ tất cả chúng sinh.

2. Không xả bỏ các pháp.

3. Không xa lìa tâm bồ đề.

4. Không xa lìa các công đức.

Đó là bốn pháp không xả bỏ, tức là thực hiện đầy đủ bố thí Ba la mật.

Này Thiên Tử! Như thế trì giới là do tâm chưa điều phục. Tâm đã điều phục rồi thì xả giới, xả giới rồi thì ra khỏi sự tối tăm, ra khỏi tối tăm rồi thì được sáng suốt, đã sáng suốt rồi thì được bình đẳng, đã bình đẳng thì đạt được trí tuệ, đạt được trí tuệ rồi thì được trí tuệ giải thoát.

Này Thiên Tử! Như vậy là dùng sự xả bỏ giới tức thực hiện đầy đủ trì giới Ba la mật. Chính là Bồ Tát hiện bày việc chê tiểu thừa, khen đại thừa. Đã khen ngợi đại thừa là đạt đến đại thừa, nên thực hiện đầy đủ nhẫn nhục Ba la mật.

Này Thiên Tử! Chính vì Bồ Tát đối với thân, miệng, ý không hề dối trá tức là không biếng trễ, đối với pháp ấy thực hiện đầy đủ là tinh tấn Ba la mật.

Này Thiên Tử! Chính là Bồ Tát hoặc ngay ở trong mộng tâm cũng không nhớ nghĩ, chấp trước hai bên.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không ưa thích thừa Thanh Văn và thừa Bích Chi Phật. Đã không ưa thích hai thừa tức đạt đến Đại Thừa. Đã đạt đến Đại Thừa là thực hiện đầy đủ thiền Ba la mật.

Này Thiên Tử! Tất cả các pháp đều tối tăm, ví như cỏ, cây, tường, vách, ngói đá. Chỗ tối tăm như thế do nhận thức lâu dần mà thành nghĩa thấp kém, ngu si. Vì thế, gốc của tất cả các pháp tối tăm cần phải dùng trí tuệ để giác ngộ nên trí tuệ có đủ nơi đạo, là đã thực hiện đầy đủ trí tuệ Ba la mật.

Này Thiên Tử! Những việc làm thuận hợp như vậy, là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát không lìa bỏ đường sinh tử, không cầu nẻo Niết Bàn, đối với nẻo Niết Bàn không đoạn dứt, đối với đường sinh tử không tạo tác, cũng không chỗ trụ, hội nhập vào nẻo tà để xác lập đạo chân chánh. Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát cứu giúp tất cả chúng sinh nhằm để cầu đạt tất cả các pháp, nhưng cũng không thủ đắc nơi tất cả chúng sinh, cũng không thủ đắc nơi tất cả các pháp.

Vì sao?

Vì không xả bỏ con đường hành hóa của Bồ Tát, chỗ giảng nói luôn thành thật, có hiệu quả. Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát biết rõ con đường tu tập của hai thừa không có sự mong cầu đạt đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Biết rõ con đường tu tập của Bồ Tát là đầy đủ các căn, các công đức được viên mãn, sau đó mới tùy thuận để giáo hóa chúng sinh. Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát tùy theo chốn sinh tử để tạo tác thuận hợp đều vì sinh tử nhưng không thọ nhận quả báo từ sinh tử. Bồ Tát hội nhập với cả thân tâm nhưng không bị cấu nhiễm, tất cả công đức đều làm vì hạnh nguyện, không thấy có, cũng không bị thoái chuyển nơi đạo.

Vì sao?

Vì đã thực hiện đầy đủ hết thảy. Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát ở nơi đạo để cầu đạt đạo mà không chọn diệt độ. Đó là Bồ Tát an trụ nơi đạo.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát ở nơi đạo mà lại cầu đạo?

Này Thiên Tử! Do sinh tử nên gọi là đạo. Bồ Tát cầu đạt đạo để giải thoát cho chúng sinh mà tất cả đều không thật có, cũng không có chỗ cầu, cũng không có chỗ độ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tất cả chúng sinh ở thế gian đã hội nhập nơi đạo là hạnh của Bồ Tát chăng?

Này Thiên Tử! Đúng như vậy. Tất cả mọi người ở đời đã hội nhập nơi đạo thì gọi là hạnh của Bồ Tát.

Vì sao?

Này Thiên Tử! Tuy Bồ Tát thực hành ở thế gian nhưng không bị pháp thế gian làm cấu nhiễm, thuận theo ái dục mà hiện sự vô dục, không lệ thuộc theo vô dục nên ở trong sinh tử để thị hiện, biết tất cả các pháp là không sinh, không diệt, là không có sự mong cầu tốt đẹp, đối với chỗ không tốt đẹp đó mà không cầu chứng đắc.

Giữ gìn năm ấm, sáu trần, xa lìa năm ấm, sáu trần. Chẳng phải là đối tượng được nhận thức của ngã để biết rõ việc giữ gìn năm ấm, sáu trần, nên vì tất cả chúng sinh mà thuyết giảng pháp. Năm ấm, sáu trần đều là không, không thật có, cũng không thể nhận thức.

Đã nhận biết là không thật có nên đạt đến thiền giải thoát, tam muội, Tam Ma Địa, hợp lại một mối liền đạt được như ý túc. Tâm được an trụ vững chắc rồi liền có thể hội nhập khắp tâm của tất cả chúng sinh. Tâm ấy không hề ngăn chặn do ưa thích các việc làm của ma.

Bồ Tát không bị các việc của ma làm cấu nhiễm, không bỏ cảnh giới của Phật. Đối với cảnh giới của ma thì tùy chỗ tạo tác mà hành hóa. Đối với pháp, giới, xứ thì không bị lay động, thoái chuyển. Đối với cảnh giới của con người thì bố thí giúp đỡ tất cả. Đó là Bồ Tát tinh tấn thực hành theo các pháp ở thế gian.

***