Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tượng Dịch

PHẬT THUYẾT KINH TƯỢNG DỊCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống 
 

PHẦN BA
 

Lúc bấy giờ, Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là trí đầy đủ đối với trí không thật, để mau đạt được vô sinh pháp nhẫn?

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Nếu biết tất cả là không thật, mà cũng không chứng đắc, thì những gì là không thật?

Nào là: Ngã kiến, chúng sinh kiến, mạng kiến, nhân kiến, đoạn kiến, thường kiến. Có nhưng vẫn không thật, như tưởng Phật, tưởng Pháp, tưởng Tăng, tưởng Niết Bàn.

Này Xá Lợi Phất! Nếu tâm còn dao động, ưa hý luận, thì tất cả đều là không thật.

Này Xá Lợi Phất! Như vậy, nhờ nắm được những thứ không thật đó, mà đưa đến giải thoát.

Này Xá Lợi Phất! Do nắm được những việc như vậy, nên mới đầy đủ trí không thật, để mau đạt đến vô sinh pháp nhẫn.

Khi Đức Phật nói pháp này, có bốn vạn hai ngàn người trong chúng hội, được vô sinh pháp nhẫn, có sáu vạn Ưu Bà Tắc phát đạo tâm vô thượng chánh chân. Có ba vạn sáu ngàn Thiên Tử được hướng đến trí chứng. Còn sáu mươi Tỳ Kheo Tăng thượng mạn thì dứt hết tâm hữu lậu, được giải thoát.

Khi tâm họ đã được giải thoát, họ đều đồng thanh cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ban đầu, con đến với hàng Lục sư sáu vị thầy ngoại đạo xuất gia. Từ nay trở về sau đối với Phật, Pháp, Tăng chẳng phải là nơi con tôn trọng nhớ nghĩ.

Bạch Thế Tôn! Con từ nay, sẽ nói các pháp là không tạo tác, nói không nhân duyên, nói không có nghiệp, không có điều phục.

Khi ấy, ở trong chúng, có nhiều chúng sinh, đều nói với nhau: Các Tỳ Kheo này sẽ bỏ giới của Phật, mặc áo ngoại đạo, nên nói quá điên đảo.

Bấy giờ, Đại Đức Xá Lợi Phất biết tâm của chúng kia, nên nói với các Tỳ Kheo: Các Đại Đức! Vì nhân duyên gì, mà nói như vậy?

Như nói: Ta bắt đầu xuất gia với sáu vị thầy ngoại đạo.

Các Tỳ Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Từ nay về sau, chúng tôi, đối với sáu vị thầy ấy hay các sư khác cũng xem đồng một tướng, không tăng, không giảm.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chúng tôi nay đã biết các sư đều không khác, với pháp xuất gia không có phân biệt, cho nên mới nói xuất gia như thế.

Xá Lợi Phất nói: Các Đại Đức, vì nhân duyên gì các vị nói: Từ nay, chẳng phải chỉ có Phật là nơi tôn trọng của tôi?

Các Tỳ Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chúng tôi từ nay về sau, tự nhiên được sáng rõ, bừng cháy rực rỡ, không còn phải mượn các thứ ánh sáng khác. Chúng tôi trở về nương tựa chính mình, chẳng trở về nương tựa chỗ nào khác mà chỉ tự trở về với chính mình và tự tôn trọng chính mình.

Vì vậy cho nên, chúng tôi nói: Chẳng phải chỉ có Phật là tôi tôn trọng.

Vì sao?

Vì tôi vốn không lìa Phật, mà Phật cũng không lìa tôi vậy.

Xá Lợi Phất lại nói: Đại Đức vì nhân duyên gì lại nói: Không nhớ nghĩ pháp, không nhớ nghĩ Tăng?

Các Tỳ Kheo nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chúng tôi từ nay không còn pháp nào để được hoặc để nhớ nghĩ. Hoặc để thu về.

Vì vậy nên chúng tôi nói: Từ nay về sau không còn nhớ nghĩ đến Pháp, đến Tăng.

Xá Lợi Phất nói: Này các Đại Đức!

Còn vì sao lại nói: Tôi từ nay về sau nói các pháp là không tạo tác?

Các Tỳ Kheo nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chúng tôi từ nay về sau, đã biết đối với tất cả các pháp, vốn là không tạo tác, mà trong đó chẳng phải tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác.

Do vậy nên nói: Chúng tôi từ nay nói các pháp không tạo tác.

Xá Lợi Phất nói: Đại Đức vì nhân duyên gì.

Lại nói: Từ nay nói không nhân duyên?

Các Tỳ Kheo nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chúng tôi từ nay về sau tất cả đã có đường đi, sống theo nhân duyên đã chấm dứt, trong đó cũng không còn có nhân.

Vì vậy nên nói: Chúng tôi từ nay nói không nhân, không duyên.

Ngài Xá Lợi Phất lại nói: Đại Đức vì sao nói: Chúng tôi từ nay về sau nói không có nghiệp không điều phục?

Các Tỳ Kheo nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chúng tôi từ nay về sau biết tất cả các pháp là rốt ráo Niết Bàn. Trong đó, không có việc điều phục và chẳng phải vì thế mà không điều phục.

Vì vậy, cho nên nói: Tôi nói vốn không có nghiệp do không có nghiệp nên cũng không cần điều phục.

Đấy là các Tỳ Kheo, vốn là những vị tăng thượng mạn. Khi luận nói pháp này, có ba ngàn sáu trăm Tỳ Kheo nghe được, liền dứt trừ các lậu, tâm được giải thoát.

Khi ấy, Thế Tôn mới khen ngợi các Tỳ Kheo: Hay thay! Hay thay! Đúng thật trong hy vọng đó, không có một pháp nào có thể đạt được.

Lúc ấy, Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người nghe lời này, sẽ được pháp gì?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Người đó sẽ được vô sinh pháp nhẫn.

Văn Thù Sư Lợi nói: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát muốn được vô sinh pháp nhẫn, nên học như thế nào?

Làm như thế nào?

Ở như thế nào?

Tu tập như thế nào?

Khi ấy, Thế Tôn muốn trả lời cho Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi, về câu hỏi vô sinh pháp nhẫn, nên Ngài liền nói kệ:

Nếu người mong trí Phật

Và các bậc trí cao

Không có pháp nên lấy

Cũng không pháp đáng bỏ.

Không có pháp để được

Nếu sự sống là có

Không có pháp hòa hợp

Phàm phu muốn hòa hợp.

Nếu đã biết, nên đoạn

Nói pháp vì chúng sinh

Phàm phu sống và làm

Không tin pháp vô sinh.

Xả bỏ pháp của ma

Đạo bồ đề trên hết

Phàm phu chấp hai pháp

Không biết pháp, không hai.

Đều là huyễn, không thật

Phàm phu thấy khác người

Trong đó thật không khác

Tất cả đồng một tướng.

Nếu có phàm phu nói

Không hai, làm không hai

Cùng huyễn hóa, bình đẳng

Người hoặc phàm phu nói:

Ta không thể hết dục

Dứt sạch sân, ngu si

Ta nên khéo suy nghĩ

Chẳng vật, sinh tưởng vật.

Hết chấp là Niết Bàn

Diệt tham dục, sân, si

Nói chỉ bày pháp không

Không diệt cũng không sinh

Đây gọi là Niết Bàn.

Người siêng năng, tiến lên

Lìa bỏ xa ngã pháp

Nhớ ban cho, giữ giới

Thích nhớ đến Chánh Giác

Là không vào bồ đề

Bình đẳng hành tưởng hạnh

Giả dối che phàm phu.

Không biết pháp đều không

Các pháp cùng một tướng

Nên giảng nói nhiều cách.

Nếu rõ biết pháp này

Thể tánh kia, không khác

Như năm ngón là tay

Được Chánh Giác không khó

Không xa đạo Chánh Giác

Cũng không gần Chánh Giác

Phân biệt, không phân biệt

Là cách xa Chánh Giác

Phàm phu làm sai khác

Cùng nhau cho đúng sai

Người này giữ giới: Tốt

Kẻ kia phá giới: Xấu

Các pháp cũng như mộng

Pháp hữu vi không thật

Trí tuệ không giữ chặt

Biết đó như huyễn hóa

Trong đó, giới không thật

Phá giới, cũng không thật

Nhân duyên sinh các pháp

Trong đó không có ngã.

Với ngàn muôn ức kiếp

Cho cũng như thọ nhận

Bảo vệ giới trên hết

Chư Phật không thọ ký.

Khi ta lìa vọng tưởng

Cũng không tưởng bố thí

Lìa hết thảy điên đảo

Là ta được thọ ký.

Ban cho được giàu có

Giữ giới, sinh Cõi Trời

Trong đó không nắm bắt

Là giác ngộ cao tột.

Phàm phu dựa vào có

Ngu si nhớ tưởng dối

Chúng ta được pháp nhẫn

Vì vô vi không sinh.

Trong pháp vô sinh ấy

Cũng không nghĩ là sinh

Trong ngàn muôn ức kiếp

Được pháp nhẫn không khó.

Giả tên để nói pháp

Pháp, không có tác giả

Không chỗ ở căn bản

Tất như tướng không nhàn.

Chư Phật nhiều muôn ức

Muốn dứt tham, sân, si

Diễn nói pháp vô thượng

Là pháp không thể hết.

Thật pháp, không hư vọng

Mau chóng rồi cũng hết

Như vậy pháp không thật

Là thực tế có được

Dâm dục, sân vô biên

Ngu si cũng quá nhiều

Đều là không thật cả.

Trong cái không thật ấy

Như hạt giống không mầm

Làm sao có lá, quả

Cây đã không mọc lá

Làm sao có trổ hoa

Pháp vô sinh là vậy.

Chúng sinh tuy có con

Không sinh cũng không xuất

Việc này thấy như thật

Giống cô gái bằng đá

Sẽ không có con cái

Mà đã không có con

Cũng khỏi lo về con

Tuệ phân biệt như vậy.

Tất cả pháp không sinh

Nhờ vậy không sợ hãi

Chịu khổ trong sinh tử

Dối lo che phàm phu

Không biết pháp như huyễn

Nặng gánh vác hư không.

Kẻ si, không có trí

Nếu biết được pháp này

Không thật, không bờ mé

Vô lượng A tăng kỳ

Như thế mới không si

Có chỗ nói bản tế

Ta nói là vô tế

Hậu tế, cũng như vậy.

Chúng sinh nghĩ biên tế

Không tế, tưởng nhớ tế

Vốn không có biên tế

Do biết ý nghĩa này

Trí kia không có hai

Như tướng hư không tế.

Chúng sinh nghĩ biên tế

Bản tế: Ảnh trong gương

Là trí không chỗ biết

Người tu hành phân biệt

Tâm kia nghĩ như vậy:

Khi nào ta hết ác

Đến khi nào thành Phật

Chư Phật vốn vô sinh.

Chẳng phải do hòa hợp

Pháp vốn không hòa hợp

Phàm phu muốn hòa hợp

Vốn không mà tạo có.

Cũng không có chỗ dừng

Hư không chẳng chỗ nương

Không ngại không có vật

Nên gọi là hư không.

Như vậy biết Chánh Giác

Như vậy biết bồ đề

Biết chúng sinh cũng vậy

Giác ngộ cõi hư không

Cõi chúng sinh giống nhau

Nếu biết được như vậy

Được giác ngộ không khó.

***