Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tượng Dịch

PHẬT THUYẾT KINH TƯỢNG DỊCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống 
 

PHẦN BỐN
 

Người không tìm lòng từ

Không suy nghĩ làm lành

Với pháp không chỗ lại

Được giác ngộ không khó.

Giác ngộ không thể cầu

Bỏ tất cả cầu mong

Không có tâm mới được

Ngộ Vô Thượng Bồ Đề.

Người suy nghĩ ban cho

Ban cho để giác ngộ

Thì không được giác ngộ.

Người không được giác ngộ

Do suy nghĩ chấp giới

Tưởng siêng năng là thực

Chẳng giỏi tiến Phật Pháp

Chấp nhớ tưởng như vậy

Đều là pháp điên đảo.

Ta nếu có điên đảo

Chưa, mới có pháp động

Điều thiện là cao tột.

Nếu có người nhớ tưởng

Pháp này là vô lậu

Pháp đó là hữu lậu

Tâm người này không tốt…

Không suy nghĩ theo pháp

Là đồng với hư không

Không buộc cũng không giải

Trí tuệ là cao thượng.

Tưởng người này trì giới

Nghĩ kia phá giới: xấu

Cả hai đều phá giới

Giới cao tột, không hai

Các pháp không có khác.

Giới không tướng tăng, giảm

Người đã thấy được tánh

Là bảo vệ Phật Pháp

Nếu tâm người không chấp

Như chim bay trong không.

Biết đầy đủ như vậy

Thật đúng pháp Sa Môn

Nếu không nghĩ, nhớ tưởng

Tất cả không nghĩ tưởng

Không tâm, không ngã mạn

Được giác ngộ không khó.

Người muốn khỏi tham dục

Không bị dục dẫn dắt

Cũng không bỏ dâm dục

Được giác ngộ không khó.

Không chán chấp vãng tưởng

Vì không còn sợ nữa

Sinh tử không kinh hãi

Được giác ngộ không khó.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát tin hiểu Kinh này, không có nghi hoặc, thọ trì, đọc tụng, khiến được thông thuộc, rồi vì người mà rộng nói, thì người này được hai mươi công đức.

Hai mươi công đức ấy là:

1. Chư Thiên ưa mến, bảo vệ.

2. Long thần ủng hộ.

3. Dạ Xoa giữ gìn.

4. Thường không loạn tâm.

5. Sau khi chết, sinh ra chỗ nào, tự biết kiếp trước.

6. Sau khi chết, sinh ra ở đâu, cũng được dễ dàng.

7. Sau khi chết, sinh ra ở đâu, cũng thấy Bồ Tát Di Lặc.

8. Người nhớ nghĩ Kinh Pháp này, tâm không tán loạn.

9. Khi ngủ, trong mộng, thấy Đức Phật và cũng thấy Bồ Tát.

10. Người tin hiểu Kinh này, sẽ được pháp thuận nhẫn.

11. Người tụng niệm Kinh này, ở ngay đời này dứt trừ được sân hận.

12. Người thọ trì Kinh này, ở trong rắn độc, cũng không có chỗ sợ hãi.

13. Người luôn nhớ nghĩ Kinh này, hàng phục được voi dữ.

14. Người luôn nhớ nghĩ Kinh này, được tam muội sáng soi khắp.

15. Người học Kinh này, diệt trừ được tất cả các nghiệp chướng xấu ác.

16. Người giảng nói Kinh này, sẽ được vô lượng trăm ngàn pháp môn. Lại cũng không mất tâm Bồ Đề. Lại cũng được vô lượng Triền Đà La Ni.

17. Người nhớ nghĩ Kinh này, hết thảy việc ma, không thể sinh khởi.

18. Lại được sinh ra trong hiện tại ở ngay trước Phật, được đầy đủ các hạnh nguyện tốt lành.

19. Người nhớ nghĩ Kinh này, thì những loài không chân, hai chân, ba chân, bốn chân, kể cả các thứ trùng độc, đều ưa mến bảo vệ.

20. Người nhớ nghĩ Kinh này, không bị phi nhân khủng bố, Vua sân giận, còn được hộ trợ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Đấy là hai mươi công đức mà vị Tỳ Kheo thuyết pháp này có được, cũng do trì Kinh này mà tâm không nghi hoặc, đọc tụng thông suốt, vì người khác rộng giảng.

Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ví như các cây thuốc, trừ được tất cả bệnh. Kinh này cũng vậy, đoạn trừ được hết thảy bệnh của tâm, bệnh của thân.

Đức Phật nói: Đúng vậy, đúng như vậy! Này Văn Thù Sư Lợi!

Ông đã khéo nói lời này: Kinh này có thể đoạn trừ tất cả các bệnh.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Vốn ở đời quá khứ, trải qua vô số kiếp, lại trải qua vô số kiếp nữa, thời ấy có Đức Phật, hiệu Sư Tử Du Bộ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời, ở trước vô lượng trăm ngàn đại chúng, diễn nói Kinh này.

Này Văn Thù Sư Lợi! Khi ấy, trong chúng, có một vị Bồ Tát, hiệu là Kim Cang Tràng, theo hầu Đức Sư Tử Du Bộ Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.

Nghe được Kinh Pháp này, mà tâm không nghi hoặc, nên vị Bồ Tát ấy thọ trì được công đức vi diệu của Kinh này, rất thông lợi, hiểu được sự sâu xa và được oai đức lớn và thường đến trong xóm làng, thành ấp, vương cung, tự mình xướng lên: Ta là lương y!

Thời bấy giờ có vô lượng trăm ngàn chúng sinh, bị các thứ bệnh hành hạ, đều đi đến tìm gặp Bồ Tát Kim Cang Tràng. Khi ấy, Bồ Tát Kim Cang Tràng dùng lòng lành, khéo giảng giải và dùng từng chương, từng câu chú Đà La Ni của Kinh Pháp này, để tóm thu hết thảy mà bảo vệ cho các chúng sinh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Câu chú Đà La Ni đó là:

A lan, ba trà la, tỳ ny na, tu đát tha, tu phục đa, a nậu trà, tỳ bạn na ê, khư già lưu tha, ma di túc già, a nậu na chiết đà, na lại đà, mật la tu mật la, tố la ê đà, tát bà đa la, mộng già mộng già, yết dã do ha, ma cừu ma y ha.

Bồ Tát dùng câu chú Đà La Ni này, để giữ gìn, giúp đỡ các chúng sinh kia, dứt trừ các thứ bệnh, hoặc bị rắn độc cắn mổ, hoặc bị bệnh cùi hủi, hoặc bệnh phong bại.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát Kim Cang Tràng, dùng Kinh Pháp này để giảng dạy, an ủi, trừ bỏ các bệnh ở thân và tâm cho chúng sinh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ông cho rằng, Bồ Tát Kim Cang Tràng thời ấy là ai vậy?

Chớ nghĩ ai khác?

Vì sao?

Vì ta lúc bấy giờ, là Bồ Tát Kim Cang Tràng vậy. Ta thường giảng giải Kinh này, làm lợi ích rất nhiều cho chúng sinh.

Lúc ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát thọ trì câu chú Đà La Ni này, đọc tụng thông thuộc, nên thực hành những điều gì và những pháp tắc nào nữa?

Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát, muốn thông đạt, sử dụng câu chú Đà La Ni này, nên ưa đời sống trong sạch, không ăn thịt, không thoa dầu bóp chân, không ở chỗ nhiều người, đối với chúng sinh thường phát khởi tâm lành. Đối với người, chớ làm điều phi pháp, không trong sạch mà đọc giảng Kinh này. Cũng chẳng ở nơi không sạch sẽ mà đọc Tụng Kinh này.

Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát, khi đọc Tụng Kinh này sẽ không còn tiếc thân mạng?

Đức Phật bảo: Đúng vậy, đúng như vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Đúng như ông đã nói.

Lúc này, Đức Phật bảo A Nan: Này A Nan! Ông nên thọ trì, ghi nhớ Kinh này, vì Kinh này sẽ có lợi ích rất nhiều cho chúng sinh đời sau.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như lời Đức Phật dạy, con xin thọ trì.

Lúc ấy Thế Tôn khen ngợi A Nan: Lành thay, lành thay! Này A Nan! Với chúng sinh đời sau, nên tôn trọng dẫn dắt lẫn nhau. Chúng sinh đời sau, nếu được đọc tụng, giảng nói Kinh này, như được tiếp thọ từ nơi ta vậy.

Khi ấy, Đại Đức A Nan, Đại Đức Xá Lợi Phất, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi và các hàng Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà… nghe Đức Phật giảng dạy đều vô cùng vui mừng.

***