Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tượng Dịch

PHẬT THUYẾT KINH TƯỢNG DỊCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống 
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, cùng với đại chúng, gồm năm trăm thầy Tỳ Kheo, sáu vạn chúng Bồ Tát, các vị đều là những bậc tri thức, họ đã được các pháp Đà La Ni, giảng nói không ngại, thuyết pháp không rơi vào hai bên, thành tựu thần thông không thể nghĩ bàn.

Tên của các vị ấy là Bồ Tát Vô Giảm Tấn Ý, Bồ Tát Quá Danh Thanh Oai Đức Tạng, Bồ Tát Bảo Nguyệt Hoa, Bồ Tát Đại Vân Lôi Đăng, Bồ Tát Vô Lượng Quán Xuất Nhất Thiết Thế, Bồ Tát Sơn Dũng, Bồ Tát Nhạo Hỷ Sinh, Bồ Tát Tịnh Tý Vô Ngại Quang Minh.

Bồ Tát Giải Độ Chúng Sinh Tâm, Bồ Tát Kim Cang Đắc Kiên, Bồ Tát Giải Nhất Thiết Chúng Sinh Ngữ Ly, Bồ Tát Phạm Âm Dũng Oai Đức, Bồ Tát Danh Xưng Diện Oai Vô Ngại Giác, Bồ Tát Nhất Thiết Thiện Căn Bảo Tụ, Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử cùng với sáu vạn Bồ Tát đều là những vị đứng đầu đồng hội tụ.

Khi ấy, Đại Đức Xá Lợi Phất, lúc trời đã về chiều, liền xả thiền đứng dậy, đến viếng chỗ Đức Phật. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi một mình, dưới gốc cây, đang ở trong cảnh tam muội vắng lặng.

Từ xa, Đại Đức Xá Lợi Phất đã thấy Đức Thế Tôn oai nghi, vắng lặng nên liền lấy cỏ trải làm tòa, kiết già mà ngồi, trong khoảnh khắc đã ngồi yên ngay ngắn.

Lúc này, Đại Đức Xá Lợi Phất mới suy nghĩ: Thật chưa từng có! Đức Như Lai tu hành vắng lặng như vậy, tự mình được an lạc và còn đem an lạc cho chúng sinh. Như Lai hiểu biết hết thảy pháp tánh tam muội.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn an tường ra khỏi tam muội, đứng dậy hắng giọng.

Đại Đức Xá Lợi Phất nghe Đức Như Lai hắng giọng, liền lãnh nhận niềm vui sướng và đạt được tâm xót thương, đến trước Đức Phật đảnh lễ, rồi nói kệ:

Nếu có chúng sinh, không phân biệt

Đối với các pháp, chẳng nhớ tưởng

Nhập vào tam muội để tu hành

Được pháp như vậy, thường an nhẫn.

Không thấy chúng sinh có sai biệt

Sự giải thoát giống như huyễn tánh

Phân biệt các pháp, thể rỗng không

Người không ngã tưởng, được an vui.

Ở trong hòa hợp, không đắm tưởng

Không có ngu si, theo vật tưởng

Cũng chẳng có khởi, chẳng không khởi

Không thấy thọ mạng, được an vui.

Với các chúng sinh không nhớ tưởng

Là chúng sinh, chẳng phải chúng sinh

Với các chúng sinh tưởng, không tiếng

Người không ngã kiến được an vui.

Với chúng sinh, trí không phân biệt

Được vào cõi pháp, không tranh giành

Phân biệt trượng phu, hết thảy tưởng

Kẻ vô lượng giác, được an vui.

Nên khéo ban cho và giữ giới

Tu hành tỉnh giác, không keo bẩn

Trụ ở trong pháp, không ô nhiễm

Chẳng thấy cao thấp, được an vui.

Người nhẫn được, rất là dũng mãnh

Không thấy có hai: Thương và ghét

Cũng không tinh tấn và biếng nhác

Người không tư tưởng, được an vui.

Tu hành thiền định rất vững chắc

Cũng không tư duy là tán loạn

Khéo biết nương theo pháp thiền định

Người không tưởng thiền, được an vui.

Không có nhớ tưởng, không trí tuệ

Cũng chẳng không trí, được tự tại

Cũng chẳng thông tuệ, chẳng ngu si

Người không tưởng khác, được an vui.

Chỗ vắng, đông người, cũng như vậy

Với mọi nơi, tu hạnh bình đẳng

Ở trong thôn xóm, không lánh ác

Vắng vẻ, không kiêu, được an vui.

Trong việc khất thực được đầy đủ

Cuối cùng không tưởng có khất thực

Cũng chưa từng tưởng ta khất thực

Người không tưởng cầu, được an vui.

Nếu có áo phấn tảo vứt bỏ

Lượm lấy kết lại để che thân

Cũng không nghĩ tưởng mang áo xấu

Không xem thường người, được an vui.

Ca ngợi Thiện Thệ, Phật đã hứa

Hãy khéo thọ trì ba pháp y

Không có nhớ tưởng, ta chánh hạnh

Người không tưởng khác là an vui.

Nếu người khéo nói pháp vi diệu

Không thấy có ta và chúng sinh

Cũng không có tâm: Ta nói pháp

Không thật, không chấp, là an vui.

Với các căn lành tưởng không thật

Chẳng có tưởng vật, không tưởng yêu

Không nghĩ, phân biệt các kết sử

Chuyên nhất tu hành, được an vui.

Trong pháp sinh khởi, không khởi tưởng

Tưởng đến lỗi lầm, nơi đang ở

Ngày đêm siêng tu hạnh tinh tấn

Người không hý luận, được an vui.

Cũng chẳng vọng tưởng nơi phi xứ

Cũng không phân biệt, trí tăng thượng

Như Lai, ngoại đạo, không sai khác

Người không cống cao, được an vui.

Vô lượng, vô số không hạn lượng

Cũng không xả lìa, như hư không

Ta và chúng sinh, không tưởng khác

Không thấy tăng giảm, được an vui.

Nếu có được hoặc hành ở mộng…

Được biện tài, giáo hóa ngu si

Qua lại thế gian, như trăng nước

Người không tiến hành, thảy đều vui.

Các thứ phương tiện, nghĩa thứ nhất

Không vướng sinh tử, chấp chặt tưởng

Giác ngộ pháp vi tế vắng lặng

Tu hành không tưởng, được an vui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ca ngợi Xá Lợi Phất: Hay thay, hay thay! Ngươi tu hành, có trí tuệ sâu xa, có thể chuyển vận bánh xe chánh pháp.

Này Xá Lợi Phất! Trong núi Kỳ Xà Quật, có các Tỳ Kheo và Bồ Tát… đang ở trong thiền định, ngươi mời họ về nhóm họp.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con không dám nhận.

Vì sao?

Vì các vị ấy đều là bậc tu hành dũng mãnh có oai đức lớn.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ trong thân phóng ánh sáng lớn, ánh sáng ấy, chiếu khắp các Thế Giới, nhiều vô lượng, vô biên, khiến các Bồ Tát, đều cùng nhau đến núi Kỳ Xà Quật. Họ đến, trụ ở giữa hư không. Các vị Tỳ Kheo và các Bồ Tát lúc này đã ra khỏi thiền định, đều đi đến chỗ Đức Phật. Trong thành Vương Xá, mọi người rất đông, cũng đến chỗ Phật.

Khi Thế Tôn, biết đại chúng đều đã nhóm họp, liền nhìn thẳng vào Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi rồi mỉm cười.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, trịch bày vai bên phải, gối phải chấm đất, chắp tay, hướng về Đức Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì Thế Tôn mỉm cười?

Chư Phật Như Lai, Đấng Ứng Cúng Chánh Biến Tri, chẳng bao giờ cười mà không có nhân duyên.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Về quá khứ, ở trong núi Kỳ Xà Quật này, đã có mười ngàn Đức Phật nói Kinh Tượng Dịch.

Đại Đức A Nan nghe Phật nói, liền từ tòa đứng dậy, sửa y, trịch bày vai áo bên phải, gối bên phải chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch: Lành thay Đức Thế Tôn! Lành thay Đức Thiện Thệ! Nay Thế Tôn sẽ nói Kinh Tượng Dịch này! Kinh này thật khó được nghe, nếu được Đức Như Lai giảng dạy, sẽ không còn có người nghi ngờ.

Kinh Điển này thật là sâu xa mầu nhiệm, rất sáng chói! Bạch Thế Tôn! Vì sao Thế Tôn nhìn Tôn Giả Văn Thù Sư Lợi, rồi lại mỉm cười?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen Đại Đức A Nan: Lành thay, lành thay! Này A Nan! Ngươi có trí tuệ khéo phân biệt.

A Nan! Nay ông hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta nay sẽ nói.

A Nan cúi đầu thọ lời Phật dạy.

Đức Phật nói: Này A Nan! Nếu có chúng sinh nào nghe, mà hiểu rõ được Kinh này, vị ấy sẽ như là sức lực của con voi lớn, sẽ như sức của con rồng lớn. Những chúng sinh hiểu rõ được Kinh này, cũng lại như vậy.

Này A Nan! Những chúng sinh hiểu rõ Kinh này sẽ như con Sư Tử, bước từng bước, đi đến con đường tốt đẹp.

Này A Nan! Với Kinh Điển này, đời sau, các Bồ Tát ưa thích.

Này A Nan! Kinh này có công năng làm cho Bồ Tát thêm mạnh mẽ. Sau khi ta diệt độ, tương lai Bồ Tát sẽ tự tay nắm giữ Kinh này, tự tay viết chép, in ấn Kinh này.

Chỗ nương tựa của Kinh này, chẳng phải là hạng Chiên Đà La, mà Bồ Tát sẽ tự tay giữ gìn. Cũng chẳng phải hàng Bồ Tát ưa những bàn luận đùa cợt mà có thể nắm giữ được, cũng chẳng phải giả danh Bồ Tát mà nắm giữ được.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn hiển hiện một hình tượng, giống như Văn Thù Sư Lợi.

Đức Thế Tôn tạo hình tượng ấy rồi, Văn Thù Sư Lợi cũng hiểu rõ như vậy: Ta nay, nên thưa hỏi Đức Thế Tôn về pháp rất sâu xa, chẳng phải vì hàng Thanh Văn, Duyên Giác, mà là vì địa vị Bồ Tát.

Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bạch: Bạch Thế Tôn! Nay con có một số câu hỏi, muốn thưa thỉnh Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, nếu Đức Phật hứa nghe cho, con mới dám thưa.

Văn Thù Sư Lợi thưa như vậy rồi, Đức Phật liền bảo Văn Thù Sư Lợi: Ngươi cứ thưa hỏi, tùy theo sở thích của tất cả chúng hội.

Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bạch: Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp, mà Bồ Tát có thể khéo léo ở yên trong các công đức, thị hiện tất cả các hạnh Bồ Tát, giáo hóa vô lượng chúng sinh, trải qua A tăng kỳ kiếp, hiện các thân hình của Chư Phật như bóng trăng dưới nước?

Văn Thù Sư Lợi sau khi đã thưa hỏi như vậy, Đức Phật liền khen ngợi: Hay thay, hay thay! Văn Thù Sư Lợi! Ông có thể tóm lược, hỏi Như Lai ý nghĩa như vậy, ta nay sẽ rộng phân biệt, giảng nói.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ông hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ, ta nay sẽ nói.

Văn Thù Sư Lợi thưa: Như lời dạy của Thế Tôn, con xin thọ giáo lắng nghe.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát thành tựu sáu pháp sẽ được ở yên trong các công đức.

Những gì là sáu?

1. Này Văn Thù Sư Lợi! Khi Bồ Tát bố thí, thì hay xả bỏ tất cả, không thấy gì là của mình, lìa bỏ sự tham lam, keo kiệt.

2. Nếu ở yên vào giới, thì không thấy ta hay lìa nghiệp phá giới.

3. Nếu đã thành tựu nhẫn nhục, thì không còn thấy ta hay xa lìa hành động sân tức.

4. Nếu có tinh tấn thì chẳng phải chỉ siêng năng ở thân tâm này.

5. Nếu biết nhập vào trong hết thảy phương tiện thiền định giải thoát tam muội, thì cũng không tự nghĩ đến.

6. Nếu thành tựu sự nhất tâm, tu hành được trí tuệ sáng suốt, tự thấy giải thoát được tất cả con đường sinh tử.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thực hành sáu pháp này, sẽ khéo được ở yên trong tất cả công đức.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Còn có sáu pháp, có thể thành tựu được tất cả công đức.

Những gì là sáu?

1. Khi Bồ Tát vào trong địa ngục, nhiếp hóa chúng sinh, khiến cho họ được niềm vui trên Cõi Trời.

2. Bồ Tát hóa làm thân súc sanh thì nhiếp hóa cho hàng súc sanh thọ niềm vui thù diệu của loài người.

3. Bồ Tát sinh vào nhà nghèo hèn, cũng nhận được cái vui sướng của Vua Chuyển Luân.

4. Bồ Tát hiện thân vào trong các cảnh giới, cũng thọ nhận niềm vui của Thánh Đạo thù thắng.

5. Bồ Tát cũng thường dạo chơi, qua lại trong tất cả Cõi Phật, cũng như hình ảnh mặt trăng trong hồ nước phẳng lặng.

6. Bồ Tát khi phát ra lời nói, thì lời nói ấy khiến cho chúng sinh gần gũi, thương yêu nhau.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát, thành tựu được sáu pháp này, thì tâm an ổn và được tất cả công đức.

Lúc bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát ở trong địa ngục vẫn thọ nhận niềm vui của Cõi Trời?

Khi hỏi như vậy rồi, Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu Bồ Tát, khi đã nhập vào tam muội có tên là Đại Liên Hoa. Khi ấy, Ngài ở trong địa ngục sẽ nhiếp hóa chúng sinh, làm cho chúng sinh cảm thọ niềm vui như ở Cõi Trời. Vì các Ngài khi thấy chúng sinh thọ nhiều nỗi khổ, liền hiện ra những thân hình khác nhau, vì họ nói pháp, khiến cho vô lượng chúng sinh đều được giải thoát.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy là Bồ Tát ở trong địa ngục, thọ nhận niềm vui như ở Cõi Trời.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch Đức Phật: Như thế nào là Bồ Tát sinh trong loài súc sanh, nhiếp hóa súc sanh, làm cho họ cảm nhận niềm vui của Trời, Người?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát, khi đã nhập vào tam muội, có tên là vắng lặng. Tuy hiện thân là súc sanh mà không mất cái tâm, nên vẫn thọ niềm vui của Trời, Người. Lại còn tùy mỗi thân hình khác biệt kia mà vì họ nói pháp. Bồ Tát còn đặt để cho vô lượng chúng sinh, khiến họ được an trụ trong chánh pháp.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy Bồ Tát thọ thân súc sanh mà vẫn cảm nhận niềm vui của Trời, Người.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát sinh trong nhà nghèo hèn mà vẫn cảm thọ niềm vui của Vua Chuyển Luân?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Khi Bồ Tát đã nhập vào tam muội, có tên là Tịnh quá, rồi từ năng lực của tam muội này làm cho chúng sinh trong nhà nghèo hèn, cảm nhận được niềm vui của Vua Chuyển Luân.

***