Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Bốn - Thiên Sáu Sứ - Chương Một - Tương ưng Sáu Xứ - Năm Mươi Kinh Thứ Bốn - Phẩm Biển
PHẬT THUYẾT
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP BỐN
THIÊN SÁU SỨ
CHƯƠNG MỘT
TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ
NĂM MƯƠI KINH THỨ BỐN
PHẨM BIỂN
PHẦN BẢY
UDÀYI
Một thời Tôn Giả Ananda và Tôn Giả Udàyi trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita.
Rồi Tôn Giả Udàyi, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn Giả Ananda.
Sau khi đến nói lên với Tôn Giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn Giả Udàyi thưa với Tôn Giả Ananda: Thưa Hiền Giả Ananda, như Thế Tôn dùng nhiều phương tiện đã nói lên, đã khai mở, đã nêu rõ thân này là vô ngã.
Có thể chăng, cũng như vậy tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị rằng thức này cũng vô ngã?
Này Hiền Giả Udàyi, như Thế Tôn dùng nhiều pháp môn đã nói lên, đã khai mở, đã nêu rõ thân này là vô ngã.
Cũng như vậy, có thể tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị rằng thức này cũng vô ngã.
Này Hiền Giả, có phải do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức?
Thưa phải, Hiền Giả.
Này Hiền Giả, do nhân nào, do duyên nào khởi lên nhãn thức, nếu nhân ấy, nếu duyên ấy một cách toàn diện, dưới mọi hình thức, được đoạn diệt hoàn toàn, không có dư tàn, thời nhãn thức có thể nêu rõ được không?
Thưa không, Hiền Giả.
Với pháp môn này, Thế Tôn đã tuyên thuyết, đã khai mở, đã nêu rõ thức này là vô ngã.
Có phải do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức?
Có phải do duyên mũi và các hương khởi lên tỷ thức?
Có phải do duyên lưỡi và các vị khởi lên thiệt thức?
Có phải do duyên thân và các xúc khởi lên thân thức?
Này Hiền Giả, có phải do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức?
Thưa phải, Hiền Giả.
Này Hiền Giả, do nhân nào, do duyên nào khởi lên ý thức, nếu nhân ấy, nếu duyên ấy một cách toàn diện, dưới mọi hình thức, được đoạn diệt hoàn toàn, không có dư tàn, thời ý thức có thể nêu rõ được không?
Thưa không, Hiền Giả.
Với pháp môn này, thưa Hiền Giả, Thế Tôn đã tuyên thuyết, đã khai mở, đã nêu rõ thức này là vô ngã. Ví như, này Hiền Giả, một người cần dùng lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cây búa sắc bén đi vào trong rừng. Ở đấy, người này thấy một thân cây chuối lớn, thẳng, mới lớn và cao. Người ấy chặt đứt rễ cây, chặt đứt xong, người ấy chặt ngọn.
Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ ngoài ra. Người ấy ở đây không tìm được giác cây, còn nói gì lõi cây. Cũng vậy, này Hiền Giả, Tỳ Kheo trong sáu xúc xứ, không quán thấy có tự ngã và thuộc ngã.
Do thấy như vậy, vị ấy không chấp thủ một cái gì ở trong đời. Do không chấp thủ, vị ấy không tham luyến. Do không tham luyến, vị ấy tự mình hoàn toàn tịch tịnh.
Vị ấy biết rõ: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.
***