Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Bốn - Thiên Sáu Sứ - Chương Một - Tương ưng Sáu Xứ - Năm Mươi Kinh Thứ Bốn - Phẩm Biển

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán
 

TẬP BỐN

THIÊN SÁU SỨ
 

CHƯƠNG MỘT

TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ
 

NĂM MƯƠI KINH THỨ BỐN
 

PHẨM BIỂN
 

PHẦN NĂM

KOTTHIKA
 

Một thời Tôn Giả Sàriputta và Tôn Giả Mahà Kotthika trú ở Bàrànasii, tại Isipatana, Vườn Lộc Uyển.

Rồi Tôn Giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn Giả Sàriputta.

Sau khi đến, nói lên với Tôn Giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn Giả Mahà Kotthika nói với Tôn Giả Sàriputta: Thưa Hiền Giả, có phải con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt?

Có phải ý là kiết sử của các pháp hay các pháp là kiết sử của ý?

Này Hiền Giả Kotthika, con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt. Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử, ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý.

Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử. Ví như, này Hiền Giả, một con bò đen và một con bò trắng bị cột lại bởi sợi dây hay cái ách.

Nếu có người nói con bò đen là kiết sử của con bò trắng, hay con bò trắng là kiết sử của con bò đen, thời nói vậy có phải nói một cách chân chánh không?

Thưa không!

Này Hiền Giả, con bò đen không phải là kiết sử của con bò trắng. Và con bò trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đen. Do sợi dây hay cái ách cột lại, cái ấy ở đây là kiết sử.

Này Hiền Giả, cũng vậy, con mắt cũng không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt. Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử, ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của của ý. Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử.

Này Hiền Giả, nếu con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt, thời phạm hạnh này đưa đến chân chánh đoạn tận khổ đau không thể tuyên bố.

Vì rằng, này Hiền Giả, con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc cũng không phải là kiết sử của con mắt. ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử. Do vậy, phạm hạnh đưa đến chân chánh đoạn tận khổ đau có thể tuyên bố.

Này Hiền Giả, nếu ý là kiết sử của các pháp, hay các pháp là kiết sử của ý, thời phạm hạnh này đưa đến chân chánh đoạn tận khổ đau không thể tuyên bố.

Vì rằng, ý không phải là kiết sử của các pháp, hay các pháp không phải là kiết sử của ý. Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử. Do vậy, phạm hạnh đưa đến chân chánh đoạn tận khổ đau có thể tuyên bố.

Này Hiền Giả, với pháp môn này cần phải hiểu biết như vậy. Mắt không phải là kiết sử của sắc. Sắc không phải là kiết sử của mắt.

Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử, ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của mắt. Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử.

Này Hiền Giả, Thế Tôn có mắt. Với con mắt, Thế Tôn thấy sắc. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn, này Hiền Giả, Thế Tôn có ý. Với ý, Thế Tôn biết pháp. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn.

Này Hiền Giả, với pháp môn này cần phải hiểu biết như vậy. Mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của mắt. Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử, ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý. Ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử.

***