Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Bốn - Thiên Sáu Sứ - Chương Một - Tương ưng Sáu Xứ - Năm Mươi Kinh Thứ Bốn - Phẩm Rắn độc

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 

TẬP BỐN

THIÊN SÁU SỨ
 

CHƯƠNG MỘT

TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ
 

NĂM MƯƠI KINH THỨ BỐN
 

PHẨM RẮN ĐỘC
 

PHẦN BẢY

KHỔ PHÁP
 

Này các Tỳ Kheo, khi nào một Tỳ Kheo như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt của tất cả khổ pháp, khi ấy, các dục được thấy. Khi vị ấy thấy dục kàmà, thời dục kàmachanda, dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên nơi vị ấy.

Như vậy, sở hành và sở trú của vị ấy được giác tri. Vì rằng, do sở hành như vậy, các tham ái, ưu, bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo như thật rõ biết sự tập khởi, và sự chấm dứt tất cả khổ pháp?

Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Ðây là tưởng, đây là các hành, đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo như thật rõ biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của tất cả khổ pháp.

Và này các Tỳ Kheo, như thế nào là Tỳ Kheo thấy được các dục?

Khi các dục được thấy, thời dục, dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên. Ví như, này các Tỳ Kheo, có một hố than sâu hơn thân người, đầy vun than hừng, không có ngọn, không có khói.

Rồi có người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét bỏ khổ. Rồi hai người lực sĩ đến, kẹp người ấy vào trong các cánh tay, và kéo người ấy đến hố than hừng. Người ấy vật vã thân bên này, bên kia.

Vì sao?

Này các Tỳ Kheo, người ấy được biết rằng: Ta sẽ rơi vào trong hố than hừng này. Do nhân này, ta sẽ đi đến chết hay đau khổ gần như chết. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo thấy các dục như hố than hừng và ai thấy được các dục, thời dục, dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên.

Thế nào, này các Tỳ Kheo, là sở hành và sở trú của Tỳ Kheo được giác tri?

Vì rằng, do sở hành như vậy, các tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ. Ví như, này các Tỳ Kheo, một người đi vào một khu rừng đầy những gai góc, trước mặt người ấy là gai, phía Tây, phía Bắc, phía Nam, người ấy là gai, phía dưới người ấy là gai, phía trên người ấy là gai.

Chỗ nào người ấy đi tới hay chỗ nào người ấy đi lui, người ấy nghĩ: Mong sao tôi chớ có bị vướng gai. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với sự vật gì khả ái, khả lạc, sự vật ấy được gọi là gai trong giới luật của bậc Thánh. Sau khi biết vậy, này các Tỳ Kheo, hộ trì và không hộ trì cần phải được hiểu.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là không hộ trì?

Ở đây, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp các sắc khả ái, ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp.

Vị ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn. Như vậy, này các Tỳ Kheo, là không hộ trì.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là được hộ trì?

Ở đây, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp các sắc khả ái, không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn, khi lưỡi nếm vị, khi ý biết pháp, không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng.

Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn. Như vậy, này các Tỳ Kheo, là có hộ trì.

Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo sở hành như vậy, sở trú như vậy, đôi lúc và đôi khi niệm bị thất thoát, khởi lên các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng liên hệ đến kiết sử. Chậm chạp, này các Tỳ Kheo, là niệm được khởi lên.

Mau lẹ, vị ấy từ bỏ trạng thái ấy, gột sạch, chấm dứt, không cho hiện hữu. Ví như, này các Tỳ Kheo, một người làm rơi hai hay ba giọt nước trên một nồi sắt được hơ nóng cả ngày.

Chậm chạp, này các Tỳ Kheo, là sự rơi xuống của các giọt nước. Mau chóng, chúng đi đến đoạn diệt, hoại diệt. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy sở hành như vậy, sở trú như vậy, đôi lúc và đôi khi niệm bị thất thoát, khởi lên các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng liên hệ đến kiết sử.

Chậm chạp, này các Tỳ Kheo, là niệm được khởi lên. Mau lẹ, vị ấy từ bỏ trạng thái ấy, gột sạch, chấm dứt, không cho hiện hữu. Như vậy, này các Tỳ Kheo, sở hành như vậy, sở trú như vậy của Tỳ Kheo được giác tri. Do sở hành, sở trú như vậy, các tham ái, ưu, bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ.

Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy với sở hành như vậy, sở trú như vậy, nếu có Quốc Vương hay Đại Thần của Vua, bạn bè, thân hữu hay bà con huyết thống đến dâng cúng tài sản và nói: Hãy đến đây, này bạn!

Sao lại để những y vàng ấy hành hạ bạn?

Sao lại sống với đầu trọc và bình bát?

Hãy hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức.

Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy có sở hành như vậy, có sở trú như vậy, sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục. Sự việc như vậy không xảy ra. Ví như, này các Tỳ Kheo, Sông Hằng hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nghiêng nhập vào phía Ðông.

Rồi một đám dân chúng đông người đến với xuổng, cuốc, giỏ và nói: Chúng ta hãy làm cho Sông Hằng này hướng về phía Tây, xuôi về phía Tây, nghiêng nhập vào phía Tây.

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ Kheo, đám dân chúng đông người ấy có thể làm cho Sông Hằng hướng về phía Tây, xuôi về phía Tây và nghiêng nhập vào phía Tây không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Vì sao?

Vì Sông Hằng này, bạch Thế Tôn, hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nghiêng nhập vào phía Ðông. Không có dễ gì làm cho hướng về phía Tây, xuôi về phía Tây, nghiêng nhập vào phía Tây được. Chỉ có đám dân chúng đông người ấy chuốc lấy mệt mỏi và thất vọng thôi.

Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy với sở hành như vậy, sở trú như vậy, nếu có quốc vương hay Đại Thần của Vua, bạn bè, thân hữu, hay bà con huyết thống đến dâng cúng tài sản và nói: Hãy đến đây, này bạn.

Sao lại để những y vàng ấy hành hạ bạn?

Sao lại sống với đầu trọc và bình bát?

Hãy hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức. Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy có sở hành như vậy, có sở trú như vậy, sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục. Sự việc như vậy không xảy ra.

Vì sao?

Này các Tỳ Kheo, vì tâm của vị ấy đã lâu ngày hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, nghiêng nhập vào viễn ly. Do vậy sự hoàn tục không xảy ra.

***