Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tỳ Da Sa Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH TỲ DA SA VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN HAI
 

Bạch Thế Tôn! Thế nào là bố thí mà không mất quả báo?

Bố thí cho cả hai hạng người có trì giới và không có trì giới thì nghĩa đó như thế nào?

Phật dạy: Này Đại Tiên! Nay ông hãy lắng nghe về phước báo của sự bố thí. Nếu người có lòng tin bố thí cho tất cả thì gọi là bố thí. Họ không lo đến vị lai mà thực hành bố thí, không xem thường hủy nhục người khác mà thực hành bố thí, do vậy mới gọi là bố thí.

Đại Tiên nên biết, lại có người bố thí mà không chọn lựa ruộng phước dù người trì giới hay không trì giới chỉ với đức tin để khai mở mắt trí, phát sinh lòng kính mến mà cúng thí, tâm thường duyên khắp tất cả chúng sinh. Đại Tiên nên biết, với thí chủ thì có đầy đủ năm loại thí chủ.

Những gì là năm?

1. Bố thí đúng lúc.

2. Bố thí cho người hành đạo.

3. Bố thí cho người bệnh và người chăm sóc bệnh.

4. Bố thí cho vị rường cột đạo pháp.

5. Bố thí cho người sắp đi nước khác.

Lại có năm loại thí.

Những gì là năm?

1. Bố thí chánh pháp.

2. Bố thí tiền của để sinh sống.

3. Bố thí nhà cửa.

4. Bố thí đèn sáng.

5. Bố thí hương hoa.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là bố thí thanh tịnh?

Đức Phật dạy: Này Đại Tiên! Nếu người có lòng tin ưa chúng sinh mà thường khởi tâm từ bi, tâm hoan hỷ, xả vật bố thí, rồi vì những điều thanh tịnh đó và nguyện xin giải thoát, thì bố thí như vậy tức là thanh tịnh.

Lại có năm loại bố thí vô thượng.

Những gì là năm?

1. Cúng dường Như Lai là vô thượng.

2. Cúng dường Chúng Tăng là vô thượng.

3. Cúng dường pháp khí là vô thượng.

4. Cúng dường cho cha mẹ là vô thượng.

5. Bố thí cho Nhà Vua mất ngôi bần cùng là vô thượng.

Bố thí như vậy là bố thí vô thượng. Hoặc bố thí cho người già nua cô quạnh tật bệnh gọi là bố thí lớn. Hoặc người làm cho Vua nổi giận phải bị tội hành hình, hoặc người bị nạn nguy khốn đến tính mạng vì để cứu mạng sống những người kia nên không tiếc thân mình mà thí xả tài vật cho người kia là bố thí lớn. Bố thí thuốc men cho người bệnh tật là bố thí lớn.

Hoặc đối với chúng Tăng giữ giới đầy đủ mà bố thí theo thời là bố thí lớn. Cung cấp cho người cầu trí tuệ là bố thí lớn. Hoặc bố thí cho súc sanh có sự sợ hãi như là chồn, nai v.v… là bố thí lớn.

Hoặc bố thí cho người khốn khổ thiếu thốn tùy nhu cầu là bố thí lớn. Đại Tiên nên biết, đây là bố thí lớn, cần phải tu tập đúng đắn. Lại có người được người khác sai đem tài vật đi bố thí mà chính người đó có tâm thanh tịnh thì cũng được phước bố thí.

Hoặc có người thấy người khác bố thí mà sinh tâm tùy hỷ thì cũng được phước bố thí. Những người khuyến khích bố thí hay người bố thí đều được phước báu lớn. Nói chung tất cả các người biết cách bố thí như vậy đều có quả báo tốt đẹp.

Lại nữa, này Đại Tiên! Như trước ông đã hỏi, sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, vì sao cúng dường Tháp Miếu mà được phước báo?

Đại Tiên, ông nên biết, nếu có người đối với ta sau khi nhập Niết Bàn mà thiết lễ cúng dường, hoặc lại có người ta chưa Niết Bàn, hiện còn tại thế mà cúng dường ta, thì phước báo mà cả hai đạt được đều giống nhau không khác.

Vì sao?

Vì Như Lai là pháp thân chẳng phải là sắc thân. Nếu ai cúng dường khi ta còn trụ thế hay sau khi nhập diệt mà cúng dường với tâm bình đẳng thì được phước báo không khác.

Đại Tiên nên biết, như Chuyển Luân Vương truyền lệnh khắp các cõi nước: Tất cả dân chúng bắt đầu từ nay không được giết hại chúng sinh, không được vọng ngữ. Người nào đó khi nghe Vua ban lệnh tuy không thấy Vua nhưng hoàn toàn tuân hành mệnh lệnh của Vua.

Người như vậy tuy không cúng dường thân của Chuyển Luân Vương nhưng Nhà Vua đối với người kia tâm sinh vui mừng. Người này hoàn toàn tuân hành mệnh lệnh của Vua do không giết hại chúng sinh nhờ nhân duyên nghiệp thiện nên được quả báo sinh về Cõi Trời.

Đại Tiên nên biết, nếu người không thấy tướng sắc thân của ta, không tu học giới luật thì chứng đắc được gì. Nếu người thấy được ta mà tâm tà kiến như Đề Bà Đạt Đa thì bị đọa vào địa ngục. Nếu người đối với ta sau khi nhập Niết mà khéo học giới thì nên biết, người kia hơn hết.

Đại Tiên nên biết, hôm nay sắc thân tối thắng của ta đã chứng nhất thiết trí, đối với chúng sinh không có đức tin thì cũng có thể làm cho họ học giới, huống nữa là người có lòng tin. Người đối với ta sau khi nhập Niết Bàn mà cúng dường là người nay đang cúng dường ta không có gì sai khác. Đại Tiên nên biết, ví như cỏ lau sậy rậm rạp trong rừng sâu, trong đó lửa bùng cháy, nếu lúc đó có một trận mưa thì sẽ dập tắt chỗ cháy đó.

Cũng thế, tùy theo thí chủ bố thí, phước đức đầy đủ thế nào thì cơn mưa thấm nhuần phước đức như vậy, tức nương vào thí chủ mà không rơi vào nơi nào khác. Đại Tiên nên biết, phước đức của bố thí chẳng có chứa nhóm, cũng chẳng có hình tướng.

Như thế, người đã bố thí sau khi qua đời thì phước đức của bố thí ấy không xa lìa, như bóng theo hình. Đó gọi là người bố thí được quả báo phước đức, phước quả không mất. Ví như cây mía, trái nho lúc chưa ép thì không được mật, có ép mới được. Nhưng nước mật kia chẳng phải trong cây mía hay trong trái nho, hiện tại do hòa hợp các điều kiện mà thấy có nước mật, chẳng phải tự ở trong tiết ra cung chẳng phải không có mật.

Bố thí tài vật cũng vậy, quả báo của sự bố thí cũng vậy, đối với thí chủ thì nó chẳng ở trong tay, chẳng ở trong tâm, chẳng ở trong bụng, nhưng nó cũng không rời xa thí chủ, cũng như nước mật kia không rời cây mía hay trái nho. Như vậy, phước báo của bố thí không xa lìa thí chủ, chưa chín thì chưa lãnh thọ, mạng sống chưa hết thì không được quả báo của bố thí.

Ví như hạt Ni câu đà của thọ vương, hạt của nó rất nhỏ, gieo xuống đất thì chẳng thấy, đến khi mọc cây mới có thể thấy được. Phước báo bố thí của thí chủ cũng như vậy, khi các duyên chín muồi mới được phước báo. Ví như người buôn mang rất ít hành trang vào trong thành lớn, thành ấy rất khan hiếm vật dụng, nên họ thâu lợi nhuận rất nhiều.

Bố thí cũng vậy, bố thí tuy ít nhưng được phước đức lớn. Lại như ong lấy mật hoa mà không làm tổn hại đến hoa. Thí chủ cũng vậy, tùy theo sự bố thí thế nào thì được năng lực phước báo như thế, đó là thí chủ. Đại Tiên, thế lực phước đức của sự bố thí của thí chủ cũng như vậy. Nói thí chủ là do tự mình bố thí nên được gọi là thí.

Thế nào là người thọ?

Thọ nhận sự bố thí của người khác, có thể tiêu vật của người đó, cho nên gọi là người lãnh thọ.

Lại hỏi: Thế nào là phước đức của sự bố thí?

Ở trong thế gian có thể giúp đỡ, cứu hộ, có thể làm đầy đủ để được làm thân Trời người nên gọi là phước đức. Nói về đời khác là, tuần tự chuyển đổi sự sống đến thân đời sau nên gọi là đời khác.

Bấy giờ, Đại Tiên Tỳ Da Sa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã xa lìa tâm nghi ngờ đã rõ chắc chắn về phần bố thí nhưng còn có điều nghi vấn.

Bạch Thế Tôn! Thần thức trong thân chuyển đổi thế nào?

Sao thấy được thần thức?

Trong thân người, thần thức tham luyến như thế nào?

Đức Phật dạy: Này Đại Tiên! Ví như vị Vua của một nước ở trong thành lo sợ quân địch nên trước tiên lo đào hào đắp lũy xung quanh thành, tích chứa lương thực, cung tên giáo mác, đủ các loại binh khí.

Tập trung nhiều người khỏe mạnh có thể chiến đấu, lập thành đoàn quân dũng mãnh, cũng quy tụ nhiều thiếu niên mạnh mẽ, cấp cho họ lương thực, ra lệnh các hàng rượu bày nhiều loại rượu ngon, thu nhận người xuất gia bố thí cúng dường, dùng tài vật quý giá để thâu nhận mọi người, đã làm như vậy rồi.

Lớn tiếng bảo: Hãy vững tâm chớ dao động. Hãy trang bị binh khí tay cầm cung tên, thân mặc áo giáp rút đao cảnh giác đề phòng. Dạy như vậy rồi, đội quân nước khác tiến đến rất nhiều voi ngựa.

Lúc đó, Nhà Vua an ủi các binh chủng: Hãy dốc hết sức lực chớ lo sợ, nơi thành lũy nếu chỗ nào không được bền chắc thì phải thường xuyên đề phòng canh giữ thật tốt. Tất cả đều chuẩn bị như vậy nhưng đến khi phước đức của Vua đã hết roi sẽ bị quân địch tiêu diệt, chỉ trong chốc lát bị thua trận phải bỏ nước ra đi.

Thần thức cũng vậy, trú ẩn trong thành thân người nhập vào trong Vua, khi thấy quân vô thường đến thì sinh lo sợ, liền đào hào đắp lũy tín tâm, bờ cao trì giới, khoác áo giáp ức niệm, phát khởi tinh tấn, dùng Tạng pháp làm nhiệt huyết, khéo điều phục ngựa tâm.

Lúc đó tuyên cáo với mọi người: Hãy làm những việc cần làm. Nếu có năng lực lớn và vô lượng năng lực thì khi quân vô thường kéo đến công phá thành thân thì nhanh chóng mặc áo giáp bố thí, cầm gương trí tuệ, khí giới tâm quý, an trí tương ứng, hộ trì giới vững chắc. Giữ vững như vậy, nếu quân vô thường kia bỗng nhiên kéo đến, tức thời cùng nhau giao chiến, kịp chống trả lại.

Nếu quân vô thường thắng trận thì thức liền bỏ đi, như Vua trong thành bỏ thành mà đi. Thức cũng như thế, ở trong căn đại giới trong thân hòa hợp, khi thân đã hoại, sáu nhập mất rồi thì xả bỏ thân thành kia, như thành bị đánh tan thì Vua bỏ thành chạy thoát. Vị Vua kia đã bỏ thành này rồi lại đến trú thành khác. Thức cũng như vậy, bỏ thân này rồi đến gá vào thân khác. Thế nên biết thức này và Vua không khác.

Bấy giờ, tiên Tỳ Da Sa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thức như vậy thì vì sao biết thân có phước đức hay không phước đức?

Thức này làm thế nào để biết là mình xả bỏ thân này?

Đức Phật bảo: Này Đại Tiên! Ví như người đi đường, gặp sóng lớn, nước sông dâng cao, vì qua sông đó nên phải lên bè lớn. Dòng sông kia sóng đã mạnh dữ dội, nước lại rất đục, lại có những loại sinh vật hung dữ như Na Ca La Thư, Thư Ma La, rắn nước, rái dữ, lại có gió độc lớn thổi xoáy tròn. Nhờ chiếc bè ấy nên sang được bờ bên kia bình an vô sự. Người đó ở nơi dòng sông dữ dội đó vô cùng sợ hãi như trong chốn hãi hùng.

Người này khi đã vượt qua sông rồi liền đi quanh chiếc bè ba vòng, sinh tâm luyến tiếc nghĩ: Lành thay, tôi nhờ bè này mà mình có thể vượt qua dòng sông lớn này.

Này Đại Tiên! Cũng vậy, người có phước đức sau khi mạng chung, thức nghĩ thế này: Do thân này của tôi mà được sinh về đường lành, sinh lên Cõi Trời. Khi ta làm thân người được lợi ích chẳng luống uổng. Thân chết này của ta giống như chiếc bè bền chắc có thể khiến ta vượt khỏi dòng nước lớn, trên con đường hiểm.

Thân của ta rất tốt đẹp thật đáng cúng dường. Thân như vậy không luống dối ta. Trong tội lỗi của sinh tử, ban cho ta lên Cõi Trời. Nghĩ như thế rồi, đối với thân sinh tâm thân kia như chiếc bè, xả bỏ thân kia rồi, tìm đến giới khác.

Lại có người không có phước đức thì thức tâm người ấy như người đi bè xấu hư để qua sông lớn.

Bè kia bị vỡ hoặc bị chìm, người ấy lo âu sợ hãi nghĩ: ta nay chẳng bao lâu sẽ chết cũng như nương vào bè hư, thật đáng lo sợ theo dòng nước trôi giạt vào chốn rất khủng khiếp có nhiều thú dữ như sư tử, hổ v.v…

Sau đó vượt qua được sông lớn rồi, người ấy giận ghét, nguyền rủa chiếc bè hư thế này: Thứ điên đảo, làm ác, sao lại lênh đênh trên con sông sóng dữ đục ngầu này, khiến cho ta bị rơi vào chỗ ác như vậy?

Ta ở trong chiếc bè này cuối cùng đạt được năng lực gì, dùng chiếc bè này để làm gì?

Nói như vậy rồi liền bỏ chiếc bè đó.

Cũng như thế, tâm thức của chúng sinh nương vào thân không phước đức thì tùy theo dòng chảy mà bị thoái lui, đọa vào chốn địa ngục, rồi quở trách thân này, nói như vậy: Ta đã bị nghiệp gì mà phải nhận quả báo thân ác này?

Thân như loài Yết Na. ta dựa vào thân này như dựa vào loài Yết Na. Nay, ta rất ác do thân mục nát này đến cửa địa ngục, giống như tơ của hoa sen tự vấn lấy thân.

Đại Tiên nên biết, thức cũng như vậy, neu phước đức hoàn hảo thì như nương vào chiếc bè tốt được vượt qua sinh tử. Nếu không có phước đức thì như nương vào bè hư mục, bị đọa đường ác. Đó là hai loại thân có phước đức và không có phước đức, cần phải biết.

Lai nữa, thức này khi chuyển bỏ thân này thì được thân thứ hai.

Trước hết ở trong thai mẹ vừa được bảy ngày liền nhớ biết như vậy: ta từ nơi kia sinh vào đây.

Cũng có thể nhớ biết nghiệp trước đã làm: ta đã tạo nghiệp này.

Nếu tạo nghiệp thiện thì tâm sinh vui mừng ngay trong thai mẹ, khiến cho mẹ vui cười, hiện nhiều tướng lành: Mặt mẹ luôn vui vẻ tươi đẹp, tùy theo việc mà hành động, phần nhiều dùng chân phải giẫm mạnh xuống đất, vô cớ tay thường xoa hông phải, thích mặc y phục trắng sạch, đeo đồ trang sức xinh đẹp. Chúng sinh có thức phước đức như vậy, trụ trong thai mẹ, tướng hiện như thế.

Đại Tiên nên biết, nếu thức vô phước thì khi mới thọ sinh trong bảy ngày, có thể nhớ biết: ta từ nơi kia mà sinh đến đây.

Cũng có thể nhớ biết nghiệp trước đã tạo, nghĩ: Ta đã tạo nghiệp ác. Nhớ nghĩ như vậy nên lòng sầu não lo âu, vì lòng lo âu nên khiến mẹ hiện tướng bên ngoài.

Chúng sinh không có phước đức, không làm việc thiện đó ở trong thai mẹ khiến hiện ra tướng bên ngoài, như thân hôi hám lại gầy gò, tâm phiền muộn thường ói mửa, choáng váng mặt mày. Chúng sinh như vậy khi mới ơ trong thai mẹ, liền khiến cho gia đình đó gặp hoạn nạn hay bệnh hoạn. Chúng sinh vô phước tạo nghiệp ác như vậy, khi sắp sinh ra hoặc có thể làm mẹ chết, hoặc chết ngay trong thai. Chúng sinh vô phước có tướng như thế.

Khi ấy, Đại Tiên Tỳ Da Sa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thức tâm ban đầu này khi mới nhập thai thì nhớ nghĩ và thấy biết những gì?

Đức Phật dạy: Này Đại Tiên! Thần thức ấy lúc mới sinh ra nhớ nghĩ và thấy biết những nơi vui chơi trong rừng, cung điện lầu gác, ao hồ sông nước quanh co, đầm chầm rộng rãi, đủ loại nhà cửa. Ở cõi Diêm Phù Đề này có nhiều người thương yêu như cha mẹ anh em.

Thấy biết như vậy rồi, vô cùng yêu mến, phước đức cùng tụ tập, tương nhiếp với nhau, có người bố thí lại có người nhận vật. Lại có thể biết các việc làm ở đời quá khứ, nhớ biết vô lượng trăm đời, vô lượng ngàn đời quá khứ.

Thức đó luôn luôn nhớ nghĩ như vậy, đã nhớ nghĩ rồi, sinh tâm ưa thích, có thể biết như vậy: Người mẹ này ở quá khứ đã năm trăm đời làm mẹ của ta.

Người ấy đã nhớ nghĩ như vậy, đối với nơi sinh đến không còn ý thích, tâm ý nhàm chán nghĩ: Ta đã nhiều lần chết đi sống lại ở nơi này rồi từ nay về sau không còn muốn sinh tử nữa, cũng không nhập thai nữa.

Đức Phật giảng rồi, Đại Tiên Tỳ Da Sa hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Thức ấy trong sinh tử muốn thoát ly có được chăng?

Đức Phật bảo: Này Đại Tiên! Không thể được, chưa phải lúc, chưa phải nơi. Lúc đó thức kia không có sắc chẳng thấy không có ánh sáng. Cảnh giới thức như vậy chẳng phải ở nơi đó mà được thoát ly. Trong cõi hữu vi luôn luôn còn tái sinh. Nếu có một chúng sinh được thoát ly như vậy thì người có phước và kẻ vô phước đều đạt đến Niết Bàn. Nghĩa đó là như thế.

Đại Tiên nên biết! Nếu thức tâm kia suy nghĩ như thế thì thức tâm đó có năng lực rất thù thắng. Nên biết như thế chẳng phải là năng lực của thân.

Đã gọi là thức thì thế nào gọi là thức biết?

Do tập hợp nên biết suy nghĩ, do biết nên gọi là trí, vì vậy gọi là thức biết. Nghĩa thức như vậy, Đại Tiên nên biết.

***