Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tỳ Da Sa Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH TỲ DA SA VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Bà Già Bà du hóa đến bờ sông A Du Xà Cường Già cùng với chúng Đại Tỳ Kheo. Chúng Tỳ Kheo này, việc cần làm đã làm xong, đã diệt trừ hết các lậu, xa lìa các hữu, không còn thoái chuyển, siêng tu thiền tụng, ngồi thiền.

Ngồi bất cứ nơi đâu thì nơi đó cũng có hai người cùng nhau bàn luận đúng như pháp, tập trung cùng tụ tập như Thiên Nga, như uyên ương, có người ở nơi nhà trống, có vị ở nơi gốc cây đều hành thiền, có thể chọn lấy ánh sáng giáo pháp của Như Lai, trụ vững oai nghi. Lại có vô lượng chúng Bồ Tát đã thành tựu vô lượng công đức, danh tiếng vang khắp.

Ở đó có vô lượng trăm ngàn đủ loại rừng cây với nhiều tiếng chim hót hay như tiếng chim Câu Kỳ Lạ, Khổng Tước, Ngỗng, tiếng của đàn ong v.v… nhánh lá cây Ta La chỉ rủ xuống tỏa ra. Người ở nơi như thế, mọi tâm dục, biếng nhác, ưa thích ngủ nghỉ uể oải đều biến mất. Cây ấy thường có vô lượng hoa đẹp, hương lành.

Bấy giờ, Đức Phật bảo chúng Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo! Các ông phải thường chuyên cần tu tập, làm việc nên làm, giữ giới, hành hạnh chân chánh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng với chúng Đại Thanh Văn như tuệ mạng A Nan Đà, Trưởng Lão Đại Ca Diếp, Trưởng Lão Xá Lợi Phất, Trưởng Lão Bạc Câu La, Trưởng Lão Lợi Bà Đa cùng sống trong thanh vắng, vui thích bàn luận. Bấy giờ, phương Tây xuất hiện tướng ánh sáng giống như mặt trời.

Khi ấy Tôn Giả A Nan đà lậu hoặc chưa hết nên thấy tướng đó liền thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao ở phương Tây có ánh sáng oai đức rực rỡ?

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Thế Giới đó có vị tiên chứng được năm loại thần thông tên là Tỳ Da Sa, con của bà Kiền Đà Dà Ly, có năm trăm vị tiên làm quyến thuộc. Ở đó họ siêng năng tu tập khổ hạnh, không ăn uống để giữ trai giới, thân thể đều gầy yếu chỉ còn mạng sống.

Hơn nữa, họ siêng đọc tụng không ngừng để trang nghiêm. Tên của các vị ấy là tiên đồng tử A Tư, Na La Đề Sa Bùi, Nhã Ba Da Na Na, Đồ Diên Na Già Ma Diên Na, Thương Chỉ La Bà Tỳ, Kha Na Bà Đồ La Đà v.v… các vị tiên này thường cùng nhau kinh hành.

Khi đó, tiên Tỳ Da Sa thấy Đức Thế Tôn và hàng ngàn Tỳ Kheo quyến thuộc vây quanh, các căn, tâm ý vắng lặng, ở trong rừng cây, thiền định, lìa dục và được an lạc.

Tiên Tỳ Da Sa thấy Đức Phật liền nghĩ: Người này đúng là bậc nhất thiết trí tiếng tăm vang dội, người ấy chắc chắn không nói dối, đúng là bậc Như Lai đầy đủ các sắc thù thắng, thành tựu các tướng hiếm có, ở thế gian chưa từng có, sắc tướng thật tốt đẹp hiếm có.

Đức Thế Tôn này đã tự tại bỏ những thú vui của ngôi Vua, xả bỏ sự phú quý của Vua Chuyển Luân như bỏ thức ăn độc hại: Thế Tôn xả bỏ sáu vạn thể nữ sắc đẹp tuyệt vời, đi xuất gia sống trong rừng.

Trong chúng Tiên Nhân có một vị tên Na La Đà khi thấy Đức Thế Tôn, tâm vui mừng dùng kệ hay tán thán Như Lai:

Trong rừng cây màu xanh

Màu vàng ai rực rỡ

Trong như Tỳ Lưu Ly

Mặt Trời khỏi núi mây.

Khi ấy, vị Đại Tiên và chúng tiên nghe ke rồi vui mừng được mắt trí, đều chấp tay hướng về Đức Phật.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo! Các vị có thấy những vị tiên ở Diêm Phù Đề trói tay chân, tự treo thân trên cây, không ăn uống để giư trai giới, mặc áo vỏ cây, nằm ở trên đất chăng?

Hoặc ở trên đá dùng hai tay bụm lấy thức ăn rồi mở tay ra mà ăn, hoặc hít thở không khí làm thức ăn, hoặc có người mười lăm ngày không ăn để giữ trai giới hoặc có người một tháng không ăn để giữ trai giới, khiến cho râu, tóc, móng tay đều dài ra, ba thời sáng, trưa, chiều đều tụng Kinh.

Có loại tài sản của dòng họ, có loại tài sản do phước đức, trước tiên chú nguyện các vật rồi đặt vào trong lửa, để cúng dường lửa. Còn nằm thì nằm ở dưới đất, có người nằm ở đất trống, có người nằm nơi gốc cây, có người tự trói tay mình trên cây mà ngủ.

Hoặc có người ngồi chồm hổm mà ngủ, hoặc có người ơ trong nước mà ngủ, rồi dùng năm thứ nóng để nướng thân. Có người tự nằm trên lửa để nướng thân, có người nằm dưới ngọn gió cháy rực, có người nằm trên gai, có người nướng thân dưới Mặt Trời chịu đau đớn để mong cau phước, tự lừa dối thân để cầu ở chỗ thuận tiện, chủng tánh tôn quý, tâm cho là đủ, tâm cho là vui mừng, xa lìa trí vô thượng.

Này các Tỳ Kheo! Vị Đại Tiên Nhân này không thể biết được sự giải thoát sinh tử, do tham dục, si mê lại sinh trong các cõi, tự cho là chánh hạnh mà không biết đó là sai lầm.

Lúc đó, các Tỳ Kheo đảnh lễ Đức Phật và thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con có đầy đủ phạm hạnh chân chánh, cùng nhau hòa hợp xa lìa các cõi.

Vị Đại Tiên Nhân Tỳ Da Sa kia, thấy năng lực oai đức của A La Hán mà sinh lo sợ, nhìn một cách chăm chú, tâm ý kính trọng, nhất tâm chuyên ý, cùng đi với các vị Tiên Nhân quyến thuộc, quấn gọn mái tóc về một chỗ rồi dùng dây đẹp đeo trên thân, hình thể đen đủi, hai mắt vàng khè, đầu tóc khô cứng kết bện vào nhau, tay cầm ba khúc cây to, đồ vật đặt trong bình là thứ xấu nhất trên đời, các thứ ngôn ngữ đều khéo léo.

Vì thành tựu môn ngôn ngữ, đi trong hư không đến chỗ Như Lai thưa: Bạch Thế Tôn! Ngài nên biết ý nghĩa này, vì nhân duyên gì mà con và các quyến thuộc đến đây?

Đức Phật bảo: Này Đại Tiên! Ta đã biết rõ tất cả loài có sự sống và tất cả các pháp.

Bấy giờ, A Nan đà bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vị Đại Tiên búi tóc đứng giữa tiên chúng với tâm trí sáng suốt biết rõ cùng tận mọi chuyện và không hề có thái độ sợ hãi tên là gì?

Đức Phật dạy: Này A Nan! Đó là vị Tiên Nhân tên là Tỳ Da Sa, người sáng tác ra bốn Bộ Tỳ Da của Bà La Môn, khéo rõ biết văn luận thế tục.

Bấy giờ, các vị A La Hán thấy Đại Tiên Tỳ Da Sa rồi đều suy nghĩ: Vị Tiên này chịu khổ chuyên cần trì giới có được sở đắc gì?

Tỳda sa này chưa được giải thoát khổ não sinh tử.

Các vị A La Hán lại nghĩ như vậy: Tiên Tỳ Da Sa này đến chỗ Đức Phật sẽ thưa hỏi đều gì, hỏi về nhân duyên, hay vô ngã?

Khi đó, Tiên Tỳ Da Sa thưa Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Sinh ra đời gặp Phật là rất khó, hôm nay chúng Tiên Nhân cùng hội tụ về đây, con có đôi điều muốn hỏi. Cúi xin Thế Tôn Giảng giải cho.

Đức Phật bảo: Này Đại Tiên! Ông cứ tự nhiên thưa hỏi. Tùy theo ý nghĩ của ông thưa hỏi, Ta sẽ giảng giải cho ông.

Tiên Tỳ Da Sa thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là bố thí?

Vì sao phải bố thí?

Nghĩa bố thí là gì?

Thế nào là thí chủ?

Thí chủ có nghĩa là gì?

Thế nào là người bố thí chẳng gọi là thí chủ?

Thế nào không cho mà được gọi là thí chủ?

Thế nào là người chết rồi bố thí mà phước đi theo?

Phước bố thí thế nào?

Có hình tướng không?

Tụ tập lại có thể thấy hay là không thể thấy?

Phước bố thí của thí chủ ở đâu, tại người thọ nhận hay ở người cho?

Bạch Thế Tôn! Sau khi Ngài nhập diệt, cúng dường tháp như thế nào để được phước báu?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo: Này Đại Tiên Tỳ Da Sa! Những điều ông hỏi thật vi tế, ông có biện tài không thể nghĩ bàn mới có thể hỏi như vậy.

Bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất tóc bạc mặt nhăn, lông mày phủ mặt, đưa tay đỡ long mày, kéo dài hơi thở, ngắm nhìn hồi lâu mới nói: Đại Tiên Nhân Tỳ Da Sa này có danh tiếng lớn, mọi người đều biết và nói đến, đâu có thể không biết như những người ngu si hay trẻ nít không có trí tuệ ở đời mà khong hỏi về nhân duyên hay vô ngã những giáo pháp thâm sâu, những điều hiểu biết tốt đẹp, ngôn ngữ trí tuệ mà lại hỏi về pháp bố thí như thế?

Khi ấy, Tôn Giả A Nan đảnh lễ sát chân Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Đại Tiên Tỳ Da Sa này hỏi về quả báo của sự bố thí, con cũng có thể giải nói.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Đây chẳng đúng lúc, nếu hỏi Như Lai mà hàng Thanh Văn giải đáp thì không thích hợp. Thôi đi A Nan, không có đạo lý này.

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tùy theo ý Tiên Nhân hỏi như thế nào thì con cũng có thể giảng giải đầy đủ theo ý đó.

Đức Phật bảo: Này Xá Lợi Phất! Thầy nói quá vội vàng, tâm không suy nghĩ.

Này Xá Lợi Phất! Chớ nói như vậy, điều này không thích hợp. Vì nếu hỏi ta mà hàng Thanh Văn đáp thì điều này không thích hợp, vì sẽ có người cho rằng Đức Như Lai chẳng phải bậc Nhất thiết trí, hoặc sẽ có người lại nói, tiên Tỳ Da Sa đến hỏi Như Lai, vì không có khả năng giải đáp nên giao cho hàng Thanh Văn đáp. Hoặc có người cho rằng, Như Lai còn có ngã mạn, biết mà không giải đáp.

Lúc đó, chư Tỳ Kheo nghe Đức Phật nói như vậy rồi đều sinh lòng tin thanh tịnh, bạch: Bạch Thế Tôn! Đại Tiên Tỳ Da Sa kia có điều thưa hỏi, xin Thế Tôn Giải đáp để có thể đoạn trừ hết nghi vấn của Tiên Nhân.

Đức Phật bảo Đại Tiên Tỳ Da Sa: Đại Tiên hãy lắng nghe quả báo của việc bố thí và bố thí có ý nghĩa gì?

Khi đã bố thí rồi thì tự mình được ăn uong, được thanh tịnh, khi thí rồi thì được quả báo nên gọi là bố thí.

Do nghĩa nào mà gọi là thí chủ?

Đại Tiên hãy lắng nghe, nếu người có tài vật mà phát sinh tín tâm, rồi đem tài vật giao cho người khác sai đến nước khác bố thí thì người chủ kia được phước chứ chẳng phải phước của người bố thí.

Người được sai kia tuy cầm vật bố thí nhưng chẳng phải là người bố thí. Nếu người có vật tự tay bố thí thì gọi là người bố thí cũng gọi là thí chủ. Đại Tiên nên biết, có ba mươi ba hạng người bố thí chẳng thanh tịnh.

Những gì là ba mươi ba?

1. Người có tâm tà, thấy biết điên đảo, không có tâm tịnh mà bố thí. Người bố thí như vậy chẳng phải bố thí thanh tịnh.

2. Người vì báo ân mà bố thí tài vật thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

3. Người chẳng có lòng thương mà bố thí thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

4. Người vì tâm ham muốn mà bố thí thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

5. Người bố thí vật cho lửa cũng chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

6. Người bố thí vật cho nước thì cũng chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

7. Người người khởi tâm như vậy: Ta bố thí vật cho Vua hy vọng được Vua biết đến. Bố thí như vậy chẳng phải la bố thí thanh tịnh.

8. Người người vì sợ giặc mà thí vật cho chúng thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

9. Người bố thí chất độc thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

10. Người bố thí đao thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

11. Giết người lấy thịt mà bố thí thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

12. Thâu phục chúng sinh, bình đẳng bố thí và tập trung nuôi dưỡng mong được sức mạnh của họ thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

13. Người vì danh vọng mà bố thí tài vật thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

14. Người người vì ca hát vui chơi mà bố thí cho ca kỹ thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

15. Người vì năm cùng, tháng tận, phá tan tài vật thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

16. Người vì sự cố về nhà cửa mà bố thí tài vật thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

17. Người vì bạn hữu mà lấy vật của người khác trao cho thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

18. Có người hoặc ở trên đồng ruộng hoặc trong nhà có nhiều lúa, lúa tẻ bị nai, chim, chuột ăn mà người đó không vui lòng thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

19. Có người vì sự học nghề mà bố thí tài vật cho thầy thợ, thì chẳng phải là bố thí thí thanh tịnh.

20. Có người thân nhiều bệnh hoạn, lo sợ cái chết mà bố thí tài vật cho thầy thuốc thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

21. Có người đánh mắng người khác rồi lòng sinh hối hận hổ thẹn nên đem vật bố thí thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

22. Nếu có người đã bố thí rồi mà sinh tâm nghi ngờ là có được quả báo không thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

23. Có người bố thí rồi mà trong lòng bực bội hối tiếc thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

24. Có người bố thí vật cho người khác rồi mà suy nghĩ như vậy: Những người này lấy vật của ta thì phải phụ thuộc vào ta và làm theo ta. Bố thí như vậy chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

25. Người bố thí rồi mà nghĩ như vậy: Bố thí như vậy phước báo thuoc về ta không thuộc về người khác thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

26. Có người lúc trẻ trung thì không bố thí, đến lúc tuổi già do bị bệnh khổ, hoặc lúc sắp chết, tay chân rời rã, thân thể khổ não giày vò sắp đến cõi chết, tâm không thanh tịnh, không có lòng tin chân chánh, sứ giả của Diêm La đùa cợt trước mặt, quyến thuộc nhìn ngó khóc than mới bố thí thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

27. Có người bố thí vì danh tiếng như muốn tên mình lan khắp các nước, mọi thành thị mình là đại thí chủ. Người bố thí như vậy chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

28. Nếu cho người khác mà thay đổi, ganh ghét như khi thấy người khác thực hành bố thí nhiều tài vật liền sinh tâm ngạo mạn không chịu nổi, do lòng ganh tị với người kia nên bố thí tài vật thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

29. Có người muốn chiếm đoạt người nữ nên đem châu báu, vàng, bạc, kim cương, Tỳ Lưu Ly, áo quần lụa là, và mọi thứ vật dụng cho dòng họ của người nữ ấy, thì các bố thí như vậy chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

30. Có người suy nghĩ như vậy: Bố thí vật cho mọi người vì ta không có con mà của cải thì nhiều nên phải bố thí. Bố thí như vậy chang phải là bố thí thanh tịnh.

31. Có người sinh tâm tính toán như vậy: Nếu ta bố thí cho người này thì có phước đức, còn bố thí cho người kia thì không có phước đức. Bố thí như vậy thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

32. Người bố thí mà xa lánh người bần cùng, y áo rách nát, dơ bẩn, lại cho người giàu sang phú quý thì chẳng phải gọi là bố thí thanh tịnh.

33. Nếu người mong cầu được quả báo tốt đẹp mà bố thí cho người khác thì chẳng phải là bố thí thanh tịnh.

Này Đại Tiên! Ông nên biết, đối với ba mươi ba loại bố thí cấu nhiễm này mà xả bỏ tài vật có được phước báo của sự bố thí kia thì cũng giống như có người đem các hạt giống gieo trồng trên ruộng muối, thì những hạt giống sẽ bị thối nát hư hoại không thành.

Đại Tiên nên biết! Hạng người ấy tuy có bố thí nhưng chẳng được quả báo tốt đẹp. Lại nữa Đại Tiên, ví như người có được các loại hạt giống rồi đem gieo trồng ở ruộng hoang, những hạt giống ấy nương nơi đất đó lại gặp mưa, hoặc bị hư hoại hay dù có nảy mầm mọc lên đi nữa thì chắc chắn không đem lại thành quả tốt. Việc bố thí này không được kết quả cũng như vậy.

Thế Tôn Giải đáp như thế rồi, Đại Tiên Tỳ Da Sa chấp tay hướng về Đức Phật thưa: Như Lai Thế Tôn là bậc nhất thiết trí dùng lời thích hợp giảng dạy về quả báo của sự bố thí đã tạo lợi ích an lạc cho chúng sinh.

***