Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh úc Ca La Việt Vấn Bồ Tát Hành

PHẬT THUYẾT KINH

ÚC CA LA VIỆT VẤN BỒ TÁT HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BỐN

PHẨM CHỖ Ở KHÔNG THANH TỊNH
 

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên biết rõ mọi việc cấu nhiễm ở gia đình, nên tư duy: Thế nào gọi là tại gia?

Là đoạn mất các cội gốc căn lành gọi là tại gia. Không hộ trì Kinh Điển và các công đức gọi là tại gia. Ở nơi các phiền não bất thiện, ở nơi tưởng bất thiện, ở nơi sự hành hóa bất thiện, thường ở với người không lương thiện, không định tĩnh, không có phép tắc, khiến tâm tán loạn, nhóm họp với người ác, hung dữ, đó gọi là tại gia.

Do làm theo những việc như vậy nên bị ma quấy nhiễu gọi là tại gia. Thường ở nơi tham, sân, si và các pháp tạp nhiễm ở thế gian như phiền não, khổ đau, không thể đầy đủ cội gốc căn lành, đó là tại gia.

Tuy ở trong pháp này nhưng không thực hành theo lại còn xem thường, không cung kính cha mẹ, bậc tôn trưởng, Phật, Sa Môn, Phạm chí và Đạo Sĩ, đó gọi là tại gia. Ưa thích ái dục, thường buồn khổ, ưu sầu, mọi việc đều chẳng vừa ý, gọi là tại gia. Luôn bị giam cầm sân hận, tranh cãi, không hòa hợp, kiện tụng mắng nhiếc, gọi là tại gia.

Không thể chứa nhóm pháp thiện, diệt hết các cội gốc công đức, điều không nên làm mà làm, chê bai Chư Phật, Bồ Tát và Thanh Văn, đó là tại gia. Tuy ở trong pháp này nhưng khiến người đọa vào cõi ác, ở trong pháp này nhưng làm cho người sợ hãi đối với tham, sân, si, đó là tại gia.

Không giữ gìn giới luật, xả bỏ định, không thực hành trí tuệ, không cầu pháp giải thoát, không làm sinh khởi pháp giải thoát tri kiến, đó là tại gia. Tuy trụ trong pháp này nhưng vướng mắc vào cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn bè, lo buồn về ân ái, không biết nhàm chán như các dòng sông đều đổ về biển, đó gọi là tại gia.

Từ sự nhiễm ô, tham lam mà khởi tư tưởng không gián đoạn, tại gia có nhiều tưởng tham lam, các việc ác, lo buồn không bao giờ chấm dứt. Tại gia thì chứa nhóm ân ái như thức ăn ngon có nhiều chất độc. Tại gia xem nguồn gốc các khổ như bạn lành.

Tại gia phần nhiều bỏ hết lời dạy của Hiền Thánh. Tại gia thường ưa thích tranh cãi, do có nhiều nhân duyên, sự việc. Tại gia mong cầu nhiều của cải, giàu có, thường làm các việc thiện, việc ác. Tại gia là vô thường, không thể tồn tại lâu dài vì pháp là tan hoại. Tại gia là khổ đau, thường có sự mong cầu, tham đắm các vật sở hữu.

Tại gia thường có tâm ác, dùng dao, gậy để gây oán kết. Tại gia biết là vô ngã nhưng vẫn có đối tượng thọ nhận cho nên luân hồi mãi. Tại gia không hề thanh tịnh vì tự cho mình là thanh tịnh. Tại gia như vạch tia sáng, vì chỉ mới xuất hiện rồi lại mau chóng tiêu diệt.

Tại gia như huyễn như hóa vì không có ngã mà thích đến đi, nhóm họp. Tại gia giống như hoa Tu Mạn, vừa sinh khởi lại tiêu mất nhưng có nhiều người mong cầu. Tại gia như sương sáng sớm, mặt trời mọc liền tan biến, chỉ lo âu về sự chết. Tại gia như cha mẹ, vui ít buồn nhiều.

Tại gia như lưới giăng, thường lo buồn đối với các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc. Tại gia giống như chim mỏ sắt, chỉ lo buồn các pháp bất thiện. Tại gia là rắn độc, lo buồn, bàn luận về các pháp. Tại gia như lửa đốt thân, do ý luôn tán loạn.

Tại gia thường sợ hãi oán thù, đó là năm loại giặc như: Oán kết, con hư v.v… tại gia ít an ổn, không thể giải thoát do không bình đẳng.

Như vậy, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên phân biệt rõ tại gia là nơi chốn không thanh tịnh.

***