Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh úc Ca La Việt Vấn Bồ Tát Hành

PHẬT THUYẾT KINH

ÚC CA LA VIỆT VẤN BỒ TÁT HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MỘT

PHẨM THƯỢNG SĨ
 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ngụ tại Tinh Xá nơi khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Đại Tỳ Kheo, năm ngàn Bồ Tát, như: Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Nhuyến Thủ, Bồ Tát Trừ Ác, Bồ Tát Quang Thế Âm v.v… đều hội đủ.

Bấy giờ, vô số trăm ngàn chúng vây quanh Đức Phật để nghe Ngài thuyết pháp. Trong thành Xá Vệ có một trưởng giả nổi tiếng tên là Úc Ca cùng với các trưởng giả Hảo Hỷ, trưởng giả Hảo Thán, trưởng giả Thiện Thí, trưởng giả Hữu Lượng.

Trưởng Giả Sở Lạc, trưởng giả Thường Danh Văn, trưởng giả Thí Danh Văn, trưởng giả Hữu Danh Văn, trưởng giả Thiện Tài, trưởng giả Tuân Hành, trưởng giả Cấp Cô Độc, trưởng giả Tân Kỳ, trưởng giả Sủng Cụ Túc và trưởng giả Thẩm Lượng, mỗi trưởng giả ấy đều cùng năm trăm quyến thuộc đi đến chỗ Đức Phật nơi thành Xá Vệ rồi cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng và lui ra ngồi một bên.

Những vị ấy đều đã lập chí nguyện nơi đại thừa, gieo trồng các cội gốc công đức, chắc chắn sẽ được thọ ký đạo quả Chánh Chân Vô Thượng.

Khi ấy, thấy chúng Bồ Tát và các trưởng giả rồi, trưởng giả Úc Ca nương oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, quỳ gối chấp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn thưa hỏi, cúi xin Đức Thế Tôn từ bi dùng phương tiện thiện xảo để giảng nói cho con.

Đức Phật bảo: Này trưởng giả! Ông muốn hỏi điều gì thì hãy thưa hỏi, Như Lai sẽ giảng nói khiến ông được hoan hỷ.

Trưởng Giả Úc Ca bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào phát tâm cầu đạo quả Chánh Chân Vô Thượng, được nghe vô số trí tuệ của Phật, học hỏi pháp đại thừa, nguyện an trụ nơi đại thừa, khuyến khích giúp đỡ người theo đại thừa.

Nương nơi pháp đại thừa, thông đạt về đại thừa, giảng nói và làm an ổn cho tất cả chúng sinh, mặc áo giáp đại thừa cứu giúp tất cả chúng sinh, phát nguyện: Những ai chưa được độ thì ta sẽ độ họ, người chưa giải thoát thì ta sẽ giải thoát cho họ, người chưa an ổn thì ta sẽ làm cho họ an ổn, người chưa chứng đắc Niết Bàn ta sẽ khiến họ chứng đắc Niết Bàn.

Ta sẽ trừ hết mọi gánh nặng cho tất cả chúng sinh, kiến lập thệ nguyện rộng lớn nơi đạo vô thượng, tâm không ô nhiễm bởi vô lượng sinh tử và các hiềm khích xấu ác, vô số kiếp xoay vần trong sinh tử nhưng tâm họ vẫn không hề buông bỏ, nếu cầu đạo tại gia hay xuất gia của Bồ Tát, hoặc muốn hoàn bị pháp của Phật.

Phải thương tưởng đến Chư Thiên và loài người, dùng pháp đại thừa này ban bố khắp tất cả, không bỏ mất những lời dạy về ngôi Tam Bảo và an trụ lâu dài nơi nhất thiết trí thì đạt đầy đủ trí tuệ này. Cúi xin Thế Tôn Giảng nói Pháp Giới đức của hàng Bồ Tát tại gia, những ai lắng nghe và thực hành theo lời dạy của Như Lai thì đạt được quả vị bất thoái chuyển.

Thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng, đời nay cho đến những đời sau, bất cứ ở đâu cũng đều là bậc trác tuyệt, cùng với hàng Bồ Tát xuất gia trừ sạch ái dục, dốc tâm giữ đạo, cạo bỏ râu tóc, làm vị Tỳ Kheo, thọ trì giới cấm, thực hành theo pháp, theo điều lành và làm theo sự chân chánh.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát tại gia nên an trụ như thế nào?

Hàng xuất gia ấy an trụ như thế nào?

Đức Phật bảo trưởng giả Úc Ca: Lành thay! Lành thay! Này trưởng giả! Chỉ có ông mới có thể phát tâm thưa hỏi Như Lai về ý nghĩa rộng lớn như vậy. Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Như Lai sẽ giảng nói về công hạnh chứa nhóm giới đức và sức tinh tấn của hàng Bồ Tát tại gia cùng xuất gia cho ông.

Khi ấy, trưởng giả Úc Ca lắng nghe để nhận lãnh.

Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nào tu đạo thì nên quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Nhờ công đức tự quy y này mới cầu đạo quả Chánh Chân Vô Thượng.

Này trưởng giả! Thế nào là Bồ Tát tại gia quy y Phật?

Bồ Tát tại gia nên nghĩ: Ta sẽ đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của Phật, tạo các công đức và cội gốc căn lành, chứa nhóm vô số hạnh nguyện, thường thực hành tinh tấn để hoàn bị ba mươi hai tướng tốt. Đó gọi là quy y Phật.

Thế nào là quy y Pháp?

Là thực hành theo giáo pháp, kính nhận giáo pháp, thông đạt nghĩa lý vi diệu của pháp, ưa thích giáo pháp, nương tựa nơi pháp, chí nguyện đối với pháp, nhờ pháp dẫn dắt, hộ trì pháp, an trụ nơi pháp tịch tĩnh, khua trống pháp và tăng, trụ vào hạnh nguyện của pháp.

Thực hành các pháp, vì pháp mà giảng nói về pháp giới, dùng diệu lực của pháp làm pháp chủ, thực hành bố thí pháp và cầu pháp bảo, lúc ta chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng, thành bậc Tối Chánh Giác thì sẽ giảng nói pháp giúp cho Chư Thiên và loài người được giải thoát. Đó là quy y Pháp.

Thế nào là quy y Tăng?

Hàng Bồ Tát tại gia nếu gặp bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Phật Bích Chi, Thanh Văn hoặc phàm phu đều nên cung kính phụng sự, chiêm ngưỡng lễ bái, luôn vâng theo, nói năng từ tốn, không hề nghi ngờ, tôn trọng, cúng dường, nương vào các hạnh chân chánh.

Lúc nào cũng tâm niệm: Khi ta chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng, thành bậc Tối Chánh Giác, thì sẽ thâu nhận tất cả Chư Thiên và loài người làm chúng đệ tử, sẽ cung kính nói pháp cho họ, không hề khinh mất. Đó là quy y Tăng.

Lại nữa, này trưởng giả! Có bốn pháp để hàng Bồ Tát tại gia quy y Phật.

Những gì là bốn?

Một là chí nguyện nơi Phật Đạo.

Hai là dùng tâm bình đẳng để bố thí, ý không thiên lệch.

Ba là tâm từ bi rộng lớn không gián đoạn.

Bốn là tâm không ưa thích thừa nào khác.

Đó là bốn pháp để hàng Bồ Tát tại gia quy y Phật.

Này trưởng giả! Có bốn pháp để hàng Bồ Tát tại gia quy y Pháp.

Những gì là bốn?

Một là cùng tu tập theo pháp của các Bồ Tát, đảnh lễ kính nhận giáo pháp chư vị ấy dạy bảo.

Hai là nhất tâm nghe pháp.

Ba là như pháp đã nghe rồi giảng nói lại cho người khác.

Bốn là nhờ công đức bố thí này mà nguyện cầu chứng đắc đạo quả Chánh Chân Vô Thượng.

Đó là bốn pháp để hàng Bồ Tát tại gia quy y Pháp.

Lại nữa, này trưởng giả! Có bốn pháp để hàng Bồ Tát tại gia quy y Tăng.

Những gì là bốn?

Một là vượt trên thừa Thanh Văn và Duyên Giác, chỉ ưa thích nhất thiết trí.

Hai là nếu có dùng thực phẩm để bố thí thì cũng dùng pháp để giáo hóa, dẫn dắt.

Ba là đem pháp giải thoát của Hiền Thánh để dẫn dắt chúng Bất thoái chuyển.

Bốn là không xem công đức giải thoát của hàng Thanh Văn là sự giải thoát.

Đó là bốn pháp để hàng Bồ Tát tại gia quy y Tăng.

Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nếu gặp Như Lai, luôn tâm niệm cầu Phật, đó là quy y Phật. Nghe thuyết pháp, chí tâm nghĩ nhớ đến pháp là quy y Pháp. Được gặp chúng Hiền Thánh của Như Lai, nhớ nghĩ đến Phật Đạo gọi là quy y Tăng.

Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia muốn đầy đủ hạnh nguyện bố thí là quy y Phật. Bố thí, ủng hộ chánh pháp là quy y Pháp. Sau khi bố thí mong được nhất thiết trí là quy y Tăng.

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia thực hành theo hạnh cao cả, không làm theo điều thấp kém.

Thế nào là hạnh cao cả?

Nghĩa là sử dụng tài sản đúng pháp, không dùng vật phi pháp, theo chánh pháp, không tà vạy, không làm theo sự sai quấy, thực hành nghiệp ngay thẳng, không quấy nhiễu người khác, thường bố thí, thuyết pháp.

Luôn tưởng vô thường đối với tài sản, làm nhiều việc lành, hiếu thảo cung phụng cha mẹ, thường ưa thích bố thí, cung kính bà con dòng họ, kết bạn với tri thức thiện, đem pháp cao thượng chỉ dạy cho khách khứa, tôi tớ.

Vì thực hành đúng pháp nên vị ấy trừ bỏ hết các gánh nặng và từ bỏ tất cả gánh nặng năm ấm, luôn siêng năng, khiến các sự việc nặng nề không còn dấy khởi, không học tập theo thừa Thanh Văn và Duyên Giác, dẫn dắt giáo hóa chúng sinh không nhàm chán.

Vì sự an lạc của mình mà quán tưởng vô thường, muốn tất cả đều an lạc, đối với sự lợi ích hay chẳng lợi ích, khen hay chê, có danh tiếng hoặc vô danh, khổ hay vui đều đã vượt trên pháp hữu vi của thế gian, tâm không kiêu mạn, không vướng mắc vào giàu nghèo.

Không màng đến tài lợi, danh dự, khổ vui, thực hành theo chánh pháp và tùy thuận theo pháp thế gian, trụ vững chắc nơi chân lý, giữ gìn đạo pháp, giúp đỡ những người tu hành thanh tịnh, an trụ chân chánh vào Phật Đạo, trừ hết các nhơ uế.

Thường sử dụng tâm bình đẳng, thệ nguyện được trọn vẹn, cũng khiến cho người khác cùng hoàn bị thệ nguyện, không buông bỏ sự hành hóa, khiến cho người khác cũng như vậy, mọi việc làm đều rốt ráo không có sự do dự, thường biết đền ơn, kiến lập điều lành, gặp người bần cùng thì đem tài sản để cứu giúp.

Người sợ hãi thì đem năng lực không sợ hãi để trấn an họ, người lo buồn thì an ủi để trừ hết hoạn nạn, người thấp kém thì khuyên họ nhẫn nhục, người có thế lực thì khiến không còn kiêu mạn, người tự cao thì làm cho họ bỏ hết tính tự cao tự đại, cung kính bậc tôn trưởng, thưa hỏi những bậc đức độ, gần gũi những người uyên bác.

Thưa hỏi những phương pháp tu tập để thông suốt các điều nghi ngờ, thường hiểu biết đúng đắn, tâm không dua nịnh, từ bi, bình đẳng khắp tất cả, hành hóa không thiên vị, không có tâm làm tổn hại người khác, không phân biệt chủng tánh, cũng chẳng mong cầu, trụ vững chắc vào nhất tâm, ưa thích hạnh tinh tấn, cùng chúng hội với Bậc Hiền Thánh.

Tự tư duy tu tập, gặp người chẳng phải Hiền Thánh thì khởi tâm bi rộng lớn, trụ vào tâm từ bi, lại khởi tâm từ bi bình đẳng đối với các pháp, tự mình tu tập theo pháp, không có thầy hướng dẫn.

Nếu có nghe pháp là để khai mở nẻo đạo, nghe rồi thì tư duy nghĩa lý, đối với các niềm vui về ái dục và âm nhạc đều quán tưởng vô thường, không tiếc thân mạng, quán tưởng thân mạng như sương sáng sớm, xem tài sản như huyễn, như bọt nước, quyến thuộc là oán thù, vợ con, nam nữ là địa ngục tăm tối.

Tất cả sự nhận lãnh là khổ, nhà cửa, tài sản phải nên xa lìa, những sự tìm cầu là nguồn gốc của bất thiện, gia đình nên tưởng về chủng loại quyến thuộc, tri thức nên tưởng về địa ngục, súc sanh, ngày đêm đều bình đẳng, không sai khác, thân không có gì quan trọng nên thực hành pháp cốt lõi, mạng sống không gì quan trọng nên trụ vào pháp cốt yếu, tài sản không gì quan trọng nên phải làm điều chính đáng.

Thế nào là điều cốt lõi của thân?

Là có thể giúp đỡ người khác, cung kính và nương tựa nhau. Đó là điều cốt lõi của thân. Nếu làm cho cội gốc công đức không giảm sút mà khiến công đức thường tăng thêm. Đó là điều cốt lõi của mạng sống. Đối với các pháp không có đối tượng nắm giữ, không chấp giữ tài sản, thường bố thí. Đó là điều cốt yếu của tài sản.

Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên tạo lập gia thất như vậy, đó là hạnh cao cả của hàng tại gia, không bỏ mất giới của Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, đó chính là chí thành gọi là thực hành đúng pháp, không hề thoái chuyển đối với đạo Chánh Chân Vô Thượng.

***