Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh úc Ca La Việt Vấn Bồ Tát Hành

PHẬT THUYẾT KINH

ÚC CA LA VIỆT VẤN BỒ TÁT HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM SÁU

PHẨM LỄ THÁP
 

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia vào Chùa Chiền, Tinh Xá, nên đứng bên ngoài cửa chí tâm kính lễ, sau đó mới vào các chốn ấy, nên suy nghĩ: Đây là nẻo không, không có cảnh giới, không có tướng cũng chẳng có nguyện là chốn từ, bi, hỷ, xả, là nơi ở của người đạt được bình đẳng.

Lại tự nghĩ: Lúc nào ta mới được ở chốn Chùa Chiền như vậy?

Đây là nơi ở của những ai thoát khỏi trần cấu, vào ngày rằm, chúng hội thuyết giới nên hoàn toàn thanh tịnh, nên khéo léo giữ gìn tâm ý của vị Sa Môn vì không có Bồ Tát tại gia nào đạt được quả vị Tối Chánh Giác. Tất cả đều phải vào núi xuất gia, ở chỗ yên tĩnh, thanh vắng mới đạt được Phật Đạo.

Vì sao?

Vì đời sống gia đình là ở nơi nhơ uế, người xuất gia thì được bậc trí và Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng khen ngợi. Ta nên cúng dường trong một ngày, bố thí tất cả những vật dụng, tài sản, phát khởi tâm xuất gia học đạo như vậy mới khiến cho tâm ta hoan hỷ.

Vì sao?

Vì người không có niềm tin thì không có người báo đáp. Giặc cướp, băng đảng hung dữ, La sát cũng khiến dân chúng cung cấp vật dụng nhiều không thể nói hết. Ta xem giới và trí tuệ là bậc nhất, luôn có tâm từ, cung kính, không tiếc thân mạng, nhờ tu tập tất cả pháp.

Ta cũng nên kính giữ giới của Đức Như Lai khiến hoàn toàn đạt được đạo quả Chánh Chân Vô Thượng, thanh bậc Tối Chánh Giác, vì tất cả chúng sinh làm Phật sự, làm cho người chưa đạt được Niết Bàn của Như Lai được thể nhập vào Niết Bàn, nên vào Tinh Xá để quán xét hạnh của các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo nào có nhiều trí tuệ, vị nào hiểu rõ các pháp, vị nào trì luật.

Vị nào an trụ trong chánh pháp, vị nào thọ trì pháp Bồ Tát, vị nào có hạnh ở chốn yên tĩnh, vị nào có hạnh khất thực, vị nào mặc y ngũ nạp, vị nào biết đủ, vị nào ở một mình, vị nào ngồi thiền, vị nào tu pháp đại thừa, vị nào tinh tấn, vị nào trông coi Chùa Chiền.

Quan sát tất cả các hạnh của Tỳ Kheo rồi, nên dùng các vật dụng để cúng dường bình đẳng, không nên có tâm phân biệt huống nữa là ưa gần gũi những vị ở nơi xóm làng. Nếu gần gũi những vị ở nơi xóm làng thì cũng nên thưa hỏi, nên đến xóm làng ấy, thấy có Tỳ Kheo nào không có y, bát, hoặc bị bệnh nhưng không có thuốc thang cũng nên dùng tâm bình đẳng để cúng dường, không nên có tâm oán hận.

Vì sao?

Vì ở thế gian đều có pháp để cầu an ổn, muốn lợi ích thì nên giữ gìn tâm ý của phàm phu thậm chí đối với bậc A La Hán.

Vì sao?

Vì pháp phàm phu có sự oán hận còn bậc A La Hán thì không còn oán hận. Nên đến chỗ các bậc Tỳ Kheo nhiều trí tuệ để nghe chư vị ấy giảng nói, kính nhận, tu tập. Nên theo vị hiểu rõ Kinh Điển để nghe vị ấy giảng nói rồi kính nhận, tu tập. Nên theo vị trì luật, hiểu rõ lỗi lầm rồi kính nhận tu tập. Nên theo vị thọ trì pháp Bồ Tát để kính nhận, thực hành phương tiện thiện xảo và sáu pháp Ba la mật.

Nên theo vị có hạnh ở nơi yên tĩnh để kính nhận, nhất tâm tu tập các hạnh. Tỳ Kheo nào thiếu thốn vật gì, nên dùng y phục, bình bát, giường chiếu, thuốc men v.v… để cúng dường, đối với Phật Đạo nên dùng tâm bình đẳng để tu tập.

Vì sao?

Vì có thể dùng phẩm vật để bố thí thì khuyến khích người khác khởi tam đại đạo, nên khéo léo tu tập hạnh Sa Môn như vậy. Nếu các bậc Sa Môn có tranh cãi thì phải hòa giải, nếu vì pháp mà tranh luận thì phải giữ gìn chánh pháp không tiếc thân mạng. Tỳ Kheo nào bị bệnh phải dùng thịt chính mình để bố thí, khiến vị ấy lành bệnh, nhưng tâm không hề ân hận, tất cả cội gốc công đức đều dùng tâm Phật làm nguồn gốc.

Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên so sánh như vậy, thực hành các hạnh như vậy, dùng sự đoan nghiêm như vậy, nên tu tập tại gia như vậy.

Bấy giờ, trưởng giả Úc Ca cùng các trưởng giả quyến thuộc đều khen ngợi: Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Thật là hiếm có! Như Lai đã khéo giảng nói về những điều làm chướng ngại và sự nhơ uế của người tại gia, cùng khen ngợi công đức của hàng xuất gia.

Bạch Thế Tôn! Chính chúng con cũng thấy người tại gia có nhiều sự nhơ uế, còn công đức mà hàng xuất gia đã thực hành thì khó đo lường được. Chúng con xin nguyện theo Thế Tôn nghe pháp, muốn được cạo bỏ râu tóc, được làm vị Tỳ Kheo, kính nhận đại giới.

Đức Phật bảo chư vị ấy: Xuất gia rất là khó, luôn phải chuyên cần giữ gìn giới pháp khiến không có mảy may thiếu khuyết.

Các trưởng giả bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xuất gia có những điều khó gì?

Kính xin Như Lai rủ lòng từ bi chấp thuận, cho chúng con được cạo bỏ râu tóc, nhận lãnh giới cấm. Chúng con có thể kính nhận, làm theo lời dạy của Ngài.

Đức Phật liền chấp thuận cạo bỏ râu tóc cho họ.

Khi ấy, Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc và Bồ Tát Chư Hạnh Thanh Tịnh: Nay Như Lai đem các trưởng giả này giao phó cho các ông. Hãy cạo bỏ râu tóc để họ trở thành những Bậc Thượng Sĩ.

Ngay lúc ấy, Bồ Tát Di Lặc cạo bỏ râu tóc cho một ngàn hai trăm vị trưởng giả. Bồ Tát Chư Hạnh Thanh Tịnh cạo bỏ râu tóc cho một ngàn hai trăm vị trưởng giả.

Lúc Đức Phật giảng nói về phẩm Giới đức thanh tịnh của Bồ Tát tại gia này, một ngàn hai trăm người đều phát tâm trọn vẹn đối với đạo Chánh Chân Vô Thượng, hai ngàn năm trăm vị Bồ Tát đạt được pháp nhẫn âm hưởng, bốn ngàn Chư Thiên và loài người đạt được pháp nhẫn nhu thuận.

***