Kinh Đại thừa

Bộ Kinh Tập

PHẬT THUYẾT

 KINH ƯƠNG QUẬT MA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm vị.

Trong nước Xá Vệ, có một Phạm Chí thông suốt ba kinh và năm sách, trả lời được ngay các câu hỏi, thanh niên, thầy dạy đều bái phục, người già trong nước cũng tìm đến hỏi han, người có học đều quy hướng, môn đồ thường xuyên có năm trăm người.

Người đệ tử thượng thủ tên là Ương Quật Ma đời Tấn dịch là Chỉ Man uy nghi dũng mãnh, sức khỏe hơn tráng sĩ, tay bắt cả chim bay, chân chạy nhanh hơn ngựa, thông tuệ biện tài, tính tình hòa nhã, hiểu biết cao xa, không có gì làm trở ngại, dung mạo tuấn tú bậc nhất, được thầy đặc biệt hài lòng.

Người vợ thầy dạy rất yêu mến Chỉ Man, chờ khi chồng đi ra ngoài, đến bảo: Ta thấy anh hiên ngang tuấn tú, tính ra tuổi tác như ta, vậy có thể cùng ta vui hưởng hoan lạc chăng?

Chỉ Man nghe nói thế thì kinh hoàng khiếp sợ, dựng tóc gáy, quỳ xuống thưa: Con xem phu nhân như mẹ, ví thầy như cha, lời dạy tồi tệ này thật con không dám nghe theo, trong lòng không chấp nhận vì rất phi pháp.

Vợ người thầy nói: Cho người đói ăn cơm, người khát uống nước, có gì là phi pháp.

Cho người lạnh áo ấm, cho người nóng mát mẻ, có gì là phi pháp?

Che đậy sự lõa lồ, cứu giúp sự nguy khốn, có gì là phi pháp?

Chỉ Man đáp: Cứu trợ nguy cấp, giúp đỡ nghèo cùng, thật không phi pháp. Phu nhân như mẹ, được thầy tôn trọng, nếu con theo dục đắm sắc, phạm vào điều phi lễ thì như rắn mối nuốt độc làm chết thân.

Vợ người thầy nghe nói, vừa xấu hổ, vừa giận dữ, nên tự đánh đập mình và xé nát y phục, dùng uất kim bôi vàng mặt, giả vờ âu sầu, nằm ủ rũ một nơi.

Khi người chồng trở về, hỏi: Tại sao có việc không hay vậy?

Ai đã xúc phạm?

Người vợ trách móc: Người đệ tử chàng thường khen là thông minh, nhu hòa trong trắng, hành động đàng hoàng, khi chàng vắng mặt, nó đến đây lôi kéo muốn thỏa mãn nên làm hỗn, em chống cự lại, bị nó hà hiếp, đánh đập làm cho khốn đốn. Thế nên, bị nhục không thể đứng dậy.

Vị thầy nghe vậy rất buồn, trong lòng thịnh nộ, muốn giết, để trừng trị kẻ gian bạo, nhưng suy nghĩ, hắn hùng dũng nên không thể hàng phục bằng sức lực, muốn im lặng, nhưng nghĩ kỹ thấy không được vì hắn đã làm nhơ nhuốc trong gia đình, trên dưới hỗn loạn.

Vị thầy trầm ngâm, tiến thoái không biết phải làm thế nào, nên mới than thở, thầm nghỉ: Phải khéo dùng mưu lạ, dạy điều nghịch đạo, bảo giết cho đến một trăm người, chặt một ngón tay của từng người làm vòng đeo cổ. Tội giết người là tội lớn nhất trong các tội, không bị khổ sở tàn khốc thì cũng bị tội giết. Hiện đời bị tai ách, chết đọa địa ngục, không thể thoát khỏi. Phải làm đến như vậy.

Do đó, vị thầy ra lệnh cho Chỉ Man: Với sự thông tuệ của con, việc học tập đã đủ, lên nhà trên vào trong phòng, đều đứng đầu trong môn sanh, nhưng có một tài nghệ con chưa thực hành.

Chỉ Man thưa: Con xin nghe lời dạy.

Vị thầy nói: Con muốn mau thành công, phải cầm kiếm bén, sáng sớm đến ngả tư giết một trăm người, lấy một người một ngón tay để trang sức, làm sao đến giữa trưa đủ số một trăm ngón tay. Nếu con hết sức tuân theo thì đạo đức hoàn hảo.

Vị thầy trao kiếm, Chỉ Man tiếp nhận, rất ngạc nhiên về lời dạy, trong lòng sầu lo, nếu trái lệnh thầy thì không phải là đệ tử có hiếu, nếu làm theo thì sợ trái đạo lý.

Chỉ Man cầm kiếm lui ra khóc nói: Tịnh tu phạm hạnh là pháp của Phạm Chí. Bỏ tà quy chánh là pháp Phạm Chí. Nhu hòa nhân tuệ là pháp của Phạm Chí. Ban bố từ, bi, hỷ, xả là pháp của Phạm Chí. Pháp tu đắc năm thần thông là pháp của Phạm Chí. Vượt lên Phạm Thiên là pháp của Phạm Chí. Nay hung bạo giết hại là phi pháp, trái đạo lý.

Chỉ Man trù trừ buồn bã, không biết làm thế nào, liền đến bên lùm cây ở ngã tư đường, buồn giận kích thích, phẫn uất, ma ác thừa cơ gây hại, làm loạn tâm Chỉ Man, khiến anh ta liền trợn mắt thở hàohễn, nhìn khắp bốn hướng gần xa như quỷ, sư tử, như hổ lang thú dữ nhảy chồm lên, bộ dạng đáng sợ.

Người đi trên ngả tư đường đang hướng về thành, phần lớn bị Chỉ Man dùng trường kiếm sát hại, gặp ai giết nấy, mọi người kinh hoàng chạy tứ tán nhưng không biết gì cả. Vô số người kêu gào khóc lóc, vào tận cung Vua tâu báo có nghịch tặc chận ngay đoạn đường quan trọng, hại người vô số, cầu mong Đại Vương trừ hại cho dân.

Khi ấy các Tỳ Kheo vào thành khất thực, thấy dân chúng bảo nhau về sự hoảng sợ như vậy.

Sau khi khất thực, thọ trai xong, họ đến gặp Đức Phật, lạy sát dưới chân Ngài, bạch với Thế Tôn: Chúng con thấy dân chúng trong nước đến cửa cung Vua, tâubáo có giặc lớn tên Chỉ Man, tay cầm kiếm bén rất là nguy hại, toàn thân nhuộm máu, đường không người đi.

Khi ấy Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các ông hãy ở đây, Ta đến cứu họ.

Đức Phật đứng dậy đi đến chỗ ấy, trên đường gặp người chăn bò, người khuân vác, người đánh xe, người làm ruộng, mọi người đều thưa với Ngài: Đại Thánh hãy đứng lại, chớ theo đường này, ở trước có kẻ nghịch tặc chận nơi ngả tư đường, giết người ngổn ngang, xin đi đường khác, vì Ngài đi một mình không người hộ vệ.

Thế Tôn bảo: Giả như có giặc cướp đầy cả ba cõi, ta cũng không sao, huống chi là một tên giặc!

Lúc ấy mẹ của Chỉ Man lấy làm lạ vì đến giờ ăn mà con không về, sợ con bị đói nên bà mang thức ăn ra ngoài thành cho con.

Trời sắp trưa số một trăm ngón tay vẫn chưa đủ, sợ khi đến chiều thì đạo nghiệp không thành, nên Chỉ Man muốn giết mẹ để đủ số.

Đức Phật biết nếu Chỉ Man giết mẹ, với mức độ tồi tệ này, tội không thể cứu. Do đó, Đức Phật xuất hiện trước mặt Chỉ Man.

Khi Ương quật ma thấy Đức Phật liền bỏ mẹ, hùng hổ như sư tử chạy đến đón đầu Thế Tôn, suy nghĩ: Mười người, trăm người, thấy ta chạy cũng chẳng dám tranh đua, với họ ta vẫn hùng dũng tung hoành ngang dọc, huống chi Sa Môn này đến đây chỉ một mình. Ta hãy ra tay lấy mạng ông ta!

Chỉ Man cầm kiếm rượt theo Đức Phật, nhưng không kịp, cố hết sức chạy cũng không bằng Phật, suy nghĩ: Ta có thể vượt qua cả song suối, tháo đứt dây trói, hai tay tung mạnh bốn ngựa không địch lại, thành dày lũy vững đều vượt qua cả, nhưng Sa Môn này chậm rải đi bộ nhưng ta không theo kịp, dùng hết sức lực cũng không đến gần ông ta được.

Chỉ Man gọi Phật: Này Sa Môn, hãy đứng lại!

Đức Phật bảo với kẻ nghịch tặc: Ta đã ngừng lại từ lâu rồi. Chỉ có ngươi là chưa ngừng.

Chỉ Man từ xa nói kệ:

Lời Mâu Ni nghĩa gì

Tự nói đã đứng lại

Nói với mục đích gì

Cho rằng ta không ngừng

Vì sao Phật nói đứng

Nhưng thân vẫn đang đi

Ta đang đứng, nói đi

Xin giải thích nghĩa này!

Thế Tôn nói kệ đáp Chỉ Man:

Chỉ Man nghe Phật đứng

Thế Tôn trừ lỗi ngươi

Ngươi chạy theo vô trí

Ta ngừng, ngươi không ngừng

Ta trú chánh giải thoát

Ưa pháp tu phạm hạnh

Ngươi chạy theo ngu si

Nay tâm hại chưa ngừng

Đại Thánh tuệ vô cùng

Giảng pháp ở ngả tư

Được nghe nói về tội

Liền giác ngộ pháp nghĩa.

Bấy giờ tâm Chỉ Man liền được khai ngộ, bèn vứt kiếm, lạy sát dưới đất thưa: Cầu mong Thế Tôn tha thứ cho sự mê lầm của con đã sanh lòng tàn hại kết ngón tay người. Nay con muốn thấy đạo, cầu mong Ngài từ bi hóa độ, tiêu trừ nguồn tội, thương xót tiếp độ cho con được xuất gia, thọ giới cụ túc.

Đức Phật liền tiếp độ và Chỉ Man trở thành Sa Môn.

Khi ấy Thế Tôn ngồi kiết già với uy thần rực rỡ, trí tuệ quang minh. Hiền Giả Chỉ Man hầu một bên, trở về khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc. Chỉ Man được hóa độ, tận tín Thế Tôn. Các vị Hiền Thánh đệ tử khác cùng nhau hộ trợ.

Vị Tộc Tánh Tử ấy cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, từ gia đình phát sanh lòng tin, bỏ nhà học đạo, đầy đủ cứu cánh vô thượng phạm hạnh, chứng đắc lục thông, chấm dứt sanh tử, tịnh đức vang xa, việc làm đã xong, thấu đạt gốc của danh sắc, chứng đắc bậc Ứng Chân A La Hán.

Khi ấy Vua Ba Tư Nặc Tấn dịch là Hòa Duyệt tập hợp bốn đội binh là tượng, mã, bộ, kỵ, cùng xa giá xuất chinh để trừ diệt kẻ nghịch tặc, nên thân thể Nhà Vua mệt nhọc và bụi bặm, đi đến gặp Phật, lạy sát chân Ngài.

Phật hỏi Nhà Vua: Đại Vương từ đâu đến mà thân thể dính bụi vậy?

Vua bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn, có đại nghịch tặc tên là Ương Quật Ma hung bạo tàn hại, chận đứng nơi ngả tư đường, tay cầm kiếm bén sát hại dân chúng. Thế nên con thống lĩnh bốn bộ binh đi trừ diệt nó.

Khi ấy Chỉ Man đang ngồi trong chúng hội, cách Thế Tôn không xa.

Đức Phật bảo Nhà Vua: Chỉ Man đang ở đây, đã cạo bỏ râu tóc, trở thành Tỳ Kheo.

Đối với việc trước đây thì như thế nào?

Vua bạch Phật: Đã quyết chí với đạo thì có gì bằng! Phải suốt đời cung cấp y phục, thức ăn, sàng tọa, thuốc uống trị bệnh cho vị ấy.

Nhà Vua lại hỏi Thế Tôn: Kính thưa Đại Thánh, kẻ hung hại bạo nghịch, đã được chí đạo, đạt đến tịch tịnh hay sao! Nay đang ở đâu?

Phật đáp: Vị ấy đang ngồi gần đây.

Nhà Vua vừa trông thấy, tâm ý hoảng hốt, dựng tóc gáy.

Phật bảo: Này Đại Vương, đừng sợ hãi. Nay vị này đã là hiền nhân, không còn tâm ý bạo nghịch.

Nhà Vua thi lễ thưa: Hiền Giả, Ngài là Chỉ Man phải không?

Đáp: Đúng vậy.

Vua lại hỏi: Nhân giả họ gì?

Đáp: Họ Ỷ Giác.

Hỏi: Vì sao có họ Ỷ Giác?

Đáp: Đây là họ cha.

Vua nói: Xin Ngài Ỷ Giác nhận sự cúng dường về y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc trị bệnh của suốt đời con, cúng dường theo yêu cầu.

Sau khi được chấp nhận, Nhà Vua đảnh lễ lui về, khen ngợi Thế Tôn: Ngài hay điều phục kẻ khó điều, hay thành tựu kẻ chưa thành tựu, an trú ban từ bi, ai cũng được hướng dẫn, tiêu trừ tai họa ác nghịch, đưa họ vào giáo pháp và làm cho đời sống của dân chúng được ổn định. Việc nước đa đoan, con xin cáo lui.

Phật dạy: Đại Vương hãy tùy nghi.

Nhà Vua lễ sát chân Phật, từ giã.

Bấy giờ Hiền Giả Chỉ Man ở nơi thanh vắng, đắp y năm điều, sáng sớm ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực, thấy nhà kia có người phụ nữ mang thai, đủ tháng nhưng khó sanh, tâm mong được sự cứu giúp, hướng về Chỉ Man hỏi: Ngài muốn đi đâu, hãy cứu giúp tôi!

Sau khi khất thực, ra ngoài thành thọ trai, rửa và cất bát xong, Chỉ Man ngồi yên suy nghĩ, chỉ tăng thêm sự cung kính, rồi đến gặp Phật, đảnh lễ thưa: Thế Tôn, sáng nay con mặc y, mang bát vào thành khất thực, thấy có phụ nữ đủ tháng sắp sanh, vì khó sanh nên sợ hãi cầu mong con cứu hộ.

Phật bảo Chỉ Man: Ông hãy mau đi đến bảo phụ nữ ấy: Lời nói của Chỉ Man chí thành không dối trá, là từ khi sanh ra đến nay chưa từng sát sanh. Theo sự thật này, bà chị sẽ sanh được an ổn, không hoạn nạn.

Chỉ Man bạch Phật: Con đã gây quá nhiều tội lỗi, giết hại đến chín mươi chin người, mà nói lời như vậy chẳng phải là nói hai lời hay sao?

Đức Thế Tôn bảo: Đời sống trước đây và hiện nay khác nhau. Thế nên đó là lời nói thật không phải vọng ngữ. thầy hãy kịp thời đến cứu nguy cho người phụ nữ ấy.

Chỉ Man vâng lệnh Phật, đến chỗ người phụ nữ, nói đúng lời Phật dạy: Đúng như lời chí thành của tôi, không nói dối, từ khi sanh ra đến nay tôi chưa từng sát sanh. Theo sự thật này, làm cho bà chị sanh sản an ổn.

Chỉ Man chưa nói dứt lời, người phụ nữ ấy liền sanh được con một cách an ổn.

Khi ấy Chỉ Man vào trong thành Xá Vệ, bọn thiếu niên thấy hiền giả đi khất thực, hoặc dùng ngói đá ném, hay dùng tên bắn, dung dao búa đâm chém, dùng gậy đánh đập.

Hiền Giả Chỉ Man bị thương vỡ đầu, y phục rách nát, trở về lạy sát dưới chân Phật, rồi đứng dậy, ngay trước Phật nói kệ:

Trước đây con là giặc

Tên Chỉ Man vang xa

Vực lớn đã khô kiệt

Nên quy y Chánh Giác

Nhờ dùng giới nhẫn nhục

Theo Phật giảng dạy chúng

Nghe Kinh thường đúng lúc

Thế nên không trở ngại.

Nay đã quy y Phật

Thọ pháp giới chân thật

Chứng đắc ba thông đạt

Tùy thuận các pháp Phật

Xưa, hung bạo ác độc

Làm hại nhiều sanh mạng

Tuy gây nhiều tàn hại

Nay, con tên Vô Hại

Những lỗi lầm thân miệng

Vì giữ tâm sát hại

Con không hại người nữa

Không còn gây nguy ách

Những lỗi lầm đã qua

Giữ gìn pháp tịch nhiên

Con đúng tên hung bạo

Tự điều thành nhân hiền

Dùng khả năng điều phục

Như móc câu điều voi

Như Lai thành tựu con

Không dùng kiếm, dùng gậy

Trước đây con phóng dật

Nhưng sau tự chế mình

Chiếu sáng trong thế gian

Như mặt trời thoát mây

Giả sử phạm các ác

Nhưng không đoạn bồ đề

Họ chiếu sáng thế gian

Như mây tan trời hiện

Nếu Tỳ Kheo tân học

Tinh tấn tu Phật Pháp

Họ chiếu sáng thế gian

Như mặt trăng tròn đầy

Người gây các tội lỗi

Sẽ bị đọa đường ác

Con không còn các nạn

Ăn mặc không chấp trước

Không cầu sống đời này

Cũng chẳng muốn chết đi

Chỉ sống đúng hiện tại

Tâm luôn an trú định

Như vậy Ương Quật Ma

Đã chứng A La Hán

Ngay trước Phật Thế Tôn

Tự nói lên kệ này.

Phật dạy như vậy, Hiền Giả Chỉ Man và các Tỳ Kheo nghe Kinh đều hoan hỷ phụng hành.

***