Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Hỏi Về Trí Tuệ Siêu Việt Của Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI HỎI VỀ

TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT CỦA BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Ca Sấm, Đời Hậu Hán
 

PHẦN BA
 

Lúc ấy, con lại hỏi: Phải lấy hoa như thế nào?

Vị Phật kia bảo: Chẳng phải dùng đến tay để lấy, chẳng làm lay động cành của nó, mà vẫn có thể lấy được hoa. Phải học tuệ Như Lai, thì tự mình, như có bàn tay tuệ, là ông sẽ lấy được hoa kia. Bàn tay tuệ ấy có thể nhận được mà không thể lý giải hoa. Mọi người đều là hoa này. Có thể từ sự giáo hóa mà đắc Nê Hoàn.

Điềm lành là đó?

Phật nói: Phải học tuệ Như Lai như chỗ ông đã học.

Lại có Bà La Môn tên là Bân Đà Thí, bạch Phật: Con đến chợ, giữa đường, con đánh rơi tiền, vung vãi trên đất. Thu nhặt lại tiền rơi, việc sắp xong, con ngoảnh đầu lên, thấy Như Lai, thân có ba hai tướng tốt và các vẻ đẹp.

Đức Như Lai hỏi con: Làm thứ gì đó?

Con thưa: Thu nhặt lại số tiền đánh rơi.

Vị Phật kia bảo: Điều này không gì là khó. Nếu phải loại hết năm đường sinh tử cho mọi người thì cũng chẳng phải là nhiều trong phép tính, không nghĩ nhớ đến việc làm này mới là khó.

Con liền hỏi: Việc học này phải nghe từ nơi nào?

Phải học từ nơi nào?

Vị Phật kia bảo: Có tuệ Như Lai phải học.

Phải nghe ở chỗ nào?

Vị Phật bảo: Có Phật, hiệu là Thích Ca Văn, ở nơi Kỳ Hoàn, điều nghe này, nghe từ đó. Đời trước là chỗ tạo ra đời này, kịp lúc nhận được điềm lành.

Lại nữa, có Bà La Môn tên là Phân ha chu, bạch Phật: Con đi chợ, lúc trở về, muốn mua tạp hương. Mua xong quay trở về, lúc gần đến nhà, thì thấy Như Lai. Tâm con lúc đó vui mừng vô cùng.

Phật hỏi: Trong tay cầm thứ gì?

Con liền thưa: Cầm tạp hương.

Phật bảo: Hương này không đủ ngôn từ. Có hương, tên gọi là hương không thể nghĩ bàn. Mùi hương ấy, trên, dưới, bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều nghe khắp. Phải cầu hương này.

Lúc ấy con lại hỏi: Hương ấy là rễ này, gốc này, thân này, cành này, lá nay, hoa này, quả này, chỗ hương đó là của quả?

Phật nói: Hương ấy cũng không rễ, cũng không gốc, không thân, không cành, không lá, không hoa, không quả, quả mà hương.

Phải cầu hương này.

Con liền hỏi: Con phải cầu ở nơi đâu?

Phật liền bảo: Vào Kỳ Hoàn, nơi Phật Thích Ca Văn ngụ. Phải nghe tuệ Như Lai.

Thưa Thế Tôn! Chỗ nghe này, đó là điềm lành của con?

Phật nói: Cứ như chỗ ông hiểu biết.

Lại có Bà La Môn tên là A Nậu Ca Duy Diên, bạch Phật: Chỗ con ở, tận ngoài thành, con ngồi thiền định dưới tàng cây, tâm con an định vì nó như thiền, nhìn thấy bốn phía có ánh sáng lớn chiếu khắp cả, con thấy Phật nhiều không kể xiết.

Các Đức Phật đều nói: Không phải ngồi thiền như vậy.

Bấy giờ, con liền hỏi các vị Phật kia: Con phải ngồi thiền như thế nào?

Các vị Phật kia nói: Cũng không chỗ sinh, cũng không chỗ diệt. Nên thiền như vậy, vì chỗ thiền này nắm được chỗ thấy, chỗ không thấy thì chính đấy là thấy.

Vô tâm thì cái gì buộc được?

Vì sao?

Vì tâm kia không có khái niệm. Phải thực hiện thiền này. Có pháp gọi là tuệ Như Lai, phải đến Phật Thích Ca Văn mà hỏi.

Điều học này phải từ pháp kia, vì đấy là gốc của điềm lành.

Phật nói: Phải học như chỗ ông đã học.

Lại có Bà La Môn tên là La Na Ý Đa, bạch Phật: Con vừa đến chợ mua vàng, muốn gọi người lấy vàng thì liền thấy Như Lai.

Ánh sáng của Ngài thật rực rỡ.

Vị Phật kia bảo: Cần dùng thì gọi có pháp nhưng tên của nó không thể gọi. Phải cầu pháp như vậy.

Liền khi ấy, con lại hỏi: Pháp ấy chỗ nào mà không thể gọi?

Vị Phật kia bảo: Các pháp không thể dùng để gọi. Gọi pháp thì chẳng khác nào hư không nên không thể gọi. Tất cả các pháp là như vậy.

Con thưa: Con vui mừng, xin được muốn nghe.

Pháp này ở chỗ nào mà có thể học?

Vị Phật kia bảo: Có, tên gọi là tuệ Như Lai, phải học, phải nghe.

Vốn điềm lành này là của con, đó là điều con muốn hỏi?

Phật nói: Phải học như chỗ ông hiểu biết. Đây đều là kết quả của công đức đem đến từ đời trước, nên kịp được ứng cảm này.

Lại có Bà La Môn tên là A Phi A Già vòng tay bạch Phật: Quá nửa đêm, con ra ngoài xem tinh tú. Từ vầng sáng lớn mà thấy Như Lai, con liền đem thân mình cúi đầu đảnh lễ.

Vị Phật kia nói: Không phải ông nhìn thấy sao đêm, như ông đã thấy.

Liền lúc ấy, con hỏi: Phải nhìn thấy như thế nào?

Vị Phật kia nói: Cũng không thể ngước mắt hướng về sao.

Phật xoay lại đặt vấn đề với con: Nay ở chỗ ông nhìn tinh tú, thì gọi tên như thế nào?

Con liền đáp lời: Không biết.

Vị Phật kia nói: Tên này đều dứt bặt. Như điều ông học phải học. Các pháp mà chứng nhập được, thì chỗ thấy, đều biết được sự việc của ông.

Con liền lại hỏi: Nơi chốn nào con có thể nghe pháp này?

Vị Phật kia bảo: Phải vào Kỳ Hoàn, nơi trú ngụ của Phật Thích Ca Văn, để nghe lời dạy này. Bỗng chợt con không còn biết nơi nào.

Phải chăng, chỗ nghe thấy tuệ Như Lai, là gốc của điềm lành?

Phật nói: Phải học như chỗ ông hiểu biết.

Lại có Bà La Môn tên là Thuật xà sư lợi, bạch Phật: Con vừa đem hạt giống ra gieo, thì liền thấy Như Lai đứng trước mặt, cùng với con số hàng ngàn Tỳ Kheo Tăng không thể đếm.

Vị Phật kia hỏi: Không phải như chỗ ông đã gieo hạt giống.

Lúc ấy, con liền hỏi: Phải gieo trồng như thế nào?

Vị Phật kia bảo: Cũng không giữ, cũng không cho, phải tạo ra giống, cũng không sống, cũng không héo.

Liền khi đó, con lại hỏi Phật: Phải đến nơi chốn nào mà học pháp này?

Vị Phật kia bảo: Có tuệ Như Lai, phải học, phải nghe. Nghe rồi thì hạt giống này là của ông. Cũng không giữ tất cả pháp, cũng không có chỗ để giữ, cũng không có chỗ tạo ra cũng không nhớ nghĩ. Biết được điều này, thì pháp kia không chỗ sinh. Đã không chỗ tạo, nên không chỗ sinh. Đã không chỗ sinh, nên không chỗ khô chết, không có gieo trồng nên không sinh cũng không diệt.

Điềm lành này là như thế nào?

Phật nói: Điềm lành là của tuệ Như Lai này. Ai đương ngồi thiền ở dưới cây Phật, thì điều ấy là điềm lành.

Lại có Bà La Môn tên là A Hòa Chân bạch Phật: Con ra khỏi nhà chừng một dặm, thấy người chết, con liền nhớ nghĩ đến người chết, cứ như thế con thầm nguyện lâm râm thì liền thấy Phật.

Phật bảo: Không phải như chỗ ông nhớ nghĩ.

Vì sao?

Vì thấy sắc ác thì liền có nghĩ suy. Các pháp không thể nắm bắt mà cũng không có chỗ nắm bắt. Phải tạo ra sự nhớ nghĩ như vậy. Kẻ đắc đạo, thì chỗ làm không còn nhớ nghĩ, cũng không dụng được, nên liền có nhớ nghĩ khác. Chỗ nhớ nghĩ cũng không hai tâm, không chỗ để nhớ tưởng cho nên không có sự nhớ tưởng, đó là chỗ phải làm của đạo này.

Nhớ nghĩ không thể là chỗ nắm bắt thì mới là được. Do biết hai tâm, cho nên không có chỗ cầu, đó là chỗ phải làm của đạo này. Không chỗ thấy, đó là chỗ thấy của đạo này. Về sau, khi pháp sắp dứt, thì lấy tư tưởng mà hướng dẫn người.

Nếu ở gò thây chết thì ngồi nhìn xương khô trắng, nhớ nghĩ là liền được giải thoát. Nếu nhớ nghĩ năm sắc, thì từ trong, đếm hơi thở, mà cầu giải thoát. Kiểm soát hơi thở ra, hơi thở vào là muốn cầu giải thoát. Biết pháp sắp hết, thì liền phải thực hiện việc tu tập này.

Bấy giờ, con lại hỏi Phật: Phải học như thế nào thì xa được việc này?

Vị Phật kia nói: Phải học đạo với pháp như vậy. Phải học tuệ Như Lai như việc của Như Lai. Có pháp gọi là tuệ Như Lai, thì phải nghe, phải học. Phải nghe điều ấy từ Phật Thích Ca Văn.

Bỗng nhiên, con không còn thấy Phật nữa vì đã thấy được Như Lai.

Phật nói: Điềm lành của tuệ Như Lai này, phải ở nơi đất đạo.

Lại có Bà La Môn tên là A Duy Thị Chân, bạch Phật: Con đến nơi đồng không mông quạnh, thấy hầu hết các vật chết đưa vào đây. Trong đó có các loài thú ăn thây chết.

Trong đó, có mùi hôi thối, có hư rữa, có màu xanh, có màu đỏ, có thân đen. Con liền tự nghĩ, muốn ngồi xuống đấy mà kiểm soát hơi thở, thu lấy nhớ nghĩ ấy. Bỗng con thấy Phật từ phương Đông đến, có ba hai tướng. Phật còn từ xa, con đã hướng đến làm lễ Ngài.

Vị Phật kia nói: Tuy quán những vật này, song đó chỉ là sự tưởng nhớ.

Con liền hỏi vị Phật kia: Con phải học pháp nào để hướng dẫn tất cả, khiến cho họ thoát khỏi sinh tử.

Vị Phật kia bảo: Có pháp, gọi là tuệ Như Lai, phải nghe, phải học. Học được pháp đó, là có tất cả các đường tạo ra công đức. Phải đến Phật Thích Ca Văn mà hỏi đầy đủ pháp ấy.

Điềm lành ấy, cái gốc ở chỗ nào?

Thưa Thế Tôn?

Phật bảo: Điềm lanh ấy là của tuệ Như Lai. Thực hiện sự học này là học ngồi thiền nơi Phật bên gốc cây.

Lại có Bà La Môn tên là Ba Lê Mạn Đa, bạch Phật: Đang đêm con muốn xuất của báu, nhưng không chỗ nào có thể nhìn thấy, con bèn đốt năm cái nhà, lấy đó làm đuốc soi sáng.

Vì sao?

Vì để tránh ngòi rạch, hầm hố, giếng sâu.

Đang khi tự nghĩ, phải học pháp nào để cho tất cả được sáng lên, không còn tối tăm?

Vừa có ý nghĩ ấy, con liền thấy Phật đứng trong hư không và nói: Lành thay! Lành thay! Đây là việc làm của Bậc Thánh, chẳng phải là việc làm của phàm nhân! Các sự giận dữ, tham lam, bỏn sẻn, dua nịnh, giả dối bề ngoài của người này, đã không còn, nên mới có thể nghĩ đến việc làm như vậy, không còn gì để đề cập.

Con đem tâm bình đẳng, thương nhớ đến tất cả cũng không nghĩ đến bất cứ chỗ nào. Nhớ nghĩ như Phật ngồi nơi cội cây, không nhớ nghĩ Thanh Văn.

Thưa Đức Như Lai! Có pháp nào giúp con làm được vậy?

Vị Phật kia nói: Có pháp, gọi là tuệ Như Lai, phải nghe và học, có đầy đủ như ý ông muốn.

Con lại hỏi Phật: Phải nghe từ đâu?

Vị Phật bảo: Phải nghe từ nơi Đức Phật Thích Ca Văn. Điều phải nghe ấy sẽ được nghe tại đó. Những gò đống, làng mạc, huyện, ấp, thành quách, quận, nước… tất cả ở trong pháp này mà nhìn thấy.

Nghe lời này rồi, con hoảng hốt, không biết chốn kia ở đâu! Điềm lành nào đây?

Phật nói: Vận dụng vào thì ông đã nghe tuệ Như Lai, nên phải học. Điềm lành nằm ở trong sự học đó.

Bồ Tát kia! Vấn đề phải học, đều học ở pháp này.

Có bao nhiêu tuệ là chỗ có thể phải học?

Phật nói: Như cảnh giới Phật, tuệ kia là như vậy. Tuệ kia thì như cảnh giới Phật, giống nhau không khác. Các pháp đều từ tuệ này, như trái tim ban ra điềm lành.

Khi ấy, Phật lại hỏi con: Pháp này sâu xa vi diệu như vậy sao?

Pháp ấy không thể thấy, không thể biết?

Lại có Bà La Môn tên là Tất Đạt Tất, bạch Phật: Con cùng với số đông trăm ngàn Bà La Môn cùng thờ cúng như làm việc tế tự, nung nấu trong lòng điều nghĩ suy của mình là phải thờ phượng ra sao, để cho tất cả đều được giải thoát, khiến không còn vật lộn với khổ đau. Ý nghĩ này vừa nảy sinh, thì con thấy Phật, chói sáng cùng với tướng của các vẻ đẹp.

Đức Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Ngươi khởi lên sự nhớ nghĩ này. Phải làm việc nghĩ suy như điều người đã hành động.

Vị Phật ấy nói: Hãy đi đến Kỳ Hoàn, nước Xá Vệ, là nơi trú ngụ của Phật Thích Ca Văn, của A Nan, Bân Kỳ, A Lam… các vị, sẽ vì ông thuyết giảng rộng rãi về ý nghĩa thờ cúng kia. Có pháp gọi là tuệ Như Lai, phải nghe, phải học. Pháp ấy, từ quá khứ, Chư Phật đã thuyết giảng.

Con lại hỏi: Phải thờ cúng bằng cách nào?

Đức Phật bảo: Bồ Tát đem chỗ có được ăn uống của mình, giúp đỡ cho người, làm việc thờ cúng này mà thoát ra khỏi ba cõi. Có thờ giới là không nghĩ mình có cầu mong. Có thờ nhẫn nhục, là không đem tâm ác hướng đến tất cả. Có thờ tinh tấn, là muon cứu thoát năm đường.

Có thờ tam muội, là không tạo ra nhân duyên, để có chỗ mong cầu, để có nhiều nơi nghe mà thờ cúng. Tất cả gọi là thân. Các số thân đều đầy đủ cái biết Ba la mật. Có thờ pháp, nếu là người thực hành thì dùng pháp biến hóa ra tất cả, nếu là súc sanh muốn nghe pháp, thì không bỏ giữa chừng, mà vì loài đó nói kinh, cũng không lấy sắc để nói, mà lấy pháp của lòng lành để dẫn dắt chỉ bày.

Phật lại dạy: Có Bậc Thánh không tiếc thân mình, tâm vui muốn khiến cho tất cả, mỗi một đều được an ổn, không đem tâm lo buồn mà hướng dẫn người.

Vì sao?

Vì càng vận dụng thì được thân hình tốt đẹp. Giống như ngọc ma ni, dũa mài thì càng đẹp gấp bội. Con của các bậc Vua chúa kia, không ai là không yêu thích.

Vì sao yêu thích nó?

Vì không vết bẩn nhơ. Vị Pháp Sư kia cũng giống như vậy. Tuy có sinh tử, song điều ấy, lại bội phần đẹp đẽ.

Vì sao?

Vì thân không ác, cũng không báng bổ.

Vì sao?

Vì thường khen ngợi ca tụng Phật. Dù xa Phật nhưng thường muốn gần gũi.

Vì sao?

Vì vốn không có chỗ cầu tức là chỗ thờ, có nghĩa là cúng tế. Ai có Tam bạt trí, thì cũng có tâm thờ cúng mà không có cái khác.

Vì sao?

Vì không có lòng oán hận. Đối với tất cả không có ác ý. Bồ Tát có thờ mà không có thắng, vậy nếu có ý niệm ấy thì Bồ Tát thắng. Do không có ý niệm đó thì không chỗ để thắng được. Dùng công đức để nuôi lớn thân mình và người khác, đó là ý Bồ Tát.

Vì sao?

Vì không dùng pháp có chỗ tranh cãi, vì thế mà không có tranh giành, không có buộc, không có trói, không có đóng. Người nào có làm việc thờ cúng ay thì chớ có sân cũng không nhớ nghĩ là pháp nào có thể so lường, có thể toan tính. Bậc Thánh này, với chỗ làm của mình, vốn nó là nơi để xem xét từng chỗ, từng chỗ kia. Cũng không ở trong công đức mà có sự nhớ tưởng về nó. Cũng không phá trừ chỗ tội ác của mình tạo ra.

Vì sao?

Vì không đánh mất điều căn bản của mình, cũng không có lỗi. Bồ Tát tôn trọng pháp là trên hết. Thường đi đến giáo hóa, thì cũng phải vui vẻ, cũng không lười biếng, cũng không cùng với người có tâm giận dữ.

Tại sao vậy?

Vì đại thừa không từ việc ấy mà có được, nên mới gọi là đại thừa, cũng không có ý niệm về đại thừa kia.

Phật nói với Tất Đạt Tất: Bỏ đi lối thờ cúng cũ của ông, phải thực hiện việc thờ tự này, tức là Bồ Tát phụng thờ cái điềm lành ứng hiện ấy, như chỗ ông đã thấy Như Lai. Đấy là kết quả của đời trước, ông phải hết lòng tu tập đại thừa.

Vì sao?

Vì trong tiềm thức, ông đã thấy Phật, thì đó là cội nguồn của điềm lành ấy.

***