Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Hỏi Về Trí Tuệ Siêu Việt Của Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI HỎI VỀ

TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT CỦA BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Ca Sấm, Đời Hậu Hán
 

PHẦN BỐN
 

Lại có Bà La Môn tên là Nan Đầu Đa La, bạch Phật: Con thấy dòng nước, có một người nắm thanh gỗ bắc cầu qua đó.

Con nghĩ, việc làm của ông ta quá ư là nhỏ! Phải làm bằng cách nào đây để có cầu rộng lớn?

Vì sao?

Vì muốn tất cả đều đưa qua được.

Con vừa có ý nghĩ này, thì từ phương Đông, liền có trăm vị Phật, các vị hiện ra và khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Ý nghĩ của Bậc Thánh! Khiến mọi người như là được độ và đây cũng là con đường cho vô số người. Hiện Phật Thích Ca Văn ở trong Kỳ Hoàn, ông đến đó để có thể lãnh hội pháp của Ngài, để có thể đạt đến Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.

Điềm lành này vốn nó là của con, nên mới được thấy Như Lai, được nghe Như Lai răn dạy.

Thưa Thế Tôn phải vậy không?

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Đúng như điều ông nhận xét.

Lại có Bà La Môn tên là Chiên Uất Đa Sư Lợi, bạch Phật: Con ra ngoài cửa thành, có người trong họ tộc bảo với con: Như có đi qua nhà, thì tôi sẽ giúp cho ông hai trăm vạn. Con liền theo ông ta về nhà. Vào nhà có tòa ngồi cao lớn, mời con ngồi vào tòa, đốt hương cúng dường. Sau khi ăn uống xong, họ trao cúng cho con hai trăm vạn.

Bấy giờ con tự nghĩ: Phải sử dụng thế nào để tự tạo phương tiện chuyển từ việc ban cho tiền bạc sang ban cho pháp như pháp của đạo Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng. Của cải ban cho trong sạch, thì có thể được điều lạ thường.

Con vừa khởi ý nghĩ như vậy thì liền thấy ở phương Đông, có ngàn vị Phật đồng bay lên, các Như Lai đều đứng trước mặt con, đồng khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Đúng là việc làm của Bậc Thánh! Vì mọi người mà muốn hành động, ông mau đến Kỳ Hoàn nơi trú ngụ của Phật Thích Ca Văn, các vị sẽ vì ông thuyết rộng rãi pháp ấy.

Như ông mà được trong sạch thì tiền ban cho kia, ông có thể nhận lấy. Nhận lấy nó, để khiến cho tất cả đều có thể được an ổn.

Vì sao?

Vì nếu tam thiên Đại Thiên các cõi nước đều phụng hành mười điều thiện và nhận sự ban cho, thì không bằng Bồ Tát phát tâm vì đạo Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng mà nhận sự ban cho. Tất cả phải qua thực hiện việc làm như ở trên. Dứt lời, con hoảng hốt không còn biết chỗ vị Phật ấy.

Phật nói: Đó là điềm lành của tuệ Như Lai.

Vì sao?

Vì đời trước, đã đem cúng dường mười phương Phật nên kịp được pháp này.

Lại có Bà La Môn tên là Diêm Phù Sư Lợi, bạch Phật: Con ở trong núi, an tâm mà ngồi, giống như được thiền. Ở bên trên, con thấy năm tram vị Phật, bốn phía đều là mùi hương như hương Trời.

Các vị đều gọi lớn tên con và nói: Lành thay! Lành thay! Như điều ông cầu, thì phải thực hiện pháp Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng. Chớ thực hiện thiền khác.

Sao gọi là Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng?

Vì luôn nghĩ nhớ đến mọi người với tâm Từ bi. Chớ đem những ý tưởng về con người, tạo ra cái không thể suy nghĩ về thiền mà làm nên thiền này. Đừng có ý tưởng về sự nhớ nghĩ của tam tất cả đều khiến cho được an ổn. Đừng nhớ nghĩ đến con người bằng ý tưởng, đừng nhớ nghĩ đến thân bằng ý tưởng.

Chư Phật kia bảo: Hãy đi đến Kỳ Hoàn nơi trú ngụ của Phật Thích Ca Văn, Ngài sẽ vì ông giảng nói đầy đủ pháp kia. Tuệ Như Lai phải nên học nó. Học pháp ấy, ở chính nơi việc làm của mình. Nói lời ấy rồi, con không còn biết được chỗ Chư Phật.

Điềm lành này vốn nó là của con, phải không thưa Thế Tôn?

Phật nói: Suy xét như điều ông chứng kiến, thì không có gì khác.

Vì sao?

Vì có người nào đang ngồi dưới cây Phật, mà liền có điềm lành linh ứng này. Vấn đề là đời trước, ông đã cúng dường bảy ngàn vị Phật.

Lại có Bà La Môn tên là Hà Sa Mạn, bạch Phật: Con thấy các Bà La Môn, không nhiều, không ít, tắm trong nước sông Hằng.

Tắm rồi, họ nói với con: Ông đi tắm lại đi. Chỗ xấu nơi thân ông, lộ ra các điều ác, chúng phải theo nước mà khử đi.

Con liền suy nghĩ: Tại sao các thứ xấu xa của thân, khi tắm, chúng theo nước xóa đi?

Lúc ấy, con thấy Phật ở trong hư không.

Vị Phật kia nói: Ngươi suy nghĩ gì thế?

Khi ấy, con thưa: Các Bà La Môn bảo con: Tắm thân, thì các xấu xa của mình, đều theo nước xóa sạch. Nên con ngồi suy nghĩ về việc này.

Vị Phật kia nói: Ông đến Kỳ Hoàn nơi trú ngụ của Phật Thích Ca Văn. Ngài sẽ vì ông thuyết giảng về pháp cho rằng các thứ xấu xa của thân mình đều được trừ khử.

Vị Phật kia bảo: Các pháp có tên gọi, sâu thẳm không có đáy, nước của nó rất đẹp, tắm trong nước này, đều được sạch sẽ, tinh khiết. Ông muốn tắm, thì phải tắm trong nước ấy. Các thứ tà ác có thể tiêu trừ. Tắm rồi, Chư Thiên, con người và tất cả đều được an ổn, liền đem pháp đó giáo hóa khắp mọi nơi.

Vì sao?

Vì Chư Phật quá khứ đều tắm ở nơi đây, cho nên hiện điềm lành.

Phật nói: Phải nghe tuệ Như Lai, thì đấy là điềm lành.

Có Bà La Môn tên là Duy Kỳ Tiên, bạch Phật: Con đem hoa đến cúng nơi đền thờ thần Bà La Môn. Vừa vào cửa, con thấy Như Lai bay lên, đứng trong hư không.

Vị Phật ấy hỏi con: Mang hoa này cúng chỗ nào?

Con lien đáp lời: Muốn dâng lên cúng thần.

Vị Phật kia nói: Có Như Lai, hiệu là Thiên Trung Thiên, có thể đem hoa cúng dường cho vị ấy.

Vì sao?

Vì nhân này có thể có công đức đến Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng và kịp có thể chứng được thiền vô thượng, tức là muốn dùng hoa để cúng dường, thì hoa ấy đều hóa ra Phật toàn là màu sắc vàng ròng. Ánh sáng của Phật kia sáng đến bảy thước, ba mươi hai tướng và các vẻ đẹp đều đầy đủ.

Chư Phật đều nói: Tâm của ông đã vững chắc, ở trong công đức nên có thể đạt đến sự ứng hiện này.

Con liền hỏi: Phải tạo nên phương tiện nào, để khiến cho công đức không thể lường được hết.

Vị Phật kia lại bảo: Nếu có Bồ Tát được trông thấy Phật thì nhân ấy tạo thành công đức, trong đó thấy có Phật hóa ra. Nhân đó tạo nên công đức, trong đó thấy có Chùa. Nhân ấy tạo nên công đức trong đó như thấy nơi Phật đứng và ngồi.

Nhân ấy tạo ra công đức, trong đó thấy có chỗ Phật đi kinh hành. Nhân ấy tạo ra công đức, trong đó nghe có Phật. Nhân ấy tạo ra công đức, trong đó nghe có trên, dưới, bốn hướng, bốn phương có Phật răn dạy tất cả.

Nhân đó tạo ra công đức, trong đó có Tôn Giả Xá Lợi Phất. Nhân ấy tạo ra công đức, trong đó có già, bệnh, chết mà tự so sánh. Nhân ấy tạo công đức, hoặc thấy quận, huyện, ấp bị phá hoại, hoặc thóc gạo đắt đỏ, dân chúng đói khổ, mà vận dụng lường tính được việc này. Nhân ấy tạo ra công đức.

Vì sao?

Vì nghĩ tính trước sự việc xảy ra. Nhân ấy có công đức không thể tính đếm được. Nghĩa là công đức Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.

Lại có Bà La Môn tên là Sa Kiệt Mạt, bạch Phật: Con vào biển tắm, vừa có ý định này, thì liền thấy vạn Phật.

Các vị đều nói: Không phải như ý của ông là muốn độ biển sinh tử.

Nhân đó con tự nghĩ: Ngoài việc độ kia ra còn phải gội rửa sinh tử, cũng tại nơi này, phải có cái gì khác hơn là sự gội rửa này. Đúng hơn là con muốn vừa độ biển sinh tử vừa gội rửa sinh tử.

Vừa có ý nghĩ này thì liền thấy vạn Phật, các Phật đều bảo: Không phải như ý của ông chỉ muốn độ biển sinh tử mà còn gội rửa sinh tử nữa.

Lúc ấy con liền lại hỏi: Phải gội rửa ra sao?

Vị Phật kia bảo: Có con đường để độ là các pháp, có thể ở trong pháp ấy mà thực hiện việc gội rửa này, thì đã là độ rồi.

Bấy giờ, con lại hỏi: Ở thế gian, nơi nào có thể độ?

Các vị bảo: Phật đã làm việc độ này.

Con lại hỏi: Chỗ pháp nào có thể từ đó mà học?

Có Phật, gọi là Thích Ca Văn, ở trong Kỳ Hoàn. Phải học hỏi từ đó, theo như chỗ thề nguyện của ông, thì phải nghe học đầy đủ. Ngài đều vì ông mà giảng nói pháp ấy, khiến ông sẽ được thấu hiểu.

Nghe lời chỉ bảo này rồi, bỗng nhiên con không còn thấy chỗ vị Phật kia.

Vì thế con hỏi Phật: Chỗ pháp nào mà có thể độ?

Phải chăng độ cho tất cả các pháp, chính là pháp Ba La Mật?

Phật nói: Ông muốn độ các pháp, thì tâm phải bình đẳng đối với mọi người.

Vì sao?

Vì luôn nhớ nghĩ là việc độ sinh tử phải làm cho tất cả mọi người. Ví như độ biển sinh tử, thì phải học việc này và như vậy sẽ khiến độ được tất cả các pháp, nhưng cũng không nhớ nghĩ có pháp, cũng không nhớ nghĩ không pháp. Thực hiện được việc ấy, thì về sau, ông phải vì tất cả mà thuyết pháp.

Phật bảo Sa kiệt mạt: Bồ Tát chỉ dùng một việc mà đầy đủ các tuệ.

Sao gọi là một việc?

Muốn chấm dứt đời phap ác, bấy giờ, Bồ Tát phải chế ra pháp kia để chỉ dẫn cho tất cả, khiến cho pháp ấy không dứt sạch. Đây gọi là một việc mà đầy đủ được các tuệ.

Lại có hai việc. Bồ Tát học hai việc này là mau kịp chứng đắc Phật.

Sao gọi là hai?

Không nghĩ các pháp là cái ta có, là chẳng phải cái ta có, cũng không nghĩ thấy được nơi chốn của tất cả các pháp trong vũ trụ. Đây là hai việc.

Lại có ba việc. Thiện nam, thiện nữ nào trân trọng thực hiện ba việc ấy, thì mau đến chỗ thành Phật.

Sao gọi là ba?

Vì các pháp như là ánh sáng của sự thấy nên đối với các pháp là rõ ràng, cũng không nhiều, cũng không ít, không nghĩ đó là hai. Đã ứng cảm, thì chỉ một, không có tâm nào khác.

Vì sao?

Vì các pháp không thể nắm bắt. Ba việc này là nhân danh Phật. Đấy là ba việc.

Lại có bốn việc.

Sao gọi là bốn?

Đó là:

Một là nắm chắc toàn bộ các pháp.

Hai là thường đối với Như Lai làm công đức.

Ba là gìn giữ tâm như hư không, không có ý niệm về mọi người.

Bốn là nếu có cúng dường hay không cúng dường, thì tâm ấy vẫn không khác.

Người nam, người nữ nào trân trọng thực hiện các pháp này, thì mau thành Phật. Đấy là bốn việc.

Lại có năm việc.

Sao gọi là năm việc?

Đó là: Một là đối với các giới, không có chỗ để nhớ nghĩ.

Sao gọi là các giới?

Đó là: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi biết vị, thân thích tiếp xúc, ý muốn được cho mình. Không nhớ nghĩ như vậy.

Hai là đối với pháp Phật luôn tạo công đức.

Ba là nếu thấy cùng với Bồ Tát, tâm kia phải thể hiện sự vui mừng.

Vì sao?

Vì công dụng của nó thật lớn. Bốn là đối với tất cả, không có tâm dối trá.

Vì sao?

Vì ta đang độ.

Năm là cũng ở trong tâm này nhưng không có chỗ để tưởng nhớ. Đấy là năm việc.

Bà La Môn Sa kiệt mạt bạch Phật: Người nào trân trọng thực hành năm việc này thì mau thành Phật?

Phật nói: Phải thực hiện việc học này, thì mới mau đạt được Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng, tự mình đi đến đích là thành Phật và đây là việc làm để vượt qua được biển sinh tử.

Đem pháp chỉ dạy cho tất cả, làm như Như Lai, không chỗ nào là không độ. Người nào có lòng thành, vững vàng trụ ở Bồ Tát công đức, thì liền kịp được điềm lành này.

Nếu có ý nghĩ sợ sệt trên con đường tìm lấy sự chứng ngộ, thì Phật dạy: Pháp như vậy chớ có âu lo nhớ nghĩ mà phải đầy đủ mười thứ lực của Như Lai.

Tất cả những người nghe, không ai là không vui mừng.

***