Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT KINH
VĂN THÙ SƯ LỢI SỞ THUYẾT
BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Bà La, Đời Lương
PHẦN BA
Đức Phật hỏi: Ông có tin Chư Phật Như Lai nhập Niết Bàn không?
Văn Thù thưa: Tất cả Chư Phật tức tướng Niết Bàn. Tướng Niết Bàn không nhập, không phải không nhập.
Đức Phật dạy: Ông nói Chư Phật có lưu chuyển không?
Văn Thù thưa: Thế Tôn không lưu chuyển còn không thể được, huống gì có thể được lưu chuyển.
Đức Phật hỏi: Như Lai vô tâm, chỉ có trước Như Lai mới có thể nói lời nói này. Hoặc trước A La Hán lậu tận và Bồ Tát không thoái chuyển mới có thể nói lời nói này. Nếu người khác nghe lời nói này, không có lòng tin thì sẽ nghi ngờ.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật thâm sâu này khó tin khó hiểu.
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Những người nào lại có thể tin pháp thâm sâu này?
Đức Phật dạy: Tất cả phàm phu đều tin pháp này.
Vì sao?
Vì Như Lai vô tâm, tất cả phàm phu cũng vô tâm.
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao nói như vậy?
Bồ Tát mới phát tâm và A La Hán đều nghi ngờ. Xin Thế Tôn Giải nói cho.
Đức Phật dạy: Trong thật tế của ngôi vị pháp trụ, pháp tánh, pháp tướng.
Sự là có Phật, có phàm phu sai biệt không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn, không!
Đức Phật dạy: Nếu không sai biệt thì vì sao nghi ngờ?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Trong không sai biệt có Phật, có phàm phu không?
Đức Phật nói: Có.
Vì sao?
Vì Phật và phàm phu không hai, không sai biệt. Là một tướng, vô tướng.
Đức Phật dạy Văn Thù: Ông có tin Như Lai là tối thắng trong tất cả chúng sinh không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Con tin Như Lai tối thắng trong tất cả chúng sinh.
Bạch Thế Tôn! Nếu con tin Như Lai là tối thắng trong tất cả chúng sinh, thì thành ra Như Lai không tối thắng.
Đức Phật dạy: Ông có tin Như Lai thành tựu tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Con tin Như Lai thành tựu tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn.
Bạch Thế Tôn! Nếu con tin Như Lai thành tựu tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, thành ra Như Lai có thể nghĩ bàn.
Đức Phật hỏi: Ông tin tất cả Thanh Văn đều được Như Lai giáo hóa không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Con tin tất cả Thanh Văn là do Như Lai giáo hóa.
Thưa Thế Tôn! Nếu con tin tất cả Thanh Văn được Như Lai giáo hóa, thì pháp giới thành ra có thể giáo hóa.
Đức Phật hỏi: Ông tin Như Lai là ruộng phước vô thượng không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Con tin Như Lai là ruộng phước vô thượng.
Thưa Thế Tôn! Nếu con tin Như Lai là ruộng phước vô thượng, thì Như Lai chẳng phải là ruộng phước.
Đức Phật hỏi: Dựa vào đâu mà ông trả lời như vậy?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Con không dựa vào đâu cả để trả lời như vậy.
Bạch Thế Tôn! Trong cái không chỗ dựa ấy không thắng, không phải là không thắng. Không thể nghĩ bàn, không phải là không thể nghĩ bàn. Không giáo hóa, không phải là không giáo hóa. Không có ruộng phước, không phải là không có ruộng phước.
Khi ấy, nhờ thần lực của Phật mà đại địa chấn động sáu cách. Một vạn sáu ngàn chúng Tỳ Kheo, do không chấp trước nên được giải thoát. Bảy trăm chúng Tỳ Kheo Ni, ba ngàn Ưu Bà Tắc, bốn vạn Ưu Bà Di đều xa lìa trần cấu, đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Sáu vạn ức na do tha Chư Thiên cũng xa lìa trần cấu và đắc Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, Trưởng Lão A Nan liền đứng dậy, trịch áo bên phải, quỳ gối sát đất, chắp tay, cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà đất chấn động mạnh như vậy?
Đức Phật dạy A Nan: Đây là do nói bát nhã Ba la mật. Xưa kia Chư Phật nói pháp ấy cũng ở chỗ này, do nhân duyên đó mà đất chấn động.
Trưởng Lão Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy pháp mà Văn Thù Sư Lợi nói là không thể nghĩ bàn.
Đức Thế Tôn dạy Văn Thù: Theo lời Xá Lợi Phất nói, pháp mà Văn Thù Sư Lợi nói không thể nghĩ bàn?
Văn Thù bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu không thể nghĩ bàn thì không thể nói. Nếu có thể nói thì có thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn là vô sở hữu. Tất cả tiếng đó cũng không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn không có tiếng.
Đức Phật dạy: Ông có nhập tam muội chẳng nghĩ bàn không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn, không! Con là chẳng nghĩ bàn. Không thấy có tâm để có thể nghĩ bàn.
Làm sao nói nhập tam muội chẳng nghĩ bàn?
Mới phát tâm. Con muốn nhập vào định ấy, nhưng nay suy nghĩ lại, thật không có tướng tâm để nhập tam muội. Giống như người học bắn, nếu tập lâu thì giỏi, về sau dù không chú tâm nhưng do tập lâu nên bắn cũng trúng đích. Con cũng như vậy. Khi mới học tam muội chẳng nghĩ bàn, cột tâm vào một duyên, nếu tập lâu sẽ thành tựu. Do tập lâu, dù không có tâm tưởng cũng luôn ở trong định.
Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù: Có định nào tịch tĩnh thắng diệu không?
Văn Thù trả lời: Nếu có định chẳng nghĩ bàn thì thầy có thể hỏi có định tịch tĩnh không.
Theo ý hiểu của tôi, định chẳng nghĩ bàn còn không thể đắc thì làm sao hỏi tôi định tịch tĩnh làm gì?
Xá Lợi Phất hỏi: Định chẳng nghĩ bàn không thể đắc ư?
Văn Thù trả lời: Tướng định có thể nghĩ bàn là có thể đắc. Tướng của định chẳng thể nghĩ bàn thì không thể đắc. Tất cả chúng sinh chân thật đều thành tựu được định chẳng thể nghĩ bàn.
Vì sao?
Vì tất cả tướng của tâm tức chẳng phải là tâm. Đó gọi là định chẳng thể nghĩ bàn. Cho nên tướng của tất cả chúng sinh và tướng tam muội chẳng thể nghĩ bàn bằng nhau, không có phân biệt.
Đức Phật khen ngợi Văn Thù: Lành thay, lành thay! Từ lâu ông đã trồng căn lành, với Chư Phật và tịnh tu phạm hạnh nên mới có thể diễn nói tam muội thâm sâu này và ông nay đã an trụ trong bát nhã Ba la mật như vậy.
Văn Thù thưa: Nếu con trụ trong bát nhã Ba la mật, mà có thể nói như vậy, tức là hữu tưởng trụ trong ngã tưởng. Nếu trụ trong hữu tưởng, ngã tưởng thì với bát nhã Ba la mật là có chỗ trụ. Nếu bát nhã Ba la mật trụ chỗ không, cũng là ngã tưởng, cũng gọi là chỗ trụ. Lìa hai chỗ trụ này, trụ vào vô trụ. Giống như Chư Phật, trụ trong cảnh giới an ổn, tịch diệt, không thể nghĩ bàn. Chẳng nghĩ bàn như vậy, gọi là chỗ trụ của bát nhã Ba la mật.
Chỗ của bát nhã Ba la mật là tất cả pháp không có tướng. Tất cả pháp là không có tạo tác. Bát nhã Ba la mật tức chẳng nghĩ bàn. Chẳng nghĩ bàn tức pháp giới. Pháp giới tức vô tướng. Vô tướng tức chẳng nghĩ bàn. Chẳng nghĩ bàn tức bát nhã Ba la mật. bát nhã Ba la mật với pháp giới không hai, không khác. Không hai, không khác tức pháp giới. Pháp giới tức vô tướng.
Vô tướng tức cảnh giới bát nhã Ba la mật. Cảnh giới bát nhã Ba la mật tức cảnh giới chẳng nghĩ bàn. Cảnh giới chẳng nghĩ bàn tức là cảnh giới vô sinh, vô diệt. Cảnh giới vô sinh, vô diệt tức là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.
Văn Thù Sư Lợi nói: Giới của Như Lai và giới của ngã không hai tướng. Như vậy tu hành bát nhã Ba la mật tức là không cầu bồ đề.
Vì sao?
Vì lìa tướng bồ đề tức là bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu biết tướng của ngã mà không chấp trước. Không biết không chấp trước là Phật sở tri. Chẳng thể nghĩ bàn không biết không chấp trước cũng tức là Phật sở tri.
Vì sao?
Vì biết tánh của bản thể là không có tướng sở hữu vậy thì làm sao có thể chuyển pháp giới. Nếu biết bản tánh không bản thể mà không chấp trước gọi là không có sự vật. Nếu không có vật thì không có xứ sở, không chỗ dựa, chỗ trụ.
Không chỗ dựa, không trụ tức là không sinh, không diệt. Không sinh không diệt tức là công đức hữu vi. Nếu biết như vậy thì không có tâm tưởng. Không có tâm tưởng thì làm sao biết công đức hữu vi, vô vi. Không biết tức là chẳng nghĩ bàn. Chẳng nghĩ bàn là Phật sở tri, cũng không thủ, không phải không thủ. Không thấy các tướng qua lại trong ba đời. Không thủ sẽ sinh diệt và các hành động.
Cũng không đoạn, không thường. Người nào biết như vậy gọi là chánh trí. Trí chẳng nghĩ bàn, như hư không, không đây, không kia, không thể so sánh, không tốt xấu, không gì có thể so sánh bằng, không có tướng mạo.
Đức Phật dạy Văn Thù: Nếu biết như vậy gọi là trí không thoái.
Văn Thù thưa: Trí không tạo tác gọi là trí không thoái. Giống thỏi vàng, phải lấy búa đập mới biết tốt xấu. Nếu không đập thì không thể biết vàng ấy tốt hay xấu. Tướng của trí không thoái cũng như vậy. Khi tiếp xúc với cảnh giới thì không nhớ nghĩ, không chấp trước, không sinh khởi, không tạo tác, đầy đủ bất động, không sinh không diệt. Như thế mới hiển hiện đúng là trí không thoái.
Bấy giờ Đức Phật dạy Văn Thù: Chư Như Lai tự nói trí của chính mình thì ai tin?
Văn Thù thưa: Trí như vậy chẳng phải pháp Niết Bàn, chẳng phải pháp sinh tử. Đó là hạnh tịch tĩnh. Không đoạn trừ tham, sân, si. Cũng chẳng phải là không đoạn trừ.
Vì sao?
Vì vô tận, vô diệt. Không lìa sinh tử, cũng chẳng phải là không lìa. Không lìa tu đạo, cũng chẳng phải là không lìa tu đạo, người nào hiểu như vậy gọi là chánh tín.
Phật dạy Văn Thù: Lành thay, lành thay! Theo lời nói thì ông đã hiểu sâu nghĩa này.
Khi ấy, Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đời vị lai, ai có thể tin pháp thâm sâu này?
Ai ưa thích nghe pháp này?
Đức Phật dạy Ca Diếp: Bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di trong hội hôm nay, ở về đời vị lai sẽ tin hiểu pháp này. Nghe nói bát nhã Ba la mật thâm sâu thì sẽ biết pháp này, sẽ cầu pháp này.
Này Ca Diếp! Ví như trưởng giả hoặc con của trưởng giả, đã làm mất một viên ngọc quý, trị giá vạn lượng vàng, nên rất buồn khổ. Nay tìm lại được nên rất vui mừng, không còn buồn khổ nữa.
Cũng vậy, này Ca Diếp! Vào đời vị lai, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, nghe Kinh Bát Nhã Ba la mật thâm sâu này tương ứng với trí tuệ, nghe rồi rất vui mừng, tâm được an lạc, không còn ưu não nữa, liền nói: Hôm nay chúng ta được thấy Như Lai, phải cúng dường Như Lai.
Vì sao?
Vì được nghe sáu pháp Ba la mật vi diệu sâu xa này.
Này Ca Diếp! Giống như khi cây Ba Lợi Chất Đa La ở Cõi Trời Tam thập tam mới trổ nụ, thì Chư Thiên sẽ nghĩ: Không bao lâu nụ này sẽ nở.
Như vậy, này Ca Diếp, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di khi nghe Kinh Bát Nhã Ba La Mật này thì cũng như vậy tâm rất hoan hỷ và cũng nghĩ: Đời tương lai chắc chắn ta sẽ được pháp này.
Này Ca Diếp! Sau khi Như Lai diệt độ, kinh bát nhã Ba la mật thâm sâu này sẽ trụ mãi trên thế gian, không diệt và được lưu hành khắp nơi.
Này Ca Diếp! Nhờ thần lực của Phật mà trong đời vị lai, thiện nam, thiện nữ sẽ được bát nhã Ba la mật thâm sâu này.
Này Ca Diếp! Giống như người thợ ngọc ma ni thấy ma ni quý báu nên rất vui mừng, không cần suy nghĩ, liền biết được đó là thật hay giả.
Vì sao?
Vì nhờ kinh nghiệm.
Như vậy, này Ca Diếp! Nếu người nào, đã nghe pháp tương ưng của bát nhã Ba la mật này rồi hoan hỷ, có lòng tin, ưa thích thì nên biết, người ấy đời trước đã nghe bát nhã Ba la mật này rồi, và từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, đã từng cúng dường Chư Phật.
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay thiện nam, thiện nữ đã nghe pháp này thì đời vị lai càng tin hiểu.
Phật dạy Ca Diếp: Đúng vậy, đúng như lời ông đã nói!
Bấy giờ Văn Thù bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp này không hành không tướng. Người nói pháp này cũng không hành, không tướng.
Bạch Thế Tôn! Như vậy thì sao nói có hành tướng?
Phật dạy Văn Thù: Trước đây, khi ta hành Bồ Tát đạo, tu các căn lành, muốn trụ vào địa vị không thoái chuyển nên học bát nhã Ba la mật. Muốn thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nên học bát nhã Ba la mật. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn hiểu rõ tất cả pháp tướng, muốn biết tất cả tâm giới của chúng sinh thì đều đồng nhau phải nên học bát nhã Ba la mật.
Này Văn Thù Sư Lợi! Muốn học tất cả pháp của Phật đầy đủ, không chướng ngại, nên học bát nhã Ba la mật. Muốn học tất cả tướng tốt oai nghi, vô lượng pháp thức của Phật khi đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nên học bát nhã Ba la mật. Muốn biết tất cả pháp thức và các oai nghi của Phật khi không thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cũng nên học bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì trong pháp không, không thấy Chư Phật bồ đề. Nếu thiện nam, thiện nữ muốn biết các tướng như vậy mà không nghi hoặc, nên học bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật không thấy các pháp có sinh, có diệt, có cấu, có tịnh. Cho nên thiện nam, thiện nữ phải nên học bát nhã Ba la mật như vậy. Muốn biết tất cả pháp không có các tướng quá khứ, hiện tại, vị lai. Nên học bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Tánh tướng của pháp giới không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Muốn biết tất cả pháp đồng nhập vào pháp giới mà tâm không trở ngại, nên học bát nhã Ba la mật. Muốn được tam chuyển, mười hai hành pháp luân tự mình chứng biết mà không thủ trước, nên học bát nhã Ba la mật.
Muốn có được lòng từ, bao trùm tất cả chúng sinh. Cũng chẳng khởi nghĩ có tướng chúng sinh thì nên học bát nhã Ba la mật. Không muốn khởi tranh luận với tất cả chúng sinh, cũng không chấp giữ tướng không tranh luận thì nên học bát nhã Ba la mật. Muốn biết xứ, phi xứ, mười lực, vô úy, trụ trí tuệ Phật, được biện tài vô ngại nên học bát nhã Ba la mật.
Bấy giờ Văn Thù bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con quán chánh pháp là vô vi, vô tướng, vô đắc, vô lợi, không sinh, không diệt, không đến, không đi, không có người biết, không có người thấy, không có người tạo tác, không thấy bát nhã Ba la mật, cũng không thấy cảnh giới của bát nhã Ba la mật, chẳng phải chứng, chẳng phải không chứng, không có hý luận, không có phân biệt.
Tất cả pháp vô tận, ly, tận. Không có pháp phàm phu, không có pháp Thanh Văn. Không có pháp Bích Chi Phật, pháp Phật. Chẳng phải đắc, chẳng phải không đắc, không bỏ sinh tử, không chứng Niết Bàn, chẳng phải có thể nghĩ bàn, không phải chẳng nghĩ bàn, chẳng phải làm, chẳng phải không làm.
Tướng pháp như vậy mà không biết thì làm sao học bát nhã Ba la mật?
Đức Phật dạy Văn Thù: Nếu có thể biết, tướng của các pháp là như vậy, thì gọi là học bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát nếu muốn học bồ đề tự tại tam muội, khi đã được tam muội ấy rồi thì sẽ soi sáng được tất cả Phật Pháp thâm sâu và biết tất cả danh tự của các Đức Phật, đồng thời cũng hiểu rõ, thấu đạt cảnh giới của Chư Phật không một chướng ngại. Nên học theo những gì mà Văn Thù nói trong bát nhã Ba la mật.
***