Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Viên Giác
PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Đa La, Đời Tống
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG PHỔ NHÃN
Lúc ấy Bồ Tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quỳ thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả!
Con xin Ngài vì các vị Bồ Tát trong đại hội này, và vì những người trong thời kỳ cuối cùng, chỉ dạy phương tiện thứ tự mà Bồ Tát tu hành: Họ phải tư duy như thế nào?
Phải trú ở như thế nào?
Và truyền đạt như thế nào cho người chưa biết?
Thưa Đức Thế Tôn, nếu họ không biết tư duy và trú ở chính xác theo phương tiện chính xác, thì nghe chánh định như huyễn của Đức Thế Tôn dạy, họ sẽ mờ mịt, thác loạn, không thể nhập vào Viên Giác. Xin Đức Thế Tôn thương tưởng, vì chúng con và vì những người sau này mà chỉ dạy phương tiện ấy.
Tác bạch rồi, Bồ Tát Phổ Nhãn gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Phổ Nhãn: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể vì các vị Bồ Tát, và những người sau này, hỏi Như Lai về phương tiện thứ tự của sự tu hành: Hỏi cách tư duy và cách trú ở của sự tu hành, hỏi cách truyền đạt những sự ấy. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Phổ Nhãn vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát mới tu học, và những người thời kỳ cuối cùng, muốn phát hiện Viên Giác mà Như Lai đã chứng ngộ thì phải có sự nhớ nghĩ chính xác, nhớ nghĩ về sự thoát bỏ huyễn ảo, bằng cách trước hết phải y cứ pháp hạnh Xa Ma Tha pháp hạnh tập trung tư duy của Như Lai, phải nghiêm giữ giới luật, sắp đặt đồ đệ cho yên, và thường ngồi trong phòng thất yên tĩnh, nhớ nghĩ luôn như thế này.
Thân thể của ta đây chỉ là sự tổ hợp của bốn đại chủng: Những gì cố thể thì thuộc về đất, những gì dịch thể thì thuộc về nước, những gì nhiệt lực thì thuộc về lửa, những gì động lực thì thuộc về gió.
Nhưng bốn đại chủng ấy tách rời với nhau, thì gọi là cái thân là cái gì?
Suy nghĩ như vậy thì biết cái thân ấy cứu cánh không có cá thể, chỉ là một hình thái tổ hợp, thực chất huyễn ảo. Do bốn đại chủng làm những yếu tố tương quan mà tổ hợp lại một cách không thật nên có ra sáu giác quan, có cũng một cách không thật.
Rồi sáu giác quan ở trong và bốn đại chủng ở ngoài tổ hợp với nhau mà có một cách không thật những sự vin theo đối cảnh, và tụ lại tựa như có ấn tượng: Như thế giả gọi là tâm thức. Tâm thức không thật như vậy nếu không có sáu đối cảnh thì không thể có được. Nhưng bốn đại chủng phân tán thì sáu đối cảnh cũng không thể có. Đại chủng và đối cảnh phân tán thì rốt cuộc cũng không có tâm thức có thể tìm thấy.
Thiện nam tử! Người ấy thấy thân thể như huyễn ảo hủy diệt thì tâm thức như huyễn ảo hủy diệt, tâm thức như huyễn ảo hủy diệt thì đối cảnh như huyễn ảo hủy diệt, đối cảnh như huyễn ảo hủy diệt thì sự hủy diệt như huyễn ảo cũng hủy diệt, sự hủy diệt như huyễn ảo cũng hủy diệt thì cái không phải huyễn ảo sẽ không hủy diệt, giống như lau gương, dơ bẩn lau hết thì trong sáng hiện ra: Phải biết thân tâm toàn là hình thái dơ bẩn, hình thái dơ bẩn diệt hẳn thì vũ trụ trong sáng.
Thiện nam tử! Như khối ngọc trong suốt phản ảnh đủ cả năm màu, mỗi màu hiện một phía, vậy mà kẻ ngu dốt thì nói khối ngọc thật có năm màu. Tương tự như vậy, Viên Giác trong sáng ảnh hiện thân tâm thích ứng từng loại, vậy mà người ngu dốt nói Viên Giác thật có các hình thái thân tâm.
Do đó mà họ không thể thoát bỏ huyễn ảo dơ bẩn, và, với họ, Như Lai nói thân tâm đều là huyễn ảo dơ bẩn. Đối lại, ai thoát bỏ huyễn ảo dơ bẩn thì Như Lai gọi là Bồ Tát.
Và huyễn ảo dơ bẩn hết rồi thì sự đối lại cũng không còn: Không còn dơ bẩn, không còn người thoát bỏ dơ bẩn, không còn người giả thiết tên gọi.
Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát, và những người sau này, khi thực hiện được trạng thái huyễn ảo hủy diệt, thì bấy giờ thấy sự trong sáng vô biên, được biểu hiện bởi Viên Giác trong sáng vốn như không gian vô hạn.
Viên Giác trong sáng nên tâm thức trong sáng, tâm thức trong sáng nên sự thấy trong sáng: Sự thấy trong sáng nên nhãn căn trong sáng, nhãn căn trong sáng nên nhãn thức trong sáng.
Nhãn thức trong sáng nên sự nghe trong sáng: Sự nghe trong sáng nên nhĩ căn trong sáng, nhĩ căn trong sáng nên nhĩ thức trong sáng. Nhĩ thức trong sáng nên sự hay và sự biết trong sáng, nghĩa là tuy căn tỷ thức, thiệt căn thiệt thức, thân căn thân thức và ý căn ý thức đều trong sáng cả.
Căn và thức trong sáng nên cảnh trong sáng: Sắc thanh hương vị xúc pháp đều trong sáng cả.
Sáu cảnh trong sáng nên bốn đại trong sáng: Đất nước lửa gió đều trong sáng cả. Bốn đại trong sáng nên mười hai xứ, mười tám giới, và hâm lăm hữu, đều trong sáng cả. Các pháp trên trong sáng nên mười lực, bốn vô úy, bốn vô ngại trí, mười tám bất cọng pháp, bâm bảy Bồ Đề phần, cho đến tám mươi bốn ngàn tổng trì môn đều trong sáng cả.
Thiện nam tử! Toàn bộ các pháp bản thể trong sáng nên một thân trong sáng, một thân trong sáng nên nhiều thân trong sáng, nhiều thân trong sáng nên cho đến mười phương chúng sinh toàn là Viên Giác trong sáng.
Thiện nam tử! Thân trong sáng nên Thế Giới trong sáng: Một Thế Giới trong sáng nên nhiều Thế Giới trong sáng, nhiều Thế Giới trong sáng nên cho đến cùng không gian mười phương và suốt thì gian ba đời toàn bộ đều trong sáng.
Thiện nam tử! Không gian bất động, nên Viên Giác bất động, bốn đại bất động nên Viên Giác bất động, và y như vậy, cho đến tám mươi bốn ngàn tổng trì môn đều bất động nên Viên Giác bất động.
Thiện nam tử! Viên Giác trong sáng, bất động và phổ biến nên sáu căn phổ biến pháp giới, sáu căn phổ biến pháp giới nên sáu cảnh phổ biến pháp giới, sáu cảnh phổ biến pháp giới nên bốn đại phổ biến pháp giới, và y như vậy, cho đến tất cả tổng trì môn đều phổ biến pháp giới.
Thiện nam tử! Viên Giác phổ biến nên căn và cảnh không phá hoại nhau không hỗn tạp nhau, căn và cảnh không phá hoại nhau không hỗn tạp nhau nên cho đến hết thảy tổng trì môn đều không phá hoại nhau không hỗn tạp nhau.
Sự thể ví như hàng trăm hàng ngàn ngọn đèn chiếu sáng một phòng, ánh sáng ngọn đèn nào cũng phổ biến cả phòng mà không phá hoại nhau không hỗn tạp nhau.
Thiện nam tử! Bồ Tát thành đạt Viên Giác như vậy, nên không buộc các pháp không mở các pháp, không chán sinh tử không ham Niết Bàn, không kính giữ giới không ghét phá giới, không trọng tu lâu không khinh mới học, vì lẽ toàn thể đều là Viên Giác.
Sự thể ví như mắt thấy cảnh vật, sự thấy ấy thấy toàn diện mà không ghét không ưa, vì lẽ thực chất của sự thấy không có hai ý thức này.
Các vị Bồ Tát, và người sau này, tu tập mà thành đạt Viên Giác như vậy, thì đối với chính Viên Giác ấy đã không tu tập và không thành đạt, chiếu sáng một cách tròn đầy mà trong lặng, không có những khái niệm đối lập lẫn nhau.
Chính trong cái trạng thái chiếu sáng này mà thấy hằng sa Thế Giới y như hoa đốm nổi lên hay mất đi với bao nhiêu là hình thái, thấy các pháp không dính líu không tách rời, không trói buộc không cởi mở, thấy chúng sinh vốn là Phật Đà, sinh tử với Niết Bàn đều như giấc mộng.
Vì đều như giấc mộng nên đối với sinh tử và Niết Bàn thì thấy không nổi không tan, không đến không đi. Đối với chân lý sở chứng thì thấy không được không mất, không lấy không bỏ.
Đối với Tuệ Giác năng chứng thì thấy không làm không ngưng, không buông không dứt. Đối với sự chứng ngộ thì thấy không năng chứng không sở chứng, cứu cánh không có sự chứng ngộ và người chứng ngộ. Thấy như vậy là vì toàn bộ các pháp đều bình đẳng và không phá hoại nhau.
Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát hãy tu hành theo phương tiện thứ tự như vậy: Hãy tư duy như vậy, hãy trú ở như vậy, hãy đem những sự ấy truyền đạt cho người cầu pháp, thì những người này cũng không mù mờ, rối trí. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Phổ Nhãn nên biết,
Thân tâm chúng sinh
Như huyễn ảo cả:
Thân thuộc bốn đại,
Tâm nhờ sáu cảnh
Bốn đại rời nhau
Thì gọi cái gì
Là sự tổ hợp?
Tu dần như vậy
Tất cả trong sáng,
Bất động, phổ biến,
Không làm không ngưng
Không buông không dứt
Không người chứng ngộ.
Hết thảy Thế Giới
Chỉ như hoa đốm
Ở trong không gian,
Quá khứ hiện tại
Cùng với vị lai
Bình đẳng tất cả,
Cứu cánh không đến
Mà cũng không đi.
Bồ Tát mới tu
Và người sau này
Muốn được nhập vào
Tuệ Giác Phật Đà
Thì phải nỗ lực
Tu tập như vậy.
***