Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Viên Giác

PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Đa La, Đời Tống
 

CHƯƠNG HAI

CHƯƠNG PHỔ HIỀN
 

Lúc ấy Bồ Tát Phổ Hiền ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả!

Con xin Ngài vì các vị Bồ Tát trong đại hội này, lại vì những người tu hành Đại Thừa trong thời kỳ cuối cùng, mà dạy cho họ biết, nghe nói Viên Giác trong sáng như vậy thì tu hành cách nào?

Nếu họ biết là huyễn ảo cả, thì thân thể và tâm trí cũng là huyễn ảo, làm sao đem huyễn ảo tu hành huyễn ảo?

Nếu thực chất huyễn ảo là hủy diệt tất cả, thì thân thể và tâm trí cũng là không, như vậy ai là người tu hành để nói sự tu hành cũng như huyễn ảo?

Nếu người tu hành cũng không, có nghĩa chúng sinh không tu hành, vĩnh viễn đắm mình trong cảnh huyễn ảo của Thế Giới sinh tử luân hồi, không hề thấu hiểu chân lý huyễn ảo, như vậy làm sao thoát được tư tưởng ngộ nhận?

Con lại thỉnh cầu Đức Thế Tôn dạy cho những người sau này biết tu hành chánh định Như huyễn bằng phương tiện gì và thứ tự nào để vĩnh viễn thoát bỏ huyễn ảo?

Tác bạch rồi, Bồ Tát Phổ Hiền gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Phổ Hiền: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể vì các vị Bồ Tát và những người sau này mà hỏi Như Lai, rằng họ phải tu tập phương tiện và thứ tự của chánh định như huyễn như thế nào để thoát bỏ huyễn ảo. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Phổ Hiền vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Hết thảy huyễn ảo của chúng sinh đều phát sinh nơi Viên Giác, nơi cái tâm vi diệu mà Như Lai chứng ngộ, tương tự hoa đốm có trong không gian.

Nhưng hoa đốm huyễn ảo thì hủy diệt mà không gian thì không hủy diệt: Vô minh huyễn ảo thì hủy diệt vì thân tâm huyễn ảo, huyễn ảo hủy diệt mà Viên Giác bất động. Đối với huyễn ảo mà nói Viên Giác, thì Viên Giác ấy cũng là huyễn ảo. Nói Viên Giác là có thì vẫn thuộc phạm trù huyễn ảo, nói Viên Giác là không thì cũng y như thế.

Huyễn ảo hủy diệt mới là Viên Giác bất động. Thế nên hết thảy Bồ Tát, và những người sau này, phải thoát bỏ cho được mọi sự huyễn ảo.

Nhưng cố chấp ý thức thoát bỏ thì cái ý thức thoát bỏ này cũng phải thoát bỏ. Sự thoát bỏ cái ý thức thoát bỏ này cũng phải thoát bỏ. Và sự thoát bỏ cái sự thoát bỏ này cũng phải thoát bỏ. Không còn gì để thoát bỏ nữa thì mọi sự huyễn ảo hủy diệt.

Ví như người kéo cây lấy lửa, hai cây cọ xát với nhau, lửa phát thì hai cây cháy cả, cháy đến khói cũng tản, tro cũng bay: Đem huyễn ảo diệt trừ huyễn ảo cũng tương tự như vậy. Và huyễn ảo mất hết mà sự đó không nhập vào cái loại kiến thức sai lầm chủ trương mọi sự đều mất hẳn.

Thiện nam tử! Biết là huyễn ảo thì thoát bỏ huyễn ảo, không làm phương tiện gì khác. Huyễn ảo thoát bỏ thì Viên Giác trong sáng, không có thứ tự nào cả. Các vị Bồ Tát, và những người sau này, y theo sự chỉ dẫn trên đây mà tu hành mới vĩnh viễn thoát bỏ huyễn ảo.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

Phổ Hiền nên biết,

Vô minh huyễn ảo

Là có ở nơi

Diệu tâm Viên Giác,

Tương tự hoa đốm

Có trong không gian,

Hoa đốm hủy diệt

Không gian bất động.

Huyễn ảo phát sinh

Ở nơi Viên Giác,

Huyễn ảo hủy diệt

Viên Giác trọn vẹn,

Vì lẽ Viên Giác

Bản tính bất động.

Nên các Bồ Tát

Và người sau này

Thoát bỏ cho được

Mọi sự huyễn ảo.

Huyễn ảo thoát bỏ

Là như một kẻ

Kéo cây ra lửa,

Lửa phát cây cháy

Cây cháy hết cả

Lửa cũng không còn.

Viên Giác thì không

Phương tiện gì cả,

Và cũng không cả

Cái sự thứ tự.

***