Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Viên Giác

PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Đa La, Đời Tống
 

CHƯƠNG MƯỜI

CHƯƠNG PHỔ GIÁC
 

Lúc ấy Bồ Tát Phổ Giác ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả!

Ngài đã chỉ dạy một cách thích thú về bệnh hoạn của Thiền Quán, làm cho đại chúng này được sự chưa từng có, tâm ý thư thái và ổn định lớn lao.

Thưa Đức Thế Tôn, những người thời kỳ cuối cùng cách thời đại của Ngài quá xa, Hiền Thánh ẩn dấu, lý thuyết sai lầm bùng cháy thêm lên.

Để làm cho những người mù mờ trong thời kỳ ấy khỏi sa vào lý thuyết sai lầm, con xin Ngài dạy cho họ biết nên tìm người nào?

Nên cứ pháp nào?

Nên làm việc gì?

Nên trừ bệnh gì?

Nên phát tâm nào?

Tác bạch rồi, Bồ Tát Phổ Giác gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Phổ Giác: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể hỏi Như Lai về sự tu hành như vậy, hiến cho những người thời kỳ cuối cùng con mắt Tuệ Giác không còn e sợ, làm cho họ thành được Tuệ Giác của các vị Thánh Giả. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Phổ Giác vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Người thời kỳ cuối cùng, khi sắp phát tâm vĩ đại và tìm thầy bạn tốt để tu hành, thì nên tìm người thấy biết chính xác: Lòng không sống theo khuôn khổ phàm phu, không vướng vào lĩnh vực Nhị Thừa, biểu hiện bụi bặm mà tâm thường trong sáng, biểu diễn tội lỗi mà tán dương phạn hạnh, không làm cho người sống không giới luật. Tìm được người như vậy thì được Tuệ Giác Vô Thượng.

Người thời kỳ cuối cùng gặp người như vậy thì nên phụng sự đến tính mạng cũng không tiếc. Người thầy bạn tốt này đi đứng nằm ngồi luôn luôn trong sáng thì nên kính trọng, giả sử biểu hiện tội lỗi thì đừng khinh thường, huống chi chỉ quan tâm đến của cải thân thuộc.

Thiện nam tử nào không có ý xấu đối với thầy bạn tốt thì có năng lực thành đạt trọn vẹn Tuệ Giác chính xác, bông hoa tâm trí phát sáng, chiếu soi tất cả.

Thiện nam tử! Hãy y cứ vào pháp của thầy bạn tốt, cái pháp phải tách rời bốn thứ bệnh. Một là bệnh làm, là nếu ai nói tôi chủ tâm làm mọi việc để cầu Viên Giác. Nhưng Viên Giác không phải làm như thế mà được, nên nói như thế là bịnh đó.

Hai là bệnh buông, là nếu ai nói tôi không loại sinh tử không cầu Niết Bàn, đối với Niết Bàn và sinh tử tôi không có ý niệm phát động hay hủy diệt, tôi buông thả tất cả, mặc kệ các pháp để cầu Viên Giác. Nhưng Viên Giác không phải buông như thế mà có, nên nói như thế là bịnh đó.

Ba là bệnh ngưng, là nếu ai nói tôi ngừng mọi ý niệm, nắm lấy vắng lặng của toàn bộ các pháp để cầu Viên Giác. Nhưng Viên Giác không phải ngừng như thế mà hợp, nên nói như thế là bịnh đó.

Bốn là bệnh dứt, là nếu ai nói tôi dứt bỏ phiền não, không cả thân tâm, huống chi những thứ căn cảnh huyễn ảo, tôi dứt bặt hết thảy để cầu Viên Giác. Nhưng Viên Giác không phải dứt như thế mà chứng, nên nói như thế là bịnh đó. Pháp của ai tách rời bốn bịnh như vậy thì biết pháp ấy trong sáng. Và xét như vậy là xét chính xác, xét khác đi là xét sai lầm.

Thiện nam tử! Những người thời kỳ cuối cùng muốn tu hành thì phải suốt đời phụng sự thầy bạn tốt có cái pháp tách rời cả bốn bệnh như vậy. Thầy bạn tốt muốn thân gần thì đừng khinh lờn, muốn rời xa thì đừng oán hận.

Trước cảnh nghịch hay cảnh thuận lòng như không gian, với thân thể và tâm trí biết toàn không thật, coi tất cả chúng sinh đồng bản thể với mình. Làm như vậy mới mong nhập vào Viên Giác.

Thiện nam tử! Những người thời kỳ cuối cùng không thành đạt Tuệ Giác là vì chưa loại bỏ những hạt giống ghét ưa đối với bản thân cũng như đối với người khác, đã có từ vô thỉ. Ai nhìn kẻ thù như nhìn cha mẹ, lòng không bỉ thử, thì trừ khử được mọi thứ bệnh hoạn trong sự tu hành. Những sự ghét ưa đối với các pháp cũng phải trừ khử như vậy.

Thiện nam tử! Những người thời kỳ cuối cùng muốn cầu Viên Giác thì phải phát tâm, bằng cách nói như vậy: Cùng tận không gian, bao nhiêu chúng sinh trong đó, con nguyện làm cho họ nhập được Viên Giác. Trong Viên Giác, con không chấp có người chứng ngộ, con nguyện loại trừ mọi sắc thái ngã tướng nhân tướng. Phát tâm như vậy thì không rơi vào kiến thức sai lầm.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

Phổ giác nên biết,

Những người sau này

Cầu thầy bạn tốt

Phải cầu những người

Thấy biết chính xác

Tâm vượt nhị thừa.

Đối với pháp tu

Phải loại bốn bệnh

Bệnh làm bệnh ngưng

Bệnh buông bệnh dứt.

Và thầy bạn tốt

Thân, mình đừng kiêu

Sơ, mình không hận,

Và nhìn mọi sự

Của thầy bạn tốt

Lòng thấy hiếm có.

Có thầy bạn tốt

Như Phật xuất hiện.

Không phạm những gì

Trái với uy nghi,

Gốc rễ giới luật

Vĩnh viễn trong sáng.

Nguyện độ chúng sinh

Nhập vào Viên Giác,

Không có ngã tướng

Nhân tướng cũng không,

Y cứ Tuệ Giác

Chính xác như vậy

Thì vượt qua được

Mọi thứ tà kiến:

Tuệ Giác chính xác

Thì nhập Niết Bàn.

***