Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Vô Cực Bảo Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ CỰC BẢO TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN BỐN
 

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người trong hội hôm nay, ai không phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Đức Phật bảo: Này Di Lặc! Vào thuở xa xưa, thời Đức Phật Sa Hà Lâu Đà, ta mới phát ý, bị cấu nhiễm che lấp, không được đại tuệ, chỉ nghe Bồ Tát nói phát ý nên được xứ ấy, chỉ tưởng không, không được thầy giỏi, không được phương tiện, lìa xa thiện tri thức, bị dục vọng lừa dối, ý dính mắc vào không đoạn mất Ba La Mật.

Sau sáu mươi hai kiếp, cùng với hội Phật Pháp tự nhiên, đoạn trừ các nghi của ta liền đạt được vốn không, đứng giữa hư không, các căn liền đoạn, thấy được tuệ môn, chứng đắc hình không động. Từ đó chuyển các hành, liền đoạn pháp luân, rồi theo Chánh Giác thọ tam muội này.

Tuy sáu mươi hai kiếp phát ý, nhưng đối với pháp lại vô ích. Sau cùng với hội Phật Pháp tự nhiên, liền được đại thọ, lúc đó mới phát ý. Khi phát ý, có chín mươi ức người đều cùng phát tâm cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người mới phát ý có bao nhiêu pháp?

Đức Phật nói: Này Di Lặc! Người mới phát ý, có chín pháp.

1. Xa lìa chúng hội, chí thường vắng lặng.

2. Thường theo thiện tri thức lãnh thọ giáo pháp không mất.

3. Xa lìa ác tri thức, không theo thờ họ.

4. Thường xa lìa năm loại:

Sa Môn ác.

Bà La Môn ác.

Huỳnh môn ác.

Trâu ngựa ác.

Rắn dữ, trùng độc, không nên theo hầu hạ năm hạng ấy.

Trong khoảng thời gian chưa thành đạo, năm hạng này dễ làm cho con người rơi vào địa ngục. Vì thế nên phải xa lìa.

1. Nên xa lìa những người mới phát ý, tâm đã cầu La Hán, Bích Chi Phật, nên cảnh giác việc ma, không nên theo họ.

2. Trong mộng chỉ thấy Đức Phật nói pháp sâu xa.

3. Phát ý chỉ vì pháp, chứ không phải vì ăn uống.

4. Không nên tham dự vào chúng hội đông đúc có chỗ hy vọng.

5. Phát tâm bình đẳng đối với mười phương và bình đẳng đối với tam muội, có chí muốn ngồi tòa Phật mà không có sợ hãi.

Đó là chín pháp.

Khi Đức Phật nói pháp này, sáu vạn Thiên Tử Ái Dục đều được tam muội này.

Các Trời thì bay lên hư không, cùng khen ngợi: Hay thay! Hay thay! Ai nghe được pháp này, phước đức vô lượng.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Thiên Tử được nghe pháp này, tự thọ trì công đức hay là thọ trì oai thần của Đức Phật?

Đức Phật bảo: Này Di Lặc! Nay các Thiên Tử được nghe pháp này là vì đời xa xưa đã thờ hai vạn Đức Phật, cúng dường Xá Lợi như núi Tu Di. Tuy có phước này, nhưng không có ích gì với Niết Bàn. Nay nghe tam muội này, khởi hoại các phước đời trước.

Vì sao?

Vì phước đời trước đã gieo trồng đều có sinh diệt. Nay tam muội này lấy không để hoại có.

Bồ Tát Di Lặc lại thưa: Bạch Thế Tôn! Người nghe tam muội này về sau không còn bị hoại diệt chăng?

Đức Phật bảo: Này Di Lặc! tam muội này hoàn toàn không bị phá hoại.

Vì sao?

Vì tam muội này không có danh xứ, không tưởng xứ, không niệm xứ, không hình xứ, không thức xứ, không oai thần xứ, không có kết hành cầu thoát xứ. Tam muội thanh tịnh, đây không đến kia, kia không đến đây. Không có nguyện tưởng, chẳng tưởng xứ.

Không có tạo tác, đối với hóa không có hình xứ, không có sinh tử. Đoạn, không đoạn xứ. Chỉ có danh, chỉ có tiếng vang, chỉ có văn tuệ xứ. Tuệ không chỗ đến, không làm thành khí. Vì thế, nên không thể hoại, không thể diệt.

Vô sắc xứ, đối với dục, không làm ra thức xứ, không khởi hành xứ, không cảm nhận các vị, không có hình, không ra, không vào, không sinh xứ, không ứng xứ, vắng lặng không động, không ranh giới, không thể bại hoại. Người muốn bại hoại, thì người đó là kẻ căn tánh ngu si, là cửa ngõ sinh tử.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Có năm việc không ngay thẳng, không nên vâng theo:

1. Không nên đối với pháp có hai.

2. Không nên đối với pháp có chỗ khởi.

3. Không nên hiện các pháp, đúng sai, không có danh.

4. Không nên đối với quá khứ, vị lai có chỗ thấy.

5. Các pháp không thể đoạn.

Đó là năm.

Bồ Tát đạt được pháp vô khứ lai này, thì mau chóng đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người còn có nhớ nghĩ về khổ vui, thì không lìa khổ vui. Đó là hai pháp.

Bồ Tát không lìa chặng giữa, không lìa trên, không thoát ly, không chặng giữa, không chỗ xa lìa. Đối với sở tác xa vô tác. Đó là khởi tác như huyễn.

Lấy huyễn để thoát huyễn, trong huyễn không huyễn, trong huyễn không danh. Như vậy, cũng không từ nơi pháp được độ, cũng không lìa pháp được độ, trong thoát lại thoát. Đó là không có chủ, chỉ có danh mà thôi.

Đối với chữ không biết danh, đó là đoạn pháp luân.

Xá Lợi Phất nói: Pháp luân vốn thanh tịnh, không chỗ có, vậy ai là người đoạn pháp luân?

Bảo Lai nói: Người nào không biết luân có xứ sở, thì đó là đoạn.

Phật bảo: Người còn tham pháp, là còn nguồn gốc của sinh tử, pháp diệt cũng là sự tạo tác của không trói buộc. Tạo tác của không tạo tác, là không lìa tạo tác. Người lìa mọi tham lam tức là không còn có đoạn. Người không tham lam, không khởi tức là đạo.

Không thể chẳng thể, không sinh chẳng sinh, không thức chẳng thức, không chết chẳng chết, không đoạn chẳng đoạn, không xa chẳng xa… những gì có thể không thể thì không thể trụ vào vô tưởng. Lìa vô tưởng, chỗ niệm không niệm, chỗ nói không chỗ nói, Niết Bàn không diệt, lìa nơi không diệt, Niết Bàn không hình lìa nơi không hình, Niết Bàn diệt tận không chỗ tận.

Các pháp vắng lặng, lìa vắng lặng. Các pháp không thể chẳng thể không có chỗ mất. Đối với tuệ, lìa căn bản, thì chẳng phải gọi là vô tưởng. Chỗ sáng hay không chỗ sáng, đối với sáng, tối, biết là vô tướng.

Ngu si, trí tuệ nhập vào vô tướng, đối với đạo hay không được đạo, hoặc khổ, hoặc vui đều biết là vô tướng. Khởi lên cái vô tưởng, đối với thanh tịnh, không có khó dễ, hóa độ không có chủ thể, chỗ đạt đến là lìa vô tướng.

Các pháp chẳng phải danh, lìa chẳng phải danh, hóa độ như nước chảy, đối với danh không chuyển. Như vậy, tức là đạo. Phật dùng tam muội hóa độ, làm cho người vừa ý, dùng vạn vật để tự trang nghiêm, chỉ trang nghiêm vô hình, trang nghiêm cho những ai nhận thức sai lầm, trang nghiêm làm cho thỏa mãn tâm ý, trang nghiêm tưởng đúng, tưởng sai.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các hàng Trời, Người hôm nay đến tập hội, có bao nhiêu người đạt được tam muội này?

Phật bảo: Này Văn Thù! Nay các hàng Trời, Người trong hội, tất cả đều chứng đắc tam muội và đạt được công đức này, rồi đây đều sẽ thành Phật, nhận sự thọ ký của Thế Tôn, đoạn trừ năm đường.

Khi nghe Đức Phật dạy, trong chúng hội, có đến tám ngàn ức Trời và người đều được pháp nhẫn vô sở tùng sinh, liền bay lên hư không cách đất ba trăm trượng, trên thân đều có vạn ức hoa hương, sau đó, các vị ấy liền hạ xuống, đến đảnh lễ sát chân Đức Phật.

Bồ Tát A lâu, Bồ Tát Ha đề từ chỗ ngồi, đứng dậy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Thượng Nhân này, bay lên hư không, hoa hương trên thân từ đâu mà có?

Phật bảo: Này Thiện Nam! Ví như tấm lụa sạch, vốn tự trong sạch nên rất dễ nhuộm năm màu tươi sáng. Lụa vốn tự trong sạch, sắc vốn cũng sạch, nhân duyên hai vật, nên được tươi sáng đẹp đẽ. Sắc cũng không nhập vào lụa, lụa cũng không nhập vào sắc, do nhân duyên sạch nên được phát sáng. Bởi Bồ Tát thanh tịnh, cho nên phát ra hương hoa.

Nhân duyên ây cũng lại như vậy, Bồ Tát cũng không tại hương hoa, hương hoa cũng không dính mắc Bồ Tát. Các hàng Trời, Người được đoạn niệm tưởng, được phát tuệ sáng, nên hoa hiện ra. Dùng hoa thanh tịnh, cho nên nhân duyên hưng khởi. Pháp cũng như vậy. Người không trụ, nên thành tựu các công đức. Người trụ tưởng hạnh là mở cửa sinh tử.

La Hán, Bích Chi Phật xa lìa năm đường là vì nhận thức mười việc sai lầm:

1. Thấy các công đức đều là ngôn thuyết. Đó là nhận thức sai lầm.

2. Thấy năm đường đau khổ, muốn nhập Niết Bàn. Đó là nhận thức sai lầm.

3. Thấy vạn vật vô thường, muốn mau chóng xa lìa. Đó là nhận thức sai lầm.

4. Cầu an vốn tự nó không căn bản. Đó là nhận thức sai lầm.

5. Biết ra khỏi vô gián, lại nhập vào đời vô xứ, tự mình không thoát khỏi, cầu mãi không dứt. Đó là nhận thức sai lầm.

6. Khi La Hán muốn Niết Bàn trong thân tự phát ra lửa, lửa cũng không xứ, liền khởi ý tưởng xuất lửa trong thân để tự thiêu đốt, cho nên biết không đoạn được sinh tử. Đó là nhận thức sai lầm.

7. Không có khả năng dứt sạch gốc ngọn mà tự cầu dứt sạch. Đó là nhận thức sai lầm.

8. Muốn ở trong Niết Bàn mà diệt tận các ác, không biết không chủ tể, trở lại muốn diệt tận. Đó là nhận thức sai lầm.

9. Bố thí không phát tất cả ý người, chỉ muốn pháp không đoạn. Đó là nhận thức sai lầm.

10. Đối với khổ, vui, bất đẳng, ngôn hạnh thanh tịnh, có hai pháp. Đó là nhận thức sai lầm. Người thực hành đạo Bồ Tát, nên biết việc này, mà mau chóng xa lìa.

Phật bảo Bồ Tát A lâu, Bồ Tát Ma Đề: Nay các hàng Trời, Người trong hội này ở vào thuở xa xưa đều là người của thời Đức Phật A Ha Nậu, nay ở trước ta đều được ghi nhận. Đời trước đã ở trong sáu vạn Đức Phật thọ trì tam muội này, nay đối với tam muội này đều sẽ được ghi nhận, về sau khi giáo pháp ta tới lúc diệt, khi đó sẽ có bốn mươi vạn người, giữ gìn giáo pháp, khiến không đứt lìa. Về lâu sau, có Sa Môn ác, hoặc có người phá giới thì mới là hoại giáo pháp của ta.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những Bồ Tát nào bảo vệ giáo pháp, khiến không bị cắt đứt?

Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Bốn mươi vạn Bồ Tát đều trụ từ Địa thứ tám trở xuống, đối với giáo pháp, không có ý tưởng phiền hà, thì mới có khả năng bảo vệ giáo pháp, khiến không bị cắt đứt.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Còn những hạng người nào là phá hoại giáo pháp?

Ngưỡng mong Thế Tôn chỉ dạy cho!

Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Nếu có người chứng đắc La Hán, Bích Chi Phật, hoặc Sa Môn và hàng Trời, Người khởi ý tưởng phiền hà giáo pháp, mong cầu danh lợi, hoại loạn gốc tuệ, vọng pháp tăng giảm, trình bày lệch lạc, lấy giả làm thật, dùng biện loạn đạo, không chỉ tuệ không mà dùng để nghiêm sức.

Nghe sự chứng đắc của Phật, chí muốn vượt hơn, không biết phương tiện mà không gắng công gieo trồng đức hạnh. Những hạng như thế là pháp tặc, phá hoại đạo của ta.

Lúc đó, Trời A Tu Di, Trời Phan Na Đề, Trời Đề Lâu Ni, Trời Câu Thuộc Đề, Trời Thi Na Lợi, đều cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con trọn đời Quy Y, thọ trì giáo pháp. Ngàn, ức, vạn kiếp không có dừng nghỉ, thường khiến chúng con được tam muội này.

Đức Phật nói: Nếu người có đức phụng hành tam muội, như pháp không mất, thì mau chóng được thành Phật, trong số đó, có người phát ý, thực hành tam muội này thì cũng ví như trên Cõi Trời Nê Hoàn, có một loại báu quý nhất trong các loại báu, tối thắng nhất trong thiên hạ.

Khi nào có Đức Phật ra đời thì loại báu ấy mới xuất hiện. Báu ấy tên là Nhật tinh ma ni châu. Ai có được ngọc châu này, đem đặt vào bình hoặc sờ tay vào, thì nhìn thấy bốn mặt, muốn Trời mưa châu báu bao nhiêu ngày thì đều được như sở nguyện. Ngọc bảo châu tôn quý này, không có tham tiếc, nó sẽ mưa khắp cả Ba Cõi, khiến cho ai nấy đều được ngọc báu. Đức của tam muội này cũng lại như vậy.

Vua La Duyệt Kỳ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phật là đấng được tôn trọng nhất, là Bậc Thầy dẫn đường cho thế gian, thường có lòng đại từ cứu giúp mười phương, nguyện xin mưa châu báu xuống nước của con, khiến cho nhân dân đều được phước lợi. Vua vừa thưa xong, Đức Phật liền mỉm cười, thần quang chiếu sáng rực rỡ.

Thấy thế, A Nan liền sửa y phục, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn cười, tất có điều cần nói, con nay muốn nghe ý ấy.

Phật bảo: Này A Nan! Ông có thấy Đại Vương này không?

Đại Vương này muốn Trời Nê Hoàn mưa châu báu xuống nước La Duyệt Kỳ để cho nhân dân đều được nhiêu ích, nhưng lại không biết Bảo lai tam muội đã được báu này.

Phật dạy A Nan xong, liền bảo Vua: Này Đại Vương! Thà thấy nhân dân trăm ngày không ăn đều được an ổn, lấy pháp làm vị.

Các người nữ lại được hóa thành nam tử, lợi ích của pháp như vậy, cũng không lớn lắm sao?

Nghe Đức Phật dạy như thế, tâm Vua vui mừng, liền cởi châu báu, rải lên Đức Phật và Bồ Tát. Châu báu ấy, hóa thành tàn hoa, bay lên hư không. Khoảng cách giữa các tàn hoa đó đều phát ra trăm ngàn tiếng âm nhạc.

Thấy thế, Vua vui mừng gấp bội, quên cả ăn uống, liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tàn hoa này từ đâu mà ra?

Phật bảo: Này Đại Vương! Tàn hoa này từ không xứ mà ra.

Vua hỏi: Không xứ từ đâu mà ra?

Phật nói: Từ chỗ không khởi mà có.

Vua hỏi: Không khởi từ đâu mà có?

Phật nói: Từ không chỗ sinh mà có.

Vua hỏi: Không chỗ sinh từ đâu mà có?

Phật nói: Từ không động mà có.

Vua hỏi: Không động từ đâu mà có?

Phật nói: Từ không tạo tác mà có.

Vua hỏi: Không tạo tác từ đâu mà có?

Phật nói: Từ không danh mà có.

Vua hỏi: Không danh từ đâu mà có?

Phật nói: Từ vô sinh mà có.

Vua hỏi: Vô sinh từ đâu mà có?

Phật nói: Từ không có âm thanh mà có.

Vua hỏi: Không có âm thanh từ đâu mà có?

Phật nói: Từ không hai mà có.

Vua hỏi: Không hai từ đâu mà có?

Phật nói: Từ không hình mà có.

Vua hỏi: Không hình từ đâu mà có?

Phật nói: Từ tự nhiên mà có.

Vua hỏi: Tự nhiên từ đâu mà có?

Phật nói: Từ hóa mà có.

Vua hỏi: Hóa từ đâu mà có?

Phật nói: Từ lìa hóa mà có.

Vua hỏi: Lìa hóa từ đâu mà có?

Phật nói: Là lìa không hóa, vô tướng, biết xứ mà có.

Vua hỏi: Vô tướng biết xứ từ đâu mà có?

Phật nói: Vì đó là các pháp.

Vua nghe Đức Phật dạy, vui mừng càng tăng thêm gấp bội, liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát này đều từ phương xa đến, trưa mai, con xin kính thỉnh đến cung của con.

Đức Phật cho phép, các vị đều nhận lời.

Sau khi các vị Bồ Tát đã nhận lời, Vua liền về cung, trang nghiêm đầy đủ. Trên đường đi cho giăng màn, treo cờ phướn đẹp lộng lẫy. Các tòa trong cung đều làm bằng ngọc báu. Phu nhân, thể nữ ăn chay giữ giới, hết lòng cung kính.

***