Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Vô Cực Bảo Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ CỰC BẢO TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật đang ở tại vườn trúc La Duyệt Kỳ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo, chín mươi ức vị Bồ Tát, đều như Văn Thù Sư Lợi.

Khi ấy, đất xung quanh vườn Trúc tự nhiên mọc hoa Văn Đà Bát, có đủ màu sắc vi diệu thế gian không thể có. Mỗi hoa đều có trăm vạn cánh. Trên hoa đều có Đức Phật ngồi. Phía trên Đức Phật đều có các lọng báu đan chéo nhau, khoảng cách giữa các lọng báu lại phát ra tiếng các loại nhạc.

Trước mỗi Đức Phật đều có Bồ Tát, giống như Văn Thù Sư Lợi, ngồi thưa hỏi. Đất của vườn Trúc bằng phẳng, như cõi Tam Di Phật. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng trong Đại Thiên các cõi đều bị che khuất, không phát ra ánh sáng được.

Trong một trăm ngày, chỉ thấy Chư Phật. Các đại địa ngục đều được dừng nghỉ. Muôn loài cầm thú trăm ngày được an vui không ăn uống đều được pháp vị vì thấy Phật vui vẻ, tâm quên cả ăn uống. Tất cả nhân dân đều được pháp vị, trăm ngày an ổn, không có ý tưởng ăn uống hay ham muốn, tâm ý vui thích, phát ý vô thượng. Tất cả cây cối đều có âm thanh.

Trong vườn Trúc, hóa ra trăm ao hồ. Trong ao hồ, mọc lên mười vạn loại hoa, hoa có tòa Sư tử xen kẽ nhau và có Bồ Tát ngồi trên tòa ấy, bên cạnh đều có Trời, Người đứng hầu. Giữa các bức màn đều có vạn thứ âm nhạc. Cây khô ngàn năm, nay đều đơm hoa kết lá. Tất cả cây cối đều hướng về nhau. Các người nữ ở xung quanh vườn Trúc, được thấy Phật đều hóa thành nam tử, không có ái dục và đồng đắc pháp nhãn.

Khi ấy, Đức Phật nhập vào tam muội Bảo Như Lai, làm cảm động đến khắp chín vạn ức cõi. Bốn phương, bốn gốc, trên dưới đến Cõi Phật Vô Cực đều sai Bồ Tát, đem hoa vi diệu, đi đến vườn Trúc, đảnh lễ cúng dường, rồi ngồi qua một bên.

Thích, Phạm, Tứ vương, Ái Dục Chư Thiên cùng với quyến thuộc ở trên hư không dùng hương hoa, các loại nhạc trời để cúng dường. Các Vua rồng lớn, Vua A Tu Luân, Ca Lầu La, Chân Đà La. Ma Hưu Lặc… mỗi mỗi đều cùng với vô số quyến thuộc đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ, cúng dường.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cảm động hôm nay là ứng với điềm lành gì?

Đức Phật nói: Ứng cái điều không ứng, chính là điềm ứng này.

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nghĩa ứng cái điều không ứng là thế nào?

Đức Phật nói: Ông nên đem điều này, hỏi Bồ Tát Bảo Lai. Bồ Tát ấy sẽ giải thích nghĩa này cho ông.

Xá Lợi Phất liền hỏi Bồ Tát Bảo Lai: Thưa Nhân Giả! Điều cảm động hôm nay là điềm ứng gì?

Bồ Tát Bảo Lai trả lời: Này Xá Lợi Phất! Vì sự nghi ngờ của La Hán còn nặng, cho nên chưa hiểu. Người còn tưởng có tưởng thì chẳng phải là pháp tận, không tưởng không tác đó là Pháp Bảo.

Thuở xưa, khi tôi mới phát ý, cùng với ba mươi sáu ức người cầu đạo Bồ Tát, Thích Ca Văn cùng có trong số người ấy. Tất cả chỗ chí đều có khởi diệt, các pháp vốn không. Ví như ngựa qua bóng câu, không tưởng khởi tác.

Đem cái tác pháp này mà diệt hạnh cầu nguyện, tưởng muốn đạt được điều ấy, tự nói được đạo. Tội căn khởi tưởng, hoại diệt các tuệ, cầu Tam tôn tưởng giữ được Niết Bàn, sự nghi ngờ diệt hết thân nhưng không cắt đứt sinh tử. La Hán được Niết Bàn ví như người ngủ say, thân nằm chết giấc một lúc trên giường, mạng không lìa thân. La Hán được thiền, vẫn còn nghi nặng.

Bồ Tát Bảo Lai lại hỏi Xá Lợi Phất: Ví như Long Vương nổi mây làm mưa, bốn phía mù mịt, không biết từ đâu đến. Bồ Tát từ địa thứ chín trở xuống đều đã đạt được sáu vạn tam muội. Những việc hưng khởi của các vị, chắc chắn không có hạn lượng thì sao lại nghi là từ đâu đến!

Xá Lợi Phất nói: Vì sự học của tôi không được thiện tri thức, nên căn nghi ngờ của tôi chưa dứt. Nay nghe tôn pháp không được lợi ích gì. Ví như có người, vì trăm loài chim mà làm nhạc, nhạc tuy hòa diệu, nhưng chim lại không ghi nhận được gì. Nay tôi không hiểu pháp này cũng lại như vậy. Tất cả Bồ Tát Đại Sĩ mới tu học, nghe tam muội này, đức tôn vô lượng.

Ví như ban đêm, tạm thấy ánh lửa sáng, sau khi lửa tắt, lại bị tối tăm không thấy gì. Nay tôi cũng lại như vậy, không có ích gì cho bản thân. Xin đào hầm lửa tám ngàn dặm, rồi nhảy vào hầm ấy. Như vậy ức kiếp sau đó mới ra khỏi.

Lại rơi vào ba đường ác, bị mọi loài ăn thịt, trải qua ngàn ức kiếp sau, sinh làm người, cầu thiện tri thức, vậy có được không?

Bồ Tát Bảo Lai đáp: Lửa tuy rộng lớn, nhưng không thể thiêu đốt được tâm nhơ bẩn. Cũng như người học mà không có phương pháp, không được thiện tri thức, không được nhất thiết trí.

Bồ Tát Bảo Lai bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các pháp không chủ tể, vậy ai là người thành nhất thiết trí?

Ai thành Chánh Giác?

Đệ tử Duyên Giác cúi xin Như Lai gia đại ân mà giảng nói nghĩa ấy.

Đức Phật khen: Hay thay! Hay thay! Lời ông hỏi rất sâu sắc, có ý muốn đoạn nguồn gốc sinh tử. Ta nay vì ông mà nói, vậy ông phải ghi nhận một cách triệt để về điều đó.

Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nên thực hành chín pháp báu:

1. Thấy Chư Thiên không có xứ sở, chỉ có danh tự.

2. Thấy nhân dân ở thế gian chỉ có danh tự.

3. Thấy năm nẻo đau khổ chỉ có tập.

4. Địa, thủy, hỏa, phong cũng vốn không.

5. Quá khứ, vị lai, hiện tại như cây chuối không tưởng.

6. Hiện sinh tử không có bản tế.

7. Quán các tam muội vắng lặng, không qua lại.

8. Nên quán mọi người trong Đại Thiên các Cõi Phật không được tam muội.

9. Thấy trong Đại Thiên các cõi nước tất cả loài nhuyến động đều muốn được cứu độ để được bằng với Phật.

Đó là chín pháp báu. Người nào đạt được tưởng vô tác này, thì có thể cắt đứt tất cả đại tưởng.

Bồ Tát Bảo Lai lại hỏi: Các pháp là vô tưởng, vậy nên trụ vào đâu để được không chỗ trụ?

Đức Phật nói: Các pháp không trụ, nếu trụ tức là tưởng. Nếu niệm không khởi, thì chẳng phải tưởng, chẳng phải đạo, cũng là cắt đứt ý tưởng, cầu vô tưởng được trụ vô trụ.

Bồ Tát Bảo Lai lại hỏi: Nên hành theo duyên nào để vượt qua các dục?

Đức Phật nói: Các dục không nhơ bẩn, không vượt qua, không chủ tể, không qua, không lại, quán như hư không, ngang bằng với Niết Bàn không có tên gọi.

Bồ Tát Bảo Lai lại khen ngợi: Hay thay! Hay thay! Thật là sâu sắc vi diệu.

Bồ Tát Bát Thí bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát muốn được ngồi dưới cây Phật, trang nghiêm các cõi, hướng dẫn, dạy dỗ, mười phương, khiến các Cõi Phật như vườn trúc hôm nay và tất cả đều đạt được Vô sở tùng sinh.

Vậy phải tu pháp nào để đạt được như thế?

Đức Phật nói: Này Bát Thí!

Nên thực hành tám pháp ngay thẳng:

1. Ngay thẳng với tiếng vang vô danh.

2. Ngay thẳng với âm thanh vô danh.

3. Ngay thẳng quán Cõi Phật trong mười phương, bình đẳng không có hai.

4. Ngay thẳng thấy pháp trong Cõi Đại Thiên bình đẳng, không khác.

5. Ngay thẳng quán mười phương tất cả dục, khiến ngang bằng Phật.

6. Ngay thẳng đối với vô hình, thấy tất cả không có khởi diệt.

7. Ngay thẳng thấy nhập vào các tam muội, không có tưởng báo ứng qua lại.

8. Ngay thẳng thấy mười phương Chư Phật vui Niết Bàn và không vui Niết Bàn, là bằng nhau không khác.

Đó là tám pháp. Từ pháp này, Bồ Tát mau chóng được pháp nhẫn vô sở tùng sinh, hướng dẫn, dạy dỗ mười phương được như vườn Trúc hôm nay.

Bồ Tát Bảo Lai lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay các vị Thượng Nhân đều từ xa đến diện kiến Đức Thế Tôn, vui mừng quên ăn, mới được nghe tam muội tối tôn này. Đó cũng là nhờ phước bản nguyện thuở xưa, nên mới được như thế.

Đức Phật nói: Cũng không phải bản nguyện, cũng không lìa bản nguyện. Luôn thực hành tinh tấn để không mất các tam muội. Luôn theo thiện tri thức để lìa xa các việc. Vắng lặng, không dự vào các chúng hội. Ý chỉ tại tam muội. Thế nên mưa châu báu xuống chúng hội.

Bảo Lai lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát mới phát ý, muốn thực hành tam muội này, vậy nên thực hành cách nào mới được?

Đức Phật nói: Này Bảo Lai! Nên thực hành tám pháp báu, sẽ được tam muội này.

1. Được tam muội này, ngay trước Đức Phật.

2. Cúng dường La Hán Chân nhân trong mười phương, ức kiếp tu hành pháp Bồ Tát, không biếng nhác. Nhất thời, nghe pháp tam muội tôn quý này, thân cận, trình bày, phụng thờ, không xa lìa.

3. Cúng dường Xá Lợi, xây nhiều bảo tháp, gieo trồng phước đức, không có khiếm khuyết. Đối với pháp vô ích, thì nhất thời, chuyển đổi ý tu hành, hướng đến tuệ môn.

4. Được bốn Vô sở úy, không có chỗ xa lìa sinh tử trong mười phương.

5. Bồ Tát thấy năm nẻo khổ sở, phát ý muốn độ họ, dù có chết cũng phải cứu giúp, không coi việc đó là khó, lại muốn làm cho các chúng sinh đó, được an ổn, đạt đến Phật đạo.

6. Bồ Tát thờ người như kẻ nô tỳ thờ đại phu quý trọng, muốn độ các chúng sinh đó không cho là khổ.

Vì sao?

Vì biết chân như.

7. Bồ Tát quán thấy, chín mươi sáu thứ ngoại đạo, ở trong giác tri, muốn khởi pháp trụ.

8. Phụng hành sáu pháp Ba la mật, cúng dường Tỳ Kheo tăng, trải qua ức vạn kiếp, không bằng một lúc nghe tam muội này.

Trong mười phương, nếu có ai thành Phật thì lấy gì làm chứng?

Nghe tam muội này, liền chứng biết người ấy được thành Phật. Nếu có người phát ý, hướng đến tam muội này, hoan hỷ tin vui, trí tuệ hiểu biết là đã hiểu sáu vạn tam muội.

Đó là tám pháp báu. Ai hành trì tam muội này, liền được môn Đà lân ni.

Lúc đó, Đức Phật mỉm cười rạng rỡ, ánh sáng chiếu khắp nơi.

Văn Thù Sư Lợi đảnh lễ, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Thế Tôn mỉm cười không có hư dối, hễ cười tức là có ý.

Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Nên xét kỹ lời ta nói.

Lúc đó, Bồ Tát Bảo Lai từ Cõi Phật Bảo Như Lai đến, cách thế giới này chín ức vạn Cõi Phật. Nước ấy tên là Chư pháp tự nhiên. Thiện nam, thiện nữ ở cõi ấy, vãng sinh không từ bào thai, không bị đau khổ, không có ân ái đều sinh ra từ hoa hương tự nhiên, sinh ra liền đứng vững, không cần bú mớm. Sớm chiều vui thích với tiếng nhạc, trong sạch, vắng lặng dùng làm Tăng pháp.

Nếu thiện nam, thiện nữ nào nghe tam muội này, thì khử trừ tội lỗi trong sáu trăm bốn mươi vạn kiếp, tội hết, mạng chung được vãng sinh đến nước ấy. Cõi Phật Bảo Như Lai, không thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng mặt trời, mặt trăng tuy có nhưng bị che lấp, không hiện.

Nếu người được vãng sinh, thì mặt trời, mặt trăng, các sao liền xuất hiện. Khi thấy mặt trời, mặt trăng, các sao phát ánh sáng, tức là biết có người sẽ vãng sinh. Nhưng các Thanh Văn thì không thể biết được việc này, chỉ có Phật Thế Tôn, Bồ Tát Thần Thông mới biết. Vì lý do đó, cho nên ta mỉm cười.

Hiền Giả Tu Bồ Đề và Xá Lợi Phất đều đảnh lễ Đức Phật, rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn ban cho ân lớn, trợ giúp oai thần, cho chúng con được đến cõi Chư pháp tự nhiên ấy để đảnh lễ, cúng dường, chốc lát rồi trở về.

Đức Phật cho phép hai Hiền Giả đến nước ấy. Khi hai Hiền Giả đến cõi đó thì đều thấy những cảnh tượng, không khác gì thành Laduyệt kỳ, cũng có vườn Trúc, Thích Ca Văn Phật.

Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Lúc chúng ta đi, Đức Như Lai có theo đến không?

Tu Bồ Đề, Xá Lợi Phất đảnh lễ xong liền trở về, về đến nơi, thấy chúng hội cũng tiếp tục như cũ.

Đức Phật hỏi Xá Lợi Phất: Vừa rồi, ông đến cõi ấy thấy được những gì?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Những gì con thấy đều giống như ở đây.

Công đức của Chư Phật thật là sâu dày! Rất sâu dày! May mắn thay, chúng hội được thấy việc này.

Bồ Tát Tam Di, từ chỗ ngồi, đứng dậy, sửa sang y phục, đảnh lễ sát chân Phật, xin được hỏi: Bạch Thế Tôn! Pháp vô sinh, có tưởng hay không tưởng?

Tưởng chưa khởi có biết hay không biết Niết Bàn. Vắng lặng, có định hay không định Niết Bàn.

Không khởi có hình, không thiết lập vô hình, nhưng lại dạy dỗ trong khoảng thời gian ấy, sinh tử năm nẻo, ai là chủ tể?

Đức Phật nói: Này Tam Di! Các pháp vốn không, tất cả trong sạch, do nhân duyên khởi diệt, cho nên sinh ra các pháp. Do không tạo không, vốn không chủ tể.

Bồ Tát Tam Di nghe Đức Phật dạy, các trời và người gồm tám vạn sáu ngàn, đều được pháp nhẫn vô sở tùng sinh, bay lên hư không, cách đất một trăm sáu mươi trượng, rồi trở xuống, đảnh lễ sát chân Đức Phật. Lúc này, mặt đất của Tam Thiên Đại Thiên cõi nước chấn động mạnh.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vừa rồi mặt đất chấn động mạnh đó là ứng hiện điềm lành gì?

Đức Phật bảo: Này Di Lặc! Nay không riêng gì ở đây đất chấn động, mà khắp cả mười phương các cõi cũng đều chấn động. Các cõi, cũng có tám vạn sáu ngàn Trời, Người được vô sở tùng sinh, trụ tại hư không, cùng đều như thế!

Bồ Tát Di Lặc lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát làm sao để được pháp nhẫn vô sở tùng sinh?

Đức Phật nói: Này Di Lặc! Có sáu pháp để được pháp nhẫn này:

1. Biết trời và người sẽ được thành Phật. Nếu ai chưa được ghi nhận thì ta sẽ đến đó ghi nhận cho họ, nhưng Trời, Người trong mười phương thì không thể biết.

2. Trong Đại Thiên cõi nước, nếu thiện nam, thiện nữ nào sẽ được thành Phật mà chưa được ghi nhận thì ta sẽ đến ghi nhận cho người đó. Nhưng Trời, Người trong mười phương thì không biết được việc ấy.

3. Người trong các Địa Ngục, sẽ được thành Phật, ta sẽ đến đó ghi nhận cho những người ấy. Nhưng Trời, Người trong mười phương thì không biết được việc đó.

4. Người trong mười phương lúc chết cũng như nơi sinh ra, ta đều biết việc đó. Nhưng Trời, Người trong mười phương thì không thể biết được.

5. Tuổi thọ của Trời, Người trong mười phương hết, ta đều biết. Nhưng Trời, Người trong mười phương thì không thể biết.

6. Chư Phật trong mười phương thủ Niết Bàn hay không thủ Niết Bàn ta đều biết. Nhưng Trời, Người trong mười phương, lại không biết.

Đó là sáu pháp mau chóng được pháp nhẫn vô sở tùng sinh.

***