Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Vô Hy Vọng

PHẬT THUYẾT KINH VÔ HY VỌNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN BỐN
 

Thuyết bố thí được giàu

Trì giới sinh lên Trời

Không có chỗ chứng đắc

Đây mới đạo vô thượng

Người mê do điên đảo

Vọng tưởng có chỗ cầu

Ta sẽ chứng pháp nhẫn

Không sinh không tạo nghiệp.

Không có pháp để sinh

Tâm không nghĩ sự sinh

Chứng pháp nhẫn không khó

Không trải ngàn ức kiếp.

Giả nói có tên pháp

Các pháp không tạo tác

Vốn không có chỗ trú

Tưởng đều như hư không.

Vô số ức Chư Phật

Tuyên thuyết pháp tối thượng

Khiến diệt tham, sân, si

Các pháp không cùng tận.

Giả sử pháp có thật

Sẽ quay về một thể

Vì pháp không thật có

Vì thế không thể chứng.

Vô lượng tham, sân, si

Chấp giữ không giới hạn

Giả không có bờ mé

Thì không có nguồn gốc.

Hạt giống không có mầm

Nhờ đâu sinh hoa thật

Giả như không có lá

Duyên gì sẽ có hoa.

Không có pháp để sinh

Thì không có loài người

Chúng sinh không chúng sinh

Không sinh cũng không diệt.

Giống như người dâm nữ.

Thì họ không có con

Do người không có con

Nên chẳng lo có con.

Hiểu biết rõ như vậy

Các pháp không chỗ sinh

Người liền không kinh sợ

Xoay vòng khổ sinh tử.

Mê bị hư dối lừa

Không hiểu pháp như huyễn

Gánh giữ lấy hư không

Nhàm chán pháp Thánh thiện.

Nếu biết rõ pháp này

Vô lượng không giới hạn

Vô số không thể lường

Như thế không nhàm chán.

Đức Phật nói bản tế

Tuyên dương không bờ mé

Tận vị lai cũng vậy

Bên trong là một tướng.

Không có tưởng là có

Vô tế tưởng hữu tế

Hư vô không cùng tận

Ta đã hiểu nghĩa này

Thì hiểu không có hai.

Thực tướng của hư không

Người đời không thể bàn

Cõi này…vốn vô hình

Tuệ người không hiểu rõ.

Bởi vì theo vọng tưởng

Do đây tâm thoái chuyển

Phải diệt lưới vọng tưởng

Duyên gì sẽ thành Phật.

Chánh giác không có tưởng

Đó là không chỗ chứng

Các pháp không chỗ sinh

Người mê muốn thành tựu.

Hư không không thể nắm

Và không có xứ sở

Hư không không nơi trú

Vô vi vô hình tượng.

Như nói giữa hư không

Hiểu đạo cũng như vậy

Như thông tỏ về đạo

Hiểu chúng sinh cũng vậy.

Cõi chúng sinh, hư không

Đều bình đẳng như nhau

Có thể hiểu điều này

Thành Phật đạo không khó.

Không tinh tấn cầu thoát

Không chạy theo nhớ, nghĩ

Không mong cầu các pháp

Thành Phật đạo không khó.

Đạo lìa các mong cầu

Diệt tất cả thề nguyện

Tâm không giữ mong cầu

Đạo Chư Phật tối thượng.

Bố thí tâm tự nghĩ

Nhờ đó được chứng đạo

Đạo là không chỗ đắc

Vô thượng không quả chứng.

Tâm thường giữ giới cấm

Nghĩ tinh tấn có thật

Không vâng lời Phật dạy

Muốn mong cầu quả báo.

Không siêng tu các pháp

Lại hiện ra tinh tấn

Người không có thực hành

Đây là độ tinh tấn.

Nếu khởi tưởng như vậy

Pháp này không các lậu

Pháp kia nhiễm lậu hoặc

Tâm ấy không tùy thuận.

Giảng thuyết không nhớ pháp

Giảng pháp như hư không

Không trói cũng không mở

Tuệ này là vô thượng.

Người mong cầu giữ giới

Cũng tưởng người phạm giới

Cả hai đều phạm giới

Không phạm giới tối thượng.

Các pháp không có khác

Không tưởng, không thù thắng

Hiểu rõ không kiến chấp

Đây hành lời Phật dạy.

Tâm kia không chỗ sinh

Ví như giữa hư không

Đều hiểu rõ như vậy

Mới là tâm vắng lặng.

Người không còn vọng tưởng

Tất cả không chỗ nghĩ

Tâm không, không chỗ sinh

Chứng Phật đạo không khó.

Người không bị tham dục

Không vì dục sai khiến

Tham tức không chỗ sinh

Chứng Phật đạo không khó.

Nếu không chán kiếp số

Không sợ ức luân chuyển

Chẳng lo nạn sinh tử

Chứng Phật đạo không khó.

Khi Đức Phật thuyết bài kệ này xong, lại bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu có Bồ Tát, phàm phu, hết lòng tin Kinh này, nghe không nghi ngờ, không do dự, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết đầy đủ nghĩa lý cho người khác, thì hiện tại sẽ đạt được hai mươi công đức.

Hai mươi đó là:

1. Chư Thiên thần linh đều ở hai bên trái, phải.

2. Được các đại Long Thần đến giúp đỡ.

3. Các quỷ thần lớn đều bảo vệ.

4. Tâm thường an ổn chư từng bị tán loạn.

5. Sinh vào nơi làm người đứng đầu trong chúng tôn kính.

6. Đời đời ở đâu cũng thường biết được đời trước của mình.

7. Sinh ở nơi nào đều đạt được năm thần thông.

8. Nhanh chóng chứng đắc pháp nhẫn và tương lai sẽ gặp Bồ Tát Di Lặc.

9. Thường tinh tấn tu tập những pháp căn bản của Kinh này, tâm ý bớt ngủ nghĩ, mệt mỏi.

10. Khi nằm ngủ thường thấy được Chư Phật và Bồ Tát ở trong mộng.

11. Do hết lòng tin tưởng Kinh này nên mau chóng chứng pháp nhẫn nhu thuận.

12. Nếu thọ trì những căn bản của Kinh này thì hiện tại trừ bỏ được tranh cãi.

13. Nếu đi gặp loài côn trùng, rắn, hổ, độc hại mà nhớ nghĩ Kinh này thì hoàn toàn không lo sợ.

14. Nghĩ đến Kinh này là hàng phục được oán thù hiềm ghét.

15. Chuyên tu Kinh này liền chứng được Tam Muội Phổ quang.

16. Khả năng hiểu rõ Kinh này thì nên biết diệt trừ tất cả tội.

17. Giảng thuyết Kinh này thì đạt được trăm ngàn pháp môn không thể tính kể.

18. Đời đời được an trú không mất bản tâm.

19. Sinh ở chỗ nào thường diện kiến Phật, chứng được vô lượng pháp môn Tổng trì. Vị ấy suy nghĩ về Kinh này thì các Ma Ba Tuần chưa từng xuất hiện, mà cũng hiện thân trước Phật.

20. Suy nghĩ về Kinh này thì sự mong cầu chắc chắn thành tựu. Loài côn trùng độc hại hai chân, ba chân, bốn chân đều giúp đỡ. Hoặc có phi nhân muốn đến đe dọa. Vua, quần thần, phi thi, ác quỷ muốn đến dọa thì tự nhiên giúp đỡ không còn xâm phạm.

Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Đây là hai mươi pháp công đức. Pháp Sư, Tỳ Kheo nghe Kinh này, vui mừng hết lòng tin tưởng mà không còn nghi ngờ, do dự, nếu thọ trì đọc tụng ghi nhớ trong tâm, suy nghĩ phân biệt rõ mà giảng thuyết cho người khác được công đức như vậy.

Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Ví như cây thuốc gọi là Phổ liệu, chữa lành tất cả bệnh tật Kinh này cũng như vậy, chữa trị tất cả bệnh dâm, nộ, si và tai họa của các tưởng.

Đức Phật khen Văn Thù Sư Lợi: Đúng như lời ông nói không khác! Kinh này thật là đoạn trừ năm ấm, sáu trần, ba độc, năm cái, mười hai nhân duyên, chín mươi sáu ngoại đạo, sáu mươi hai tà kiến của chúng sinh.

Vì sao?

Vì ở trong đời quá khứ vô lượng kiếp số không thể tính kể, quá hơn số kiếp này, kiếp ấy có một Đức Phật Hiệu là Nhạo Sư Tử Bộ đã ở trong đại chúng, có vô lượng vô số nhân dân mà giảng thuyết Kinh này.

Khi Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác Nhạo Sư Tử Bộ thuyết thì có một vị Bồ Tát tên Kim Cang Tràng đã nghe Đức Phật giảng Kinh này, tâm Bồ Tát không còn nghi ngờ do dự, liền thọ trì tu tập công đức này, đọc tụng thọ trì hết lòng tin tưởng, giữ gìn thường không rời tâm.

Bồ Tát đi vào quận, huyện, thôn xóm, thành thị nước nhỏ, nước lớn, ai thấy đều vui mừng, cùng nhau nói vị lương y đến chữa trị bệnh cho chúng ta, một lòng tin tưởng vui mừng. Lúc đó, có trăm ngàn người cùng tụ tập đi đến chỗ Bồ Tát Kim Cang Tràng đều mong cầu cứu giúp.

Khi ấy, Bồ Tát vì thấy lòng tin tưởng của họ mà thương xót, dùng Thần Chú của Kinh này bảo với mọi người trì tụng câu Thần Chú trong Kinh này thì sẽ được an ổn.

Văn Thù Sư Lợi lại thưa hỏi: Câu Thần Chú này là gì?

Liền nói chú: Không có điều gì làm khuất phục. Xa lìa tà vạy. Trì giới luật. Khéo độ thoát. Không có thật. Không có xứ sở. Lìa mê hoặc. Cao như hư không. Mênh mông huyễn hóa. Không sinh. Không thể chứng đắc. Từ bi vô hạn. Thương tất cả chúng sinh. Yêu mến mọi loài. Mong cầu Kinh Điển. Nghĩa tinh tấn. Không ai xâm phạm. Đây là Thần Chú.

Đây là câu Thần Chú sẽ bảo vệ chúng sinh, nếu bị khổ não đến nỗi quẩn bức, đau khổ, tai họa không thể tả, bao nhiêu bệnh tật đều được diệt trừ. Chư Thiên, Rồng, Thần cùng với Phi nhân đều ôn hòa, diệt trừ các loài độc như, trăn, cọp, muỗi, ruồi, sâu, ong. Người thích đọc tụng Kinh này thì không còn mắc phải những bệnh mụt ghẻ, bệnh hủi hoặc bị nước cuốn đều được vớt lên.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Khi Bồ Tát Kim Cang Tràng an trú trong Kinh này làm cho chúng sinh lành tất cả bệnh, được an lạc.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông nghĩ sao?

Khi đó Bồ Tát Kim Cang Tràng là người khác hay quán Kinh khác chăng?

Vì sao?

Vì Bồ Tát hiện tại chính là thân ta. Ta ở trong đời đó thọ trì Kinh này, hết lòng ưa thích, đọc tụng giáo hóa làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Do đó, Văn Thù Sư Lợi nên quán tưởng Kinh này như là cây thuốc trị bách bệnh.

Văn Thù Sư Lợi thưa hỏi: Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát lãnh thọ nghĩa lý câu Thần Chú này thì thọ trì, đọc tụng phải làm thế nào?

Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát thọ trì, đọc tụng câu Thần Chú này thì người ấy phát tâm thọ trì Kinh này, lại không ăn thịt, không dùng hương dầu xoa ướp vào thân mình, thường đem lòng từ bi thương yêu chúng sinh, làm lợi ích cho tất cả như cây Phổ dược, thường gần gũi bậc nhất thiết trí, các thần thông, trí tuệ khiến không còn khổ não, tai họa được an lạc.

Nếu ai đọc tụng Kinh này thường được thanh tịnh hòa nhã, tâm người ấy không làm việc ô uế. Khi tụng Kinh này, quét sạch hết đất, không còn dơ cấu, được an vui.

Văn Thù Sư Lợi lại thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát đọc tụng Kinh này thì bỏ hết tham ái không tiếc thân mạng, bỗng nhiên như vô hình, như thế là đúng theo lời dạy của Thế Tôn.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Đúng như lời ông nói! Chỉ là một không có khác.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Hiền Giả A Nan: Này A Nan! Ông thọ trì, đọc tụng Kinh này làm tăng thêm lợi ích cho vô số chúng sinh. Kinh này được lợi ích vô lượng.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nguyện xin lãnh thọ, sẽ thọ trì đúng lời dạy của Thánh Tôn, giảng thuyết như Đức Phật.

Đức Phật nói: Lành thay, lành thay! Hiền Giả A Nan! Ông thọ trì, đọc tụng Kinh này vì chúng sinh bố thí, làm Phật Sự.

Đức Phật dạy như thế rồi, Hiền Giả Xá Lợi Phất, A Nan, Văn Thù Sư Lợi, Chư Thiên, Người, A Tu La, Rồng, Quỷ Thần đều nghe Đức Phật thuyết giảng, tâm vui mừng, đảnh lễ rồi lui ra.

***